A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nhà nước là một chủ thể đặc biệt có chức năng quản lý xã hội nhưng Nhà nước cũng là một chủ sở hữu trong xã hội. Ngoài việc là chủ sở hữu các tài sản lớn, Nhà nước còn nắm quyền sở hữu vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Như vậy, Nhà nước cũng là một cổ đông hay thành viên góp vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước là một chủ thể trừu tượng, phải hiện diện thông qua nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, thực tế đó làm cho việc thực hiện các quyền của cổ đông, của thành viên góp vốn trở nên phức tạp. Nhà nước phải quy định cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao cho một cơ quan của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện quyền trực tiếp của cổ đông, thành viên góp vốn tại doanh nghiệp thì đòi hỏi phải thông qua một con người cụ thể. Do vậy, Nhà nước phải cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện các quyền của mình, và ở những doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ lớn thì người đại diện phần vốn nhà nước thường nắm giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp như: Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc…. Thực tiễn và lý luận đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu không xác định rõ trách nhiệm pháp lý của họ thì người được giao đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm quyền chi phối doanh nghiệp có thể không thực hiện công việc vì lợi ích nhà nước (bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, mang lại lợi tức cho nhà nước), lợi ích của doanh nghiệp, của cổ đông, người góp vốn khác mà sẽ vì lợi ích của cá nhân người đại diện. Qua việc thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNCVNN, có thể phát hiện những vi phạm trong quản lý doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém, vay nợ tràn lan,... nhưng để chứng minh và xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể của người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp đang giữ các vị trí chủ chốt chi phối hoạt động của doanh nghiệp đang chưa được rõ ràng. Trên thực tế, với tư cách đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc... Những vị trí này cho họ những quyền và trách nhiệm đối với công ty, vượt quá giới hạn quyền và trách nhiệm cổ đông nhà nước. Trong trường hợp này, người đại diện đồng thời đóng hai vai trò: đại diện vốn nhà nước (do nhà nước chỉ định) và người quản lý công ty (do đại hội đồng cổ đông bầu ra), trở thành giao điểm giữa cơ chế Nhà nước quản lý công ty với tư cách chủ sở hữu với cơ chế quản lý công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ là người của Nhà nước và có quan hệ báo cáo, xin ý kiến với Nhà nước (cụ thể là với Ủy ban quản lý vốn nhà nước, SCIC hoặc cơ quan chủ quản). Nhưng với tư cách người quản lý công ty, họ là người của công ty, có quyền và trách nhiệm quản lý hoạt động kinh tế của công ty, thay mặt công ty trong các quan hệ kinh tế với các chủ thể kinh tế bên ngoài và với Nhà nước. Chừng nào chưa xác định rõ ràng, minh bạch trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì tình trạng lộng quyền của đại diện phần vốn nhà nước, tệ tham nhũng nảy nở và lây lan. Trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp diễn ra trong một thời gian dài dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ việc tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) … Qua xử lý những vụ việc trên đặt ra nhiều vấn đề về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước như các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước hiện nay ? Vì sao các vi phạm không được phát hiện và áp dụng trách nhiệm pháp lý kịp thời ? Vấn đề trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong trường hợp một người đại diện và nhiều người đại diện ? việc phân định trách nhiệm pháp lý giữa người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu …. Từ những vấn đề thực tiễn đã trình bày trên, có thể khẳng định, việc tìm hiểu, nghiên cứu về trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam hiện nay là việc làm rất cấp bách và có ý nghĩa lý luận cũng như thực tiễn to lớn. Đây là lý do cơ bản để tác giả lựa chọn đề tài: “Trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam” làm luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội.