Giải pháp về mặt lập pháp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài Luận án TS. Luật (Trang 134)

4.3.1.1 Giải pháp nâng cao tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam ngoài BLTTDS 2004/2011 còn có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Việc không ban hành đạo

132

luật về Tư pháp quốc tế đã đặt ra yêu cầu phải đảm bảo tính đồng bộ của các quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật khác nhau. Đối với pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nội dung quan trọng nhất hiện nay chính là đảm bảo sự phù hợp giữa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 với quy định của BLTTDS 2004/2011. Quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Hôn nhân và

gia đình năm 2014 “Việc công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa

án nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự” cho thấy Luật Hôn nhân và gia đình đã viện dẫn đến các quy định của Bộ Luật TTDS. Điều này đã góp phần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam được nâng cao.

Bên cạnh Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những quy định của Luật TTTP 2007 cũng cần có sự phù hợp với quy định của BLTTDS 2004/2011. Và trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan đến việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cần xây dựng các quy phạm viện dẫn đến Bộ luật TTDS mà không xây dựng các quy phạm điều chỉnh trưc tiếp trong các văn bản pháp luật đó. Điều này một mặt đảm bảo sự đồng bộ giữa quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật của hệ thống pháp luật, mặt khác, đảm bảo vai trò là đạo luật cơ bản điều chỉnh các quan hệ tố tụng dân sự quốc tế của BLTTDS 2004/2011, trong đó có quan hệ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trong điều kiện Việt Nam chưa ban hành đạo luật về Tư pháp quốc tế.

Tóm lại, như đã phân tích tại Chương 2, Mục 2.4, với xu thế phát triển của Tư pháp quốc tế Việt Nam, trong giai đoạn sắp tới Bộ luật TTDS vẫn là đạo luật trung tâm điều chỉnh vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Vì vậy, các văn bản pháp luật chuyên ngành khác cần thiết phải có những quy định viện dẫn đến Bộ luật TTDS. Việc tập trung các quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài vào Bộ luật TTDS sẽ đạt được các mục tiêu sau đây:

Thứ nhất, Bộ luật TTDS là đạo luật quan trọng nhất của pháp luật tố tụng dân sự

Việt Nam, chứa đựng những quy định mang tính nguyên tắc có hiệu lực áp dụng chung cho tất cả vấn đề phát sinh trong lĩnh vực tố tụng dân sự, kể cả tố tụng dân sự đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Việc đưa các quy định này vào Bộ luật TTDS sẽ

133

đảm bảo hiệu lực pháp lý cao nhất của quy phạm pháp luật cũng như trao cho các quy định này hiệu lực chung để áp dụng trong thực tiễn đối với mọi loại quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khác nhau, trong đó có quan hệ công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

Thứ hai, việc tập trung các quy định trong một đạo luật sẽ góp phần nâng cao tính

đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Khi một vấn đề được quy định trong nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng tản mát, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật. Hơn nữa quy định của luật hình thức thường đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất cao mới có thể áp dụng trên thực tế.

Bên cạnh đó, với xu thế tất yếu trong giai đoạn sắp tới Việt Nam cần tăng cường ký kết, gia nhập các điều ước đa phương và song phương về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì việc đảm bảo sự phù hợp của văn bản pháp luật trong nước với nội dung của các điều ước quốc tế cũng là vấn đề cấp thiết phải giải quyết. Xem xét nội dung của các Hiệp định TTTP mà Việt Nam đang là thành viên cho thấy giữa các Hiệp định TTTP và văn bản pháp luật trong nước vẫn có nhiều điểm khác biệt. Việc ký kết các Hiệp định TTTP cũng như ký kết, hay gia nhập các điều ước quốc tế khác trong tương lai không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Việt Nam mà còn phụ thuộc vào ý chí của các nước khác có liên quan. Chính vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ giữa văn bản pháp luật trong nước với nội dung của các điều ước quốc tế trong quá trình xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật của văn bản trong nước phải đảm bảo sự phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế đã được thừa nhận một cách rộng rãi như quy định về phạm vi công nhận và cho thi hành rộng, nguyên tắc công nhận và cho thi hành, thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành, ...

Bên cạnh việc nâng cao tính đồng bộ của hệ thống pháp luật cần ban hành văn bản quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài để đảm bảo hiệu quả trong quá trình áp dụng pháp luật.

4.3.1.2 Xây dựng pháp luật trên cơ sở tính chất của bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

Đối với pháp luật về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thì tính chất của bản án, quyết định có yêu cầu công nhận hoặc thi hành là

134

cơ sở quan trọng nhất để xây dựng các quy phạm pháp luật bởi lẽ bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là đối tượng điều chỉnh cơ bản của lĩnh vực pháp luật này. Yêu cầu của chủ thể có liên quan là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết nhưng yêu cầu này xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể yêu cầu và có thể phù hợp hoặc không phù hợp với tính chất của bản án, quyết định. Ví dụ: bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không liên quan đến vấn đề tài sản, về tính chất là loại bản án, quyết định chỉ cần công nhận nhưng chủ thể lại nộp đơn yêu cầu thi hành.

Nghiên cứu nội dung của các điều ước quốc tế đa phương cũng như pháp luật của nhiều nước điển hình cho thấy tính chất của bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng các quy phạm pháp luật tương ứng. Đối với bản án, quyết định không có tính chất tài sản sẽ có các quy phạm pháp luật giải quyết vấn đề công nhận, đối với bản án, quyết định có tính chất tài sản sẽ có các quy phạm pháp luật giải quyết vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó. Ví dụ: Điều 22 Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ ngày 16/7/2004 quy định những phán quyết nước ngoài không liên quan đến một khoản tiền sẽ được công nhận ở Bỉ mà không cần trãi qua bất cứ thủ tục tố tụng nào và tại Điều 25 cũng quy định những trường hợp từ chối công nhận và cho thi hành những phán quyết nước ngoài có liên quan đến một khoản tiền hoặc nghĩa vụ tài sản [139]; Luật liên bang về phán quyết nước ngoài năm 1991 của Australia quy định chỉ những phán quyết có liên quan đến một nghĩa vụ tài sản mới phải đăng ký tại Tòa án liên bang để giải quyết vấn đề công nhận và cho thi hành [138].

Một số Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký kết cũng đã tiếp cận vấn đề theo cách thức này, chủ yếu là những Hiệp định TTTP ký trong thời gian gần đây. Cụ thể: Điều 23

Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và CH Kazakhstan quy định: “Bản án, quyết định đã có

hiệu lực pháp luật về hôn nhân và gia đình, không liên quan đến tài sản do Tòa án của Bên yêu cầu tuyên và không có yêu cầu thi hành trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu được Bên được yêu cầu công nhận mà không cần thủ tục tố tụng pháp lý đặc biệt nào khác, ...” [53]; Điều 51 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 1999, Điều 42 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và CHND Mông Cổ năm 2000 cũng đều có những quy định tương tự. Tuy nhiên, phần lớn các Hiệp định TTTP mà Việt Nam ký kết trong các giai đoạn trước đây đều theo cách thức tiếp cận của BLTTDS 2004/2011.

135

Phân tích các quy phạm pháp luật của BLTTDS 2004/2011 cho thấy cơ sở để xây dựng các quy phạm pháp luật cụ thể là yêu cầu của chủ thể nộp đơn mà không xuất phát từ tính chất của bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Cụ thể hơn, các quy phạm pháp luật của Chương XXVII BLTTDS 2004/2011 về “Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài” (từ Điều 350 đến Điều 359) được xây dựng trên cơ sở yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; Quy phạm pháp luật của Chương XXVIII về “Thủ tục xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam” (từ Điều 360 đến Điều 363) được xây dựng trên cơ sở yêu cầu không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Các điều luật đều không đề cập đến tính chất của bản án, quyết định đó là có tính chất tài sản hay không có tính chất tài sản và việc áp dụng chung các trường hợp từ chối công nhận và cho thi hành tại Điều 356 cho những trường hợp từ chối công nhận như quy định tại khoản 3 Điều 362 chính là biểu hiện rõ nhất của việc không phân biệt giữa bản án, quyết định có tính chất tài sản với bản án, quyết định không có tính chất tài sản của BLTTDS 2004/2011.

Những phân tích tại Chương 3, Mục 3.3, nhóm tiểu mục 3.3.1 cho thấy tình hình thực tiễn cho thấy phần lớn các bản án, quyết định chỉ có yêu cầu công nhận ở Việt Nam là những bản án, quyết định không có tính chất tài sản (chủ yếu là các bản án, quyết định ly hôn không có yêu cầu giải quyết tài sản), phần lớn các bản án, quyết định có yêu cầu thi hành là những bản án, quyết định có tính chất tài sản (chủ yếu là bản án tuyên về việc phải thực hiện một nghĩa vụ liên quan đến tiền hoặc tài sản). Việc căn cứ vào yêu cầu của chủ thể nộp đơn để xây dựng các quy định pháp luật theo hai nhóm: nhóm quy định điều chỉnh yêu cầu công nhận và cho thi hành và nhóm quy định điều chỉnh yêu cầu không công nhận của BLTTDS 2004/2011 đã tỏ ra không phù hợp với lý luận cũng tình hình thực tiễn của yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài.

Xuất phát từ các lý do trên, để hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cần căn cứ vào tính chất của bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có tính chất tài sản hay không có tính chất tài sản để xây dựng các quy phạm pháp luật có liên quan. Điều này sẽ đảm bảo những quy

136

định cụ thể điều chỉnh quá trình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành cũng như yêu cầu không công nhận một bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sẽ phù hợp với bản chất của vụ việc, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể nộp đơn. Việc thay đổi này cũng sẽ là cơ sở cho việc xây dựng một định nghĩa bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài phù hợp, góp phần đảm bảo tính khoa học của pháp luật Việt Nam đồng thời cũng đảm bảo sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực pháp lý quốc tế.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài Luận án TS. Luật (Trang 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)