Trong giai đoạn hiện nay sữa “Cô Gái Hà Lan” của công ty Dutch Lady Việt Nam nắm giữ 37,2% thị phần trong thị trường sữa nước. Dutch Lady Việt Nam đã luôn rất mạnh trong khâu tiếp thị. Tuy nhiên thị phần của công ty đã liên tục giảm từ 49,8% năm 2004 còn 45,1% năm 2005, 45,2% năm 2006 và chỉ còn 37,2% năm 2007. Nguyên nhân là do sự mở rộng vững chắc của Vinamilk vào thị trường này cộng với cuộc đổ bộ vào thị trường sữa nước của một số công ty nhỏ hơn như Hanoimilk, Nutifood và F&N.
Sau công cuộc cải tổ thương hiệu một cách toàn diện và các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, đặc biệt là cho các nhãn hàng sữa tươi, Vinamilk hiện nay rất tự tin là họ có thể giành thêm thị phần từ Dutch Lady. Trong năm 2007, cuộc cách mạng marketing của Vinamilk đã đạt được thành công vang dội khi tạo ra một hình ảnh tươi mới cho tất cả các nhãn hàng chính của mình. Trong chừng mực lớn hơn, điều này giúp hồi phục lại niềm tin vào thương hiệu đã bị ảnh hưởng bởi vụ tai tiếng về nhãn mác sữa tươi năm 2006. Người tiêu dùng rất ấn tượng với nhãn hiệu mới “sữa tươi tiệt trùng 100%” có sự khác biệt rõ ràng với “Cô gái Hà Lan” và các nhãn hiệu sữa tươi khác.
Ngoài ra Vinamilk còn quyết định trở thành nhà tài trợ chính cho kênh HTV2 trong năm 2008, qua đó các thông điệp quảng cáo của Vinamilk sẽ xuất hiện trên HTV2 trong suốt 18 tiếng đồng hồ phát sóng hàng ngày của kênh. Hình thức tài trợ này khá mới mẻ, chưa từng có thương hiệu nào thực hiện trước đây.
Gần đây, hai nhãn hiệu lớn này còn tung ra những chiến dịch marketing gần như là đồng thời. Vinamilk tung ra thông điệp “trăm phần trăm”, ngay lập tức Dutch Lady đã đưa ra chiến dịch “...nữa đi”. Được một thời gian, hai chiến dịch này tiếp tục phát triển với những thông điệp “Bày tỏ” của Dutch Lady và với Vinamilk là “Chia sẻ”. Với Dutch Lady, có thể diễn giải thông điệp của họ là “Hãy uống sữa Cô gái Hà Lan để bày tỏ tình yêu với MẸ”. Tình yêu với mẹ là thứ tình cảm thiêng liêng và dường như là ai cũng muốn nói “Con yêu mẹ”, nhưng thật khó. Còn
Vinamilk, “Uống sữa là sẻ chia!”. Mỗi một hộp sữa bạn uống, là đã đóng góp 60đ vào chiến dịch chia sẻ 1 triệu ly sữa với trẻ em nghèo. Họ sử dụng những nhân vật nổi tiếng hàng đầu như Thanh Bạch, Lam Trường, rồi cả Quyền Linh để truyền tải thông điệp “Sẻ chia” này. Thế là cứ “Uống sữa Vinamilk”, là đã “Có tinh thần đồng loại, có tình yêu với trẻ em nghèo”!
Dutch Lady là nhãn hiệu “xâm chiếm” lĩnh vực sữa tươi uống liền đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Rồi mới đến Vinamilk. Nhưng rõ ràng là kể từ khi cổ phần hóa, marketing của Vinamilk đã khởi sắc chóng mặt, và đang dần đẩy Dutch Lady vào thế “phòng thủ”. Tất cả những chiến dịch trên của Vinamilk đều diễn ra trước, rồi Dutch Lady mới “ra đòn phản công”
Công ty chưa có sự đầu tư sáng tạo đúng mức để đưa ra những chương trình, hoạt động, sự kiện thật sự tạo quan tâm chú ý; chưa lưu tâm đến việc chấn chỉnh mọi qui trình trong công ty, cải thiện việc chăm sóc khách hàng, tăng chất lượng sản phẩm… Đây là mầm mống gây nên sự cố, tạo ra khủng hoảng, gây thiệt hại khá nặng nề cho hoạt động kinh doanh và uy tín của công ty.
Hơn nữa, nhân sự PR thì chưa được công ty xem trọng cũng như phân công lao động chưa hợp lý. Thông thường các công ty trong nước thì chỉ có một người phụ trách công tác này trong bộ phận Marketing, thế nhưng “chuyện thường ngày” của người này đôi khi chỉ đơn thuần là quan hệ với giới báo chí, giúp đăng tải thông tin cho công ty. PR thường được xem là “quan hệ đối ngoại” và là phần việc thuộc về bộ phận hành chính – nhân sự, hoặc là việc của thư ký - trợ lý giám đốc. Nhưng những nhân sự này thường như ít thông qua đào tạo, ít có kinh nghiệm về truyền thông.