Cha ông ta có câu: “học ăn, học nói, học gói, học mở”… nghĩa là trước khi đi ra xã hội điều trước tiên phải học là nghi thức giao tiếp, là cách ứng xử có “văn hóa” với người khác. Vậy mà, một bộ phận học sinh nói riêng và thanh thiếu niên nói chung hiện nay đã và đang làm “biến dạng” đi lời dạy của người xưa. Cách ứng xử, giao tiếp của họ đã không còn thể hiện được nét “đẹp” phù hợp với vị thế “con người có học” của họ nữa. Đặc trưng cho lối ứng xử thiếu văn minh đó chính là hiện tượng “chửi thề, nói tục” một hiện tượng lệch lạc về ngôn ngữ giao tiếp của học sinh hiện nay. Thực tế đã cho chúng ta thấy, một bộ phận học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của lời nói và những phát ngôn của bản thân mình khi đứng ở nơi công cộng hay trong một cuộc giao tiếp với người khác. Họ dễ dàng buông ra những lời nói thiếu văn hóa, những câu nói tục, chửi thề mà không biết ngượng miệng, thậm chí còn cho đó là trò vui, là cách thể hiện bản thân. “Chửi thề” không chỉ dùng để chửi đơn thuần nữa mà nó đã ăn sâu thật sự và trở thành câu cửa miệng, một phần phản xạ của các bạn. Đây quả là một vấn đề nghiêm trọng, là một tiếng còi báo động cho xu hướng đi xuống của văn minh con người, của văn minh xã hội.