Người thực hiện: Ngô Minh Tri (Hue) Giáo viên giảng dạy: Lớp Năm MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT MÔN TẬP ĐỌC I-ĐẶT VẤN ĐỀ: 1-Cơ sở lí luận: Năm học 2006-2007 là năm học tiếp tục thực hiện chương trình thay sách, đổi mới phương pháp dạy học và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo. Là một giáo viên tiểu học, tôi được nhà trường phân công giảng dạy lớp 5 3 . Để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, tôi nhận thấy việc giúp học sinh yếu học tốt môn Tập đọc là điều kiện tiên quyết, nhằm rèn kĩ năng đọc, giúp học sinh cảm thụ tốt bài tập đọc, trau dồi kiến thức về Tiếng Việt cho học sinh. 2- Thực tiễn: Việc xoá dần học sinh yếu môn Tập đọc sẽ giúp học sinh yếu tự tin hơn, học tốt các môn học khác, theo kịp với các bạn trong lớp, xoá bỏ tâm lí là mình thua kém bạn bè, không còn thấy căng thẳng và chán nản trong giờ học. II- THỰC TRẠNG BAN ĐẦU VÀ SỐ LIỆU ĐIỀU TRA: 1-Thực trạng ban đầu: Tôi nhận thấy tất cả học sinh đều có khả năng học tốt môn Tập đọc lớp Năm nhưng do hoàn cảnh của mỗi em mà không ít các em cảm thấy khó khăn trong việc đọc và cảm thụ các bài tập đọc. Trong số các em yếu , một số ít các em do khả năng hạn chế , thiếu tập trung trong giờ học, về nhà không luyện đọc, không tập đọc lại bài đã học và không chuẩn bị bài mới. Cũng có một số ít học sinh do thiếu căn bản ngay từ các lớp dưới, đọc chậm, đọc chưa trôi chảy đôi lúc đọc còn sai từ dẫn đến các em thấy khó khăn khi học môn Tập đọc .Cứ tiếp tục như thế điều đó được coi như là bản chất của học sinh, gây cho học sinh yếu tâm lí lo lắng trong giờ học, không tự tin và hạn chế các môn học khác. 2- Số liệu điều tra: Để có sự hiểu biết về khả năng của mỗi học sinh còn yếu môn Tập đọc, tôi đã tìm hiểu nguyên nhân, tình hình hoàn cảnh của mỗi em. Từ đó tôi xác định được khả năng thực tế của mỗi học sinh học yếu như sau: -Kim Thị Thanh Ngọc: Đọc chậm, ngắc ngứ, giọng đọc như nói, sử dụng âm à nhiều. -Nguyễn Ngọc Đức: Đọc chậm, đọc sai từ nhiều. -Trần Quang Sang: Đọc chậm, đọc sai từ nhiều, đôi lúc còn đánh vần. -Nguyễn Ngọc Hiếu: Đọc chậm, phát âm một số từ chưa chuẩn do ảnh hưởng theo vùng (Em được chuyển từ vùng Phú Lộc lên) III- MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐÃ THỰC HIỆN: 1- Rèn kĩ năng đọc thành tiếng: a) Đối với những học sinh phát âm chưa chuẩn, như em Hiếu, việc đầu tiên tôi luyện cho các em phát âm chuẩn khi gặp phải các tiếng có âm khó đọc s, x, tr, ch, nh, gi hay các tiếng có vần khó đọc như: uôi, ui, iêu, ât, ưc, ươi, ưi, ươu, b) Đối với những học sinh đọc chậm, đọc lí nhí, đọc còn đánh vần, đọc chưa biết ngắt nghỉ như: -Em Ngọc: Tôi thường xuyên luyện cho em đọc từng câu, loại bỏ âm à khi đọc. -Em Đức và em Sang: Tôi thường xuyên cho em luyện đọc nhiều lần trong một đoạn. Giúp em đọc nhanh, trôi chảy . c)Biện pháp: -Phân bài về nhà hằng ngày để các em luyện đọc và phân công các bạn kiểm tra đầu buổi học. -Bố trí chỗ ngồi thích hợp để các em nghe giáo viên đọc mẫu. Cho học sinh khá giỏi đọc tốt, phát âm chuẩn kèm một em yếu và thường xuyên kiểm tra bài cho bạn vào đầu buổi học. -Trong các giờ tập đọc, các tiết phụ đạo tôi hướng dẫn dần dần cho các em đọc từng từ, từng cụm từ, đọc từng câu, sau đó từng đoạn. Nếu các em đọc sai tôi chữa ngay và bắt buộc các em đọc lại nhiều lần. Những lần các em đọc đúng tôi đều khuyến khích, biểu dương…Ngoài ra,còn cho các học sinh yếu thi đọc một đoạn ngắn rồi cho cả lớp nhận xét xem ai đọc hay hơn để tạo không khí thi đua giữa các em yếu, tạo cho các em có sự tranh đua và đọc tốt hơn. -Thường xuyên kiểm tra bài cũ, luyện đọc bài mới. -Luyện cho các em đọc to, rõ ràng, không dừng lâu để đánh vần. -Luyện cho học sinh biết nghỉ hơi ở dấu chấm, ngắt hơi ở dấu phẩy hoặc chỗ cần tách ý ở các câu dài. -Luyện cho các em biết đọc liền các tiếng trong từ ghép, từ láy hoặc cụm từ . -Luyện đọc đúng giọng câu kể, câu hỏi, câu đối thoại. -Luyện đọc từng câu, sau đó mới đọc từng đoạn, đọc cả bài. -Cho học sinh tự chọn một đoạn thích nhất trong bài để đọc cũng nhằm tạo không khí thi đua, phấn khởi cho các em. 2-Rèn kĩ năng đọc hiểu: -Hướng dẫn cho các em yếu cảm thụ bài tập đọc, tập cho các em yếu biết trả lời được các câu hỏi tương đối để tạo niềm tin và gây hứng thú trong tiết học. -Thường xuyên luyện cho các em có thói quen chuẩn bị bài ở nhà đầy đủ chu đáo. -Tâp đọc trước, tập nêu câu hỏi tìm ý và suy nghĩ để trả lời trong tiết học tới để giờ tập đọc được sinh động hơn. IV- KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC: Qua quá trình thực hiện các biện pháp trên, các em yếu môn Tập đọc đã tiến bộ rõ rệt: -Không có hiện tượng không đọc bài, chuẩn bị tốt bài mới. -Các em phát âm chuẩn, không còn đánh vần khi đọc, đọc nhanh hơn . -Đọc to, rõ ràng, rành mạch, biết nghỉ hơi, ngắt hơi sau dấu chấm, dấu phẩy. -Biết đọc liền các tiếng trong từ ghép, từ láy hoặc cụm từ . -Biết đọc đúng giọng câu kể, câu hỏi, biết phân biệt lời dẫn truyện, lời nhân vật trong truyện. -Biết thi đua tìm và nêu câu hỏi tìm ý, cảm thụ được bài đọc, tình nguyện đọc bài và trả lời câu hỏi tìm ý rất hăng hái, sinh động. -Kết quả điểm thi môn Tập đọc cuối kì II của 4 em nêu trên đều đạt điểm 7,điểm 8. Có một em đạt điểm 9. V- BÀI HỌC KINH NGHIỆM: Từ việc nhận thức,đưa ra kế hoạch nội dung và phương pháp trên cùng với sự đánh giá và kết quả đạt được. Tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân: 1-Tìm hiểu nguyên nhân yếu kém của học sinh để có phương pháp giảng dạy phù hợp. 2-Giáo viên cần nghiên cứu các biện pháp để rèn luyện kĩ năng đọc và giúp học sinh cảm thụ tốt bài tập đọc. 3-Phân loại đối tượng học sinh yếu, tìm chỗ hỏng kiến thức của từng em để có biện pháp phụ đạo phù hợp, kịp thời. 4-Tạo không khí thoải mái, thi đua học tập để giờ học sinh động hơn, tạo niềm tin và niềm vui trong học tập. 5-Thường xuyên gọi các em yếu tập đọc nhiều hơn kể cả trong giờ học các môn học khác. 6-Phải quan tâm các em yếu hoạt động rồi dẫn dắt cho các em tiến bộ dần dần. 7- Bố trí chỗ ngồi thích hợp, một em khá giỏi, phát âm chuẩn, đọc to rõ ràng rành mạch kèm một em yếu và giúp bạn tập đọc vào đầu giờ học. 8-Tạo thói quen chuẩn bị bài ở nhà và đọc bài trước khi đến lớp. 9-Thường xuyên kiểm tra bài cũ, mỗi lần kiểm tra giáo viên cần an ủi, động viên hoặc khích lệ, biểu dương,… 10-Ngoài việc quan tâm trong các giờ học, các tiết phụ đạo. Giáo viên cần tiếp xúc với phụ huynh để cùng phụ huynh quan tâm hơn về việc học tập của học sinh ở nhà. Trên đây là một số biện pháp được rút ra qua quá trinh giảng dạy.Tuy chưa được đầy đủ lắm nhưng cũng đóng góp một phần kết quả trong việc phụ đạo môn Tập đọc cho một số học sinh yếu vừa qua. Rất mong quý thầy, cô đóng góp ý kiến để công tác giảng dạy của tôi được thành công hơn. Xin chân thành cảm ơn. Huế, ngày 20 tháng 5 năm 2007 Người thực hiện Ngô Minh Tri