So sánh với pháp luật các nước, Luận văn rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
- Cần mở rộng đối tượng bảo vệ của chế độ TNLĐ, BNN đến toàn bộ người lao động làm công ăn lương. Việc mở rộng phạm vi áp dụng này vừa
đảm bảo quyền lợi cho người lao động, vừa thực hiện nguyên tắc số đông bù số ít trong hoạt động BHXH.
- Quy định tỷ lệ đóng góp vào Quỹ TNLĐ, BNN là khác nhau giữa các ngành nghề. Việc quy định tỷ lệ đóng góp khác nhau sẽ đảm bảo sự công bằng giữa các đơn vị tham gia chế độ TNLĐ, BNN, mặt khác tạo động lực cho người sử dụng lao động quan tâm và đầu tư nguồn lực thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
- Thực hiện chức năng phòng ngừa và hạn chế tổn thất của hoạt động bảo hiểm. Chức năng này có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, như đầu tư trở lại cho đơn vị sử dụng lao động để cải thiện điều kiện lao động, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động cũng như chủ sử dụng lao động.
Thực tế, chi phí cho công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN thấp hơn nhiều so với chi phí bồi thường, khắc phục hậu quả từ TNLĐ, BNN. Ngoài chi phí bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN mà tổ chức BHXH gánh chịu, thì còn phát sinh nhiều vấn đề xã hội về lực lượng lao động, chi phí y tế, tinh thần của người lao động sau khi bị rủi ro, chưa kể đến những thiệt hại về phía người sử dụng lao động.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội hiện nay. Bên cạnh đối tượng lao động trí thức rất phổ biến thì lực lượng lao động lao động chân tay vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong số các ngành nghề lao động sản xuất vật chất, và rủi ro trong quá trình lao động dẫn đến TNLĐ, BNN vẫn là rất cao. Là một chế định pháp luật về bảo hiểm, chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đảm bảo an toàn về đời sống cho bản thân và gia đình người lao động bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, chế độ TNLĐ, BNN còn bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động trong việc xác định phạm vị trách nhiệm khi người lao động bị TNLĐ, BNN. Các quy định pháp luật về TNLĐ, BNN là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết bồi thường về TNLĐ, BNN và các tranh chấp liên quan, qua đó góp phần duy trì ổn định xã hội.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP VÀ VIỆC THỰC THI Ở VIỆT NAM
TNLĐ, BNN hiện nay xảy ra rất phổ biến trong các ngành nghề lao động tay chân, mà nguyên nhân trực tiếp là do điều kiện lao động, môi trường làm việc và gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Nó thường là hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ và dẫn đến việc thay đổi quan hệ pháp luật lao động, thậm chí chấm dứt quan hệ pháp luật lao động nếu người bị TNLĐ, BNN chết hoặc không thể phục hồi khả năng lao động đủ để bố trí sắp xếp lại công việc phù hợp. Và cùng với tính chất đặc trưng này mà chế độ TNLĐ, BNN có sự khác biệt so với các chế độ BHXH khác.