MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Luận án Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được thúc đẩy mạnh mẽ. ĐTC chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của toàn xã hội, có vai trò quan trọng quyết định quá trình đồng bộ và hiện đại hoá hạ tầng KTXH làm nền móng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả hơn cho đầu tư của khu vực tư nhân, khơi thông và thu hút hiệu quả nguồn lực của toàn xã hội cho đầu tư phát triển KTXH. ĐTC là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển KTXH. ĐTC có vai trò quan trọng hình thành, tăng cường, hoàn thiện và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật và năng lực sản xuất phục vụ của nền kinh tế; đồng thời, có vai trò quan trọng định hướng, hỗ trợ và thu hút đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ đó, góp phần quan trọng hình thành và điều chỉnh cơ cấu của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy vậy, vai trò tích cực của ĐTC chỉ được phát huy với những quyết sách đầu tư đúng đắn, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả. Chính vì vậy, không ngừng hoàn thiện thể chế, hiệu lực và hiệu quả quản lý ĐTC; đặc biệt là hiệu lực và hiệu quả giám sát ĐTC của cơ quan quyền lực nhà nước luôn là vấn đề thời sự ở các quốc gia. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt được những tiến bộ toàn diện trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Cải cách thể chế tiếp tục được triển khai để làm cơ sở cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo một xã hội công bằng và dân chủ, người dân ngày càng có vai trò thực chất hơn theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hoạt động của cơ quan dân cử đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Những cải cách trong Hiến pháp, luật NSNN, luật Tổ chức Quốc hội,… được thực hiện những năm gần đây đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng nhằm đổi mới hoạt động của Quốc hội, tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát hoạt động của các cơ quan. Trong chức năng giám sát của Quốc hội thì giám sát ĐTC là một trong những hoạt động quan trọng nhất thể hiện qua nội dung, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội. Việc giám sát của Quốc hội trong ĐTC đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế đang có những bước chuyển đổi nhằm đảm bảo sử dụng các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, ĐTC chuyển mạnh sang đầu tư cho phát triển các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, cho sự nghiệp giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có một vai trò rất lớn trong ĐTC để tạo những bước đột phá phát triển đất nước. Đồng thời ĐTC còn là đòn bẩy, là “mối” thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, thu hút các loại hình dịch vụ tư nhân tham ra, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước. Hoạt động giám sát ĐTC được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan lập pháp. Thời gian gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vưc ĐTC đã có một số đổi mới, tác động tích cực đối với việc ban hành chính sách và điều hành của Chính phủ, đưa lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hoạt động này còn hạn chế về thể chế chính sách cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện, từ đó cho thấy hoạt động giám sát ĐTC của Quốc hội cần được nghiên cứu hoàn thiện xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Xuất phát từ những lý do trên đây, NCS quyết định chọn đề tài: “Giám sát ĐTC của Quốc hội Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu luận án Tiến sỹ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng.