+ Tiến hành đăng ký cho các trường hợp không đủ điều kiện cho và nhận con nuôi hoặc thực hiện việc hợp thức hóa việc nuôi con nuôi.
+ Thực hiện việc đăng ký các hồ sơ có sự giả mạo, sai sót, kê khai gian dối.
+ Thực hiện các thủ tục đăng ký không theo quy định của pháp luật: Không thực hiện một hoặc các quy trình đăng ký; Áp dụng văn bản pháp luật không đúng để giải quyết hồ sơ; Yêu cầu đương sự nộp các giấy tờ không liên quan đến thủ tục đăng ký nuôi con nuôi.
Ví dụ: Một số cán bộ tư pháp còn yêu cầu đương sự nộp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân. Trong khi thủ tục đăng ký nuôi con nuôi không yêu cầu phải nộp hay xuất trình giấy tờ trên.
3.2. Nguyên nhân của việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch hộ tịch
Thứ nhất, do nhận thức của người dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch vẫn còn hạn chế.
Do người dân không nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa pháp lý lâu dài của các chứng thư hộ tịch hoặc không ý thức được việc đăng ký không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước nên đã cho rằng việc đăng ký là không cần thiết, đặc biệt là đăng ký khai tử. Đối với những nơi người dân sống theo lối du canh, du cư hoặc ngư dân quanh năm lênh đênh trên sông nước, cuộc sống quá giản đơn, ít trường hợp phải sử dụng giấy khai sinh, khai tử trong đời sống hàng ngày. Thứ hai, do khó khăn về hoàn cảnh sống cũng như điều kiện địa lí.
Một số người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký hộ tịch nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, thu nhập kinh tế thấp, tình trạng thất học, mù chữ cũng gây trở ngại cho người dân trong việc đăng ký khai sinh, khai tử.
Đối với lĩnh vực đăng ký nuôi con nuôi, tình trạng người dân không hiểu biết pháp luật, trình độ dân trí thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nuôi con nuôi thực tế còn diễn ra phổ biến.
Mặt khác, do tình trạng đông con, đời sống còn nhiều khó khăn, hơn nữa lại không nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc nuôi nhận con nuôi, nên thực tế là có không ít các trường hợp chấp nhận thông qua môi giới để cho con làm con nuôi cho những người có điều kiện kinh tế hoặc người nước ngoài.
Thứ ba, xuất phát từ sự bất cập của các quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch.
Thiếu văn bản quy định riêng về xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này, việc nội dung các quy định pháp luật còn chung chung, thiếu cơ chế xử phạt rõ ràng đối với các hành vi vi phạm.
Ví dụ: Tại điểm b khoản 4 Điều 28 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định đối với hành vi lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác nhưng không quy định cụ thể chế độ nào và các mục đích trục lợi khác là gì?
Một số quy định của địa phương về việc thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình cũng là lý do gián tiếp hạn chế việc đăng ký khai sinh.
Ví dụ: Một số địa phương thực hiện khá nghiêm chỉnh đối với việc thực hiện kế hoạch mỗi gia đình chỉ sinh một hay hai con. Đối với những gia đình sinh con thứ ba trở đi họ rất ngại khi đến Ủy ban nhân dân đăng ký khai sinh cho con. Vì vậy việc đăng ký khai sinh đã trở nên hạn chế.
Trong lĩnh vực đăng ký nuôi con nuôi, thì thủ tục thể hiện sự đồng ý cho trẻ làm con nuôi là một vấn đề gây nhiều rắc rối, do pháp luật chưa quy định cụ thể, chi tiết về những vấn đề liên quan tới thủ tục đăng ký nuôi con nuôi.
Thứ tư, do ảnh hưởng của một số phong tục, tập quán.
Ở những gia đình Công giáo, khi một đứa trẻ ra đời, một nghi thức thiêng liêng mà cha mẹ có bổn phận và luôn quan tâm thực hiện là làm lễ rửa tội. Tại lễ rửa tội này, đứa trẻ mới chính thức được đặt tên thánh. Đây là nghi thức đánh dấu sự nhập đạo của một thành viên mới trong gia đình. Tuy nhiên, nghi lễ này lại thường được thực hiện khi đứa trẻ đã hơn một tháng tuổi. Sau lễ rửa tội thì cha mẹ mới có thể nghĩ đến việc đăng ký khai sinh cho con. Do đó, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em công giáo thường xuyên là quá hạn.21
Cũng tương tự như tập quán tôn giáo, ở một số địa phương, người dân lại có tập tục làm lễ cúng mụ và đặt tên chính thức cho đứa trẻ khi đứa trẻ được sinh ra. Theo tập quán này, đứa trẻ thường được đặt tên hai lần. Tên người mẹ đặt cho ngay sau khi sinh ra chỉ có ý nghĩa tạm thời, gọi là “tên quai nôi”. Khi trẻ đầy tháng, gia đình mới làm “lễ cúng mụ” và nhờ người cao tuổi trong gia tộc tra trong sổ sách, gia phả dòng họ xem “tên quai nôi” của trẻ có phạm huý các đời trước không. Việc tra sổ có khi kéo dài đến hàng tháng. Hoặc phong tục nhờ thầy cúng đặt tên cho con cũng làm chậm thời gian khai sinh cho đứa trẻ. Đối với việc đăng ký khai tử cũng có không ít phong tục lạc hậu vẫn đang được duy trì ở vùng dân tộc ít người, như phong tục cấm người lạ vào nhà có tang trong vòng hai tháng (phong tục này gây cản trở cho cán bộ hộ tịch khi đến làm thủ tục đăng ký khai tử cho những gia đình có người thân chết).22
21 Ths. Lê Hải Yến, Một số vấn đề về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch , Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, 2003.
Trong lĩnh vực đăng ký kết hôn, tại nhiều địa phương, dân tộc, các nghi thức kết hôn khác, ngoài hình thức đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền được người dân coi trọng hơn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân không thể thiếu là nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch.
Cán bộ tư pháp – hộ tịch thiếu về số lượng và không ổn định. Thông thường, ở cấp xã chỉ có một cán bộ làm công tác tư pháp hộ tịch, lại phải kiêm nhiệm cùng một lúc rất nhiều hoạt động tác nghiệp khác thuộc lĩnh vực hoạt động tư pháp. Do số lượng công việc phải đảm nhận nhiều, nên cán bộ hộ tịch không có điều kiện để tập trung thực hiện việc đăng ký hộ tịch một cách chủ động. Vì vậy, nên cần thêm một vài cán bộ phụ trách thêm phần hoạt động tư pháp và phân chia công việc một cách cụ thể để tránh bị sai sót và mỗi người chịu trách nhiệm chính về phần công việc mà mình đảm nhiệm để tránh việc đùng đẩy trách nhiệm cho nhau.
Hạn chế về trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn của một bộ phận không nhỏ cán bộ tư pháp - hộ tịch. Thực tế, hiện còn tới 34,8% cán bộ tư pháp hộ tịch có trình độ văn hoá trung học cơ sở; 5,4% có trình độ văn hoá tiểu học. Trên thực tế, có không ít trường hợp cán bộ tư pháp - hộ tịch không viết được chữ Việt đúng chính tả, đặc biệt là bộ phận cán bộ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Về trình độ chuyên môn, còn tới 65,5% chưa được đào tạo chuyên môn pháp lý và 48,6% chưa được học lớp bồi dưỡng chuyên môn nào.23
Tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm và sự tha hoá về đạo đức của một bộ phận cán bộ làm công tác đăng ký hộ tịch cũng là một nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tình trạng người được giao làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch không thực sự công tâm, làm việc qua loa, đại khái là thực trạng không hiếm.
Bên cạnh đó, tệ quan liêu, sách nhiễu trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, trong việc giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ làm công tác này đã làm cho những sai phạm trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch càng trở nên nghiêm trọng, dẫn đến việc cá nhân, tổ chức lợi dụng những sai phạm, kẽ hở trong quản lý đăng ký nuôi con nuôi để tiến hành việc buôn bán trẻ em.