6. Kết cấu của khóa luận
3.3.1 Vài nét về nhà báo Lê Thị Liên Hoan
Nhà báo Lê Thị Liên Hoan có tên thật là Lê Hoàng, là một trong số đạo diễn điện ảnh khá có tên tuổi ở Việt Nam hiện nay.
Cũng như một số đạo diễn Việt Nam có tên tuổi khác, đạo diễn Lê Hoàng không xuất thân ngay từ đầu ở trường điện ảnh. Ông học Đại Học Xây Dựng Hà Nội rồi chuyển sang trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội, tốt nghiệp khoa Quay phim, cùng khoá với nhà quay phim Đinh Anh Dũng (Theo Wikipedia).
Năm 1982, ông vào thành phố Hồ Chí Minh, về công tác tại hãng phim Giải Phóng. Lê Hoàng bắt đầu bằng nghề viết kịch bản, mà nổi bật nhất trong số đó là kịch bản phim “Vị đắng tình yêu”, bộ phim sau đó đoạt khá nhiều giải thưởng tại LHP Việt Nam 1993: Giải Bông Sen Vàng phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây được xem là một trong những bộ phim cột mốc của điện ảnh Việt Nam khi đạt doanh thu 500 triệu đồng (tại thời điểm năm 1990, và có thể so sánh với doanh thu chưa đầy 300 triệu của phim “Ký ức Điện Biên” sản xuất năm 2003) cùng hàng loạt giải thưởng điện ảnh.
Năm 1991, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục chắp bút viết kịch bản phim “Vị đắng tình yêu 2” và kiêm luôn vai trò đạo diễn. Mặc dù đây là một phim video, nhưng doanh thu của bộ phim khá cao. Đây là một trong những phim mở đầu trào lưu phim mì ăn liền và nhận được khá nhiều lời khen ngợi lẫn chê bai của công chúng và các nhà làm nghệ thuật, tuy nhiên nó cũng làm tên tuổi Lê Hoàng trở nên nổi hơn.
Nếu xem lại các bộ phim của đạo diễn Lê Hoàng trước khi “Gái Nhảy” ra đời, sẽ thấy rằng ông là một trong những đạo diễn xử lý kịch bản xuất sắc. Câu chuyện về một nhạc sĩ bị trăn trở dằn vặt giữa nghệ thuật và thương mại trong “Lương tâm bé bỏng”, câu chuyện về một cô gái quyết trả thù cho bà, yêu một anh bộ đội và cuối cùng nhận ra người yêu cũng chính là kẻ thù trong “Lưỡi dao”, hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của những người cựu chiến binh và có cả một cựu lính cộng hoà giúp sức trên chặng đường dài Bắc Nam trong “Ai xuôi vạn lý”, hay chuyện đi tìm một chỗ động phòng của đôi bạn trẻ trong một đêm giữa Hà Nội bom đạn trước khi chàng trai phải lên đường
chiến đấu vào sáng hôm sau trong “Chiếc chìa khoá vàng” là những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của đạo diễn Lê Hoàng. Trong các bộ phim của mình, đạo diễn Lê Hoàng luôn tìm ra những gương mặt mới, hoặc khám phá những cá tính mới của các gương mặt cũ như Thiệu Ánh Dương trong “Lưỡi Dao”, Công Ninh, Mộc Miên trong “Ai Xuôi Vạn Lý”. Chính những tác phẩm này tạo nên uy tín và tên tuổi của đạo diễn Lê Hoàng. Ông đã từng là phó tổng thư ký Hội Điện Ảnh Việt Nam.
Năm 2001, đạo diễn Lê Hoàng nhận kịch bản “Trường hợp của Hạnh” của biên kịch Nguỵ Ngữ. Ban đầu, ông dự định làm bộ phim theo phong cách bán-tài-liệu, sau đó chuyển sang hướng làm phim về xã hội đen, và cuối cùng, sự thay đổi bất ngờ biến một kịch bản đậm chất phóng sự ban đầu trở thành một phim hấp dẫn với tựa phim "giật gân": “Gái nhảy” đã đem đến thành công bất ngờ. Bộ phim đạt doanh thu 13 tỷ, một con số doanh thu khổng lồ chưa từng có từ trước đến nay trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Sau “Gái nhảy”, đạo diễn Lê Hoàng mạnh tay hơn với “Lọ lem hè phố”. Bộ phim tiếp tục gặt hái thành công nhờ phần nhiều ảnh hưởng từ bộ phim trước đó. Tuy vậy, cũng từ bộ phim này, một làn sóng dư luận phản đối Lê Hoàng, của cả công chúng lẫn người trong nghề.
Có thể thấy, Lê Hoàng là một đạo diễn rất thông minh trong việc tạo tình huống kịch bản cũng như cách dẫn dắt người xem vào hành trinh phim. Lê Hoàng là một đạo diễn có tên tuổi và được chú ý không chỉ bởi những tác phẩm điện ảnh mà còn là bởi cá tính của mình, với những phát ngôn gây sốc và bản tính được miêu tả là “đanh đá, chua ngoa, cay nghiệt”. Ông tuyên ngôn làm phim truyền hình “Những thiên thần áo trắng” vì ông cho rằng thấy phim truyền hình dở quá. Nhiều người nhận xét Lê Hoàng ngoài đời, ăn nói ngang ngạnh. Nhưng bù lại, từ nhiều năm nay trong giới báo chí, ông luôn là cây bút châm biếm sắc sảo, đầy gai. Và, ngay cả khi cầm bút viết báo, ông "bị" đánh giá là một nhà báo có cái giọng ngoa ngoắt và cũng chính Lê Thị Liên Hoan cũng khẳng định về cái năng khiêu đặc biệt và ấn tượng này “Tôi nghĩ không
phải là hơi ngoa ngoắt đâu mà rất ngoa ngoắt là đằng khác.(…). Giọng văn của con người ta là cái không học được. Nó cũng như năng khiếu đặc biệt, có hay không có thôi chứ chả thể nào rèn luyện mà có được”. [3] Thực chất cội nguồn bản chất của cái giọng điệu đanh đá chua cay ấy là bởi “Lê Hoàng là một trí thức “sống nghiêm túc và làm việc nghiêm túc. Đã làm việc thì phải góp ý và xây dựng” [2].
Với bút danh lấy từ tên vợ, Lê Thị Liên Hoan, đạo diễn Lê Hoàng tiếp tục tung hoành trên mặt trận báo chí. Ông có một sức viết khá mạnh: bút danh Lê Thị Liên Hoan “nhẵn mặt” trên ít nhất 5 tờ báo lớn: An ninh thế giới, Tuổi Trẻ cười, Thanh niên, Thể Thao Văn hóa, Phụ nữ Hồ Chí Minh. Một minh chứng nữa khẳng định về sức viết của ông chính là việc ra liền tù tì ba cuốn sách tập hợp những tiểu phẩm hài: “Phỏng vấn một anh hề”, “Thư của trứng gà gửi chứng khoán”, “Thư của bà vợ gửi bồ nhí”.
Đó là kẻ làm báo "tay trái" nhưng lại là kẻ chạy sô "siêu chuyên nghiệp". Kẻ có cái giọng và vẻ người nom rõ "ái" nhưng cầm bút, lại nam tính vô cùng. Kẻ có cái bút danh rõ vui: "Lê Thị Liên Hoan" nhưng lại làm khối "vị" phải tức anh ách không dám lên tiếng bởi nói toàn những điều đúng cả [14]. Nhưng ở kẻ làm báo “tay trái” ấy, lại có Lê Thị Liên Hoan có một cái nhìn đầy trách nhiệm với nghề làm báo. Ông cực ghét những nhà báo không có trách nhiệm, không đúng hẹn. Như trong một bộ phim của mình, ông đã cho nhân vật tổng biên tập chỉ trích cô nhà báo: “Tôi đã chán ngấy những người như cô. Cái gì cũng chung chung, cái gì cũng sơ sài, hậu quả là những bài báo chẳng ma nào thèm đọc”. Hơn thế nữa việc “bí đề tài” của nhà báo luôn là điều khiến Lê Thị Liên Hoan thấy kinh ngạc, đề tài của Lê Thị Liên Hoan cực kỳ dồi dào và phong phú (chính vì thế mới có thể xuất hiện với tần số dày đặc trở thành gương mặt quen thuộc ở nhiều tờ báo đến vậy).
Một nhà báo cần cái nhìn sắc bén ra, bới móc ra những cái xấu cái cần nói mà thiên hạ không biết vì viết báo là viết cái mới, cái đang bức xúc của xã hội, thì bằng con mắt tinh đời và cả tinh quái, Lê Thị Liên Hoan có thể phát
hiện ra hàng loạt đề tài đầy lý thú của cuộc sống và cái giọng: cái giọng rất đặc trưng và đặc biệt, đanh đá, chua ngoa, lắm chuyện. Và với Lê Thị Liên Hoan, một bài mà không có phản biện xã hội thì chán vô cùng. Với thể loại sở trường – hình thức phỏng vấn phiếm chủ kết hợp với thể loại tiểu phẩm báo chí, Lê Thị Liên Hoan đã tạo dựng lên một thương hiệu rất “ăn khách” và nhận được sự quan tâm của công chúng cũng như của nhiều nhà báo khác.
Bức xúc trước sự ù lì, cái nhìn sắc sảo, ngôn từ sắc lẹm nhưng cũng khá hài hước của mình, Lê Thị Liên Hoan là một nhà báo có trách nhiệm của một người cầm bút. Ông cho rằng cái thiếu của nhà báo hiện nay là tài năng, phẩm chất cần của nhà báo là không hèn. Bí quyết của những bài viết hấp dẫn và khiến người đọc thích thú là đưa ra những nhận định mới, đôi khi ngay ở những đề tài đã cũ.
Nhìn chung, hai chân dung vừa có những nét riêng, vừa có những sự tương trợ cho nhau. Hai nghề đều cần một khả năng ngôn từ thật linh hoạt, cách xử lý tình huống thông minh. Không chỉ thế, chúng ở Lê Hoàng hay Lê Thị Liên Hoan đều hiện lên một cá tính một chân dung con người: rất hoạt ngôn, thông minh, đanh đá, chua ngoa, và có thể nói là thích gây sốc, tạo nên được ấn tượng trong lòng công chúng. Tuy nhiên, với tư cách nhà báo, ông có những quy tắc và một trách nhiệm làm báo đúng đắn cũng như một phong thái làm việc nghiêm túc: đúng hẹn và đặc biệt ghét những nhà báo làm việc không chuyên nghiệp, thích “ăn thiu ngủ nướng”. Điều này cho thấy, một nhà báo Lê Thị Liên Hoan rất có trách nhiệm làm báo, có tác phong của một người làm báo, một người có khả năng vô tận về đề tài trong cuộc sống, một cá tính ấn tượng trong làng báo nói chung và trong thể loại tiểu phẩm nói riêng. Và có thể thấy rằng, những kinh nghiệm sống, vốn làm nghệ thuật cũng như con người của một đạo diễn Lê Hoàng có ảnh hưởng khá sâu sắc tới công việc làm báo của ông. Tất nhiên, mỗi nghề nghiệp đều có một đặc thù nghiệp vụ riêng, nhưng cả hai lĩnh vực này đều cần một cách nhìn linh hoạt quan sát cuộc sống và có một lượng từ ngữ phong phú, đa dạng. Đặc biệt, dù ở chân
dung một nhà báo hay một đạo diễn thì Lê Hoàng không bao giờ từ bỏ một cá tính rất riêng của mình, một cá tính đanh đá, chua ngoa trong một cách nhìn đời rất thông minh, tinh quái.