Tổng số tinh trùng hoạt động tiến thẳng của tất cả các lần

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP Chuyên ngành Chăn Nuôi về ĐÁNH GIÁ BÒ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRIESIAN NUÔI TẠI MONCADA THÔNG QUA SỐ, CHẤT LƯỢNG TINH DỊCH VÀ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT SỮA CỦA CON GÁI-LÊ BÁ QUẾ (Trang 79)

tinh đạt tiêu chuẩn sản xuất/ năm (VAC hữu ích)

VAC hữu ích là tổng số tinh trùng sống và hoạt động tiến thẳng trong tất cả các lần khai thác tinh đạt tiêu chuẩn sản xuất của mỗi bò đực giống/ năm. Để phân loại bò đực giống HF qua chất lượng tinh, tổng số tinh trùng hoạt động tiến thẳng hữu ích (VAC hữu ích) là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh một cách đầy đủ và chính xác nhất từ chất lượng tinh, số lượng tinh có thể sản xuất được nhiều hay ít và hiệu quả của từng bò đực giống trong sản xuất tinh đông lạnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi tất cả các bò đực giống đều có số lần khai thác tinh giống nhau (mỗi bò đực khai thác 96 lần/năm), nhưng số lần VAC đạt tiêu chuẩn là khác nhau. VAC hữu ích được tính bằng tổng của tất cả VAC/lần khai thác tinh đạt tiêu chuẩn/năm. Kết quả VAC hữu ích của bò đực giống HF được trình bày tại bảng 3.8.

Qua kết quả thu được về VAC hữu ích của 9 bò đực giống HF trong nghiên cứu này cho thấy chất lượng tinh của bò đực giống HF 276 là tốt nhất (xếp số 1), tiếp theo là bò 288, 283, 286, 284, 277, 285, 281 và xếp cuối cùng là bò đực số 275.

70

Bảng 3.8: VAC hữu ích của bò đực giống HF (tỷ)

SHĐG n ∑ VAC Xếp thứ 276 93 634,167 1 288 89 630,298 2 283 83 549,460 3 286 87 543,663 4 284 81 483,894 5 277 56 322,560 6 285 53 291,553 7 281 44 255,992 8 275 45 243,990 9

3.3.3. Chất lượng và khả năng sản xuất tinh đông lạnh của bò đực giống HF 3.3.3.1. Hoạt lực tinh trùng sau giải đông

Hoạt lực tinh trùng sau giải đông (Asgđ) là tỷ lệ tinh trùng sống và hoạt động tiến thẳng trong tinh đông lạnh sau khi giải đông là chỉ tiêu rất quan trọng để đánh giá chất lượng tinh đông lạnh. Tinh dịch bò sau khai thác đạt tiêu chuẩn theo quy định được chế biến, chia liều, đông lạnh và bảo quản trong ni tơ lỏng -196oc. Trước khi đưa vào bảo quản và cung cấp cho công tác TTNT, cần thực hiện giải đông bằng cách ngâm cọng tinh đông lạnh trong nước có nhiệt độ 37oC, trong thời gian 30 giây, sau đó lấy tinh dịch đã giải đông, đánh giá hoạt lực tinh trùng sau giải đông.

Hoạt lực tinh trùng sau giải đông là một chỉ tiêu quan trọng quyết định lần sản xuất tinh đông lạnh của một bò đực nào đó có đạt tiêu chuẩn hay không. Nếu Asgđ ≥40% thì đạt tiêu chuẩn và được giữ lại, bảo quản và cung cấp cho thụ tinh nhân tạo ở bò, còn Asgđ<40% thì tinh đông lạnh của lần sản xuất đó không đạt tiêu chuẩn và bị loại thải.

71

Hoạt lực tinh trùng sau giải đông là một chỉ tiêu quan trọng quyết định để đánh giá khả năng sản xuất tinh đông lạnh của bò đực giống. Nếu tỷ lệ Asgđ đạt tiêu chuẩn càng cao thì khả năng sản xuất tinh đông lạnh của bò đực giống đó thường cao và ngược lại.

Kết quả nghiên cứu về hoạt lực tinh trùng sau giải đông trong tinh đông lạnh của bò đực giống HF được trình bày tại bảng sau:

Bảng 3.9: Hoạt lực tinh trùng sau giải đông tinh đông lạnh của bò HF

SHĐG n Mean SE Cv(%) Min Max

276 93 43,13c 0,38 8,52 35 50 288 89 42,47bc 0,40 8,89 35 50 283 83 41,63b 0,45 9,95 30 45 286 87 41,12ab 0,50 11,34 30 45 284 81 40,86ab 0,37 8,15 30 50 285 53 40,38a 0,23 4,16 35 45 275 45 40,16a 0,34 5,68 30 45 281 44 40,11a 0,34 5,62 35 45 277 56 40,00a 0,31 5,81 35 45 TB 631 41,34 0,143 8,69 - -

Ghi chú: Các giá trị Mean nếu có các chữ cái nhỏ ở góc phải phía trên khác nhau thì sự sai khác giữa chúng có ý nghĩa về thống kê (p<0,05).

Qua kết quả thu được cho thấy hoạt lực tinh trùng sau giải đông trong tinh đông lạnh của bò đực số hiệu 276 đạt cao nhất, đạt 43,13%, tiếp theo là các bò đực 288, 283, 286, 284, 285, 275, 281 và thấp nhất là bò đực 277, chỉ đạt 40%.

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng tinh dịch đạt tiêu chuẩn đưa vào chế biến sản xuất tinh đông lạnh, phần lớn những bò đực có trung bình hoạt lực tinh trùng cao thì hoạt lực sau giải đông cao. Tuy nhiên, cũng có bò đực có hoạt lực tinh trùng cao, nhưng hoạt lực tinh trùng sau giải đông lại thấp

72

hơn. Cụ thể trong nghiên cứu của chúng tôi, tinh dịch đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất tinh đông lạnh, hoạt lực tinh trùng của một số bò đực xếp từ cao xuống thấp lần lượt là bò 286, 284 và 283. Nhưng, Asgđ của bò đực 283 lại cao nhất, tiếp đến là bò 286 và cuối cùng là bò 284. Nguyên nhân là khả năng chịu lạnh của chính bản thân tinh trùng của từng bò đực là không giống nhau. Trong quá trình làm lạnh để đông băng tinh trùng, có khoảng 10-50% tinh trùng bị chết do quá trình đông băng xảy ra (Maria, 1995, trích từ Hà Văn Chiêu, 1999). Đầu tiên, nước ngoại bào đông băng làm cho nồng độ chất tan tăng lên, áp suất thẩm thấu thay đổi, nước nội bào thoát ra ngoài làm cho tinh trùng teo lại kết hợp với pH thay đổi gây ra các rối loạn hóa - sinh khác trong tinh trùng làm cho tinh trùng bị chết (Mahmoud Ragab, 1986).

Hiện tượng đông băng còn làm giãn nở tinh thể nước tạo lực đẩy và chèn ép tinh trùng, tinh trùng bị biến đổi hình thái, thất thoát các lipit như Cholineplasmalogen, lecithin làm hỏng màng tế bào, thất thoát các hợp chất vô cơ nội bào, làm hỏng cấu trúc nội bào. Do đó, làm mất sức hoạt động hoặc quá trình trao đổi chất của tinh trùng bị rối loạn (Nguyễn Xuân Hoàn, 1993), sau khi giải đông còn khoảng 50% đến 90% tinh trùng sống được nhờ (Maria, 1995, trích từ Hà Văn Chiêu, 1999):

- Khả năng chịu lạnh của chính bản thân tinh trùng cao hay thấp.

- Tác dụng hỗ trợ của các chất hóa học có trong môi trường pha loãng tinh dịch.

+ Đường có tác dụng cân bằng áp suất thẩm thấu, chống đông và là nguồn năng lượng cho tinh trùng hoạt động sau giải đông (Dương Đình Long, 1978) vì cấu trúc hóa học của đường có nhiều nhóm Hydroxy để tạo mối liên kết hydrogen trong cấu trúc của tế bào tinh trùng.

+ Các lipoprotein, lecitin trong lòng đỏ trứng gà có tác dụng như một chất chống đông cho tinh trùng (Dương Đình Long, 1996).

73

+ Chất đệm tris có tác dụng giữ nguyên màng tinh trùng trong quá trình đông lạnh và thúc đẩy trao đổi chất sau giải đông.

+ Glycerol trong môi trường pha tinh có tác dụng như một chất chống đông, chính vì có khả năng thẩm thấu qua màng tế bào, có khả năng hòa tan trong nước mạnh, nên có tác dụng như là một dung môi cho các chất tan khác trong môi trường pha loãng, làm hạn chế sự tạo tinh thể nước và thúc đẩy quá trình thủy tinh hóa tạo hạt nhỏ tránh sự giãn nở của tinh thể nước, đồng thời có tác dụng ngấm vào tinh trùng thay thể nước nội bào bị thoát ra ngoài giúp tinh trùng không bị teo do mất nước.

Đây là một vấn đề rất có ý nghĩa trong thực tiễn cho các cơ sở sản xuất tinh đông lạnh bò, nghiên cứu để giảm sự ảnh hưởng xấu cho tinh trùng trong qúa trình sản xuất tinh đông lạnh, từ đó tăng tỷ lệ tinh trùng sống và hoạt lực tinh trùng sau giải đông, khi muốn hiệu quả sản xuất cao hơn.

3.3.3.2. Số lượng tinh cọng rạ sản xuất đạt tiêu chuẩn trong năm

Tinh cọng rạ đạt tiêu chuẩn là tinh khi kiểm tra đánh giá có Asgđ ≥40% trong mỗi lần sản xuất tinh, còn những lần sản xuất tinh khi kiểm tra đánh giá có Asgđ<40% là những tinh không đạt tiêu chuẩn và bị loại thải ngay lập tức.

Số lượng tinh cọng rạ sản xuất trong nămcủa mỗi bò đực giống là tổng số liều tinh cọng rạ đạt tiêu chuẩn sau đông lạnh sản xuất được trong một năm của mỗi bò đực giống, qua đánh giá khả năng sản xuất tinh đông lạnh của mỗi bò đực giống trong năm, giúp các nhà chăn nuôi biết được năng lực thực sự về khả năng sản xuất tinh dịch, chất lượng tinh dịch và khả năng chịu lạnh của tinh trùng của mỗi một bò đực, cũng như trình độ kỹ thuật chế biến, sản xuất tinh đông lạnh. Chỉ tiêu này có liên quan chặt chẽ với số lần khai thác tinh, số lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn (VAC hữu ích) và hoạt lực tinh trùng sau giải đông. Nếu số lần khai thác tinh, số lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn hay VAC hữu ích và Asgđ của một bò đực càng cao thì số lượng tinh cọng rạ sản xuất

74

trong năm sẽ cao. Ngược lại, số lần khai thác tinh, số lượng tinh trùng đạt tiêu chuẩn và Asgđ của một bò đực thấp thì số lượng tinh cọng rạ sản xuất trong năm sẽ thấp.

Nghiên cứu về khả năng sản xuất tinh đông lạnh của bò đực giống HF chúng tôi có được kết quả như sau:

Bảng 3.10: Kết quả sản xuất tinh đông lạnh cọng rạ đạt tiêu chuẩn của bò đực giống HF (liều/con/năm) SHĐG n Số lượng tinh Xếp thứ 276 88 24.097 1 288 82 23.194 2 283 78 20.659 3 286 75 18.701 4 284 72 17.225 5 277 52 11.445 6 285 50 10.761 7 281 40 9.161 8 275 40 8.675 9

Qua kết quả nghiên cứu về số lượng tinh cọng rạ sản xuất đạt tiêu chuẩn của mỗi bò đực giống trong năm thì thấy: Bò đực số 276 đạt kết quả cao nhất (24.097 liều/năm), tiếp theo là các bò đực 288, 283, 286, 284, 277, 285, 281 và thấp nhất là bò 275, chỉ đạt 8.675 liều/năm. Như vậy, nếu so sánh số liều tinh cọng rạ mà bò đực 276 sản xuất được/năm với bò đực 275, thì bò đực 276 sản xuất gấp 3 lần bò đực 275. Nguyên nhân là do hoạt lực tinh trùng trong tinh dịch, VAC hữu ích và Asgđ của bò đực 276 cao hơn nhiều so với bò đực 275.

75

năm phản ánh chung nhất và chính xác nhất khả năng sinh sản của mỗi bò đực giống, trình trạng sức khỏe của cá thể bò đực, phản ánh chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn, điều kiện chuồng trại và thời tiết khí hậu...(Nguyễn Tấn Anh và Nguyễn Duy Hoan, 1998).

Theo Hà Văn Chiêu (1999), số lượng tinh cọng rạ đạt tiêu chuẩn sản xuất được của bò đực HF trong một năm trung bình là 11.390,4 CR. Theo kết quả nghiên cứu mà chúng tôi thu được bình quân của 9 bò đực HF là 15.991 CR/ năm, cao hơn kết quả của Hà Văn Chiêu (1999). Nguyên nhân các bò đực trong nghiên cứu của chúng tôi đã được tuyển chọn tốt hơn trước đây, mặt khác kỹ thuật chăn nuôi và sản xuất tinh đông lạnh tại Moncada trong thời gian chúng tôi nghiên cứu đã đựơc cải tiến hơn so với thời gian tác giả Hà Văn Chiêu (1999) nghiên cứu.

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP Chuyên ngành Chăn Nuôi về ĐÁNH GIÁ BÒ ĐỰC GIỐNG HOLSTEIN FRIESIAN NUÔI TẠI MONCADA THÔNG QUA SỐ, CHẤT LƯỢNG TINH DỊCH VÀ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT SỮA CỦA CON GÁI-LÊ BÁ QUẾ (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)