Ra tay, gạo xay ra cám: Ra tay là bắt tay vào làm một cách cẩn thận, cố gắng. Ra tay,
gạo xay ra cám nghĩa đen là không làm thì thôi, đã cố gắng làm thì gạo xay ra cám
(Xay gạo xưa nay chỉ ra hột gạo mà thôi, đây nói xay ra cám là nói cái kết quả tốt
đẹp không ngờ, cái kết quả bằng cả việc xay gạo lẫn việc giã gạo).
Nghĩa bóng câu này muốn nói công việc cố gắng chu đáo, thì kết quả sẽ gấp đôi
cái kết quả của công việc thường. Cũng có người cho câu này có ý diễu người khoác
lác quá đáng (xay gạo thì xay ra cám thế nào được).
2. Rát ( nhát ) như cáy : Cáy là một giống cua nhỏ ở nước mặn, hình thù giống con cua
đồng, nhưng ở cẳng nó có những cái lông nhỏ (Người ta vẫn gọi lông mọc trên mình
sơ sinh là lông con cáy, ý nói lông nhỏ và non). Giống cáy rất nhát, thấy bóng người
là thụt xuống cát hay khe đá. Nên rát như cáy nghĩa là nhát lắm.
3. Rau nào sâu ấy: Thứ rau nào có thứ sâu của rau ấy.
Người ta cũng vậy, cha mẹ thế nào thì con cái cũng thế. Cha mẹ hiền thì con
cũng hiền, cha mẹ ác thì con cũng ác, cha mẹ xấu thì con cũng không đẹp.
Ảnh hưởng của rau đối với sâu cũng như ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái.
4. Rậu ( giậu ) đổ bìm bìm leo : Bờ rào bờ rậu đổ xuống thì dây bìm bìm leo lên, ý nói đã
suy lại càng suy thêm.
Cũng có nghĩa thấy người ta sa sút thì đè nén thêm, y như giây bìm bìm leo lên bờ
rậu đã đổ. Câu này ý nghĩa cũng na ná như câu “tre lướt cò đỗ”.
5. Rỏ ( giỏ ) nhà ai, quai nhà ấy : Cái rỏ của nhà ai, thì cái quai rỏ cũng của nhà ấy. Ý
nói con cái nhà ai thì giống nhà nấy, không lẫn được.
Người ta thường dùng câu này để nói rằng con cái người nào thì mặt mũi, tính
tình cũng giống hệt người ấy.
6. Rình nhau như miếng mộc: Mộc là một thứ võ khí cổ, làm hình bầu dục, trong bằng
giấy bồi, ngoài kèm mây bó sơn, làm hơi khum khum mui luyện, phình ra phía ngoài,
phía trong có cái dây để xâu vào cánh tay, dùng giơ lên đỡ mũi gươm giáo. Miếng
mộc tức là những miếng chống đỡ bằng cái mộc.
Người đeo mộc luôn luôn phải rình xem đối thủ định đâm vào chỗ nào, để giơ
mộc lên che đỡ chỗ đó. Người ta thường dùng câu này để nói việc hai người hoặc
nhiều người, lúc nào cũng tìm cơ hội để làm hại nhau.
Cũng có người giảng: Rình nhau như miếng mộc là rình nhau như một bên đánh
miếng võ với một bên cầm mộc đỡ.
7. Rồng rồng theo nạ: Rồng rồng là cá lúc mới sinh. Nạ tiếng cổ nghĩa là mẹ. Nghĩa ấy
thấy trong các danh từ nạ lợn, nạ dòng (đàn bà đã có con). Cá rồng rồng kéo lũ lượt
phía sau, con cá mẹ là theo đi đấy.
Câu này ý nói con cái theo cha mẹ, cũng như nhân dân theo gương nhà cầm
quyền.
8. Rủ nhau làm phúc, chớ rủ nhau đi kiện: Làm phúc tức là bỏ tiền bạc, sức lực, lời
nói ra cứu giúp người ta để mình được phúc.
Làm phúc cũng như để dành tiền của ở chỗ chắc chắn, vì làm ơn bao giờ cũng
được ơn người mình làm ơn cho, họ không giúp lại được mình, cũng có người khác
giúp đỡ mình.
Cho nên ta nên rủ nhau làm việc phúc đức.
Còn kiện tụng là gây oán gây thù và làm mất phúc đức, ta chớ nên rủ nhau đi
kiện.
Câu này đại ý khuyên người ta không nên xui nguyên dục bị, khích bác cho người
ta kiện nhau.
Cũng có người nói: “khuyên nhau làm phúc, ai khuyên nhau đi kiện” ý nghĩa đại
khái cũng thế.
9. Run như cầy sấy: Run như con chó (thường gọi là cầy) bị ướt lông vào sấy mình bên
cạnh đống lửa. Ý nói run sợ quá, hoặc rét quá.
10. Ruộng ai thì nấy ( ấy ) đắp bờ : Ruộng của ai thì người nấy đắp bờ.
Câu này lấy ruộng ra làm thí dụ. Đại ý nói rằng: Cha mẹ ai người nấy phụng
dưỡng, con ai người nấy bù trì (chăm no, nuôi nấng, thương yêu), sự nghiệp của ai thì
người nấy xây dựng. Đời không ai làm thay, làm giúp những việc riêng của mình.
Ngoài ra câu này còn có nghĩa là mình được nhờ vả ai, thì mình phải giữ gìn bênh
vực cho người ấy. Ý nghĩa cũng gần giống câu: “Ăn cây nào rào cây ấy”.
11. Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay: Ruộng bề bề là ruộng nhiều lắm.
Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay là vì ruộng có thể bỏ hoang, có thể mất
mùa, hoặc có ngày bán đi mất. Còn có nghề trong tay, thì ở đâu làm việc cũng được,
mùa nào cũng làm được, làm mãi mà nghề không mất, trái lại càng làm nghề, càng
tinh xảo thêm lên.
12. Rút dây động rừng: Rút một sợi dây động đến cả khu rừng, vì dây vướng vào cây
nọ cây kia. Nghĩa bóng câu này nói làm việc tuy nhỏ, nhưng có thể động chạm đến
nhiều người ta to mặt lớn; làm một việc nhỏ song có ảnh hưởng rất to.
13. Rước voi về giầy mồ: Rước nghĩa là đón. Rước voi về giầy mồ là đón voi về để
nó giầy lên mồ mả cha ông mình. Chân voi to như phướng, giầy lên mồ mả thì mồ
mả bẹp dí, san bằng mặt đất. Rước voi về như vậy, không lợi ích gì mà chỉ có hại.
Ở đời, thường có người rước những kẻ thế lực to lớn về, tưởng để làm lợi riêng
cho mình, có biết đâu chỉ có hại, chẳng khác gì rước voi về giầy mồ.