Chồng sợ vợ là dấu hiệu hôn nhân hạnh phúc
Chồng sợ vợ là dấu hiệu hôn nhân hạnh phúc Đàn ông có thể ra oai tại công sở, nhưng khi về nhà họ nên sợ vợ. Các nhà khoa học cho biết ở nhà, phụ nữ mới là người chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền hạnh phúc của gia đình. "Nghiên cứu cho thấy ít nhất hôn nhân là nơi mà phụ nữ có thể trưng dụng một chút quyền lực", tác giả nghiên cứu David Vogel tại Đại học bang Iowa tại Mỹ đã nói: "Hầu hết các nghiên cứu trước đây cho rằng phụ nữ có rất ít quyền hành. Kết quả thường dựa trên quan niệm truyền thống rằng đàn ông kiếm nhiều tiền hơn và vì thế có quyền đưa ra những quyết định to tát trong gia đình, nhưng nghiên cứu này thì không thấy như vậy". Nhóm đã khảo sát 72 cặp vợ chồng có độ tuổi trung bình 33 và đã kết hôn được khoảng 7 năm, thuộc các chủng tộc khác nhau như châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi. Mỗi người trả lời câu hỏi về sự hài lòng trong mối quan hệ và khả năng đưa ra quyết định. Tiếp đó, những người tham gia ghi lại các vấn đề mà không thể giải quyết nếu không có sự hợp tác của bạn đời. Trong khi tiền bạc và việc nhà là những điều được nhắc tới nhiều nhất, thì sex không phải là một vấn đề nổi bật. Những chủ đề gây tranh cãi được chồng/vợ chọn: - Tiền -18% (chồng) / 13% (vợ) - Việc nhà - 15% / 15% - Bạn bè và gia đình - 10% / 19% - Cảm xúc và tình cảm - 10% / 13% - Thời gian bên nhau - 13% / 10% - Đưa ra quyết định - 18% / 4% - Sex - 4% / 1% - Sự thân mật - 1% / 1% - Sự giao tiếp - 3% / 4% - Con cái - 0% / 3% - Những thay đổi khác trong quan hệ - 4% / 17% Các nhà khoa học quay lại cảnh các đôi thảo luận về từng vấn đề này trong vòng 10 phút. Nhóm đánh giá sự tương tác của các đôi dựa trên từ ngữ và hành vi liên quan tới: sự trách móc (như buộc tội, chỉ trích); đòi hỏi (rầy la, ép buộc thay đổi, ra lệnh); lảng tránh (ậm ừ, đổi chủ đề, đánh lạc hướng, quay đi) và thảo luận. Kết quả cho thấy những bà vợ hay đòi hỏi, như yêu cầu chồng thay đổi, thì thường đạt được mục đích của mình nhiều hơn các ông chồng, điều này xảy ra bất kể ai đã khơi mào cuộc nói chuyện. Ngoài ra, phụ nữ không hề lắm lời hơn đàn ông. "Không phải như mọi người nghĩ là phụ nữ hay nêu ra vấn đề và không được lắng nghe, mà đàn ông thực sự nghe theo những gì họ nói", Vogel giải thích. "Phụ nữ truyền đi những thông điệp mạnh mẽ và đàn ông đáp trả bằng cách chấp thuận hoặc quy phục". Một lý do cho việc phụ nữ cầm trịch là bởi họ mang nặng trách nhiệm gìn giữ cho gia đình được êm ấm. "Phụ nữ chịu trách nhiệm bao quát chung mối quan hệ, đảm bảo cho nó chạy êm xuôi, mọi thứ đều được thực hiện và tất cả đều hạnh phúc", Murphy nói. Vợ cầm trịch là dấu hiệu tốt của một mối quan hệ hài hoà. "Có nghiên cứu đã khẳng định rằng dấu hiệu của một cuộc hôn nhân lành mạnh là người đàn ông chấp nhận bị ảnh hưởng bởi người vợ", Murphy nhấn mạnh.