Hình thức xử phạt chính

Một phần của tài liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch (Trang 32)

2.2.1.1. Cảnh cáo

Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức hoặc của một cá nhân đối với người vi phạm pháp luật hoặc có hành vi, việc làm sai trái. Theo đó, cảnh cáo là một hình thức xử phạt chính nhẹ nhất được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính về đăng ký và quản lý hộ tịch nói riêng nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Khi xử phạt cảnh cáo, người có thẩm quyền quyết định bằng văn bản hoặc hình thức khác ( nhắc nhở bằng lời nói không phải là hình thức phạt cảnh cáo). Cảnh cáo là hình thức xử phạt mang tính cưỡng chế nhà nước nhưng mang nặng ý nghĩa giáo dục.

Đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện thì chỉ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

Đối với cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc tổ chức vi phạm hành chính chỉ được áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo khi có đủ các điều kiện sau:

- Hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức thực hiện được văn bản pháp luật quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.

- Việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012.

Theo quy định của pháp luật thì “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.10

Hình thức xử phạt hành chính cảnh cáo là hình thức xử phạt mang tính giáo dục đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính; đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không được coi là có án tích và không bị ghi vào lí lịch tư pháp. Hình thức này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và do người có thẩm quyền quyết định áp dụng, theo thủ tục đã được pháp luật quy định. Đây cũng chính là những đặc điểm để phân biệt hình thức xử phạt cảnh cáo với hình phạt cảnh cáo và hình thức kỉ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ, công chức.

Hình thức phạt cảnh cáo là hình thức phạt truyền thống nhưng thực tiễn áp dụng hình thức phạt này rất ít so với hình thức phạt tiền, hơn nữa, dễ dẫn đến tiêu cực trong việc áp dụng, không đạt được mục đích của chế tài nên có ý kiến đề nghị đưa ra khỏi hệ thống chế tài xử phạt hành chính. Tuy nhiên, mục đích của xử phạt hành chính không phải nhằm mục tiêu chính là trừng trị đối với người vi phạm mà cái chính là nhắc nhở, giáo dục việc tôn trọng và chấp hành trật tự quản lí nhà nước. Cảnh cáo là hình thức xử phạt thích hợp đối với các vi phạm nhỏ, lần đầu. Việc áp dụng sẽ làm cho người vi phạm thấm thía thấy được sự nghiêm chỉnh cũng như sự độ lượng của pháp luật mà trở nên tự giác chấp hành pháp luật hơn. Nhiều trường hợp phạt cảnh cáo có hiệu quả hơn phạt tiền tràn lan.

Ví dụ: Anh A và chị B do công việc bận nên không đăng ký khai sinh cho con đúng thời hạn và theo quy định của pháp luật là anh A bị phạt với hình thức cảnh cáo. Thấy

được sự nghiêm chỉnh của pháp luật, lần sau khi sinh con anh A và chị B đã đăng ký khai sinh cho con đúng thời hạn.

2.2.1.2. Phạt tiền

Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại Điều 23 Luật xử lý vi phạm hanh chính năm 2012, nếu vi phạm hành chính, cụ thể là vi phạm hành chính về đăng ký và quản lý hộ tịch không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì được áp dụng hình thức phạt tiền. Điều kiện và đối tượng áp dụng hình thức phạt tiền: Theo quy định của pháp luật thì hình thức phạt tiền được áp dụng đối với các vi phạm hành chính về dăng ký và quản lý hộ tịch từ vi phạm hành chính nhỏ chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn về tài sản cho đến hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch. Căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm mà theo quy định tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch quy định như sau: mức tối thiểu là 300.000 đồng và mức tối đa là 30.000.000 đồng.

Theo quy định của pháp luật thì “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.”11 Như vậy, nếu hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì mức tiền phạt đương nhiên được ấn định là mức trung bình của khung và mức tối đa của khung chỉ được áp dụng khi hành vi có nhiều tình tiết tăng nặng.

- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính chỉ bị phạt cảnh cáo, không bị phạt tiền.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức tiền phạt không được quá 1/2 mức phạt đối với người thành niên, trong trường hợp họ không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải nộp phạt thay.

- Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung.

Một phần của tài liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch (Trang 32)