luật hình sự năm 1999
2.1.2.1. Phân biệt Tội làm nhục người khác với các tội: Tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, Tội làm nhục cấp dưới và Tội làm nhục đồng đội
Trước hết, cần phân biệt khách thể của Tội làm nhục người khác với khách thể của các tội: Tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, Tội làm nhục cấp dưới và Tội làm nhục đồng đội. Đối với Tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên: trong quân đội, các quân nhân phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng và nghiêm chỉnh tuân theo những yêu cầu về sinh hoạt xã hội. Trong quan hệ cấp trên, cấp dưới, mọi quân nhân phải kính trọng và tuyệt đối phục tùng người chỉ huy hoặc cấp trên. Hành vi làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên xâm phạm nghiêm trọng mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người chỉ huy hoặc cấp trên. Đối với Tội làm nhục cấp dưới: trong quan hệ chỉ huy, phục tùng, cấp trên, cấp dưới, một mặt cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng lãnh đạo, chỉ huy, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh, mặt khác, cấp trên cũng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, thương yêu, giúp đỡ cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Khi thực hiện nhiệm vụ, người chỉ huy hoặc cấp trên phải căn cứ vào chức trách, quyền hạn được giao để tổ chức, giáo dục, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị mình. Pháp luật nghiêm cấm người chỉ huy hoặc cấp trên dùng các biện pháp quân phiệt đối với cấp dưới. Hành vi làm nhục cấp dưới là trái với truyền thống, bản chất tốt đẹp của quân đội ta. Hành vi làm nhục cấp dưới xâm phạm nghiêm trọng mối quan hệ giữa chỉ huy với cấp dưới, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cấp dưới. Đối với Tội làm nhục đồng đội: hành vi làm nhục đồng đội xâm phạm nghiêm trọng mối quan hệ đoàn kết giữa các quân nhân trong nội bộ quân đội,
xâm phạm danh dự, nhân phẩm của đồng đội. Mặt khác, cần phân biệt chủ thể của Tội làm nhục người khác với chủ thể của các tội: Tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, Tội làm nhục cấp dưới và Tội làm nhục đồng đội. Đối với Tội làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên: chủ thể của tội phạm là những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, bao gồm: quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ và công dân được trưng tập vào phục vụ quân đội: khi giữa họ với chỉ huy hoặc cấp trên đang ở trong hoàn cảnh có mối quan hệ công tác.
Trường hợp nhiều người thuộc diện nêu trên cố ý cùng thực hiện hành vi làm nhục người chỉ huy hoặc cấp trên, thì trên cơ sở mối quan hệ chỉ huy, phục tùng để quyết định tội danh với từng người phạm tội. Nếu giữa người phạm tội và người bị hại không có mối quan hệ chỉ huy, phục tùng, thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục đồng đội được quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự năm 1999. Đối với Tội làm nhục cấp dưới: chủ thể của tội phạm này phải là người chỉ huy hay cấp trên của người bị hại trong quan hệ công tác. Đối với Tội làm nhục đồng đội: chủ thể của tội phạm này là những người được quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự năm 1999. Đó là quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nếu giữa họ và người bị hại không có quan hệ chỉ huy, phục tùng. Do vậy, người phạm tội và người bị hại có thể là những người cùng cấp bậc, cùng chức vụ hoặc không cùng cấp bậc, chức vụ.
2.1.2.2. Phân biệt Tội làm nhục người khác với Tội bức tử
Trong quy định về các hành vi của Tội bức tử có hành vi "làm nhục người khác" dẫn đến hậu quả "người đó tự sát". Như vậy, trong dấu hiệu hành vi của tội bức tử có một loại hành vi tương tự được quy định trong Tội làm
nhục người khác. Tuy nhiên, trong cấu thành tội phạm Tội bức tử, ngoài hành vi "làm nhục người khác" còn có các dấu hiệu bắt buộc khác, đó là nhân thân (là người phụ thuộc người phạm tội) và hậu quả (tự sát). Hành vi làm nhục người khác theo Điều 100 có thể hiểu đó là hành vi "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm", và nếu hành vi đó có kèm theo hai dấu hiệu: "là người lệ thuộc người phạm tội" và hậu quả làm người đó "tự sát" thì sẽ bị khởi tố về tội bức tử. Đường lối xử lý hình sự với Tội bức tử nghiêm khắc hơn Tội làm nhục người khác. Người phạm tội tại khoản 1 Điều 100 có khung hình phạt "tù từ hai năm đến bảy năm", khoản 1 Điều 121 có khung hình phạt "cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". Khoản 2 Điều 100 có khung hình phạt "tù từ năm năm đến mười hai năm", khoản 2 Điều 121 có khung hình phạt "tù từ một năm đến ba năm”.
2.1.2.3. Phân biệt Tội làm nhục người khác với Tội hành hạ người khác
Việc quy định thế nào là "đối xử tàn ác" trong Tội hành hạ người khác rất quan trọng đối với việc định tội danh. Bởi lẽ, tuy trong phần hành vi của tội hành hạ người khác chỉ quy định hành vi "đối xử tàn ác", khác với các hành vi trong Tội bức tử "đối xử tàn ác, làm nhục, ức hiếp, ngược đãi" và hành vi trong Tội làm nhục người khác "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác", nhưng theo tinh thần của các điều luật, hành vi "đối xử tàn ác" về mặt tinh thần cũng được coi là dấu hiệu cấu thành tội hành hạ người khác, đồng thời đó cũng là những hành vi đặc trưng của Tội làm nhục người khác. Do vậy, nếu hành vi "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người lệ thuộc mình" và không có hậu quả tự sát xảy ra thì người phạm tội có thể bị truy cứu theo Điều 110 Bộ luật hình sự 1999.
2.1.2.4. Phân biệt Tội làm nhục người khác với Tội vu khống
Tội vu khống giống Tội làm nhục người khác ở dấu hiệu: xâm hại đến danh dự, nhân phẩm người khác. Hành vi đặc trưng của tội vu khống "bịa đặt,
loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt" cũng là một trong những hành vi đặc trưng của Tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, Tội vu khống phân biệt với Tội làm nhục người khác ở những điểm sau: Thứ nhất, hành vi cấu thành Tội vu khống không đa dạng như Tội làm nhục người khác. Ngoài ra, tội vu khống có một loại hành vi đặc trưng khác, đó là "bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền", nếu có hành vi trên thì người phạm tội sẽ bị truy cứu theo Điều 122 Bộ luật hình sự năm 1999. Tội làm nhục người khác và tội vu khống đều dẫn đến hậu quả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng hành vi khách quan khác nhau. Hành vi khách quan của Tội làm nhục người khác thể hiện bằng lời nói, xỉ nhục ở nơi đông người hoặc hành động có tính chất bỉ ổi, còn hành vi khách quan của Tội vu khống thể hiện ở việc bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ với cơ quan có thẩm quyền. Thứ hai, mục đích tội vu khống hướng tới bao gồm: xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, mục đích của Tội làm nhục người khác chỉ nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Như vậy, hành vi bịa đặt, loan truyền tin tức thất thiệt nhằm gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm là dấu hiệu có trong cả hai cấu thành tội phạm Tội làm nhục người khác và tội vu khống. Tuy nhiên, thông thường hành vi cấu thành tội vu khống thường kèm theo mục đích nhằm bôi nhọ danh dự và gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác trước các cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.