Tổng quan các công trình nghiên cứu về Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu Cơ sở cảnh quan học cho việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 26)

8. Cấu trúc luận án

1.1.3.Tổng quan các công trình nghiên cứu về Hà Tĩnh

nghiên cứu thường nghiêng về đánh giá các yếu tố địa lý như đất đai, khí hậu, thủy văn, sinh vật chung cho cả khu vực Bắc Trung Bộ [1, 6, 51, 52, 55, 72, 96] hoặc thiên về điều tra đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chung cho toàn tỉnh Hà Tĩnh hoặc các huyện của tỉnh. Tổng hợp các nghiên cứu về Hà Tĩnh có thể chia thành 3 nhóm:

a) Nhóm công trình nghiên cứu riêng lẻ về các điều kiện (thành phần - hợp

phần) tự nhiên của Hà Tĩnh

- Nghiên cứu về địa chất, địa hình:

Trong sơ đồ các vùng địa chất kiến tạo của Vũ Tự Lập (2006), phần lớn lãnh thổ Hà Tĩnh nằm trong vùng nền móng Hecxini. Tại khu vực nền móng này, trũng Hoành Sơn được lấp đầy trầm tích lục nguyên xen phun trào riôlit và xâm nhập granit. Hà Tĩnh là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là sắt (Thạch Khê), sắt - mangan (Can Lộc), titan (Kỳ Anh), thiếc (Hương Sơn),… [47, 71].

Dựa vào những đặc điểm chi tiết về địa chất và địa hình (như độ cao, hướng núi, hình dáng sườn, nham cấu tạo,…), Vũ Tự Lập (2006) xếp địa hình Hà Tĩnh nằm trong khu Nghệ Tĩnh thuộc miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với các đặc trưng cơ bản [47, 50]. Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Hà Tĩnh có địa hình hẹp và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông. Phía Tây là núi cao, kế đến là miền đồi bát úp, rồi đến dải đồng bằng nhỏ hẹp và cuối cùng là các bãi cát ven biển [71].

- Nghiên cứu về thổ nhưỡng:

Năm 1966, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 theo hướng dẫn chung của Vụ quản lý ruộng đất, sau đó là bản đồ đất của huyện Hương Sơn, Kỳ Anh,...

Năm 1998, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh tiến hành điều tra cơ bản về vùng đất mặn ven biển Hà Tĩnh, từ đó đề xuất các giải pháp sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất ở khu vực này.

Năm 2000, Hội Khoa học Đất Việt Nam đã tiến hành phân vùng địa lý thổ nhưỡng Việt Nam (kèm theo bản đồ tỷ lệ 1:1.000.000) thành 142 vùng địa lý thổ nhưỡng. Theo đó, Hà Tĩnh nằm trong khu địa lý thổ nhưỡng Nghệ Tĩnh, thuộc á miền địa lý thổ nhưỡng Trường Sơn Bắc của miền địa lý thổ nhưỡng phía Bắc [35].

Năm 2006, Nguyễn Xuân Tình và nnk đã tiến hành phân loại đất Hà Tĩnh theo tiêu chuẩn phân loại của FAO/UNESCO thành 9 nhóm (gồm: đất cồn cát và đất cát biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất glây, đất có tầng sét loang lổ, đất đá tơi, đất có tầng mỏng) với 15 đơn vị đất và 63 đơn vị đất phụ. Căn cứ vào đặc trưng về mức độ phong

hóa, cấu trúc địa chất; đặc điểm về độ phì nhiêu và hướng sản xuất; đặc trưng khí hậu,… tác giả đã tiến hành phân vùng địa lý thổ nhưỡng tỉnh Hà Tĩnh thành 3 vùng (vùng núi, vùng đồi, gò và vùng đồng bằng ven biển) với 9 tiểu vùng địa lý thổ nhưỡng cụ thể [73]. Đây được xem là công trình nghiên cứu cụ thể, chi tiết và tốt nhất đến nay về tài nguyên đất ở tỉnh Hà Tĩnh.

- Nghiên cứu về khí hậu:

Phạm Ngọc Toàn (1976) cho rằng lãnh thổ Hà Tĩnh nằm trong khu vực có khí hậu hai mùa với lượng mưa vừa phải trên bản đồ khí hậu và lượng mưa của nước ta [76].

Vũ Tự Lập (2006) xếp Hà Tĩnh nằm trong khu khí hậu Thanh Nghệ Tĩnh của á đới khí hậu chí tuyến gió mùa, có mùa đông lạnh khô thuộc đới khí hậu chí tuyến gió mùa [50]. Một nghiên cứu khác xếp Hà Tĩnh thuộc vùng khí hậu Bắc Trung Bộ của miền khí hậu phía Bắc [54].

Nguyễn Khanh Vân và nnk (2000) trên cơ sở các số liệu Chuẩn khí hậu của trạm Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh, Kỳ Anh đã xây dựng các biểu đồ SKH của các khu vực này và xếp chúng vào kiểu SKH nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh, mưa hè, không có tháng khô nào [93].

Đặng Văn Phan (2008) xếp Hà Tĩnh nằm trong vùng khí hậu nông nghiệp thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Còn trong sơ đồ phân vùng khí hậu nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Văn Viết (2009) chia lãnh thổ nước ta thành 2 miền khí hậu nông nghiệp với 22 tiểu vùng đặc trưng, trong đó lãnh thổ Hà Tĩnh thuộc miền khí hậu nông nghiệp phía Bắc [96].

Những năm gần đây, đã có một số công trình nghiên cứu, đánh giá về khí hậu Hà Tĩnh trong tổng thể của khí hậu của Bắc Trung Bộ [53].

- Nghiên cứu về chế độ thủy văn:

Hà Tĩnh là tỉnh có mật độ sông suối khá dày, khoảng 1km/km2 [62, 101]. Trần Tuất và nnk (1987) xếp mật độ sông suối của Hà Tĩnh thuộc cấp 3, cấp 4 (0,5-1 km/km2) theo bản đồ phân cấp mật độ sông suối lãnh thổ Việt nam. Mùa lũ kéo dài từ tháng VII đến tháng XI, với cực đại vào tháng IX hoặc tháng X. Mùa cạn từ tháng XII đến tháng VI, tháng kiệt nhất là tháng IV [47].

Trong bản đồ phân vùng thủy văn lãnh thổ Việt Nam, Trần Thanh Xuân (2008) xếp Hà Tĩnh nằm trong 2 vùng thủy văn: đồng bằng Nghệ Tĩnh (kí hiệu B-I-1) và Nam Nghệ An - Hà Tĩnh (kí hiệu B-I-2) của khu thủy văn Nam Nghệ An - Thừa Thiên Huế

- Nghiên cứu về tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học:

Hà Tĩnh là tỉnh có mức độ đa dạng sinh học cao, nhất là ở huyện Vũ Quang. Trong VQG Vũ Quang đã phát hiện được 2 loại thú quý hiếm trong danh mục thú trên thế giới là Sao la và Mang lớn. Một số loại thú có phạm vi phân bố hẹp như Vẹc Hà Tĩnh (chỉ bắt gặp ở Hà Tĩnh) [8, 79]. Bên cạnh đó, các ghi chép trong Danh lục đỏ Việt Nam, Sách đỏ Việt Nam cũng cho thấy mức độ đa dạng sinh học cao ở khu vực này.

b) Các công trình nghiên cứu về nông lâm nghiệp ở Hà Tĩnh

- Nông nghiệp là ngành thu hút được nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học. Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, Ban Khoa học kỹ thuật và Ty nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh có các tài liệu phổ biến về lịch thời vụ, kỹ thuật trồng lạc, trồng khoai và tổng kết một số vấn đề trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân [34, 46, 84]. Lê Văn Phượng (1982) đã đi sâu vào đánh giá khả năng nhiệt lượng đảm bảo cho các loại cây từ gieo trồng đến thu hoạch như lúa, ngô, khoai lang, đậu, lạc,… và đánh giá những thuận lợi và khó khăn của khí hậu đối với ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, nghề muối ở Nghệ Tĩnh [59]. Trần Ngọc Cung và nnk (1985) tập trung vào phân tích đặc điểm khí hậu (cụ thể là nhiệt độ, lượng mưa,…), xác định lịch thời vụ gieo trồng và đồng thời đề ra các biện pháp thâm canh đối với lúa hè thu ở Nghệ Tĩnh [20]. Vũ Việt Hưng (2011) chú trọng nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê - Hà Tĩnh trên cơ sở phân tích các yếu tố sinh thái của cây bưởi. Từ đó, tác giả đề nghị sử dụng các biện pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây trồng này.

Trong nghiên cứu về 7 vùng lãnh thổ nông nghiệp Việt Nam, Hà Tĩnh nằm trong vùng nông nghiệp Bắc Trung Bộ. Theo Hội khoa học đất Việt Nam, cả nước chia thành 5 miền sinh thái nông nghiệp. Trong đó, Hà Tĩnh được xếp vào vùng Bắc Trung Bộ thuộc miền sinh thái nông nghiệp Đông Trường Sơn [15].

Một số nghiên cứu khác đi sâu vào các vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và đưa ra những biện pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh [6, 102].

- Lâm nghiệp của Hà Tĩnh cũng có một vài nghiên cứu tiêu biểu: có nghiên cứu nhấn mạnh đến đặc điểm cấu trúc của rừng lá rộng thường xanh, hoặc rừng tự nhiên phục hồi sau khai thác ở Hương Sơn - Hà Tĩnh làm cơ sở đề xuất các biện pháp phục hồi và bảo vệ rừng [43]; có nghiên cứu đi sâu vào đánh giá hiệu quả phương thức khai thác tại lâm trường Hương Sơn - Hà Tĩnh [69].

c) Các nghiên cứu tổng hợp và nghiên cứu quy hoạch tổng thể về Hà Tĩnh

Năm 1970, Tổ phân vùng địa lý tự nhiên thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã có công trình nghiên cứu phân vùng địa lý tự nhiên lãnh thổ Việt Nam, trong đó Hà Tĩnh nằm trong miền đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh thuộc á đới Bắc Việt Nam [75].

Vũ Tự Lập (1976, 2006) khi NCCQ miền Bắc và trên toàn lãnh thổ Việt Nam theo quan điểm cá thể đã xếp Hà Tĩnh vào khu CQ Nghệ Tĩnh thuộc miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ [47, 50]. Hà Tĩnh nằm trong 104 kiểu CQ cá thể của khu Nghệ Tĩnh, trong tổng số 962 cá thể CQ của cả nước [66]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn Ngọc Khánhtrong “Cơ sở CQ học của việc sử dụng hợp lý TNTN, BVMT lãnh thổ Việt Nam” đã phân chia lãnh thổ Việt Nam thành 8 miền CQ với 66 vùng CQ cụ thể trên sơ đồ phân vùng CQ Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000. Trong đó Hà Tĩnh thuộc vùng CQ đồng bằng Nghệ An, Hà Tĩnh và vùng CQ Rào Cỏ trong miền CQ Bắc Trung Bộ với các đặc trưng giao thoa, chuyển tiếp của các tác động ngoại sinh trên nền vật chất đã có sự đồng nhất khá cao [26].

Lê Bá Thảo (2002) đã xếp vùng núi phía Tây Hà Tĩnh vào miền Trường Sơn Bắc, còn khu vực đồng bằng Hà Tĩnh thuộc miền đồng bằng ven biển Trung Bộ [67].

Nguyễn Văn Vinh và nnk trong “Phân vùng tự nhiên Việt Nam” (2001) đã xếp phần lãnh thổ phía Tây (gồm vùng núi phía Tây Hà Tĩnh (sườn Đông dãy Rào Cỏ) và vùng núi Hoành Sơn) nằm trong miền núi Trường Sơn Bắc, còn phần đồng bằng ven biển Hà Tĩnh (chia thành vùng đồng bằng xen đồi Vũ Liệt - Hương Khê; vùng châu thổ sông Cả - sông Nghèn; vùng đồng bằng Kỳ Anh) nằm trong miền đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh [99].

Nguyễn Cao Huần và nnk trong “Nghiên cứu phân vùng CQ lãnh thổ Việt Nam - Lào” (2009) đã xếp lãnh thổ Hà Tĩnh nằm trong miền CQ duyên hải Bắc Trung Bộ [39]. Gần đây, nghiên cứu của Nguyễn Quang Tuấn (2013) về lãnh thổ huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trên cơ sở địa lý và CQ học được xem là một công trình đánh giá khá hệ thống và toàn diện về đặc điểm phân hoá lãnh thổ, phân tích cấu trúc CQ, thành lập bản đồ CQ và bản đồ phân vùng CQ của huyện Kỳ Anh tỷ lệ 1:50.000 [82].

Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có một số nghiên cứu về tổng thể như: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 [87], Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 [88], Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 [92], báo

cáo hiện trạng môi trường Hà Tĩnh năm 2005-2011, Báo cáo kết quả quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2006 đến năm 2011 [77, 78],…

d) Nhận xét

Qua phân tích những tài liệu đã nghiên cứu về Hà Tĩnh trên nhiều khía cạnh liên quan, có thể rút ra những nhận xét sau:

- Những nghiên cứu về Hà Tĩnh rất có giá trị về lý luận và thực tiễn, chính là hệ thống tư liệu rất quan trọng để tác giả hình thành hướng tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu phù hợp cho đề tài, đồng thời tạo lập và giới hạn khung nội dung của luận án và sử dụng để đối chiếu với hệ thống tư liệu thu thập trên thực địa.

- Một số nghiên cứu chỉ đề cập đến các hợp phần tự nhiên riêng lẻ của Hà Tĩnh (tiêu biểu nhất chỉ có các nghiên cứu về SKH [16] và thổ nhưỡng Hà Tĩnh [73]) mà chưa đề cập đến mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố tự nhiên với nhau cũng như với con người trên quan điểm hệ thống.

- Các nghiên cứu về nông lâm nghiệp ở Hà Tĩnh mới chỉ chú ý các điều kiện phát triển một số loại cây trồng nhất định và cho phát triển ngành lâm nghiệp nói chung mà chưa xem xét đến sự phát triển các ngành kinh tế này trên cơ sở phân tích tổng hợp các điều kiện địa lý lãnh thổ. Chưa có công trình nghiên cứu nào phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố địa lý để xác định tiềm năng lãnh thổ, cũng như chưa có công trình nào phân tích mối quan hệ giữa việc sử dụng tài nguyên trong các hoạt động kinh tế để làm cơ sở tin cậy cho sự phát triển của nông lâm nghiệp ở địa phương.

- Một số công trình đã sử dụng cách tiếp cận địa lý tổng hợp trên cơ sở phân vùng và phân tích CQ liên quan đến lãnh thổ Hà Tĩnh nhưng đều ở tỷ lệ nghiên cứu nhỏ. Trong những NCCQ ở phạm vi cả nước hoặc cấp vùng (ở tỷ lệ 1/1.000.000), Hà Tĩnh chỉ là một phần trong vùng Bắc Trung Bộ hoặc trong lãnh thổ Việt Nam [26, 47]. Vì thế, các kết quả nghiên cứu chỉ mang tính định hướng, khái quát chứ không thể hiện được đặc điểm cũng như sự phân hóa chi tiết trong CQ tỉnh Hà Tĩnh, do đó không thể làm cơ sở đưa ra kiến nghị cụ thể trong sử dụng hợp lý lãnh thổ.

- Với nghiên cứu ở tỷ lệ lớn (1/50.000) ở phạm vi cấp huyện như Kỳ Anh [82] mặc dù phản ánh rất rõ thực trạng phân hóa CQ trong lãnh thổ nhưng lại chưa phản ánh rõ nét sự phân hóa lãnh thổ theo không gian. Trong khi đó, việc xác định sự phân hóa lãnh thổ theo không gian chính là nhiệm vụ rất quan trọng của NCCQ.

- Hà Tĩnh hiện chưa có công trình nghiên cứu tổng hợp các điều kiện địa lý nhằm làm rõ đặc điểm và sự phân hóa CQ cho định hướng sử dụng hợp lý TNTN và BVMT trong phát triển nông lâm nghiệp ở quy mô trung bình (1/100.000).

Chính vì vậy, đối với lãnh thổ Hà Tĩnh rất cần những công trình nghiên cứu về CQ và ĐGCQ nhằm sử dụng hợp lý TNTN và BVMT. Kết quả nghiên cứu sẽ là tài liệu cần thiết cho định hướng tổ chức lãnh thổ hợp lý, hiệu quả tại địa phương.

Một phần của tài liệu Cơ sở cảnh quan học cho việc sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông lâm nghiệp tỉnh hà tĩnh (Trang 26)