Mối liên hệ giữa nghiên cứu cảnh quan với nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên

Một phần của tài liệu Cơ sở cảnh quan học cho việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 32)

8. Cấu trúc luận án

1.2.1.Mối liên hệ giữa nghiên cứu cảnh quan với nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên

nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông lâm nghiệp

Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định hướng xác lập cơ sở CQ học cho sử dụng hợp lý TNTN, BVMT là rất phù hợp, cần thiết và hiệu quả [108, 127, 128, 131, 132, 139]. Bởi vì, sử dụng hợp lý TNTN, BVMT là khai thác sử dụng nguồn TNTN trong phát triển KT-XH sao cho phù hợp với chức năng, khả năng tự điều chỉnh sinh thái của các địa hệ tự nhiên (trong luận án là các đơn vị CQ); vừa đáp ứng được nhu cầu, nhưng đồng thời đảm bảo được sức tái tạo, phục hồi của tự nhiên, ngăn ngừa tai biến và cải thiện chất lượng môi trường cả hiện tại và trong tương lai. Để sử dụng hợp lý TNTN và BVMT cần phải:

- Dựa vào tổng thể các điều kiện địa lý trong quá trình phát triển KT-XH. Đó chính là việc xem xét các đặc trưng tự nhiên, điều kiện môi trường và tác động của con người ở từng lãnh thổ cụ thể. Các đặc trưng tự thiên của lãnh thổ được thể hiện rõ nét qua những đặc điểm về địa chất, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn và sinh vật, cũng như các vấn đề môi trường nảy sinh trong quá trình khai thác tự nhiên. Tác động của con người thể hiện ở hoạt động khai thác tài nguyên, mở mang đô thị, KCN,… là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ thường xuyên và liên tục đến lãnh thổ.

- Phân tích, đánh giá các điều kiện địa lý một cách hệ thống và toàn diện. Bởi chúng có mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại với nhau, nếu chỉ chú ý khai thác một hợp phần mà không chú ý tới các thành phần khác cũng như cả hệ thống thì có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với các yếu tố khác hoặc toàn bộ hệ thống,... Hơn nữa, nếu sử dụng tài nguyên trong một TVCQ không hợp lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các TVCQ khác.

- Phải tìm hiểu và xác định được các tiềm năng tự nhiên của CQ để có định hướng sử dụng hợp lý. Tiềm năng tự nhiên là khả năng vốn có do tự nhiên ban tặng và các nhà địa lý học buộc phải đào sâu xem xét đúng đắn. Muốn xác định được lợi thế hay khó khăn của tự nhiên thì buộc phải hiểu được cấu trúc, quy luật của tự nhiên.

Tất cả các yêu cầu đó đều được thỏa mãn theo hướng tiếp cận CQ học. Bởi vì, các CQ được xem như đối tượng chính trong sử dụng tài nguyên, nơi diễn ra các hoạt động khai thác sử dụng TNTN của con người, vì vậy việc nghiên cứu nó sẽ tạo cơ sở khoa học quan trọng cho tổ chức lãnh thổ, sử dụng hợp lý TNTN và bảo vệ thiên nhiên. NCCQ với tư cách là đối tượng tác động và sự tổng hợp các điều kiện cần thiết của sử dụng tài nguyên được xác định bằng các đặc điểm sau:

- Mỗi CQ là một đơn vị hoàn chỉnh của bộ phận bề mặt Trái Đất, đặc trưng tính đồng nhất về chất của lãnh thổ theo nguồn gốc phát sinh, thành phần và mối liên hệ giữa các hợp phần và các đơn vị bậc thấp, đặc trưng sự trao đổi vật chất và năng lượng.

- CQ đồng thời là không gian sống của con người, là không gian ẩn chứa các loại tài nguyên (rừng, đất, nước, khí hậu,…) và là không gian phân bố các cơ sở sản xuất.

N.A.Solsev (1948) khẳng định: mỗi một CQ địa lý chứa đựng trong nó những khả năng tự nhiên vốn có nhất định. Những khả năng này được quyết định bởi một mặt là di sản địa lý trong các thời kỳ trước đó, mặt khác bởi khả năng từ mô hình hiện tại của quá trình vận động địa lý. Con người NCCQ để hiểu thêm về khả năng can thiệp chủ động vào tự nhiên, để xây dựng lại CQ theo ý muốn, khiến cho những khả năng tiềm tàng này phục vụ con người. Đó là lý do vì sao việc xác định được tiềm năng tự nhiên của mỗi CQ là nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhà địa lý [136].

Do đó, CQ là sự tổng hợp của các điều kiện sinh thái, tạo nên quỹ sinh thái lãnh thổ cũng như tiềm năng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.

- Mỗi một đơn vị CQ (kiểu, lớp, phụ lớp, hạng, loại,..) được đặc trưng về các dạng sử dụng tài nguyên. Trong quá trình sản xuất, trước hết là các nguồn TNTN (quỹ sinh thái) của CQ được khai thác, như vậy, lúc này CQ đã thực hiện chức năng xã hội của mình. Trong quá trình thực hiện chức năng xã hội, CQ bị biến đổi nhưng chưa thể chuyển ngay về trạng thái tương ứng với chức năng đó. Vì vậy, chức năng tương ứng của CQ với một dạng sử dụng nào đó chính là một trong những điều kiện quan trọng của các quyết định quy hoạch, thiết kế lãnh thổ (P.G. Shishenko, 1983), trong đó có nông lâm nghiệp. Sự phù hợp trạng thái chức năng CQ với nhu cầu sinh học của xã hội, con người xác định đặc điểm sử dụng tự nhiên trong quá trình phát triển.

Trong thực tế, khi nghiên cứu địa lý và trên quan điểm tổng hợp, các đơn vị CQ thường được sử dụng để đánh giá các ĐKTN cho mục đích sử dụng hợp lý TNTN và BVMT. ĐGCQ là đánh giá mối quan hệ cấu trúc của CQ cho mục đích sử dụng, nếu đặt một loại cây trồng nào đó vào một loại CQ cụ thể thì các thành phần cấu trúc CQ sẽ thay đổi ra sao. Ví dụ, khi chuyển một phần DT rừng nghèo để trồng cây cao su, cây ăn quả,… (tức là hàng loạt các điều kiện đầu vào thay đổi) dẫn đến sự hình thành các CQ mới và nảy sinh các vấn đề môi trường.

Sản xuất nông lâm nghiệp có mối quan hệ mật thiết với ĐKTN và với tổng thể của chúng là CQ. Các ĐKTN có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển và phân bố cây trồng, vì thế mỗi loại CQ phù hợp với một số loại cây trồng nhất định. Ngược lại, sản xuất nông lâm nghiệp cũng tác động đến CQ theo nhiều hướng khác nhau, có thể làm tăng quỹ sinh thái bằng cách cải thiện ĐKTN, tối ưu hóa điều kiện sống của con người và làm thay đổi cấu trúc CQ, xây dựng CQ mới. Như vậy, trong việc sử dụng và khai thác CQ, hoạt động của con người có thể làm suy thoái các điều kiện và tài nguyên trong CQ, làm xấu đi môi trường sống của con người, hoặc có thể làm tăng nhanh sự thay đổi và điều chỉnh chức năng xã hội của CQ. Do đó, tất cả các

hoạt động kinh tế trong CQ đòi hỏi phải xác định các dạng sử dụng hợp lý nhất.

Nói cách khác, ĐKTN, TNTN và phát triển kinh tế có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Một mặt ĐKTN, TNTN là nền tảng cho các hoạt động kinh tế, mặt khác chúng cũng chịu tác động của các hoạt động này theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Mối quan hệ đồng thời này chính là nền tảng cho sự hình thành và biến đổi CQ khu vực. Chính vì thế, hướng NCCQ là hướng nghiên cứu đặc điểm, sự phân hóa và mối liên hệ giữa các hợp phần tự nhiên một cách tổng hợp và toàn diện nhất. Bastian Olaf (2000) cho rằng CQ chính là một cộng cụ toàn diện cho việc thiết lập kế hoạch. NCCQ nhằm phát hiện các cấu trúc (đứng, ngang và thời gian) để sử dụng phù hợp. Hay nói cách khác, nghiên cứu, ĐGCQ sẽ chỉ ra mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên, đặc điểm, mối quan hệ qua lại lẫn nhau cũng như sự phân hóa của các thành phần tự nhiên. Từ đó, xác định đặc trưng phân hóa của các dạng sử dụng tài nguyên, các vấn đề môi trường nảy sinh và định hướng không gian sử dụng hợp lý TNTN và BVMT [108].

Do vậy, việc sử dụng kết quả phân tích, ĐGCQ sẽ đem lại cách tiếp cận tổng hợp nhất và xác thực với hiện trạng sử dụng tài nguyên và môi trường của mỗi vùng. Việc ĐGCQ cho các mục đích cụ thể sẽ xác định mức độ thích nghi của các CQ cho từng

loại hình sử dụng đất, làm rõ được các chức năng tự nhiên và chức năng của từng loại CQ và TVCQ.

Một phần của tài liệu Cơ sở cảnh quan học cho việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 32)