1. Tính cấp thiết của đề tài Khi mà cuộc sống ngày càng phát triển, thì nhu cầu tham gia các giao dịch dân sự của các chủ thể cũng ngày càng đa dạng và phong phú. Trong giao lưu dân sự, các chủ thể có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhưng trong những trường hợp nhất định, vì hạn chế về mặt này mặt kia mà họ không thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự được, chính vì vậy mà pháp luật dân sự đã đặt ra chế định đại diện. Đối với các cá nhân, bên cạnh những người có đầy đủ năng lực hành vi có thể tham gia giao dịch dân sự theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 thì còn có các đối tượng khác như: Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự… Những hạn chế về mặt nhận thức và hoàn cảnh đã cản trở họ và đã khiến họ không thể tự mình xác lập các giao dịch được, thì chế định đại diện đã giúp họ tiến hành xác lập các giao dịch theo mong muốn hoặc vì lợi ích của họ. Đối với các chủ thể là pháp nhân, tổ hợp tác hay hộ gia đình mà quyền lợi mang tính cộng đồng thì việc tham gia giao dịch dân sự không thể xác lập thông qua tất cả mọi cá nhân thì chế định đại diện được đặt ra tạo điều kiện và đem lại lợi ích tốt nhất cho các chủ thể này. Như vậy, đại diện chính là một công cụ pháp lí hữu hiệu để các chủ thể thực hiện được tất cả các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình một cách linh hoạt và hiệu quả nhất. Chính vì thế em chọn đề tài : “Đại diện” làm đề tài tiểu luận.