Trẻ gần một tuổi, đến bữa ăn thường vớ lấy thìa hoặc đũa, đòi tự xúc lấy thức ăn đưa vào miệng ăn. Trong con mắt của người lớn, nhìn thấy trẻ cầm cái thìa con xúc thức ăn trong bát một cách vụng về, cơm vung vãi khắp bàn, khắp nhà thật khó coi và phiền lòng, nhưng đối với trẻ lại là một việc rất thú vị. Lần đầu tiên bé cầm thìa xúc cơm đưa lên miệng, cái miệng bé há thật to như muốn nuốt cả cái thìa. Nhưng cái tay nhỏ xíu của bé lại đưa lệch ra ngoài mép, nó ngoạm vội cũng chỉ được mấy hạt cơm vào miệng. Thế cũng là việc rất cừ rồi, đủ khiến cho thế giới nội tâm của bé đầy ắp nỗi vui mừng của sự tự lập thành công. Điều này, người lớn khó mà hiểu nổi.
Do đó, ngay từ 6 tháng tuổi trở đi bạn nên cho bé tự cầm những thức ăn khô như bánh bích quy chẳng hạn, để bé tự ăn, chuẩn bị cho bé tự ăn những thức ăn khác sau này. Cho đến khi bé đòi tự ăn, bạn đừng do dự, cứ mạnh dạn cho bé ăn thử. Bạn nên hiểu rằng, đây chính là một loại học tập trong đời sống tự lập của trẻ, cần phải khuyến khích. Đương nhiên, như trên đã nói, lúc này động tác tay và cách xúc thức ăn của trẻ còn rất vụng về, khiến thức ăn đổ tháo, mất rất nhiều thời gian mới hết lưng cơm mà ăn vào miệng chẳng được là bao. Song, xin bạn đừng vội sốt ruột và phải đủ lòng kiên nhẫn, hãy để cho trẻ được tự xúc ăn, đôi khi bạn có thể hướng dẫn, uốn nắn động tác cho trẻ. Có như vậy, lòng ham muốn tự ăn lấy của con bạn mới ngày càng mạnh dần, động tác càng khéo léo. Nếu bạn sốt ruột, giằng lấy thìa, bón cho con bạn ăn, dĩ nhiên, nhờ kỹ thuật khéo léo của tay bạn, có thể chốc lát sẽ bón hết lưng cơm cho trẻ. Nhưng, như vậy, vô hình trung bạn đã làm tiêu biến niềm tự tin mà khó khăn lắm mới nảy nở được ở con bạn và đã làm thui chột tính tích cực trong việc tập tự ăn của trẻ. Lâu dần, trẻ sẽ thành thói quen chỉ biết đợi người lớn bón cơm, mất hẳn ý muốn tự ăn. Bởi vì, nó phát hiện ra rằng, được người lớn làm tất, nó chỉ việc há miệng là có ăn. Đến khi bạn muốn bé tự ăn thì nó cũng không làm. Lúc này, bạn không chỉ vất vả hơn, mà ở bé như vậy cũng là không bình thường.