Tính đồng bộ của pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là một yêu cầu rất quan trọng để một mặt sẽ đảm bảo tính ổn định của các quy định pháp luật điều chỉnh quá trình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, mặt khác sẽ góp phần đảm bảo tính ổn định của pháp luật khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi cũng như khi các quy định cụ thể của các văn bản pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung. Tính đồng bộ của pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thể hiện cụ thể ở những yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, đồng bộ giữa quy phạm pháp luật của BLTTDS 2004/2011 với quy phạm pháp luật của các văn bản pháp luật khác điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Với việc không ban hành đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế, bên cạnh BLTTDS 2004/2011 đóng vai trò là văn bản pháp luật chủ yếu, trong hệ thống pháp luật sẽ có các văn bản pháp luật khác chứa đựng các quy phạm pháp luật liên quan đến việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật TTTP 2007, Luật Thi hành án dân sự 2008, ... Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật cần xác định rõ mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật cũng như đảm bảo sự đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra.
Thứ hai, đồng bộ giữa các nhóm quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật cùng tham gia điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Pháp luật công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài bao gồm nhiều nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề khác nhau có liên quan đến quá trình giải quyết yêu cầu của chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp tại Việt Nam thông qua việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Để đảm bảo tính đồng bộ, các nhóm quy phạm pháp luật này phải đặt trong một tổng thể
129
có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau. Về nguyên tắc mỗi nhóm có một vai trò riêng và ở một vị trí riêng phù họp với vai trò của mình trong một chỉnh thể thống nhất. Chính vì vậy, nhóm quy phạm pháp luật trước phải là tiền đề cho nhóm quy phạm pháp luật sau và nhóm sau chính là sự triển khai thực hiện nhóm trước. Ví dụ: Nhóm các quy phạm quy định về những điều kiện một bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài phải đáp ứng để được xem xét công nhận và cho thi hành tại nước được yêu cầu chính là tiền đề để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các công việc thuộc về trình tự, thủ tục khi nhận được đơn yêu cầu của chủ thể có yêu cầu thi hành một bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Và việc công nhận, cho thi hành một bản án, quyết định chỉ có thể được thực hiện khi bản án, quyết định đó đã đáp ứng được các quy định về điều kiện công nhận và cho thi hành. Sự đồng bộ giữa các nhóm quy phạm pháp luật sẽ góp phần quan trọng hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy phạm pháp luật cùng tham gia điều chỉnh hoạt động công nhận và cho thi hành. Đây cũng là một trong những hạn chế lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành.
Thứ ba, việc hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài còn phải đặt trong tổng thể quá trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới thay thế BLTTDS 2004/2011. Với xu thế không ban hành đạo luật riêng về Tư pháp quốc tế trong giai đoạn sắp tới các quy phạm pháp luật về công nhận và cho thi hành sẽ tiếp tục được quy định tại BLTTDS 2004/2011. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy phạm này nhất thiết phải gắn liền với việc hoàn thiện các nội dung khác của BLTTDS 2004/2011 để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.