Các hình thức thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên Luận văn ThS. Luật (Trang 28)

hiện pháp luật bao gồm các hình thức: tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật. Trong đó, thi hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật mà chủ thể thực hiện pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Sử dụng pháp luật là hình thức trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình là những hành vi mà pháp luật cho phép. Ở hình thức này, các chủ thể pháp luật có thể thực hiện hay không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình. Thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã được sử dụng chủ yếu ở hình thức sử dụng pháp luật (đối với chủ thể là công dân) và chấp hành pháp luật (đối với chủ thể là chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở). Việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã được thực hiện thông qua các hình thức sau:

- Hình thức tuân thủ pháp luật dân chủ:

Đây là hình thức thực hiện pháp luật yêu cầu các chủ thể tự kiềm chế không thực hiện những điều mà pháp luật ngăn cấm.

+ Đối với chính quyền xã: trong quan hệ với nhân dân không được giải quyết các vụ việc vượt quá thẩm quyền; không được bao che, dung túng cho những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thủy lợi, đê điều, giao thông đường bộ..., thu các khoản thu trái pháp luật và đặc biệt không được cản trở hoặc vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân như cấm không cho nhân dân hội họp, phát ngôn, không được có những hành vi, thái độ gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

+ Đối với nhân dân: khi thực hiện tuân thủ pháp luật về dân chủ ở xã được biểu hiện qua việc không lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để gây rối trật tự công cộng, chống đối chính quyền làm ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước của chính quyền cấp xã, gây mất trật tự địa phương; không tự ý dịch chuyển mốc địa giới thuộc quyền quản lý của chính quyền xã…

- Hình thức chấp hành pháp luật về dân chủ:

+ Đối với chính quyền xã: công khai những việc nhân dân được biết bằng việc niêm yết công khai tại trụ sở UBND, thời gian niêm yết; công khai trên hệ thống truyền thanh của xã; hoặc thông qua thôn, tổ dân phố, là những hình thức cụ thể mà chính quyền cấp xã phải thực hiện để công khai hóa toàn bộ nội dung phải được công khai cho nhân dân biết tại mục 2 Pháp lệnh số 34. Công khai, minh bạch các nội dung đó là vừa yêu cầu khách quan, cấp bách vừa là hình thức thi hành quyền lực nhà nước, là điều kiện đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là cơ sở để nhân dân giám sát Nhà nước. Thực hiện tốt việc công khai góp phần khắc phục tình trạng che dấu thông tin, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tránh được tình trạng cục bộ địa phương. Để làm được điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương phải thực hiện tốt các công việc từ việc lựa chọn, bố trí CBCC cấp xã đến việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo tính hợp pháp và tính hợp lý để thực hiện công khai cho mọi người dân biết, có như vậy mục đích của công khai mới đạt được.

+ Đối với nhân dân: hình thức chấp hành pháp luật về dân chủ ở xã thể hiện trong việc thực hiện tích cực các nghĩa vụ pháp lý của mình như đóng các khoản phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền xã trực tiếp thu; các khoản đóng góp tự nguyện đã được thống nhất trong nhân dân trong xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công cộng; nghĩa vụ chấp hành các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt như giải phóng mặt bằng theo phương án đã được cấp có thẩm quyền quyết định; quyết định giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

- Hình thức sử dụng pháp luật về dân chủ:

Đây là một trong những hình thức quan trọng nhất của nhân dân được pháp luật về dân chủ ở xã quy định chi tiết, cụ thể trong Pháp lệnh, là cơ sở

pháp lý để buộc chính quyền xã phải tôn trọng và phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân sử dụng quyền dân chủ của mình. Đó là các quyền được bàn về chủ trương đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi ở địa phương, đóng góp ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch; quy định kế hoạch sử dụng đất đai; bàn xây dựng hương ước của thôn, của tổ dân phố; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng… Trên cơ sở đó nhân dân được quyền thể hiện ý chí, quan điểm của mình một cách chủ động, phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân và của địa phương góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở đúng với bản chất của dân chủ XHCN.

- Hình thức áp dụng pháp luật về dân chủ:

Pháp luật về dân chủ ở cơ sở tác động vào các quan hệ xã hội, vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất chỉ khi tất cả những quy định của nó đều được thực hiện chính xác, triệt để trong thực tế. Tuy nhiên, nếu chỉ thông qua các hình thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và sử dụng pháp luật trên thì sẽ có rất nhiều quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở không được thực hiện. Lý do có thể là các chủ thể không muốn thực hiện hoặc không đủ khả năng tự thực hiện nếu thiếu sự tham gia của các chủ thể có thẩm quyền. Vì vậy, phải có hình thức áp dụng pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đây là hình thức mang tính quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua chính quyền xã hoặc CBCC xã nhằm cá biệt hóa, hiện thực hóa các quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể, như theo thẩm quyền chính quyền xã ra quyết định phê chuẩn công nhận kết quả bầu, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; quyết định kỷ luật CBCC xã vi phạm, cản trở việc thực hiện các quyền dân chủ công dân; quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.

Một phần của tài liệu Thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã trên địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên Luận văn ThS. Luật (Trang 28)