Tình hình thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động

Một phần của tài liệu Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 54)

Công tác BHLĐ, ATVSLĐ là một trong những chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm chăm lo cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ người lao động. Như đã phân tích ở chương I về mối quan hệ giữa công tác ATVSLĐ và TNLĐ, BNN, việc thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ là cơ sở quan trọng để hạn chế TNLĐ, BNN xảy ra. Những năm vừa qua, cùng với những kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, lĩnh vực ATVSLĐ đã và

đang có những chuyển biến tích cực cả về công tác quản lý ATVSLĐ cũng như việc thực hiện các quy định ATVSLĐ của các đơn vị, cơ sở, cụ thể là:

Công tác ATVSLĐ ngày càng được coi trọng hơn. Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ đã từng bước được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp coi công tác ATVSLĐ như điều kiện quan trọng để tồn tại, phát triển. Chính vì vậy, việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động, giảm thấp nhất tác hại của các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình làm việc tới sức khỏe của người lao động nói riêng và cộng đồng nói chung đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện và thực hiện có hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ ngày càng được củng cố, thể hiện qua sự hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt chú ý đến các giải pháp giải quyết những vần đề mới phát sinh hoặc những tiêu cực trong hoạt động của kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay như kéo dài thời gian lao động quá mức.

Tuy nhiên, ở nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành nghề kinh tế, các quy định về ATVSLĐ vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Môi trường lao động ở đa số khu công nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ cũng như các làng nghề tại nước ta đang bị ô nhiễm với nhiều mức độ khác nhau. Kết quả khảo sát 1.000 cơ sở sản xuất trên cả nước cho thấy có tới 66% cơ sở bị ô nhiễm nhiệt và 30% bị ô nhiễm tiếng ồn. Còn tại hơn 140 làng nghề, do quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít nên việc cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất rất hạn chế. Đồng thời, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất trong ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, chế biến thực phẩm… hiện nay cũng không đảm bảo an toàn, gây độc hại.

Với nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, việc trang bị phương tiện BHLĐ cho công nhân chỉ mang tính đối phó với các

cơ quan chức năng. Phổ biến nhất là trang bị không đủ về số lượng, đặc biệt là sai chức năng, kém chất lượng, không phù hợp với công việc. Một tình trạng chung hiện nay là các chủ doanh nghiệp do muốn thu hồi vốn nhanh nên đầu tư xây dựng nhà xưởng không đạt tiêu chuẩn.

Không ít cơ sở không xin phép, không đăng ký mà vẫn đưa các thiết bị, máy móc nguy hiểm vào hoạt động. Thậm chí bố trí lao động nữ làm việc tại những khu vực đã bị cấm theo quy định của Nhà nước hoặc sử dụng các chất bị cấm vào quá trình sản xuất.

Người lao động cũng chưa có ý thức cao trong việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Không mang khẩu trang, đeo găng tay, đội nón bảo hộ… là điều dễ nhận thấy nhất, mặc dù những vật dụng này hầu hết đơn vị nào cũng trang bị cho công nhân, dù chỉ để đối phó. Tại một số cơ sở sản xuất có điều kiện làm việc rất ồn, công nhân muốn nói chuyện phải hét rất lớn mới có thể nghe được, thế nhưng hầu hết người lao động đều không đeo thiết bị giảm âm mặc dù công ty có cung cấp thiết bị này.

Tại các cơ sở thường xuyên giám sát môi trường lao động, các yếu tố có chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép có xu hướng giảm, một số yếu tố nguy cơ đã được cải thiện. Tổng số mẫu xét nghiệm kiểm tra môi trường trung bình 4 năm 2006-2010 là 300.000 mẫu/năm (tăng 42% so với 210.000 mẫu giai đoạn 2001-2005); trong đó số mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép chiếm 13,3% (tỷ lệ này giai đoạn 2001-2005 là 19,6%).

Việc giám sát môi trường được đẩy mạnh. Năm 2006 giám sát môi trường lao động cho 1.200 cơ sở với 242.345 mẫu đo, năm 2007 cho 2.000 cơ sở với 324.910 mẫu, 2010 cho 29.105 cơ sở với 376.746 mẫu. Tỷ lệ vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với các yếu tố ồn, bụi, rung, ánh sáng khá cao. [5, tr.5]

Chất lượng trang thiết bị lao động là một trong số các yếu tố quan trọng hàng đầu của công tác ATVSLĐ. Trang bị, sử dụng các phương tiện, dụng cụ

BHLĐ đầy đủ là cơ sở quan trọng góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng… vẫn xem nhẹ việc này.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập và phát triển các doanh nghiệp trong cả nước có những tiến bộ trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong đó bao gồm cả các lĩnh vực BHLĐ, cải thiện điều kiện và môi trường lao động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cải thiện điều kiện lao động. Công tác BHLĐ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được người sử dụng lao động coi trọng.

Kết quả điều tra, khảo sát trong 7 năm vừa qua (2005 – 2011) của Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ đối với 2.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên toàn quốc với nhiều ngành sản xuất, nhiều loại hình doanh nghiệp (quốc doanh, ngoài quốc doanh, liên doanh...) cho thấy, trừ một số ít các cơ sở sản xuất có môi trường lao động ở mức hợp vệ sinh (có giá trị các yếu tố gây ô nhiễm nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chuẩn cho phép) đa số đều bị ô nhiễm từ mức độ ô nhiễm nhẹ đến ô nhiễm rất nhiều.

Công nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là công nghệ lạc hậu, chỉ có rất ít cơ sở sản xuất có thiết bị làm giảm bụi còn hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. Các cơ sở sản xuất thường phân tán, nhiều cơ sở lại nằm trong khu vực nội thành nên vấn đề ô nhiễm môi trường là đáng lo ngại.

Phân tích đơn cử tình hình ATVSLĐ ở Hải Dương - địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trong cả nước năm 2011 có thể nhận thấy:

Thiếu thiết bị bảo hộ, không phối hợp với ngành chức năng để huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động cũng như người lao động đang

khá phổ biến tại các doanh nghiệp dân doanh và các công trình xây dựng nhà dân, là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng nêu trên. Thực tế cho thấy, công tác huấn luyện ATVSLĐ cũng như việc chấp hành đầy đủ các quy định về BHLĐ mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn.

Khảo sát ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh, hay các công trình xây dựng nhà dân cho thấy, hầu hết người lao động không được trang bị BHLĐ, công tác ATVSLĐ bị bỏ ngỏ để mặc những nguy hiểm đang rình rập có thể gây hại đến tính mạng con người cũng như tài sản của doanh nghiệp bất cứ lúc nào. Trong khi đó, đến 80% số công nhân làm việc ở những đơn vị này là lao động tự do, không được đào tạo chuyên môn, thiếu kiến thức về an toàn lao động.

Người sử dụng lao động và người lao động chỉ “hợp đồng miệng” làm việc theo công trình hoặc ngày công để giảm các chi phí về đào tạo, trang bị bảo hộ, bảo hiểm, nên khi xảy ra tai nạn, phần bồi thường của người sử dụng lao động chỉ là vì “tình cảm” chứ không theo bất cứ quy định nào và đương nhiên vụ việc cũng không được báo cáo với các cơ quan chức năng.

Việc giám sát về an toàn lao động cũng gần như bị “lãng quên”. Đối với các công trình xây dựng tư nhân thì lực lượng thanh tra xây dựng ở cấp phường, xã chỉ kiểm tra, xử lý những công trình xây dựng được cấp phép hay chưa được cấp phép, xây dựng có đúng phép quy định và có bảo đảm an toàn hành lang hay không… còn việc phá dỡ công trình cũ thì không có lực lượng nào kiểm tra, tuyệt nhiên không có sự kiểm tra, giám sát về công tác ATVSLĐ. Với các doanh nghiệp dân doanh cũng vậy, việc giám sát, xử lý những vi phạm về ATVSLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trước thực tế đó, lực lượng chuyên trách công việc này lại quá mỏng, chỉ có vài người thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố thì chỉ có một đến hai cán bộ chuyên trách, nên tình trạng mất ATVSLĐ diễn ra phổ biến. Trong khi đó,

công tác thanh, kiểm tra của các lực lượng chức năng lại chưa được thực hiện thường xuyên, việc xử lý vi phạm chưa cương quyết, nên chưa đủ sức răn đe.

Một phần của tài liệu Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)