Về đặc điểm bệnh nhân

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị ở bệnh nhân HIV được quản lý tại khoa truyền nhiễm bệnh viện bạch mai (Trang 48)

Thời gian điều trị ARV của các bệnh nhân trong nghiên cứu có giá trị trung vị là 24 tháng, trong đó bệnh nhân có thời gian điều trị ngắn nhất là 15 tháng và dài nhất là 61 tháng. Như vậy tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều đã ở giai đoạn điều trị ổn định.

Tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ trong nghiên cứu tương đối đồng đều: nam chiếm 56,3% và nữ chiếm 43,7%.

Tuổi trung bình của bệnh nhân tại thời điểm bắt đầu điều trị ARV là 33,5, bệnh nhân trẻ nhất là 22 tuổi và già nhất là 60 tuổi. Như vậy, tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều bắt đầu điều trị ở độ tuổi trưởng thành. Không có bệnh nhân nào trong nghiên cứu bắt đầu sử dụng ARV khi mang thai.

Về giai đoạn lâm sàng, quần thể nghiên cứu chủ yếu ở GĐLS 1 (43,7%) và GĐLS 4 (32,4%). Trong số bệnh nhân ở GĐLS 3 hoặc 4, 96,8% có hệ miễn dịch suy giảm nặng, số lượng tế bào CD4 giảm dưới 200 TB/mm3, đặc biệt có 11 bệnh nhân CD4 giảm xuống dưới 25 TB/mm3. Với những bệnh nhân ở GĐLS 1 và 2, tỷ lệ suy giảm miễn dịch nặng thấp hơn (42,1%).

So sánh giai đoạn trước và sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định 4139/QĐ-BYT, tỷ lệ bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng trong nhóm GĐLS 1 và 2 đã có xu hướng giảm (từ 54,5% xuống còn 37,0%), đồng thời tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn suy giảm miễn dịch tiến triển trong nhóm này đã tăng lên. Điều này cho thấy, sau khi quyết định 4139/QĐ-BYT được ban hành, bệnh nhân đã có xu hướng được tiếp cận sớm hơn với điều trị.

Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân bắt đầu điều trị khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS vẫn còn cao. Ở giai đoạn trước khi ban hành quyết định 4139/QĐ-BYT, có 16 bệnh nhân bắt đầu điều trị khi đã ở giai đoạn AIDS, chiếm 76,2%. Ở giai đoạn sau, số bệnh nhân ở giai đoạn AIDS tại thời điểm bắt đầu điều trị là 32 bệnh nhân (bao gồm 2 bệnh nhân không rõ giai đoạn lâm sàng nhưng có số lượng CD4 dưới 200

TB/mm3), chiếm 64% (giảm 1,19 lần). Kết quả này cũng cho thấy phần lớn bệnh nhân hiện nay vẫn bắt đầu điều trị ở giai đoạn muộn, mặc dù đã có khuyến cáo cho việc tiếp cận điều trị sớm hơn.

Những trở ngại cho việc tiếp cận điều trị sớm thường có nguyên nhân bắt nguồn từ phía người bệnh. Phần lớn bệnh nhân chỉ đến các cơ sở chăm sóc y tế khi bệnh đã tiến triển nặng, có các bệnh lý nhiễm trùng cơ hội trên lâm sàng. Thực tế tại phòng khám cũng cho thấy, tỷ lệ mất dấu theo dõi với bệnh nhân chưa có triệu chứng lâm sàng bệnh và chưa điều trị ARV thường cao hơn những bệnh nhân đã điều trị ARV.

Trong quần thể nghiên cứu, một số bệnh nhân cũng được bắt đầu điều trị sớm hơn so với tiêu chuẩn bắt đầu điều trị của Bộ Y tế. Đặc biệt từ năm 2012 tới nay, đã có 5 bệnh nhân được bắt đầu điều trị ở GĐLS 1 hoặc 2 khi hệ miễn dịch mới suy giảm nhẹ. Hiện nay, theo hướng dẫn điều trị của Mỹ và Châu Âu, có thể bắt đầu điều trị ARV cho bệnh nhân ngay khi CD4 <500 TB/mm3

, thậm chí ngay cả các bệnh nhân có CD4>500 TB/mm3. Theo khuyến cáo năm 2014 của EACS (European AIDS Clinical Society), có thể xem xét điều trị sớm (khi CD4 >350 TB/mm3) với các đối tượng bệnh nhân mong muốn điều trị sớm và sẵn sàng điều trị, với mục đích giảm lây truyền HIV hoặc ở các đối tượng mắc kèm bệnh thận, ung thư, u lympho Hogkin, viêm gan virus mạn tính (HBV và HCV), các bệnh tự miễn, có nguy cơ gặp biến cố tim mạch lớn hơn 20% trong vòng 10 năm hoặc tiền sử mắc các bệnh tim mạch [47]. Hướng dẫn điều trị năm 2015 cho các bệnh nhân nhiễm HIV-1 của Mỹ khuyến cáo bắt đầu điều trị ARV khi CD4 <500 TB/mm3. Đối với các bệnh nhân có CD4 > 500 TB/mm3, có thể xem xét bắt đầu điều trị dựa vào mong muốn cũng như tình trạng của bệnh nhân [45].

Một phần của tài liệu Khảo sát việc sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị ở bệnh nhân HIV được quản lý tại khoa truyền nhiễm bệnh viện bạch mai (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)