Trả lời Để đưa hàng chi viện theo đường biển vào các bến ở khu 5, Trung ương đã chỉ đạo cho Liên Tỉnh III và Phú Yên chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận hàng. 1.Chuẩn bị người cho tàu và chọn bến cho tàu vào Tháng 7-1963, đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện hỏa tốc của Khu ủy giao cho Phú Yên cử người thạo đường biển ra Bắc để làm nhiệm vụ đặc biệt hướng dẫn tàu chi viện hàng vào Nam. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định bí mật chọn cử người thạo vùng biển ra Bắc để hướng dẫn tàu vào. Tháng 8-1963, tổ thứ nhất gồm 3 đồng chí quân giải phóng ở xã Hòa Hiệp, giỏi nghề đi biển là Lê Kim Tự, Trần Kim Hiền, Nguyễn Thanh Xuân lên đường ra Bắc; sau đó 2 tháng tổ thứ hai gồm 2 chiến sĩ quê Sông Cầu là Trần Mỹ Thành và Phạm Dợn cũng lên đường thực hiện nhiệm vụ đặc biệt Khu ủy giao Phú Yên. Tháng 7-1964, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức Hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn thuộc xã Hòa Mỹ huyện Tuy Hòa I. Phía Liên Tỉnh ủy III có đồng chí Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ) – Bí Thư, đồng chí Trần Suyền - Ủy viên thường trực; phía Phân khu Nam có đồng chí Lê Đình Yên (tức Phương) – Phó Chính ủy, đồng chí Y BLốc – Phó tư lệnh, họp bàn chọn bến để đón tàu từ miền Bắc theo đường biển chở vũ khí vào chi viện viện cho chiến trường Phú Yên và liên tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo liên tỉnh và Phân khu Nam đưa ra các phương án chọn bến chuẩn bị đón tàu đưa vũ khí vào đất liền và vận chuyển an toàn vào hậu cứ. Phương án 1: Chọn vịnh Xuân Đài – Sông Cầu. Qua đánh giá tình hình xét thấy: vịnh Xuân Đài có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào ẩn núp thuận tiện. Các Xã xung quanh vịnh có phong trào cách mạng khá, ta làm chủ liên hoàn. Nhưng vịnh Xuân đài có nhược điểm là hành lang phía sau hẹp, vì vậy khi tiếp nhận một lượng hàng hóa lớn, dân công đi về nhiều, vượt qua ba tuyến địch (quốc lộ 1, đường số 6, căn cớ Đồng Tre – Xuân Phước) sẽ dễ bị lộ và gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn hành lang vận chuyển về hậu cứ và cấp phát lương thực cho dân công. Phương án 2: Chọn bến Vũng Rô – Tuy Hòa. Vũng Rô nằm trong địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa (nay là Đông Hòa), tỉnh Phú Yên tiếp giáp với vịnh Văn Phong – Đại Lãnh (tỉnh Khánh Hòa). Diện tích mặt nước rộng 16,4km2, có độ sâu từ 14-19 mét, kín gió, đáy vịnh ổn định, cửa vào vịnh rộng 2km. Nơi tiếp giáp hải phận Quốc tế gần nhất nằm ở vị trí12052’ vĩ độ Bắc; 105025 kinh độ Đông. Phía bắc giáp dãy núi Đá Bia cao 706mét. Phía nam giáp hòn Nưa. Phía tây giáp dãy đèo Cả, Quốc lộ 1A và đường sắt. Phía đông có mũi Điện (còn gọi là mũi Nạy- Capvarilla). Vũng Rô hình thành từ những dãi núi nối tiếp dãy đèo Cả gồm: mũi Kê Gà, mũi Ba, mũi Ca che kín Vũng Rô thành bán đảo Vũng Rô. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng ngọn đèn biển ở mũi Kê Gà (Capvarella) phía đông bắc Vũng Rô. Địa hình Vũng Rô có núi non hiểm trở bao bọc, có nhiều hang, gộp đá, đường độc đạo thuận tiện cho việc hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang. Có điều kiện cho việc di chuyển cơ động quân và vận chuyển vũ khí về vùng căn cứ, vùng giải phóng . thuận lợi cho việc sơ tán lực lượng, tránh được hỏa lực địch, cất giấu lương thực, vũ khí ở các hang gộp đá. Đây là một vũng tương đối sâu, có các dãy núi bao che, chỉ có một cửa duy nhất thông ra biển, trước mặt biển Đông bốn mùa lặng sóng. Vũng Rô theo chế độ nhật triều, một ngày nước lên xuống một lần theo chu kỳ quay của mặt trăng. Có biên đọ thủy triều lớn từ 1,5 đến 2m. Là nơi trú đậu tránh gió bão của các loại tàu thuyền, nơi ghe đánh cá của dân thường ra vào lấy nước ngọt. Xung quanh khu vực Vũng Rô có các bãi như: bãi Chính, bãi Chùa, bãi Lau, bãi Mù U, . có nhiều bãi cát trắng mịn, rộng nhất là bãi Chính, thường nằm ở những con suối nhỏ có nước ngọt từ lòng núi chảy ra. Từ bãi chính có một con đường mòn nhỏ chạy lượn theo mũi Điện qua hòn Bà, hòn Bia đến bãi Xép, nơi đây là căn cứ miền đông của huyện Tuy Hòa. Địa hình Vũng Rô trống trải, rất khó cho tàu chở hàng chi viện của ta đậu lại chờ thời cơ. Nó khác với các kênh rạch ở Nam Bộ, khi tàu vào được có rừng đước, rừng tràm che chở, thời gian nằm lại 5-7 ngày không lo địch phát hiện. Với đặc điểm trên nên Vũng Rô địch quản lí sơ hở. Tàu vào không lệ thuộc thủy triều nhưng lại có nhiều nhược điểm: trống trải, núi đá, gần các đường Quốc lộ, đường sắt, chỉ có một cửa ra vào nên khi có sự cố địch huy động lực lượng ứng cứu nhanh, chỉ cần một lực lượng nhỏ chắn cửa vịnh là tàu ta khó thoát. Mặt khác, không có lực lượng bến cố định, hầu hết dân công đều huy động ở tất cả các xã – kể cả vùng quen và vùng tranh chấp, họ có quan hệ gia đình làng xóm nên công tác bảo mật rất khó khăn. Nhìn chung: - Vũng Rô là vịnh không rộng, ba bờ bao bọc bởi núi, kín gió, có thể che mắt địch. - Có độ nước sâu, tàu ra vào không lệ thuộc thủy triều lên xuống. - Có tiêu là núi Đá Bia (ban ngày), đèn mũi Điện (ban đêm) thuận lợi cho việc xác định việc chuyển hướng cuối cùng cho tàu vào bến. - Vùng giải phóng rộng, bao gồm các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân. Có lực lượng vũ trang và dân quân du kích mạnh. - Có nhiều hang đá có thể làm kho cất giấu, tạm chờ vận chuyển về hậu cứ. Ngoài dân công đường bộ, có thể huy động một số lớn thuyền dân chuyển tải về cửa sông Đà Nông để lên phía tây đường quốc lộ. Tuy nhiên củng có một số nhược điểm: - Vũng Rô nằm sát đường quốc lô1A, đường sắt và đường hàng không Bắc Nam, thường xuyên có phương tiện đi lại, kẻ địch dễ phát hiện. - Địa hình trống trải, không có những kênh rạch cây cối um tùm để cất giấu tàu khi tàu cần lưu lại bốc hàng. - Ra vào vịnh chỉ có một cửa duy nhất giữa hòn Nưa và mũi Điện. Chỉ cần một tàu địch án ngữ cửa vịnh thì tàu ta khó thoát ra biển Đông. - Là nơi kín gió nên ghe thuyền của ngư dân thường ghé vào tránh gió, lấy nước ngọt nên rất dễ bị lộ bí mật. Qua đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lí, tình hình địch, ta và nhân dân địa phương, hội nghị đã thống nhất chọn bến Vũng Rô để đón tàu vào, vì Vũng Rô có đầy đủ điều kiện “thiên thời , địa lợi, nhân hòa”. Đồng chí Trần Suyền thay mặt Liên Tỉnh ủy III, Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang và lực lượng bảo vệ để đón tàu vào và tiếp nhận cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ. * Đề nghị tham khảo thêm Nguồn: Vũng Rô - những chuyến tàu lịch sử.- Phú Yên: Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Phú Yên xb, 2007.- 108tr.; 20cm -Số ký hiệu xếp giá: 1015130001791 . Yên chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận hàng. 1.Chuẩn bị người cho tàu và chọn bến cho tàu vào Tháng 7-1963, đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. khảo thêm Nguồn: Vũng Rô - những chuyến tàu lịch sử.- Phú Yên: Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Phú Yên xb, 2007.- 108tr.; 20cm -Số ký hiệu xếp giá: 1015130001791