Nền kinh tế đang càng ngày càng hòa nhập thế giới và đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng nguồn nhân lực. Đó phải là nguồn nhân lực có chất xám, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và làm việc tốt. Việc thu hút nhân lực có chất lượng đã khó thì việc thúc đẩy nguồn lực duy trì sự hiệu quả trong suốt quá trinh làm việc tại công ty còn khó hơn. Để làm được điều đó thì một trong những yêu cầu mà các công ty, doanh nghiệp không thể bỏ qua là phải tạo được động lực cho đội ngũ công nhân, viên chức những người lao động trong đơn vị. Công ty Nhiệt Điện Uông Bí là một nhà máy sản xuất điện trực thuộc Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và đóng góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế đất nước. Công ty từ khi thành lập đến nay có nhiều cải tiến để thúc đẩy làm việc hiệu quả và phát triển lớn mạnh hơn. Công ty đã có phần chú trọng đến đời sống tinh thần của công nhân viên. Tuy nhiên, những thay đổi vẫn còn nhiều bất cập nên chưa đủ thuyết phục và hiệu lực nên năng suất làm việc của công nhân còn thấp, chất lượng công việc chưa đạt như mong muốn. Trong thời gian tìm hiểu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nguyên nhân cơ bản làm cho kết quả công việc của đội ngũ nhân lực này chưa đạt hiệu quả là vì thiếu động lực làm việc. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải hiểu rõ những nguyên nhân, yếu tố hay những nhóm nhân tố có ảnh hưởng tới động lực của đội ngũ này. Đã có rất nhiều nghiên cứu về động lực làm việc của nhân viên, nhưng hầu hết các nghiên cứu trước đây đều mới dừng lại ở mô hình nghiên cứu mà chưa đưa ra được giải pháp hoàn thiện, hoặc các nghiên cứu của Việt Nam đưa ra được giải pháp nhưng chưa đo lường được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến động lực làm việc. Vì những lý do trên, tác giả đã lựa chọn đề tài Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động Công ty Nhiệt điện Uông Bí” nhằm phân tích và tìm hiểu sâu hơn nguyên nhân. Từ đó có khuyến nghị, giải pháp cụ thể để giúp đỡ công ty nhiệt điện Uông Bí nâng cao hiệu quả làm việc cho người lao động và góp phần phát triển kinh tế đất nước.