5. Bố cục của Luận văn
2.1.2. Những hạn chế của pháp luật hiện hành về góp vốn thành lập công ty
Từ các nghiên cứu ở trên có thể thấy việc liệt kê các tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp 2014 là không thực tế và còn nhiều thiếu sót.
Thứ nhất, định nghĩa về góp vốn không xuất phát từ nền tảng pháp lý
mà xuêts phát từ nền tảng kinh tế. Do đó có thể dẫn đến việc không có giải pháp giải quyết thỏa đáng các tranh chấp pháp lý liên quan tới góp vốn.
Thứ hai, định nghĩa tài sản góp vốn tại Điều 35 đi theo cách thức liệt kê
nhưng quá thiếu thốn xét từ quan niệm về tài sản nói chung của các hệ thống pháp luật, không thấy sự liệt kê các hình thức góp vốn bằng vật, vật quyền hưởng dụng ngoài quyền sử dụng đất trong các qui định này.
Thứ ba, đặc biệt các qui định về góp vốn không đề cập tới hình thức
góp vốn bằng công sức và bằng tri thức.
Đây là những khiếm khuyết lớn mà dự thảo trước khi trở thành Luật Doanh nghiệp 2014 dù đã được góp ý rất nhiều nhưng không tiếp thu. Các
khiếm khuyết này có thể có nguyên nhân từ Bộ luật Dân sự 2005 của Việt Nam không xây dựng được nền tảng của các qui định về luật tư.
Khác với pháp luật Việt Nam, Bộ luật Dân sự Pháp – công trình pháp điển hóa hiện đại đầu tiên trên thế giới – và các bộ luật dân sự khác của các quốc gia đã không đưa ra một định nghĩa cụ thể nào về tài sản. Song theo những đặc tính căn bản của Họ luật La Mã - Đức về giải thích các quy tắc pháp lý hay khái niệm pháp lý, người ta có thể hiểu được rằng, tài sản bao gồm các vật, các vật quyền, các quyền tài sản khác và các tố quyền nhằm đòi lại tài sản. Nó được chia thành hai loại là bất động sản bao gồm bất động sản do bản chất, bất động sản do mục đích sử dụng, và bất động sản do có đối tượng gắn liền với nó; và động sản bao gồm động sản do bản chất và động sản do luật định; ngoài ra còn phải kể đến bất động sản do luật định [17, tr. 21 - 23].
Dựa vào hình mẫu của Bộ luật Dân sự Pháp, Bộ luật Dân sự Quebec (Canada) xác định: “Tài sản, hoặc hữu hình hoặc vô hình, được chia thành bất động sản và động sản” (Điều 899). Căn cứ vào các quy định này, tài sản bao gồm bốn phần chính là: bất động sản hữu hình; động sản hữu hình; và bất động sản vô hình; động sản vô hình. Tài sản hữu hình là các vật có thực, còn tài sản vô hình liên quan đến các vật quyền.
Những nhận thức trên của Họ luật La Mã – Đức không khác với nhận thức của Họ luật Anh – Mỹ. Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng, tài sản là các quyền giữa mọi người liên quan đến vật, hay nói cách khác bao gồm một hệ thống các quyền được thừa nhận về mặt pháp lý do ai đó thủ đắc trong mối liên hệ với những người khác mà liên quan tới vật. Để ngắn gọn hơn họ dùng hình ảnh “một tập hợp quyền” (a bundle of rights) cho tài sản, có nghĩa là tài sản gồm một tập hợp các quyền trên vật có hiệu lực chống lại những người khác.
Tài sản là khái niệm động. Hiện nay có nhiều tranh luận về các dạng mới của động sản như giọng hát của ca sĩ, tế bào được tách ra từ các bộ phận cơ thể, thông tin di truyền, tính cách cá nhân, các sản phẩm trí tuệ … Nhìn từ góc độ khác, có thể thấy tài sản là công cụ của đời sống xã hội. Vậy khái niệm
tài sản không phải là một khái niệm thuần túy có tính chất học thuật mà là một khái niệm có tính mục đích rất cao. Khái niệm này phải đáp ứng các nhu cầu cần thiết của xã hội. Tài sản không thể được xem xét tách rời các giá trị xã hội. Khái niệm tài sản được thay đổi theo các giai đoạn lịch sử. Chẳng hạn, nô lệ được coi là tài sản trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ, nhưng ngày nay các sản phầm của tư tưởng, của trí tuệ cũng được xem là tài sản. Đặc biệt, sở hữu trí tuệ hay tài sản trí tuệ đang là đặc trưng nổi trội của thời đại kinh tế hậu công nghiệp hay kinh tế tri thức [19, tr. 32 - 33].
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005, dường như chỉ có quyền sở hữu (mà theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 đã bao hàm cả quyền chiếm hữu) và quyền địa dịch được xem là các vật quyền tại đây. Tuy nhiên còn có thể thấy, mặc dù không công khai công nhận các vật quyền, một số vật quyền không thể thiếu được của đời sống xã hội như quyền thuê mướn dài hạn, quyền cầm cố, quyển thế chấp, quyền lưu cư vẫn được đề cập đến trong Bộ luật Dân sự. Các quy định tại các điều luật trên làm xáo trộn giữa các quyền trên bất động sản và động sản vô hình. Các vật quyền trên bất động sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sở hữu, quyền thuê mướn dài hạn, quyền địa dịch, quyền thế chấp … trong khi đó các động sản vô hình gồm có hợp đồng, chứng khoán, phần mềm máy tính, lao động, dịch vụ sử dụng (điện thoại, điện …), quyền tác giả, nhãn hiệu thương phẩm …
Vì vậy, các quy định này ảnh hưởng lớn tới các quy định về góp vốn và điều khoản góp vốn trong hợp đồng thành lập công ty. Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn là việc không quy định các đặc tính và hậu quả của các hình thức góp vốn. Việc này sẽ dẫn tới việc không có quy tắc áp dụng cho tranh chấp, trong khi Việt Nam không chấp nhận các nguồn luật khác. Các quy định về góp vốn trong pháp luật Việt Nam còn chưa đề cập đến vấn đề góp vốn bằng tri thức, nhất là trong thời điểm nước ta đang bước sang giai đoạn hiện đại hóa, công nghiệp hóa như hiện nay.
Tóm lại , các hạn chế của việc góp vốn vào công ty có một phần quan trọng nằm ở các quy định về tài sản của pháp luật Việt Nam hiện nay. Việc không quy định cụ thể một số vật quyền gây hạn chế cho việc góp vốn bằng vật quyền, nhất là góp vốn bằng quyền hưởng dụng như đã phân tích ở Chương 1 của luận văn này. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến góp vốn bằng tri thức và công sức là những hạn chế đáng kể trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta hiện nay. Từ đó, nếu xét từ giá trị kinh tế, có thể nói tất cả các vật chất liệu tồn tại trong đời sống xã hội và các quyền mà có thể khai thác mang lại giá trị kinh tế hay có thể trị giá được bằng tiền đều có thể được coi là tài sản dùng để góp vốn [21, tr. 23]. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu các quy định về thực hiện việc góp vốn thì chúng ta không thể lột tả được thực trạng pháp luật về góp vốn thành lập công ty.