Năng lực được quan niệm là sự kết hợp một cách linh hoạt và có tổ chức kiến thức, kỹ năng với thái độ, tình cảm, giá trị, động cơ cá nhân, nhằm đáp ứng hiệu quả một yêu cầu phức hợp của hoạt động trong bối cảnh nhất định. Năng lực thể hiện sự vận dụng kết hợp nhiều yếu tố (phẩm chất, kiến thức và kỹ năng) được thể hiện thông qua các hoạt động của cá nhân nhằm thực hiện một loại công việc nào đó. Năng lực có các yếu tố cơ bản mà mọi người lao động, mọi công dân đều cần phải có đó là các năng lực chung cốt lõi. Năng lực cốt lõi bao gồm những năng lực cơ bản: năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tự quản bản thân, năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học là một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục. Với mục tiêu dạy học là dạy cách học, tạo môi trường và điều kiện để các em học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của bản thân. Cũng như các môn học khác, bộ môn Ngữ văn cần đổi mới phương pháp để phù hợp với xu thế chung. Một thực trạng khá buồn với bộ môn là học sinh thờ ơ với môn học. Giờ học Ngữ Văn được cảm nhận chung là trầm lắng, thiếu sôi nổi, không có sự say sưa khám phá, tiếp nhận từ phía học sinh.