Tài liệu Diễn văn của TNS Barack Obama: “Lời Hứa của Đất Nước Hoa Kỳ” pdf

10 462 0
Tài liệu Diễn văn của TNS Barack Obama: “Lời Hứa của Đất Nước Hoa Kỳ” pdf

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Diễn văn của TNS Barack Obama: “Lời Hứa của Đất Nước Hoa Kỳ” Trong đêm bế mạc Đại hội Đảng Dân Chủ, 28.08.2008, Thượng nghị sĩ Barack Obama đã đọc bài diễn văn “Lời Hứa của Đất Nước Hoa Kỳ” (The American Promise) trước cử tọa khoảng 84.000 người, lúc 8 giờ tối giờ địa phương, tại sân vận động Invesco tại thành phố Denver, tiểu bang Colorado. Đây là bài diễn văn chính thức đón nhận vai trò ứng cử viên Dân Chủ cho chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ trong kỳ tranh cử tháng 11.2008. TNS Obama đã đọc bài diễn văn đúng vào ngày mục sư Martin Luther King, Jr., đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi Có Một Ước Mơ” ở Washington 45 năm về trước. Bài diễn văn của TNS Obama dài 50 phút. Nhật báo Viễn Đông đã tạm dịch toàn bộ bài diễn văn để quý độc giả tiện theo dõi. Vì phần dịch thuật có khả năng còn những thiếu sót, quý độc giả vui lòng đối chiếu với bản gốc nếu có thể. Thưa Chủ tịch Dean và người bạn của tôi Dick Durbin; thưa tất cả những công dân bằng hữu của đất nước vĩ đại này; Với sự tri ân rộng lớn và trong tinh thần khiêm cung, tôi xin nhận lấy sự đề cử của quý vị cho chức vụ tổng thống Hoa Kỳ. Xin cho tôi nói lời cảm tạ đến những vị ứng cử viên đã đi cùng tôi trên chặng đường này, và đặc biệt đến vị ứng cử viên đã đi xa nhất – một người luôn đề cao vai trò của tầng lớp lao động Hoa Kỳ và là nguồn hứng khởi cho các con gái tôi và con gái của quý vị - bà Hillary Rodham Clinton. Thưa Tổng thống Clinton, người mà đêm hôm qua đã lý luận cho sự thay đổi thật là thuyết phục mà chỉ có ông mới có khả năng nói lên điều đó như vậy; thưa TNS Ted Kennedy, người tượng trưng cho tinh thần phục vụ; và thưa TNS Joe Biden, phó Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, tôi xin cảm ơn tất cả quý vị. Tôi biết ơn được đi đến đích cuộc hành trình với một trong những chính khách lỗi lạc của thời đại chúng ta, một người song hành thỏai mái với tất cả mọi người, từ các nhà lãnh đạo trên thế giới đến những tài xế xe lửa Amtrak trên chuyến đi về nhà hằng đêm. Một lời với người yêu quý trong cuộc đời tôi, Michelle Obama, Đệ nhất Phu nhân tương lai, Sasha và Malia – Ba rất yêu cả nhà, và Ba rất hãnh diện về gia đình mình. Bốn năm trước, tôi đứng trước quý vị và kể câu chuyện đời tôi – về một cuộc hôn phối giữa một người đàn ông trẻ xứ Kenya và một phụ nữ trẻ từ tiểu bang Kansas, cả hai đều không giàu có cũng chẳng nổi tiếng, nhưng chia sẻ một niềm tin rằng, ở Hoa Kỳ, con trai của họ có thể đạt đến điều mà nó tâm đắc. Đất nước này dành cho chúng ta một lời hứa hẹn đặc biệt rằng, với đức tính chịu khó và hy sinh, mỗi chúng ta đều có thể theo đuổi ước mơ riêng của mình nhưng vẫn đến với nhau trong đại gia đình Hoa Kỳ để bảo đảm rằng thế hệ tiếp nối cũng có thể theo đuổi được ước mơ của họ. Đó là tại sao tối nay tôi đứng đây. Vì trong 232 năm qua, lúc nào lời hứa đó bị lâm nguy, những thường dân nam cũng như nữ - sinh viên và binh sĩ, nông dân và thầy giáo, y tá và người lao công – đều tìm ra sự can đảm để giữ cho lời hứa đó sống mãi. Chúng ta đang gặp nhau tại một trong những thời điểm then chốt đó – thời khắc mà đất nước chúng ta đang có chiến tranh, kinh tế chúng ta đang rối lọan, và lời hứa của đất nước Hoa Kỳ một lần nữa đang bị đe dọa. Đêm nay, có nhiều người Hoa Kỳ đang mất việc và có nhiều người phải làm việc nhiều hơn với đồng lương ít hơn. Thêm nhiều người nữa bị mất nhà và có nhiều người đang phải chứng kiến cảnh giá nhà tuột dốc. Thêm nhiều người không đủ tiền để trả cho chiếc xe họ đang lái, không đủ tiền trả hóa đơn tín dụng, và không đủ tiền để trả học phí. Tất cả những thử thách này không hòan tòan là lỗi chính phủ. Nhưng sự bặt vô âm tín của chính phủ là hệ quả trực tiếp của một nền chính trị gãy đổ ở Washington và những chính sách không thành công của Tổng thống George W. Bush. Đất nước Hoa Kỳ, chúng ta phải khá hơn tám năm vừa qua. Chúng ta phải là một đất nước khá hơn tình trạng hiện nay. Đất nước này phải tử tế hơn để không phải chứng kiến tình trạng một phụ nữ ở Ohio, sắp nghỉ hưu, biết mình bị bỏ rơi trong cơn bạo bệnh sau một đời làm việc cực nhọc. Đất nước này phải rộng lượng hơn để không có cảnh một người đàn ông ở Indiana phải khăn gói rời khỏi công việc ông làm trong 20 năm để thấy những dụng cụ của ông được đưa sang Trung Quốc, và nấc lên nghẹn ngào khi kể lại cảm tưởng thua cuộc của mình lúc phải về nhà thông báo cho gia đình biết tin. Đất nước chúng ta phải từ bi hơn là một chính phủ để cho những cựu chiến binh ngủ trên đường phố và các gia đình rơi vào cảnh túng quẫn; một chính phủ ngồi bó gối nhìn cả một thành phố lớn của Hoa Kỳ chết đuối trong biển nước. Đêm nay, tôi muốn nói với người dân Hoa Kỳ, với những vị thuộc đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa, hoặc không đảng phái trên tòan cõi đất nước vĩ đại này, rằng: Quá đủ rồi! Giờ phút này – cuộc bầu cử này – là lúc chúng ta có cơ hội để giữ lời hứa của đất nước Hoa Kỳ sống mãi trong thế kỷ 21. Vì tuần tới, ở tiểu bang Minnesota, đảng phái đã đem đến hai nhiệm kỳ George Bush – Dick Cheney sẽ xin thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Và chúng ta có mặt ở đây vì chúng ta yêu đất nước này tới mức không thể để cho bốn năm tới sẽ giống như tám năm vừa rồi. Vào ngày 4 tháng 11, chúng ta phải đứng dậy và lên tiếng: “Tám năm là đủ rồi”. Hãy đừng nghi ngờ. TNS John McCain, ứng cử viên đảng Cộng Hòa, đã từng chiến đấu thật xuất sắc và dũng cảm trong bộ quân phục của đất nước chúng ta; chúng ta biết ơn ông và kính trọng ông. Tuần tới, chúng ta cũng sẽ được nghe về những dịp mà ông đã hành động trái ý đảng của ông như những chứng cớ rằng ông có thể đem đến sự thay đổi cần thiết. Nhưng hồ sơ cho thấy rõ ràng: John McCain đã bỏ phiếu thuận với George Bush đến 90%. TNS McCain thích nói về suy tư biết đánh giá, nhưng thật ra, việc ông cho là George Bush đúng đến 90% nói lên được điều gì về sự đánh giá của ông? Tôi không biết quý vị nghĩ sao, nhưng tôi thì chưa sẵn sàng đánh cược trên 10% còn lại cho sự thay đổi. Sự thật là, từ vấn đề này sang vấn đề khác vốn có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của quý vị - về y tế và giáo dục rồi đến nền kinh tế - TNS McCain không đứng độc lập. Ông ấy phát biểu rằng nền kinh tế của chúng ta đang “tiến triển tốt đẹp” dưới thời Tổng thống hiện nay. Ông nói rằng những nền tảng căn bản của nền kinh tế vẫn vững mạnh. Và khi một trong những người cố vấn chính của ông – người viết họach định về nền kinh tế cho ông – kể lể về sự lo âu của người dân Hoa Kỳ, ông (McCain) đã nói rằng chúng ta chỉ đang gánh chịu một màn “thụt lùi về mặt tinh thần”, và chúng ta đang trở thành, tôi xin lấy nguyên văn, “một đất nước của những kẻ than vãn”. Một đất nước đầy những kẻ than vãn? Hãy rót điều đó vào tai những công nhân vẫn luôn hãnh diện với công việc của mình tại nhà máy xe hơi ở Michigan, ngay cả sau khi họ biết cơ xưởng họ sắp đóng cửa, vẫn đến sở mỗi ngày và tận lực làm việc vì họ biết rằng có những người khác cần đến những bộ thắng do họ sản xuất. Hãy rót điều đó vào tai những gia đình quân nhân phải âm thầm xốc vác những gánh nặng trong khi thấy những người thân yêu của họ đi trên chuyến công tác thứ ba hay thứ tư hay thứ năm. Những người này không hề than vãn. Họ làm việc cần mẫn, cho đi, và tiếp tục sống mà không cằn nhằn. Họ là những người Hoa Kỳ tôi quen biết. Tôi không tin là TNS McCain không quan tâm đến cuộc sống của người dân Hoa Kỳ. Tôi chỉ nghĩ rằng ông ấy không biết. Tại sao ông ấy không định nghĩa tầng lớp trung lưu là những người có thu nhập dưới 5 triệu Mỹ kim một năm? Nếu không phải vậy thì làm sao mà ông ấy có thể đề nghị giảm hàng trăm tỷ Mỹ kim tiền thuế cho các đại công ty và công ty dầu hỏa mà không cắt lấy một xu tiền thuế cho hơn một trăm triệu người dân Hoa Kỳ? Nếu không phải vậy thì làm sao mà ông ấy đề xuất một chương trình chăm sóc sức khỏe mà thật ra đánh thuế thêm trên thu nhập người dân, hay một chương trình giáo dục chẳng giúp gì cho các gia đình trả học phí, hoặc một chương trình tư hữu hóa An sinh Xã hội và đánh cược trên quyền lợi hưu trí của quý vị? Không phải vì John McCain không quan tâm. Mà bởi vì John McCain không hiểu nổi. Hơn hai thập niên qua, ông ấy tin tưởng vào cái triết lý cũ rích, mất tín nhiệm của đảng Cộng Hòa – càng lúc càng cho thành phần giàu có nhất hưởng lợi nhiều hơn và hy vọng sự phồn vinh đó sẽ nhỏ giọt lần xuống cho những người khác. Ở Washington, họ gọi điều này là Xã hội Sở hữu, nhưng nó thực sự mang ý nghĩa là – quý vị phải tự lo lấy. Không có việc ư? Coi như không may mắn. Không được chăm sóc sức khỏe à? Thị trường sẽ điều chỉnh lại. Sanh ra trong cảnh bần cùng ư? Hãy tự kéo mình đứng dậy bằng chính khả năng của quý vị - ngay cả khi quý vị không có khả năng. Quý vị phải tự ôm lấy trách nhiệm. Thôi thì đã đến lúc để cho họ tự ôm lấy sự thất bại của họ. Đã đến lúc để chúng ta thay đổi đất nước Hoa Kỳ. Quý vị thấy đó, những người trong đảng Dân Chủ chúng tôi có một thước đo rất khác biệt về điều gọi là sự tiến bộ của đất nước này. Chúng tôi đo sự tiến bộ bằng số người tìm được việc làm với số lương đủ trả tiền nhà; bằng cách xem thử quý vị có dư ít tiền mỗi cuối tháng để dành cho con cái đi học đại học. Chúng tôi đo sự tiến bộ với 23 triệu công việc mới thời Bill Clinton làm Tổng thống – ở thời điểm gia đình Mỹ trung bình thấy thu nhập tăng được 7.500 Mỹ kim thay vì mất đi 2.000 Mỹ kim dưới thời George Bush. Chúng tôi đo lường sức mạnh của nền kinh tế, không phải bằng số tỷ phú hiện diện hay lợi tức của những đại công ty Fortune 500, mà bằng sự hiện hữu của những người có ý kiến hay, chấp nhận rủi ro để bắt đầu tạo dựng một doanh nghiệp mới, hoặc qua sự việc một nữ bồi bàn sống bằng tiền hoa hồng có thể nghỉ một ngày để chăm sóc đứa con đang ốm mà không sợ mất việc – một nền kinh tế tôn vinh phẩm giá người lao động. Những nền tảng căn bản chúng tôi dùng để đo lường sức mạnh kinh tế chính là việc chúng ta có giữ đúng lời hứa căn bản vốn tạo nên sự vĩ đại của đất nước này – một lời hứa vốn là lý do duy nhất tôi đang đứng ở đây đêm nay. Trên những gương mặt cựu chiến binh trẻ vừa trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan, tôi thấy hình ảnh ông ngoại tôi, đã từng vào trận sau vụ Trân châu Cảng, đã diễu hành trong Quân đội của Patton, và đã được đất nước ghi ơn thưởng công cho một cơ hội đi học đại học với đạo luật “GI Bill”. Trên gương mặt của người sinh viên ngủ vùi ba giờ đồng hồ trước khi làm việc ca đêm, tôi nghĩ đến mẹ tôi, người đã một tay nuôi nấng hai anh em tôi trong lúc vừa làm việc vừa học xong đại học; người đã từng có lần nhận phiếu trợ cấp thực phẩm nhưng vẫn có thể gửi chúng tôi đi học những trường tốt nhất trên xứ sở này với tiền mượn nợ và học bổng. Khi tôi nghe chuyện một người công nhân kể rằng nhà máy của anh đã đóng cửa, tôi nhớ đến những người đàn ông và phụ nữ ở phía Nam của Chicago mà tôi đã từng sát cánh tranh đấu hai thập niên trước sau khi nhà máy thép ở địa phương đóng cửa. Và khi tôi nghe chuyện một phụ nữ kể về những khó khăn để bắt đầu làm chủ một doanh nghiệp, tôi nghĩ đến bà ngoại tôi, người đã miệt mài làm việc từ chức vụ thư ký lên đến cấp bậc quản lý bậc trung, mặc dù sau bao năm không được thăng chức vì bà là một phụ nữ. Bà đã dạy cho tôi đức tính siêng năng. Bà hoãn lại việc mua xe mới hay áo mới để tôi có thể có một cuộc sống tốt hơn. Bà cho tôi tất cả những gì bà có. Và dù rằng bà không còn đi đâu được nữa, tôi biết bà đang xem truyền hình đêm nay, và đêm nay cũng là đêm của bà. Tôi không biết John McCain nghĩ những tài tử nổi tiếng sống thế nào, chứ đây mới là cuộc sống của tôi. Những quý vị vừa kể là người hùng của tôi. Những câu chuyện của họ đã nhào nặn nên tôi. Và thay mặt cho họ tôi quyết định phải thắng cuộc tranh cử này và, trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, giữ cho lời hứa của chúng ta sống mãi. Hứa rằng mỗi chúng ta có tự do để sống cuộc sống theo ý muốn, nhưng chúng ta cũng có trách nhiệm đối xử với nhau đàng hoàng và tương kính. Hứa rằng thị trường sẽ thưởng công cho sự nỗ lực và sáng tạo, giúp tăng trưởng, nhưng những doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho người dân Hoa Kỳ, chăm sóc công nhân Hoa Kỳ, và làm việc theo luật đã định. Hứa rằng, tuy chính phủ không thể giải quyết tất cả vấn đề, nhưng chính phủ phải thi hành những điều chúng ta không thể làm được – bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn hại, cung cấp cho mỗi đứa trẻ một nền giáo dục, giữ cho nguồn nước sạch sẽ, giữ an toàn cho đồ chơi trẻ em, đầu tư xây trường mới, đường mới, và khoa học kỹ thuật mới. Chính phủ của chúng ta nên làm việc cho chúng ta, chứ không phải chống lại chúng ta. Chính phủ nên giúp chúng ta, chứ không nên hại chúng ta. Chính phủ nên bảo đảm cơ hội không chỉ cho những người đã sẵn tiền bạc và quyền lực, mà cho tất cả mọi người dân Hoa Kỳ với thiện chí làm việc. Đó là lời hứa của đất nước Hoa Kỳ - rằng chúng ta phải biết tự lo lấy bản thân, nhưng chúng ta cũng cùng chung số phận lên xuống theo vận nước; với niềm tin căn bản là tôi là người bảo vệ những người anh em tôi và tôi là người bảo vệ chị em tôi. Đó là lời hứa chúng ta phải gìn giữ. Đó là sự thay đổi chúng ta cần có ngay lúc này. Vậy thì hãy cho tôi nói thật chính xác về những thay đổi nếu tôi lên làm Tổng thống. Thay đổi nghĩa là một bộ luật thuế không tưởng thưởng cho những người vận động hành lang đã vẽ nên nó, mà cho những công nhân Hoa Kỳ và giới tiểu thương xứng đáng được hưởng lợi. Khác với John McCain, tôi sẽ ngưng giảm thuế cho những công ty đưa công việc ra ngoại quốc, và tôi sẽ bắt đầu giảm thuế cho những công ty tạo nên nhiều việc làm ngay trên nước Mỹ. Tôi sẽ bỏ thuế lợi tức cho giới tiểu thương và những doanh nghiệp mới ra có khả năng tạo việc làm lương cao, kỹ nghệ cao cho tương lai. Tôi sẽ giảm thuế - giảm thuế - cho 95% những gia đình thành phần lao động. Vì trong tình trạng kinh tế hiện thời, điều sau cùng chúng ta muốn làm là tăng thuế cho tầng lớp trung lưu. Và để cho nền kinh tế, nền an ninh, và tương lai quả địa cầu chúng ta, tôi sẽ đặt ra mục tiêu rõ ràng nếu là Tổng thống: trong 10 năm tới, chúng ta sẽ độc lập khỏi vùng Trung Đông về nguồn dầu hỏa. Ở Washington, người ta nói nhiều về cơn bệnh nghiền dầu hỏa của chúng ta trong 30 năm qua, và John McCain đã có mặt suốt 26 năm ở đó. Suốt thời gian đó, ông ấy đã chặn việc nâng cao tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi, ngăn việc đầu tư vào nguồn năng lượng và nhiên liệu tái tạo. Và ngày nay, chúng ta nhập cảng gấp ba lần số lượng dầu hỏa so với thời điểm TNS McCain bắt đầu nhậm chức. Đã đến lúc dừng cơn nghiện này, và có sự hiểu biết rằng việc khai thác dầu hỏa chỉ là một phương thức tạm thời chứ không phải giải pháp lâu dài. Một phương thức rất tạm bợ. Trong cương vị Tổng thống, tôi sẽ cho khai thác nguồn khí đốt thiên nhiên, đầu tư vào kỹ nghệ than đốt sạch, và tìm phương pháp chế ngự nguồn năng lượng nguyên tử để sử dụng an toàn. Tôi sẽ giúp những công ty sản xuất xe hơi thay đổi công cụ để những chiếc xe hơi tiết kiệm nhiên liệu của thời đại mới được sản xuất ngay tại Hoa Kỳ. Tôi sẽ giúp người dân mua được những chiếc xe mới này. Và tôi sẽ đầu tư 150 tỷ Mỹ kim trong thập niên tới cho nguồn năng lượng tái tạo ít tốn kém – năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và nhiên liệu sinh học thế hệ sau; việc đầu tư này sẽ dẫn tới sự ra đời của những ngành công nghiệp mới và tạo ra 5 triệu việc làm trả lương khá mà không sợ mất việc cho nước ngoài. Đất nước Hoa Kỳ, đây không phải là thời điểm cho những kế hoạch nhỏ nhặt. Đã đến lúc chúng ta phải đối diện với trách nhiệm đạo đức để cho mỗi đứa trẻ một nền giáo dục tầm cỡ quốc tế để có công cụ cạnh tranh trong môi trường kinh tế toàn cầu. Michelle và tôi được đứng đây tối nay vì chúng tôi có được cơ hội đi học. Và tôi sẽ chưa nghỉ tay khi còn những đứa trẻ ở Hoa Kỳ chưa có cơ hội đó. Tôi sẽ đầu tư vào nền giáo dục tuổi thơ. Tôi sẽ tuyển mộ một đội ngũ giáo viên mới, trả lương họ khá hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho họ. Đổi lại, tôi yêu cầu nâng cao chất lượng và trách nhiệm giảng dạy. Và chúng ta sẽ giữ được lời hứa với từng người bạn trẻ Hoa Kỳ - nếu họ cam kết phục vụ cộng đồng hay đất nước, chúng tôi sẽ bảo đảm họ có cơ hội đi học đại học. Đã đến lúc giữ lời hứa có một nền y tế săn sóc sức khỏe trong tầm tay mọi người dân Hoa Kỳ. Nếu quý vị có bảo hiểm y tế, kế hoạch của tôi giúp giảm bớt lệ phí hàng tháng. Nếu quý vị không có bảo hiểm y tế, quý vị sẽ được cung cấp loại bảo hiểm mà thành viên Quốc hội đang thụ hưởng. Do đã chứng kiến cảnh mẹ tôi cãi nhau với các hãng bảo hiểm trên giường bệnh chờ chết vì ung thư, tôi sẽ không để cho các hãng bảo hiểm kỳ thị những người đang bị bệnh và cần sự chăm sóc nhất. Đã đến lúc để giúp đỡ các gia đình có những ngày nghỉ bệnh được trả lương và thời gian nghỉ phép chăm sóc gia đình vì không ai ở Hoa Kỳ phải chọn giữa chuyện giữ việc làm và chuyện chăm sóc cho một đứa con hay bố mẹ đang đau yếu. Đã đến lúc thay đổi luật phá sản, để cho các chương trình hưu trí được bảo vệ nhiều hơn những món tiền thưởng cho các tổng giám đốc công ty; và cũng tới lúc bảo đảm quỹ An sinh Xã hội cho những thế hệ mai sau. Và đã đến lúc thực hiện lời hứa được trả lương công bằng cho lượng công việc hàng ngày, vì tôi muốn các con gái tôi cũng được cơ hội đồng đều như con trai của quý vị. Nhiều kế hoạch kể trên sẽ tốn tiền, vì vậy tôi đã hoạch định cách chi trả đến từng đồng xu – bằng cách khép lại những khe hở luật pháp và thuế má cho các đại công ty, vốn không giúp ích cho sự tăng trưởng của Hoa Kỳ. Rồi tôi cũng sẽ đi vào từng chi tiết của ngân sách liên bang, loại bỏ những chương trình không hiệu quả và làm cho những chương trình có hiệu quả càng tốt hơn và ít tốn kém hơn – bởi vì chúng ta không thể đương đầu với những thử thách của thế kỷ 21 bằng hệ thống công quyền của thế kỷ 20. Hỡi những đảng viên Dân Chủ, chúng ta cũng phải thú nhận rằng việc thực hiện lời hứa cho đất nước Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều thứ hơn là tiền bạc. Việc này đòi hỏi chúng ta phải tái tạo ý thức trách nhiệm ở mỗi người để khám phá lại điều mà John F. Kennedy đặt tên là “sức mạnh trí thức và đạo đức”. Vâng, chính phủ phải lãnh đạo trong việc độc lập về năng lượng, nhưng mỗi người chúng ta phải làm phần mình sao cho nhà cửa và cơ sở thương mại của chúng ta sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Vâng, chính phủ phải tạo nhiều cơ hội thành công cho những người trẻ lỡ vào vòng phạm pháp và rơi vào sự tuyệt vọng. Nhưng chúng ta cũng phải công nhận rằng các chương trình giúp đỡ không thể thay thế phụ huynh; chính phủ không thể tắt truyền hình và bắt một đứa trẻ đi làm bài tập; chính những người cha phải có nhiều trách nhiệm hơn trong việc yêu thương và hướng dẫn con cái. Trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm chung – đó là tinh túy của lời hứa đất nước Hoa Kỳ. Trong khi giữ lời hứa với những thế hệ mai sau trên đất nước của chúng ta, chúng ta cũng phải giữ lời hứa ở ngoại quốc. Nếu John McCain muốn có một cuộc tranh luận xem ai có sự chừng mực và sự khôn ngoan để bước vào cương vị Tổng tư lệnh, đó là cuộc tranh luận tôi sẵn sàng tham dự. Trong khi TNS McCain bắt đầu xoay tầm ngắm sang Iraq chỉ vài ngày sau vụ 9/11, tôi đã đứng lên và chống lại chiến tranh, vì biết ngay rằng chiến tranh sẽ đánh lạc hướng những sự đe dọa có thật mà chúng ta phải đương đầu. Khi John McCain nói là chúng ta chỉ việc “loay hoay lội qua” cuộc chiến ở Afghanistan, tôi đã cãi rằng chúng ta cần nhiều nguồn hỗ trợ và thêm quân để đánh cho xong nhóm khủng bố đã tấn công chúng ta vào ngày 11/9, và nói rõ là chúng ta phải trừ cho bằng được Osama bin Laden cùng các tùy tướng nếu chúng ta phát hiện ra họ. John McCain hay thích nói rằng ông sẽ theo bin Laden đến Cổng Địa ngục – nhưng ông sẽ không theo hắn đến cửa hang nơi hắn đang trốn. Và hôm nay, khi chương trình rút quân của tôi khỏi Iraq đã có sự đồng thuận từ chính phủ Iraq và cả chính phủ Bush, sau khi chúng ta biết là Iraq có 79 tỷ Mỹ kim dôi ra trong ngân sách còn chúng ta thì lặn hụp trong sự thiếu hụt, John McCain vẫn khăng khăng không chịu ngừng một cuộc chiến tranh sai lầm. Đó không phải là sự khôn ngoan chúng ta cần. Điều đó sẽ không giữ an ninh cho Hoa Kỳ. Chúng ta cần một Tổng thống có khả năng đối diện với những sự đe dọa trong tương lai, chứ không phải một người cứ ôm khư khư những ý tưởng của quá khứ. Sẽ không thể đánh bại một mạng lưới khủng bố hoạt động trên 80 quốc gia trong khi chiếm đóng một mình Iraq. Không thể bảo vệ Israel và ngăn chặn Iran chỉ bằng những lời nói cứng rắn ở Washington. Không thể đứng hoàn toàn về phía Georgia khi đã khóa tay những đồng minh lâu đời nhất của chúng ta. Nếu John McCain muốn đi theo đường lối của George Bush với những cuộc đàm thoại cứng rắn và chiến lược tồi, thì đó là sự chọn lựa của riêng ông ấy – nhưng đó không phải là sự thay đổi mà chúng ta cần có. Chúng ta là đảng của Roosevelt. Chúng ta là đảng của Kennedy. Đừng nói với tôi là đảng viên Dân Chủ sẽ không bảo vệ đất nước này. Đừng nói với tôi là đảng viên Dân Chủ sẽ không giữ an ninh cho chúng ta. Chính sách đối ngoại của Bush-McCain đã phá hỏng cả một di sản về đối ngoại mà hàng thế hệ người Hoa Kỳ - Dân Chủ và Cộng Hòa – đã xây dựng, và chúng ta phải làm dựng lại di sản đó. Trong cương vị Tổng tư lệnh, tôi sẽ không ngần ngại bảo vệ đất nước này, nhưng tôi chỉ gửi quân đội vào chiến trận với một mục đích rõ ràng và một sự hứa hẹn thiêng liêng sẽ cung cấp võ trang cần thiết cho họ để đánh trận và sự quan tâm cũng như quyền lợi xứng đáng dành cho họ khi trở về nhà. Tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến Iraq một cách có trách nhiệm và chấm dứt đánh nhau với al- Qaeda và Taliban ở Afghanistan. Tôi sẽ xây dựng lại quân đội để đương đầu với những cuộc xung đột trong tương lai. Nhưng tôi cũng sẽ sử dụng lại chính sách đối ngoại cứng rắn, trực diện để ngăn Iran lấy thêm vũ khí nguyên tử và chặn bớt sự lấn chiếm của Nga. Tôi sẽ xây dựng những quan hệ đối tác để đánh gục những nỗi đe dọa của thế kỷ 21: khủng bố và vũ khí nguyên tử; sự nghèo khó và tàn sát tập thể; sự thay đổi khí hậu và bệnh tật. Tôi sẽ gầy dựng lại vị trí đạo đức của chúng ta, để Hoa Kỳ một lần nữa lại là niềm hy vọng sau cùng, tốt đẹp nhất cho tất cả những ai đi theo tiếng gọi của tự do, cho những ai muốn sống trong hòa bình, và cho những ai muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Đây là những chính sách mà tôi sẽ theo đuổi. Và trong những tuần tới, tôi chờ đón cơ hội tranh luận với John McCain. Nhưng điều tôi sẽ không làm là gợi ý rằng vị Thượng nghị sĩ giữ những quan điểm vì lý do chính trị. Bởi vì một điều mà chúng ta phải thay đổi trong cách làm chính trị là ý thức rằng chúng ta có thể bất đồng ý kiến nhưng không tấn công nhân cách và lòng yêu nước của nhau. Thời điểm này quá quan trọng, quyền lợi quá nhiều để chơi trò chính trị đảng phái. Vậy hãy đồng ý với nhau là lòng yêu nước không có đảng phái. Tôi yêu đất nước này, và quý vị cũng vậy, và John McCain cũng vậy. Những nam nữ quân nhân phục vụ trên chiến trường chúng ta có thể là đảng viên Dân Chủ, Cộng Hòa, hay Độc Lập, nhưng họ cùng chiến đấu, cùng chảy máu, cùng sống chết có nhau dưới một lá cờ rất đáng tự hào. Họ không phục vụ riêng cho Hoa Kỳ Đỏ (Cộng Hòa) hay Hoa Kỳ Xanh (Dân Chủ) – họ phục vụ cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Thưa ông John McCain, tôi có tin mới cho ông đây. Chúng ta cùng đặt để đất nước chúng ta lên trên hết. Thưa đất nước Hoa Kỳ, công việc trước mắt chúng ta sẽ không dễ dàng. Những thử thách chúng ta đang đối mặt cần những sự lựa chọn nhiều ưu tư, và đảng viên Dân Chủ cũng như Cộng Hòa cần phải bỏ sang một bên những ý tưởng cũ kỹ và chính trị của quá khứ. Những gì đã đánh mất trong tám năm vừa qua không thể đơn thuần đo lường bằng số tiền lương mất đi hay số lượng thâm hụt thương mại. Một điều cũng đã mất theo là ý niệm về một mục đích chung – ý niệm của chúng ta về một mục tiêu cao cả. Và đó chính là điều mà chúng ta phải phục hồi. Chúng ta có thể không đồng ý về việc phá thai, nhưng chắc chắn chúng ta có thể đồng ý về việc giảm thiểu số bào thai ngoài ý muốn ở đất nước này. Sự thật về việc sở hữu súng đạn có thể khác biệt giữa những người thợ săn ở vùng quê Ohio và những người sống trong khu vực đô thị Cleveland đầy băng đảng bạo hành, nhưng đừng nói với tôi là chúng ta không thể vừa tôn trọng Tu chính án số 2 vừa không cho tội phạm có dịp trữ súng AK-47. Tôi cũng biết có sự khác biệt về quan điểm đối với hôn nhân đồng tính, nhưng chắc chắn rằng chúng ta đều đồng ý là những người anh chị em đồng tính cũng xứng đáng được hưởng quyền thăm viếng người yêu của họ trong nhà thương và sống không bị kỳ thị. Vấn đề di dân có nhiều sự tranh cãi sôi nổi, nhưng tôi không biết có ai hưởng lợi khi một người mẹ phải xa lìa đứa con nhỏ hay một chủ nhân hãng xưởng trả lương thấp hơn quy định Hoa Kỳ cho những công nhân di trú bất hợp pháp. Đây cũng là một phần của lời hứa từ đất nước Hoa Kỳ - lời hứa giữ vững nền dân chủ mà chúng ta tìm được nguồn sức mạnh và ơn phước để nối lại những vết rạn nứt và đoàn kết cho một nỗ lực chung. Tôi biết có những người sẽ bỏ ngoài tai những niềm tin vừa kể, cho là nói vui cho miệng thôi. Họ cho rằng sự cương quyết của chúng ta để đạt đến điều gì to tát hơn, vững chắc hơn, và thành thật hơn tại nơi công quyền chỉ là một con ngựa Trojan, trong đó chứa những sưu cao thuế nặng và sự từ bỏ giá trị truyền thống. Những điều đó cũng đúng thôi. Vì nếu quý vị ứng cử viên đó không có ý tưởng mới mẻ, thì họ phải dùng những mưu mẹo cũ để làm cho cử tri sợ hãi. Nếu quý vị ứng cử viên đó không có một quá trình để trưng ra, thì họ sẽ vẽ vời những điều xấu cho đối thủ để cử tri lánh xa. Quý vị ứng cử viên đó sẽ làm một cuộc tuyển cử lớn cho những vấn đề nhỏ nhặt. Và quý vị biết không – việc đó đã xảy ra rồi. Vì những suy nghĩ như vậy thêm sức cho sự nghi ngại chúng ta sẵn có trong đầu về chính phủ. Khi công việc ở Washington không chạy, những lời hứa trở nên rỗng tuếch. Rồi nếu những niềm hy vọng của quý vị cứ bị xóa đi liên tục, thì tốt nhất là ngưng hy vọng và hài lòng với những gì quý vị đã từng quen biết. Tôi hiểu điều đó. Tôi nhận ra rằng tôi không phải là người thích hợp nhất cho chức vụ này. Tôi không nằm trong khuôn mẫu sẵn có, và sự nghiệp của tôi cũng không gói gọn trong hành lang ở Washington. Nhưng tôi đứng trước quý vị đêm nay vì trên toàn cõi Hoa Kỳ có điều gì đó đang chuyển động. Những người chán chường không hiểu được là nội dung kỳ bầu cử lần này chưa bao giờ xoay quanh cá nhân tôi. Quý vị mới là nhân tố chính trong kỳ bầu cử này. Trong 18 tháng dài đằng đẳng, quý vị đã đứng lên, từng người một, và nói rằng chính trị của quá khứ đã lỗi thời. Quý vị hiểu rằng trong cuộc bầu cử này, điều mạo hiểm lớn nhất là chúng ta đi lại lối mòn chính trị xưa với những nhân vật cũ và mong đợi một kết quả khác. Quý vị đã chứng minh một điều mà lịch sử vẫn dạy chúng ta – khi đến những thời điểm quan trọng như lúc này, sự thay đổi không đến từ Washington. Sự thay đổi đến với Washington. Sự thay đổi xảy ra vì người Hoa Kỳ đòi hỏi điều đó – vì họ đứng lên và nhất quyết phải có ý tưởng mới và lãnh đạo mới, một kiểu làm chính trị mới cho thời đại mới. Thưa đất nước Hoa Kỳ, đây chính là một trong những thời khắc đó. Tôi tin rằng, dù khó khăn thế nào đi nữa, sự thay đổi chúng ta cần đang đến. Vì tôi đã thấy điều đó. Vì tôi đã sống qua điều đó. Tôi đã thấy sự thay đổi ở Illinois, khi đưa được bảo hiểm y tế đến với nhiều trẻ em hơn và đem nhiều gia đình ra khỏi tình trạng nhận trợ cấp xã hội để đi làm. Tôi đã thấy sự thay đổi ở Washington, khi lưỡng đảng hợp tác để khai thông đường lối làm việc của chính phủ, buộc các nhà vận động hành lang phải có trách nhiệm hơn, chăm lo nhiều hơn cho các cựu chiến binh và không cho quân khủng bố mó tay vào vũ khí nguyên tử. Và tôi cũng thấy sự thay đổi trong cuộc vận động tranh cử này. Sự thay đổi ở những người trẻ lần đầu tiên đi bỏ phiếu, và ở những người tham gia trở lại sau một thời gian rất dài. Ở những đảng viên Cộng Hòa không bao giờ nghĩ là họ sẽ cầm một lá phiếu bầu cho phe Dân Chủ, vậy mà họ đã làm điều đó. Tôi thấy sự thay đổi ở những công nhân hy sinh cắt bớt giờ làm việc hơn là thấy đồng nghiệp bị mất việc, những quân nhân vẫn tiếp tục phục vụ dù đã mất một cánh tay/chân, những người hàng xóm tốt bụng cho người lạ vào tá túc khi gió lốc giáng xuống và nước lũ dâng lên. Đất nước này có nhiều tài sản hơn bất cứ xứ sở nào, nhưng đó không phải là điều làm cho chúng ta giàu có. Chúng ta có quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới, nhưng điều đó không làm cho chúng ta mạnh mẽ. Đại học và văn hóa chúng ta có thể khiến cho thế giới phải ghen tỵ, nhưng đó không phải là điều làm cho thế giới nể phục. Thay vào những điều đó là tinh thần Hoa Kỳ - lời hứa của đất nước Hoa Kỳ - đã đẩy chúng ta về phía trước ngay cả khi đường chúng ta đi còn chưa rõ lối; đã kéo chúng ta lại với nhau dù còn nhiều dị biệt; đã cho chúng ta thấy những gì còn vô hình, một điểm hẹn tươi đẹp hơn sau khúc quanh. Lời hứa đó là nguồn di sản vĩ đại nhất. Đó là lời hứa tôi cho các con gái tôi khi tôi dỗ chúng ngủ mỗi đêm, và lời hứa quý vị cho con cái của mình – một lời hứa đã dẫn lối cho những người di dân vượt biển và những nhà thám hiểm đi về hướng tây; một lời hứa thôi thúc công nhân đình công và phụ nữ cầm lấy lá phiếu. Và đó là lời hứa mà 45 năm về trước đã tụ tập được người dân Hoa Kỳ từ mọi miền đất nước trước tượng đài Lincoln ở Washington để nghe một mục sư trẻ từ tiểu bang Georgia nói về giấc mơ của ông. Những người đàn ông và phụ nữ tụ họp ngày hôm đó có thể đã nghe nhiều điều. Họ nghe những lời giận dữ và chửi bới. Họ có thể cũng đã nghe những lời răn đe nên thúc thủ trước nỗi sợ hãi và sự bực dọc vì quá nhiều giấc mơ đã không được thực hiện. Nhưng điều mà người ta đã nghe được – những người từ mọi tôn giáo, sắc tộc, từ mọi ngõ ngách đời sống – rằng ở Hoa Kỳ này, số phận tất cả chúng ta đan kết vào nhau thật chặt chẽ. Rằng tất cả những giấc mơ của chúng ta có thể trở thành một. Vị mục sư đã thét lên: “Chúng ta không thể độc hành. Và khi chúng ta cùng đi, chúng ta phải hứa rằng sẽ luôn đi tới. Chúng ta không thể quay lui”. Thưa đất nước Hoa Kỳ, chúng ta không thể quay lui. Càng không thể vì có quá nhiều việc phải làm. Không thể quay lui khi có quá nhiều trẻ em cần sự giáo dục, quá nhiều cựu chiến binh cần sự quan tâm. Không thể quay lui khi nền kinh tế cần được sửa chữa, đô thị cần được tu bổ, và nông trại cần được cứu vãn. Không thể quay lui khi có quá nhiều gia đình cần sự bảo bọc và có quá nhiều cuộc đời cần sự an ủi, hàn gắn. Thưa đất nước Hoa Kỳ, chúng ta không thể quay lui. Chúng ta không thể độc hành. Vào thời điểm này, trong cuộc bầu cử này, một lần nữa chúng ta phải hứa đi tới tương lai. Hãy cùng giữ lời hứa đó – lời hứa của đất nước Hoa Kỳ - và trước Kinh thánh, giữ vững niềm hy vọng không suy suyễn. Cám ơn quý vị, xin Chúa chúc lành cho quý vị, và xin Chúa chúc lành cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ./. . Diễn văn của TNS Barack Obama: “Lời Hứa của Đất Nước Hoa Kỳ” Trong đêm bế mạc Đại hội Đảng Dân Chủ, 28.08.2008, Thượng nghị sĩ Barack Obama. là tinh túy của lời hứa đất nước Hoa Kỳ. Trong khi giữ lời hứa với những thế hệ mai sau trên đất nước của chúng ta, chúng ta cũng phải giữ lời hứa ở ngoại

Ngày đăng: 09/12/2013, 23:15

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

  • Đang cập nhật ...

Tài liệu liên quan