khẩu ở Việt Nam
Như đã phân tích ở Chương 1, pháp luật về bảo hiểm TDXK là một bộ phận trong pháp luật về KDBH. Do đó, định hướng hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cũng chính là định hướng hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm TDXK. Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã chỉ ra định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm TDXK. Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 193/QĐ – TTg ngày 15/02/2012. Mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, bảo đảm thực
hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các chủ thể trong xã hội, tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kinh doanh bảo hiểm và thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực [49].
Để thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, một trong những mục tiêu cụ thể mà Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đề cập là xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Để xây dựng cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm theo yêu cầu nêu trên, trước tiên phải bằng giải pháp hoàn thiện hệ thông pháp luật về kinh doanh bảo hiểm theo lộ trình 2 giai đoạn là 2012 – 2015 và 2016 – 2020.
Trong giai đoạn 2012 – 2015, mục tiêu chủ yếu của quá trình hoàn thiện pháp luật sẽ là:
- Ban hành các quy định phù hợp với tình hình phát triển của thị trường bảo hiểm và chuẩn mực quản lý, giám sát bảo hiểm quốc tế, đó là việc xây dựng các quy định nhằm chuẩn hóa điều kiện và quy trình phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực phân phối sản phẩm bảo hiểm, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu giám sát bảo hiểm phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
- Thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
- Sửa đổi các quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu chủ yếu của quá trình hoàn thiện pháp luật sẽ là:
- Sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi, bổ sung năm 2010) hiện hành với phạm vi điều chỉnh rộng hơn theo hướng liên kết đồng bộ giữa thị trường bảo hiểm và các bộ phận khác của thị trường tài chính.
- Ban hành các quy định về quản lý rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các quy trình quản trị rủi ro.
- Ban hành quy định chặt chẽ về công khai và minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm tần suất công khai, các loại thông tin công khai và mức độ chi tiết hóa của thông tin được công khai.
Việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm TDXK cần bám sát những quan điểm trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2020. Đó cũng là định hướng để tác giả đưa ra những kiến nghị ở phần 3.3.