Một trong những nguồn nhân lực đáp ứng trực tiếp cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là lực lượng lao động lành nghề, trong đó công tác đào tạo nghề đã cung cấp một lượng không nhỏ. Trong những năm qua, Việt Nam luôn ở tình trạng “Thừa thầy, thiếu thợ” do tâm lý chung của các gia đình luôn mong muốn con mình được theo học ở bậc Đại học. Chất lượng tay nghề của lao động còn thấp, chưa ngang tầm với khu vực, chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vẫn còn khoảng cách giữa trình độ tay nghề của học sinh học nghề mới ra trường và nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong khi đó học sinh phổ thông chưa được hướng nghiệp một cách khoa học, chưa thấy được sự cần thiết về kỹ năng nghề từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mặt khác; do công tác đào tạo nghề ở nước ta nói chung và tại An Giang nói riêng còn kém, tồn tại nhiều hạn chế bất cập, tình trạng đào tạo nghề và học nghề còn mang tính tự phát, manh mún, chạy theo thành tích, số lượng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo không đủ diện tích, trang thiết bị dạy nghề cũ kỹ, lạc hậu, giáo viên cơ hữu và cán bộ quản lý vừa thiếu vừa yếu về năng lực chuyên môn, chương trình đào tạo không theo kịp sự thay đổi kinh tế xã hội.... Do đó để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tốt cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa thì trước hết chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, tính kỷ luật tốt, phát huy tối đa khả năng làm việc, khả năng sáng tạo và thích ứng với mọi môi trường làm việc, tạo điều kiện phát triển toàn diện nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội.