Những yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. (Trang 61)

4.3.1.1 Quan niệm của xã hội

Quan niệm của xã hội vẫn còn là một rào cản lớn đối với phụ nữ trong quá trình thể hiện vai trò của mình. Xã hội ngày càng phát triển, đồng thời với đó là những quan niệm không phù hợp sẽ bị đẩy lùi. Tuy nhiên vẫn có nhiều quan niệm về vấn đề bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ vẫn còn tồn tại. Vấn đề này dường như vẫn còn nặng nề và phụ nữ luôn là người chịu thiệt. Nhiều người đàn ông vẫn còn cho rằng việc nội trợ, chăm con, giặt giũ là của đàn bà. Còn mình thì làm những việc to lớn bên ngoài xã hội. Chính những suy nghĩ, quan niệm đó đã làm cho phụ nữ mất đi cơ hội được thể hiện mình và ngày càng phụ thuộc hơn vào người chồng.

Quan niệm bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trong vấn đề học tập, nâng cao trình độ của phụ nữ. Người vợ luôn toàn tâm toàn ý mong muốn chồng mình thành đạt. Vì vậy mà họ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, ủng hộ hết mình vì chồng. Khi chồng đã thành đạt, người vợ muốn nâng cao trình độ, muốn tiếp tục nghiên cứu thì cơ hội đã không còn hoặc do vướng bận con cái, do tuổi tác nên không thể tiếp tục học tập, nghiên cứu. Do đó mà người vợ luôn phải chịu thiệt thòi hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chồng không muốn cho vợ học tập nâng cao trình độ vì như thế vợ sẽ có trình độ cao hơn mình, người ngoài nhìn vào sẽ không hay. Cho nên việc học tập, nghiên cứu của phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn.

Bất bình đẳng sẽ luôn tồn tại khi mà nhiều gia đình vẫn muốn có con trai, thích con trai hơn con gái. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ tới con cái trong gia đình mà còn ảnh hưởng tới cả xã hội. Mặc dù pháp luật đã quy định bình đẳng giữa con trai và con gái nhưng nhiều gia đình vẫn rất coi trọng chuyện có con trai hay không. Đặc biệt, trong phân chia tài sản, con trai luôn được nhiều hơn vì hay quan niệm rằng con gái là con của người ta, con trai mới là người chăm sóc cho mình khi về già. Do đó mà việc phân biệt con trai và con gái vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại.

4.3.1.2 Khả năng tiếp cận thông tin

Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu hướng tới khi xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đây là điều rất khó đạt được trong khi quan niệm

xã hội vẫn còn và nhận thức của nam giới và phụ nữ về bất bình đẳng giới vẫn còn chưa tốt.

Nhiều nam giới chưa nhận thức được vai trò to lớn của người vợ trong gia đình, vẫn cứ cho rằng những công việc như nấu cơm, quét nhà, rửa bát… là việc mà phụ nữ đương nhiên phải làm. Do đó mà họ không chia sẻ cùng vợ những công việc đó. Người vợ vừa làm việc tạo thu nhập, vừa chăm lo việc nhà nên ít có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Do thời gian nghỉ ngơi ít ỏi nên phụ nữ ít được cập nhật thông tin về thị trường, về xã hội…, ít biết đến những kỹ thuật tiến bộ, ít có điều kiện tiếp cận các kênh thông tin. Mặc dù số phụ nữ xem ti vi đã tăng lên nhưng họ chủ yếu là xem phim, các kênh giải trí chứ những kênh truyền hình phổ biến kiến thức, KHKT… họ lại ít xem. Điều đó làm cho phụ nữ hạn chế trong việc tiếp cận thông tin để nâng cao trình độ. Từ đó mà phụ nữ không thể phát huy hết khả năng của mình trong cả sản xuất và đời sống.

4.3.1.3 Sự giúp đỡ của chồng trong công việc gia đình

Phụ nữ là người đảm nhiệm chính trong những công việc gia đình như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm con học hành… Đó tưởng chừng là những công việc đơn giản nhưng lại tốn nhiều thời gian và công sức. Người vợ không chỉ làm những việc nhà đó mà còn làm việc tạo thu nhập cho gia đình, cho nên giải quyết làm sao cho hài hòa giữa công việc và gia đình là việc hết sức quan trọng. Để phụ nữ có thể làm tốt điều đó cần phải có sự động viên, an ủi của người chồng và đặc biệt là sự giúp đỡ của chồng trong những công việc gia đình. Những người chồng yêu thương, quan tâm tới gia đình sẽ biết cách nào là tốt nhất làm nên hạnh phúc gia đình vì họ hiểu được những tần tảo, những vất vả của vợ, họ biết được người vợ có vai trò quan trọng như thế nào trong gia đình. Vì vậy mà khi đi làm về, thay vì chơi thể thao, xem ti vi thì họ có thể cùng vợ chuẩn bị bữa tối. Đó là hành động đơn giản nhưng lại mang đến niềm vui nho nhỏ cho người vợ và là nền tảng cho gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, những người chồng thấu hiểu và giúp đỡ vợ như vậy là tương đối ít. Vì vậy mà phụ nữ càng thêm vất vả, nhiều khi họ không thể cân bằng giữa công việc và gia đình, từ đó mà hiệu quả công việc không cao và còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ.

Những khó khăn của phụ nữ khi không được chồng giúp đỡ

4.3.1.4 Chủ trương, chính sách của Đảng

Xã hội ngày càng phát triển, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Nước ta cũng đã có nhiều chính sách, chương trình nhằm đạt được bình đẳng giới nhưng trên thực tế thì vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn khi mà nhiều người còn có những quan niệm mang nặng tính bất bình đẳng giới. Tuy nhiên thì vẫn còn có chính sách mà chưa thiết thực đối với chị em. Cụ thể:

* Chính sách dân số: Kế hoạch hóa gia đình đã được tuyên truyền rộng rãi đến các gia đình trong xã. Tuy nhiên, đối tượng chính mà chương trình này hướng tới lại là phụ nữ. Trong khi việc quyết định sinh con lại phụ thuộc vào cả 2 vợ chồng, nhiều khi lại phụ thuộc vào người chồng nhiều hơn vì có người muốn có con nối dõi. Do đó mà đối tượng hướng tới của chương trình này đã có sự chênh lệch, do đó mà có thể hiệu quả chưa cao.

* Chính sách tín dụng: Các tổ chức đoàn thể ở xã cũng đã có chương trình cho các hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh mà không cần thế chấp và vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên số vốn vay được từ những nguồn này lại thấp và theo từng đợt nhất định. Do đó mà đa số các hộ đều vay vốn ở ngân hàng. Vay ở ngân hàng có được số vốn nhiều hơn, vấn đề là phải có tài sản thế chấp (thường là đất đai). Vì thế mà việc vay vốn của phụ nữ khó khăn hơn nam giới.

Một phần của tài liệu Vai trò của phụ nữ dân tộc trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. (Trang 61)