2.1. Triệu chứng và tác hại
Bệnh gây hại trên quả và cành. Đầu tiên trên quả hay cành xuất hiện những chấm rất nhỏ màu trắng giống như bụi phấn. Những chấm này nhiều lên tạo thành một lớp phấn mỏng sau này có màu hồng đó là bào tử của nấm.
Nếu xuất hiện ở cành thì thường nằm ở mặt dưới cành, nếu ở quả thường từ cuống quả. Vết bệnh phát triển chạy dọc theo cành và làm cành chết khô, quả héo và rụng.
Đây là bệnh gây hại nặng trên cà phê chè, cà phê vối cũng bị rải rác. Các cây cà phê kiến thiết cơ bản có thể chết nếu bị bệnh nặng
H. 04-18: Một số hình ảnh về bệnh nấm hồng (trên cành và trên quả)
2.1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh này do nấm Corticium salmonicolor gây nên.Vị trí tác hại chủ yếu là ở trên cành, đôi khi bệnh nặng có tất cả các cành trên phía ngọn. Mầu sắc của vết bệnh có màu hồng, vết cũ có màu trắng xám vỏ cành bị nứt nẻ.
Bệnh thích hợp với điều kiện ẩm độ cao nhưng lại nhiều ánh sáng. Do đó trong vườn cây, bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên, ít thấy ở tầng dưới. Tại Tây Nguyên bệnh phát sinh từ tháng 6,7, cao điểm vào tháng 9 và chấm dứt vào cuối mùa mưa (tháng 10, 11).
Bệnh tuy phát triển rất nhanh trên từng cây, tốc độ làm chết cành rất nhanh, nhưng lây lan từ cây này sang cây khác thì chậm.
2.3. Biện pháp phòng trừ
Chủ yếu là kiểm tra vườn cây, phát hiện kịp thời để cắt đốt những cành bị bệnh. Cần cắt sâu xuống phía dưới vết bệnh khoảng 10 cm, để khỏi sót nguồn bệnh còn lại ở trên cây.
Có thể dùng thuốc Boóc-đô đặc 5% để quét lên cành bệnh, hoặc phun thuốc có gốc đồng với nồng độ 0,5 - 1% vào vùng có cây bị bệnh; Phun Validacin (2%) từ tháng 6, phun 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày.
Nên phun lúc chưa xuất hiện nấm màu hồng. Bệnh nấm hồng thường phát triển vào mùa mưa, nhất là các tháng 7, 8, 9, 10. Cần tỉa cành, tạo hình làm cho bộ tán cây thông thoáng và tạo cho lô trồng không quá ẩm ướt.