Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu Tội làm nhục người khác theo luật hình sự việt nam lý luận và thực tiễn xét xử loại tội phạm này trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 73)

Trong cuộc sống cộng đồng, những va chạm, xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, thường xảy ra và khó tránh khỏi. Từ những mâu thuẫn đó, nếu không được giải quyết tận gốc và triệt để, có thể trở thành những vụ việc phức tạp, thậm chí phát sinh thành những vụ án hình sự, trong đó có những vụ án về tội là nhục người khác. Đây là một trong những mầm mống gây mất ổn định và trật tự, an toàn xã hội ở cộng đồng dân cư, làm xói mòn tình cảm tương thân, tương ái và mối đoàn kết gắn bó, vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong điều kiện kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay, để giải quyết các mâu thuẫn này, góp phần phòng ngừa tội phạm, trong đó có Tội làm nhục người khác, công tác hòa giải ở cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Là một bộ phận không thể thiếu được của công tác vận động quần chúng, góp phần ổn định xã hội, công tác hòa giải đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức xã hội ở cơ sở. Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, cần thực hiện một số việc sau đây:

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thành lập các tổ hòa giải theo cụm dân cư và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hòa giải hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Thành phần tổ hòa giải bao gồm đại diện một số đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội luật gia, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Cơ cấu tổ hòa giải cần có nam, nữ, người cao tuổi, thanh niên, nên có đảng viên

làm nòng cốt. Thành viên tổ hòa giải cần bảo đảm tiêu chuẩn: có phẩm chất đạo đức, có uy tín trong nhân dân, có hiểu biết trong nhân dân, có hiểu biết pháp luật, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, có thái độ công tâm, khách quan, trung thực, công tâm; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở những tiêu chí này, thành viên tổ hòa giải được nhân dân ở cơ sở tín nhiệm cử ra, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận.

Thứ hai, hoạt động hòa giải ở cơ sở phải trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, công tác hòa giải phải quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là những quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng lĩnh vực có liên quan. Trong khi hòa giải, có thể vận dụng những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc đã khắc sâu và trở thành tiềm thức trong lòng người Việt Nam.

Thứ ba, hoạt động hòa giải phải được thực hiện trên cơ sở tìm đúng nguyên nhân của tranh chấp, mâu thuẫn để có biện pháp giải quyết tận gốc, triệt để. Mỗi mâu thuẫn, tranh chấp đều do một hoặc nhiều nguyên nhân. Để hòa giải thành công, có hiệu quả, trước mỗi vụ việc tranh chấp xảy ra, thành viên tổ hòa giải cần tìm đúng nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp. Nếu chỉ căn cứ vào hiện tượng bên ngoài, thì hoạt động hòa giải sẽ không đi đến kết quả hoặc không giải quyết dứt điểm vụ việc, thậm chí gây nên hậu quả xấu do không biết được ý đồ, động cơ của mỗi bên.

Thứ tư, hoạt động hòa giải phải làm cho các bên thực sự hiểu biết đúng đắn, tôn trọng nhau, tự nguyện cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Giữa các bên có mâu thuẫn bao giờ cũng có suy nghĩ, thái độ khác nhau, bên nào cũng có những căn cứ, lý lẽ của mình, không ai chịu ai. Thành viên tổ hòa giải cần tìm cách giúp họ bình tĩnh, làm dịu cơn nóng, để họ tỉnh táo tìm ra sự thật, thấy rõ

lợi hại của mặt này, mặt khác, cái đúng, cái sai của bên này, bên kia hoặc của cả hai bên. Chỉ khi nào họ hiểu đúng đắn, thông cảm cho nhau, thì mới giải quyết được mâu thuẫn.

Thứ năm, phải kiên trì, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời vi phạm pháp luật và tội phạm có thể xảy ra. Trong số các mâu thuẫn mà tổ hòa giải phải giải quyết, có những vụ việc đơn giản, một bên chỉ cần xin lỗi là bên kia sẽ bỏ qua, mẫu thuẫn được giải tỏa. Không ít việc phức tạp đã âm ỉ, kéo dài từ lâu, thậm chí nhiều năm, có thể dẫn đến hậu quả xấu, thậm chí có nguy cơ bùng nổ thành vụ án hình sự nói chung, vụ án về Tội làm nhục người khác nói riêng. Vì vậy, thành viên tổ hòa giải cần kiên trì, chủ động kịp thời ngăn chặn hậu quả xấu hoặc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu Tội làm nhục người khác theo luật hình sự việt nam lý luận và thực tiễn xét xử loại tội phạm này trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 73)