CHUYÊN ĐỀ EFM TRONG CHUYỂN DẠ ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA CÁC GUIDELINES (NICE 2007, ACOG 2015 , FIGO 2015). SO sánh các guidelines trong hướng dẫn và xử trí CTG bất thường. Biểu đồ theo dõi tim thai và cơn gò tử cung (Cardiotocogram) là một phần không thể thiếu trong chăm sóc một cuộc sinh. Việc theo dõi liên tục nhịp tim thai trong chuyển dạ đã trở nên phổ biến trong thực hành lâm sàng từ những năm 1970 và hiện là một trong những kỹ thuật được áp dụng trong đánh giá sức khoẻ thai nhi, giúp chúng ta có thể nhận định và đưa ra những can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khoẻ cho cả mẹ và bé. Do đó chúng tôi lựa chọn chuyên đề này với mục tiêu so sánh những điểm tương đồng và khác biệt của các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới (FIGO, ACOG, RCOG) trong hướng dẫn thực hành theo dõi biểu đồ tim thai và cơn gò tử cung, từ đó cân nhắc áp dụng vào thực hành lâm sàng. Năm 1987, Hiệp hội sản phụ khoa quốc tế (FIGO) công bố hướng dẫn đầu tiên về theo dõi nhịp tim thai nhi và nhận được nhiều đồng thuận tại thời điểm đó. Sau đó có nhiều tổ chức khoa học quốc tế cũng đã đưa ra những hướng dẫn thực hành về chủ đề này. ACOG đã xuất bản một số phiên bản sửa đổi so với ấn bản gốc của họ vào năm 1974, lần cuối cùng vào năm 2015. Cũng trong năm này, FIGO đưa ra cập nhật mới nhất của họ về biểu đồ tim thai cơn gò. RCOG đã xuất bản các hướng dẫn đầu tiên vào năm 2001 và cập nhật của chúng năm 2007, kết hợp với NICE. Các hướng dẫn thực hành vừa có sự thống nhất, vừa có sự khác biệt không chỉ trong định nghĩa mà còn là các tiêu chí được sử dụng trong xếp loại theo dõi chuyển dạ.