Lịch sử Phú Yên (Câu 9)

7 381 0
Lịch sử Phú Yên (Câu 9)

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Quân và dân Phú Yên trong Chiến dịch xuân Mậu Thân Sưu tầm Bài viết của TRẦN VĂN MƯỜI Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Yên (Theo tài liệu Tổng kết Mậu Thân – 1968 của Tỉnh đội Phú Yên) Đầu xuân Mậu Thân – 1968 là lúc Mỹ, ngụy đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên đỉnh cao nhất, cũng là lúc quân và dân miền Nam kiên quyết thực hiện quyết tâm lớn của Đảng, nắm vững thời cơ, chuyển hướng chiến lược mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Hòa với chiến trường chung, quân và dân Phú Yên cũng giành được những thắng lợi trong chiến dịch Thu Đông năm 1967 tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, Nam Triều Tiên, quân ngụy buộc địch co cụm về chốt giữ các trục giao thông, vùng ven đô thị, các căn cứ quân sự, tăng cường bình định các vùng nông thôn, tăng cường bắt lính. Đế quốc Mỹ không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược, cố đeo đuổi chiến tranh, xuống thang từng bước kéo dài cuộc chiến, đồng thời ráo riết phản công ta, chúng chuyển hướng từ “tìm diệt” sang “quét và giữ” thực hiện chính sách “Phi Mỹ hóa chiến tranh”; “Việt Nam hóa chiến tranh” lấy kế hoạch bình định làm biện pháp chiến lược. Quán triệt ý định chiến lược của Bộ Chính trị, chấp hành Nghị quyết và mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Những tháng cuối năm 1967, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Phú Yên mở nhiều cuộc hội nghị để quán triệt và triển khai nhiệm vụ, động viên sự nỗ lực của các ngành, các cấp và lực lượng vũ trang của tỉnh. Phân công cán bộ trực tiếp chỉ huy tổ chức chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng đấu tranh chính trị ở thị xã các quận lỵ. Khi chiến dịch nổ ra, Quân khu quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận mật danh (A9), chiến dịch Mậu Thân mật danh (T25) do đồng chí Lư Giang làm Tư lệnh, đồng chí Trần Suyền làm Chính ủy để thống nhất chỉ huy lãnh đạo các lực lượng trong tổng tiến công và nổi dậy. I/Tổng tiến công và nổi dậy đợt I (tháng 1-2/1968) Ngày 20/1/1968 Tỉnh ủy và Đảng ủy A9 họp để kiểm tra công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức hiệp đồng tác chiến, hiệp đồng đấu tranh chính trị, binh địch vận, phân công chỉ huy, lãnh đạo đi trực tiếp chỉ huy các hướng của chiến dịch. Trong khi đó các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức cho cán bộ và bộ đội ăn tết trước. Ngày 28/1 các đơn vị làm công tác tổ chức chiến đấu và hành quân tiếp cận vào vị trí tập kết bí mật ở phía tây thị xã Tuy Hòa. Đêm 29/1 cơ quan chỉ huy tiền phương cũng vào vị trí tập kết sườn phía tây xã Hòa Quang – huyện Tuy Hòa 2 để chỉ huy các đơn vị hành quân chiếm lĩnh (riêng Tiểu đoàn 85 khi hành quân đến vị trí tập kết bị địch đổ biệt kích ngăn chặn phải xuyên đường để hành quân nên không thực hiện được nhiệm vụ, đúng ngày nổ súng). 24 giờ ngày 30/1/1968, địch ở các căn cứ, các quận lỵ và thị xã Tuy Hòa bắn súng, pháo sáng đón giao thừa hơn 10 phút. Khi chúng im lặng, quân ta lợi dụng hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đến 0 giờ 30 phút ngày 31/1, Đại đội 202 nổ súng tấn công vào Trung đoàn bộ 47 và khu cố vấn Mỹ, địch bất ngờ không kịp đánh trả, ta tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ và Trung đoàn 47, số còn lại bỏ chạy. Đại đội Quyết Thắng đánh vào ty cảnh sát, địch bỏ chạy, ta phá hủy 1 số lô cốt, thu và phá hủy 1 số vũ khí rồi tổ chức rút lui an toàn (vì không có Tiểu đoàn 85 nên 2 Đại đội đánh hết vũ khí, tổ chức rút lui). Đến 3 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 12 mới triển khai xong đội hình và thực hành tấn công. Do không còn yếu tố bí mật nên Tiểu đoàn dùng súng cối bắn phá các máy bay ở sân bay, trận địa pháo, súng DKZ và B40, B41 bắn phá các lô cốt tìm tiêu diệt một bộ phận địch, tổ chức đánh phá các lớp rào đưa đội hình vào bên trong đánh chiếm sân bay, nhà lao, nhà 18 gian, đánh chiếm được một số xe M113 và trận địa pháo 105 ly của địch. Đại đội Mỹ và Đại đội bảo an bỏ chạy về nhà ga Tuy Hòa chống cự lại, ta làm chủ phần lớn sân bay khu chiến. Lúc này trời đã sáng, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 12 quyết định đưa Tiểu đoàn về tổ chức trận địa ở xóm đạo, khu nhà 18 gian, để đánh địch phản kích. Khi Tiểu đoàn triển khai, xóm đạo, được nhân dân cho cây gỗ ván cửa để bộ đội xây dựng công sự, nhờ đó mà Tiểu đoàn trụ đánh nhiều đợt phản kích của địch trong điều kiện pháo binh và phi cơ bắn phá rất ác liệt. Sau nhiều đợt phản công không thành bị ta đánh bại, đến 13 giờ trong ngày, chúng điều động 2 đại đội thuộc Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, dùng máy bay trực thăng vũ trang đánh phá ác liệt, tổ chức tấn công, nhưng Tiểu đoàn lợi dụng công sự, phản công quyết liệt, diệt 50 lính Mỹ. Địch lại dùng máy bay thả bom Napan trúng Sở chỉ huy Tiểu đoàn, đồng chí Hùng – Tiểu đoàn trưởng hy sinh, đồng chí Xi-Phó Chính ủy Trung đoàn đi chỉ huy trực tiếp bị thương nặng nhưng cán bộ và chiến sĩ của Tiểu đoàn còn lại kiên quyết đánh địch giữ vững trận địa. Khu nhà 18 gian và khu xóm đạo trở thành đống gạch vụn, khói lửa ngút trời. Cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 12 đã nêu tấm gương anh dũng tuyệt vời, thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đến 18 giờ địch không dám tổ chức tấn công, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12 còn lại tổ chức rút lui, nhưng thương vong quá lớn, số người còn lại cũng bị thương nên không đủ sức đưa tử sĩ về phía sau, anh em đành phải chia buồn và nhờ nhân dân chôn cất. Nhưng địch rất dã man không cho dân chôn cất tử sĩ của ta, gây lòng căm thù trong nhân dân đối với địch. Kết quả: Qua một ngày chiến đấu dũng cảm kiên cường, Tiểu đoàn 12 đã lập thành tích xuất sắc, tiêu diệt 290 tên địch trong đó có 75 tên Mỹ, thu 4 súng trung liên, phá hủy 4 pháo 105 ly, 4 xe M113, 3 máy bay L19, 3 lô cốt, 1 kho đạn. Cũng trong đêm 30 rạng sáng 31/1, tất cả các huyện, lỵ, chi khu, thị trấn trong tỉnh đều bị ta tấn công. Ở huyện Tuy Hòa 1: Tiểu đoàn 430, Đại đội đặc công 201, đại đội 377 của huyện phối hợp chiến đấu tập kích vào sân bay Đông Tác, sân bay trực thăng Thọ Lâm, Trung đoàn 28 Bạch Mã, quận lỵ Phú Lâm (Hiếu Xương), trận địa pháo Hảo Sơn, loại khỏi vòng chiến đấu 481 tên trong đó có 128 tên Mỹ, 216 tên Nam Triều Tiên, phá 18 xe quân sự các loại. Ta phá hỏng 8 pháo 105 ly và 155 ly, phá hủy 4 máy bay mô hóc và phá hỏng 20 máy bay phản lực (theo báo cáo của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 430 ngày 7/2/1968). Ở Tuy An: Lực lượng vũ trang huyện cùng du kích, đội công tác tập kích Trung đội Bảo an ở sân xe quận Phú Tân, bao vây bắn tỉa các đồn của quân Nam Triều Tiên, phá ấp chiến lược đưa dân về làng cũ, loại khỏi vòng chiến đấu 98 tên, trong đó có 43 tên Mỹ, 36 lính Nam Triều Tiên, phá hủy 3 xe quân sự. Ở Sông Cầu: Trung đoàn 10, thiếu Tiểu đoàn 12 phục kích đánh đoàn xe từ Bình Định vào diệt 8 xe của quân Nam Triều Tiên thuộc Sư đoàn “Mãnh Hổ”. Lực lượng huyện Sông Cầu tập kích diệt gọn Trung đội dân vệ ở Xuân Cảnh diệt và bắt 25 tên, thu 21 súng. Ở huyện Đồng Xuân: Lực lượng vũ trang huyện tập kích địch ở ấp Long Thăng, Phước Lộc, khu đồn Nam La Hai, phá 1 xe M113 ở đèo Đá Ong, loại khỏi vòng chiến đấu 116 tên trong đó có 26 tên Mỹ và 22 tên Nam Triều Tiên (theo báo cáo của Huyện đội Đồng Xuân). Ở Sơn Hòa: Lực lượng vũ trang và du kích tấn công địch ở sân bay Củng Sơn, lô cốt Cây Đa, ấp Bắc Lý, xóm Mới, diệt 30 tên. Chiều ngày 31/1 tại Sở chỉ huy tiền phương (gọp Mồng Mông Tây - xã Hòa Quang) họp để nghe cơ quan báo cáo tổng hợp tình hình chiến sự trong 2 ngày, nhận định đánh giá tình hình địch, ta chỉ đạo tiếp theo của chiến dịch. Sau khi nghe cơ quan báo cáo tình hình, Chỉ huy tiền phương quyết định tập trung lực lượng tổ chức tấn công tiếp, không cho địch củng cố. Tiền phương phân công đồng chí Nguyễn Tất Lưu - Tỉnh đội trưởng trực tiếp chỉ huy, Tiểu đoàn 85 và Đại đội 202 tấn công vào thị xã trong đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/2. Tiểu đoàn 85 chưa chiến đấu trong những ngày qua, quân số còn nguyên, khí thế quyết tâm tốt được phối hợp với Đại đội đặc công 202 và quân số còn lại của Tiểu đoàn 12 được tỉnh trực tiếp chỉ huy nên có những thuận lợi nhất định, nhưng yếu tố bí mật, bất ngờ không còn. Địch đã chủ động phản kích, nhưng tinh thần bạc nhược, sợ ta tấn công tiếp. Chấp hành mệnh lệnh, đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5/2, Tiểu đoàn theo 1 trục tấn công từ sân bay khu chiến, đánh chiếm nhà ga Tuy Hòa. Địch hoảng sợ bỏ chạy, ta nhanh chóng đánh chiếm nhà ga. Đại đội 2 theo đường Lê Lợi đánh chiếm Nhà máy Đèn, bắt liên lạc với Đại đội 202 và Quyết Thắng đánh chiếm Ty cảnh sát. Đại đội 3 phát triển theo đường Trần Hưng Đạo đánh chiếm trụ sở đô thành, ngả 3 đường Duy Tân, diệt một số tên địch và làm chủ trục đường. Trước lúc trời sáng, Tiểu đoàn 85 đã đánh chiếm làm chủ phía Tây thị xã Tuy Hòa từ phía Tây đường Duy Tân, khu nhà đèn, trục đường Trần Hưng Đạo, khu chợ, nhà ga Tuy Hòa. Trời sáng nên Tiểu đoàn quyết định ngừng tấn công mà tổ chức triển khai đội hình chuẩn bị đánh địch ban ngày, nhân dân các khu phố niềm nở đón tiếp bộ đội, người thì chuẩn bị cơm, người thì đem quà bánh tết ra mời bộ đội ăn cùng gia đình, giúp bộ đội xây dựng công sự, phương án đánh địch, chỉ đường, cho vật liệu xây dựng công sự. Trời vừa sáng, 2 tên thám báo cải trang thăm dò lực lượng ta. Được nhân dân báo tin, Đại đội 3 dùng súng AK bắn chết 1 tên và bắt sống 1 tên thu 2 súng ngắn. 7 giờ sáng ngày 5/2, địch dùng trực thăng vũ trang bắn rokét theo trục đường Trần Hưng Đạo, dùng súng DKZ và pháo 105 ly từ Núi Nhạn bắn xuống các nhà cao tầng làm bị thương nhân dân. Đội sơ cứu của Tiểu đoàn kịp thời băng bó cứu chữa cho nhân dân, những hành động, cử chỉ của cán bộ, chiến sĩ ta được nhân dân mến phục. Mặc dù địch dùng loa hù dọa hủy diệt các khu phố nhưng nhân dân kiên quyết bám trụ cùng bộ đội, . Được nhân dân tiếp sức động viên tạo thêm quyết tâm cho bộ đội, mặc dù đây là lần đầu tiên Tiểu đoàn 85 đánh ban ngày ở thị xã trong điều kiện địch bao vây các hướng, nhưng tiểu đoàn vẫn giữ vững quyết tâm làm chủ các khu phố. Cả ngày 5/2 tiểu đoàn liên tục phản kích loại khỏi vòng chiến đấu 164 tên, phá một số lô cốt. Điều quan trọng nhất là đơn vị được nhân dân thị xã mến phục, tận tình giúp đỡ bộ đội chiến đấu, địch hoang mang dao động. Bộ đội ta có kinh nghiệm đánh địch ban ngày trong thị xã. Địch đông binh khí, kỹ thuật hiện đại nhưng ta vẫn làm chủ được ban ngày. Chiến đấu từ ngày 30/1 đến ngày 6/2/1968: Các lực lượng vũ trang Phú Yên đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 tên địch, trong đó có 349 tên Mỹ, 464 tên Nam Triều Tiên, phá hủy và phá hỏng một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của Mỹ, gồm: 47 máy bay các loại; 26 xe quân sự, trong đó có 5 xe M113 và M118; 10 khẩu pháo 105 ly và 155 ly; thu 50 máy thông tin các loại; đốt cháy hàng nghìn lít xăng; phá hủy hàng chục tấn đạn các loại. II. Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 (T26-tháng 3/1968) Sau 1 tuần tấn công, ngày 12/2/1968, Đảng ủy A9 họp đánh giá kết quả đợt 1, đề ra nhiệm vụ đợt 2 (T26). Mục tiêu là tập trung lực lượng, phương tiện với nỗ lực cao nhất để đánh chiếm thị xã Tuy Hòa, các quận lỵ, chi khu, diệt sinh lực địch, phá phương tiện chiến tranh, làm cho địch hoang mang dao động lại càng hoang mang dao động hơn; hỗ trợ quần chúng đứng lên phá ấp trở về làng cũ. Đảng ủy A9 phân công đồng chí Tỉnh đội trưởng cùng một bộ phận cán bộ chuẩn bị chiến trường hướng trọng điểm thị xã Tuy Hòa. Dù địch đã cảnh giác, liên tục tuần tra khiến ta không chuẩn bị được, nhưng đến ngày nổ súng, ta vẫn đánh địch theo ý định. Đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/3/1968, đợt 2 (T26) diễn ra với diễn biến như sau: Tiểu đoàn 85, Đại đội Đặc công 202 tập kích đánh chiếm Trung đoàn bộ 47, khu cố vấn Mỹ. Quá trình tiến công bị địch phản kích quyết liệt, ta dùng B40, B41, DKZ bắn diệt từng lô cốt, đánh chiếm được một phần Trung đoàn bộ 47, diệt hàng trăm tên địch, trong đó có 15 tên Mỹ và 25 tên Nam Triều Tiên, bắn hỏng 3 xe M113. Tuy nhiên ta không làm chủ được trận địa, khi trời sáng phải lui về khu Ninh Tịnh trụ lại đánh địch phản công. Tiểu đoàn 12 của Trung đoàn 10 phối hợp với Đại đội Quyết Thắng đánh vào Ty cảnh sát, nhưng đến xóm Chùa Ninh Tịnh gặp địch, phải dừng lại triển khai đánh địch nên không vào được Ty cảnh sát. Địch dùng xe M113 từ Trung đoàn bộ 47 ra phản kích liên tục. Tiểu đoàn 12 tiêu diệt 3 xe M113, buộc địch co lại. Tiểu đoàn tổ chức lại trận địa đánh địch phản kích. 6 giờ sáng, địch tổ chức tấn công liên tục hòng đánh bật tiểu đoàn ra khỏi xóm Chùa, nhưng tiểu đoàn kiên quyết bám trụ phản công, tiêu diệt hàng trăm tên địch và nhiều xe M113, giữ vững trận địa cả ngày. Tuy nhiên, do không còn yếu tố bí mật, bất ngờ nên 2 tiểu đoàn đánh vào 2 mục tiêu chủ yếu không làm chủ được trận địa, bị địch phản kích liên tục… Đến 12 giờ cùng ngày, địch phát hiện Sở chỉ huy của ta ở Ninh Tịnh. Chúng tập trung hỏa lực pháo binh, máy bay bắn phá quyết liệt. Sở chỉ huy bị trúng bom, đồng chí Tỉnh đội trưởng và đồng chí Chính trị viên Tỉnh đội hy sinh, đài 15W bị hỏng, một số đồng chí trong cơ quan cũng hy sinh, lực lượng vệ binh, trinh sát và Đại đội bộ binh của Tiểu đoàn 12 bảo vệ Sở chỉ huy cũng bị thiệt hại nặng. Nhưng cán bộ và chiến sĩ vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến 16 giờ trong ngày thì Sở chỉ huy bị địch đánh chiếm. Ở hướng Tuy Hòa 2: Trung đoàn 10 đánh địch ở xóm Bầu, xóm Ao, Long Tường, Phụng Tường khiến bọn lính bảo an bỏ chạy tán loạn, ta diệt được một số. Trong đêm ngày 4, sáng ngày 5/3, các huyện Tuy Hòa 1, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa cũng đồng loạt nổ súng tấn công đánh vào các quận lỵ, chi khu diệt nhiều địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, đưa dân về làng cũ. Nhiều nơi bọn ngụy quyền cấp xã bỏ trốn, nhiều trung đội dân vệ tan rã. Phối hợp với phong trào đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận cũng được đẩy mạnh. Quần chúng ở thị xã Tuy Hòa và các huyện Tuy Hòa 1, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu vùng lên diệt ác phá kìm, thành lập chính quyền cấp xã, phá ấp chiến lược đưa dân về làng cũ. Có 3.000 người tham gia các cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi địch không được bắn pháo vào làng, không càn quét để nhân dân đi lại làm ăn và trở về sinh sống ở làng cũ, buộc chúng phải chấp nhận một số yêu sách của nhân dân. Trong chiến dịch Mậu Thân, ta đã giải phóng 10 xã, 13 thôn, đưa 23.000 người dân trở về làng cũ… Hai đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 có sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh địch vận. Ta đã huy động mọi lực lượng, khai thác mọi sức lực, động viên mọi lực lượng chấp hành nghiêm mệnh lệnh tấn công và nổi dậy; nêu cao ý chí quyết thắng, khắc phục khó khăn, không ngại hy sinh, xông lên tiến công và nổi dậy giành thắng lợi cho cách mạng. Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết xả thân vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam. Nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm trong chiến đấu như: Lê Trung Kiên, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Huệ… Nhiều đơn vị chấp hành nghiêm chỉnh, tìm mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ như: Đại đội đặc công 202 ba lần tấn công vào thị xã trong khi địch canh phòng chặt chẽ, điều kiện chưa chuẩn bị kịp, nhưng khi có lệnh là nhận nhiệm vụ chiến đấu với hiệu suất chiến đấu cao. Tiểu đoàn 12 thuộc Trung đoàn 10 hai lần tấn công thị xã đều bị lộ, nhưng đơn vị chủ động tấn công giành thắng lợi, bám trụ đánh địch giữ vững trận địa. Khi cán bộ chỉ huy hy sinh thì cấp dưới lên thay thế tiếp tục chỉ huy chiến đấu đến cùng, giữ vững trận địa trong điều kiện địch bao vây tứ phía, hỏa lực đánh phá ác liệt nhưng đơn vị vẫn kiên cường chiến đấu, hô vang khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 12 đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân tin yêu, mến phục. Tiểu đoàn 85 của tỉnh khi nhận lệnh tấn công thị xã, thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng chỉ trong 3 giờ đã đánh chiếm, làm chủ 2/3 thị xã Tuy Hòa. Các đơn vị Tuy Hòa 1 khắc phục mọi khó khăn, luồn sâu, bám sát liên tục đánh phá các sân bay, cảng Vũng Rô, hậu cứ của địch trong điều kiện thiếu lương thực, thiếu vũ khí nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các đơn vị công binh được giao nhiệm vụ chốt chặn, chia cắt các trục giao thông, không cho địch chi viện khi chiến dịch nổ ra đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt hàng chục xe, cắt đứt giao thông nhiều ngày ở đèo Cả, đèo Cù Mông tạo điều kiện cho hướng trọng điểm có điều kiện đánh địch. Các trạm xưởng quân giới của tỉnh ngày đêm tập trung sản xuất lựu đạn, thủ pháo cung cấp kịp thời cho bộ đội tấn công. Những lúc thiếu vật liệu, anh em tự tìm kiếm bom đạn lép về cải tiến sản xuất. Thắng lợi tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 là tổng hợp sức người, sức của to lớn của quân và dân Phú Yên, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, buộc chúng phải ngồi lại đàm phán ở Pari. Thắng lợi của Tết Mậu Thân năm 1968 là bài học trong việc đánh giá đúng tình hình địch, phân tích về ta một cách sâu sắc, để hạ quyết tâm tấn công và nổi dậy, bảo đảm giành thắng lợi trên chiến trường. Thắng lợi Mậu Thân năm 1968 là sự thành công về công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ cũng như nhân dân về bản chất của kẻ thù, chỉ biết dựa vào phương tiện kỹ thuật, vào sức mạnh quân sự dẫn đến chủ quan coi thường đối phương. Thắng lợi của Mậu Thân năm 1968 cảnh báo rằng thất bại của Mỹ - ngụy quyền Sài Gòn là điều tất yếu. Quân và dân Phú Yên đã góp xương máu của mình cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 lịch sử, là sự cống hiến to lớn và cao cả, góp phần cùng với cả nước đập tan ý đồ xâm lược Việt Nam lâu dài của đế quốc Mỹ và tạo tiền đề cho toàn thắng mùa Xuân năm 1975. Nguồn: Trang web Thư viện Hải Phú/Mục bộ sưu tập Xuân mậu thân 1968 . Quân và dân Phú Yên trong Chiến dịch xuân Mậu Thân Sưu tầm Bài viết của TRẦN VĂN MƯỜI Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Yên (Theo tài liệu Tổng kết. Hội CCB tỉnh Phú Yên (Theo tài liệu Tổng kết Mậu Thân – 1968 của Tỉnh đội Phú Yên) Đầu xuân Mậu Thân – 1968 là lúc Mỹ, ngụy đưa cuộc chiến tranh cục bộ lên

Ngày đăng: 18/09/2013, 02:10

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan