1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Bai viet ve Tuong ve huu

7 528 3
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 7
Dung lượng 81,5 KB

Nội dung

Tướng về hưu Một tác phẩm có tính chất nghệ thuật Ðọc Tướng về hưu [1] vừa hấp dẫn, vừa khó chịu, đôi khi cảm động. Ðọc lại Tướng về hưu, vẫn hấp dẫn, càng khó chịu. Suy nghĩ về cốt truyện : không có gì hấp dẫn. Thực ra không có cốt truyện. Cũng không có nhân vật đặc sắc. Chỉ kể một số sự việc nhỏ nhoi, trong một gia đình bình thường, ở một tỉnh nhỏ của một nước nghèo. Và cũng không có gì đáng khó chịu. Thử tìm hiểu ý của tác giả, lập trường chính trị, quan điểm về con người, cuộc sống. Ðây đó, một câu, một ý, có thể ưa, có thể không ưa. Tóm lại, chẳng có gì nẩy lửa, độc đáo . Ðọc Tướng về hưu lần thứ ba. Vẫn khó chịu. Vẫn cứ phải đọc một hơi tới cùng. Rồi cứ băn khoăn, không sao ngủ được. Ðủ thấy giá trị của truyện ngắn này ở lối hành văn. Viết làm sao khiến người đọc vừa bị lôi cuốn, vừa áy náy, khó chịu, không sao quên được mình trong câu chuyện, dòng văn, đó là đặc điểm trong lối hành văn của Tướng về hưu. Ðiều nổi bật là ngôn ngữ ngắn ngủi, đơn sơ, có khi thô lỗ. Văn không thừa một chữ, chỉ đủ để nêu sự vật, sự kiện. Ðối với những người, đã quá nhiều năm, ngán ngẩm loại văn dạy đời phải trái, đẹp xấu, ê chề lặn lội giữa hai dòng chữ để đoán mò ý ngầm của bài báo, bài diễn văn . lối viết "hiện thực" này tự nó đã là mới. Nhưng đâu phải chỉ cần viết ngắn gọn, đơn sơ và hiện thực là xúc động được lòng người. Không thiếu gì sách viết như vậy chỉ làm người đọc ngáp dài, ngáp ngắn. Văn Tướng về hưu không chỉ hay ở hình thức (kỹ thuật dùng chữ, đặt câu, dàn truyện). Hay ở nội dung. Nhưng không phải nội dung cốt truyện, nội dung tư tưởng . Hay ở nội dung hành văn. Tức là bản thân lối viết trực tiếp xúc động lòng người đọc. Vì lối viết ấy nói lên sự thật . một nửa sự thật : sự thực của sự vật, sự kiện. Nói một nửa sự thật cũng có nghĩa bóp chết một nửa. Nửa bị bóp chết là sự thật của con người. Vì vậy lối hành văn này tuy "hiện thực" mà hoàn toàn giả dối : thiếu hẳn sự thật của thế giới người. Sự thiếu hụt đó làm người đọc không thể nào không băn khoăn. Ngôn ngữ là người. Ngôn ngữ thể hiện con người trong quan hệ với người khác, người xưa, người đời nay và người mai sau. Con người dùng ngôn ngữ để tả cho nhau thế giới này, để hiểu nhau [2] . Tả và hiểu có hai mặt, khoa học (tả chính xác sự vật, sự kiện), và giá trị (thái độ của mình trước sự vật, sự kiện). Khi chỉ cần nói cho nhau kiến thức về thế giới tự nhiên, con người dùng ngôn ngữ khoa học, kỹ thuật. Với loại ngôn ngữ này chỉ có đúng hay sai, không có hiểu nhầm, không có thông cảm. Khi con người muốn nói với nhau về thân phận người họ dùng ngôn ngữ hàng ngày, ngôn ngữ chính trị, văn và những hình thức nghệ thuật khác. Trong loại ngôn ngữ này, tả và đánh giágắn liền với nhau. Nhà văn tả cây tả cảnh, nói trời kể đất, đều là tỏ thái độ với đời. Vì vậy, văn tình cảm, văn đạo đức, văn chính trị thường lạm phát tính từ (và ít khi thành văn). Ngôn ngữ thể hiện người ở cả hai phương diện, xã hội và cá nhân. Vì ngôn ngữ, một mặt là sản phẩm của xã hội và lịch sử, mặt khác là phương tiện đầy đủ nhất để từng cá nhân nói lên tâm tư của mình. Hiểu ngôn ngữ như vậy, ta thấy ngay nét độc đáo của lối hành văn trong Tướng về hưu : cố ý giới hạn ngôn ngữ ở mức mô tả sự vật, sự kiện, ở mức ngôn ngữ kỹ thuật đơn thuần, dùng tiếng nói để bịt miệng con người. Lối hành văn này tạo một thế giới ngổn ngang sự vật, sự kiện [3] , một thế giới tan rã thành muôn mảnh, một thế giới chỉ có những hiện tại vụn vặt lơ lửng bên nhau. Vì đó là một thế giới đã mất nhân tính : chỉ có con người mới thống nhất được vũ trụ xuyên qua hoài bão của mình. Hoài bão đó tạo một tương lai cho mọi sự vật, mọi sự kiện, trong tầm sống của một con người. Khoảng cách giữa tương lai đó và hiện thực đương thời gọi là giá trị. Giá trị khiến những chữ yêu, ghét, đẹp, xấu, cuộc đời . có ý nghĩa. Trong Tướng về hưu, tác giả tả người như tả sự vật, tả hành động, tâm tư, lời nói của người như kê khai sự kiện tự nhiên. Không ai sống với ai. Mỗi người tồn tại bên cạnh người khác, như cây mọc bên tường. Có gặp nhau chăng, cũng tình cờ, vô tư. Ðể đạt kết quả ấy, tác giả dùng nhiều thủ pháp. Một thủ pháp là : không một nhân vật nào có được một nét mặt, mỗi người thu gọn vào chức năng tồn tại của một động vật. Cha tôi tên Thuẫn, con trưởng họ Nguyễn [ .] Tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ. Những nhân vật khác đều được giới thiệu như vậy. Thủ pháp khác : trong truyện có nhiều lời phát biểu, nhưng hầu như không có đối thoại. Chỉ có những lời tuyên bố song song, đơn độc. Thí dụ đoạn văn sau, lúc người em sắp mất chị : Ông nói : "Bà ấy cứ xoay ngang xoay dọc trên giường thế này là gay go đấy." Lại hỏi : "Chị ơi, chị nhận ra em không ?". Mẹ tôi bảo : "Có.". Lại hỏi : "Thế em là ai ?". Mẹ tôi bảo : "Là người." Ông Bổng khóc òa lên : "Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồkhốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người [4] ." Không có độc thoại nào cô đơn hơn "đối thoại" này. Hơn nữa, chữ người đối chọi với chữ đồ thật hay, chỉ được làm người, dù không mặt mũi, không tên họ, cũng mãn nguyện rồi ! Kỹ thuật trình bày cũng được vận dụng để bóp nghẹt đối thoại. Không tách rời những đoạn đối thoại, không xuống hàng, kéo gạch để làm nổi bật sự hiện diện của các đối tượng, mà viết lời nói lẫn lộn với lời kể : Ông thợ mộc quát : "Sợ chúng ông ăn cắp gỗ à ?" Ông Bổng hỏi : "Ván mấy phân ?" Tôi bảo : "Bốn phân." Ông Bổng bảo : "Mất mẹ bộ xa-lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván [5] " Ðọc một trang đối thoại kiểu này khó mà giữ được bình tĩnh. Phải buồn nôn. Còn gì đối thoại ? Còn đâu tiếng nói – nhịp cầu giữa người với người ? Chỉ còn những ống loa phát loạn xạ những âm vang lạc loài [6] . Nhưng có lẽ thủ pháp triệt để nhất trong lối hành văn Tướng về hưu là : kê khai dồn dập những sự kiện, liên miên từ đầu đến cuối truyện, không cho kẻ đọc kịp thở, có thời giờ và khoảng cách để thêu dệt một mối liên hệ tổng hợp nào, dù đúng, dù sai. Nhịp văn Tướng về hưu là nhịp thở dốc. Câu văn ngắn ngủn, chi chít, dồn dập nhô lên bên cạnh nhau, không có nhịp cầu nối lại, cả về ý lẫn về từ, tạo nên một đám chữ loạn, không xây hình dựng nghĩa gì cả. Văn Tướng về hưu như cơn gió lốc, có xen tiếng hoang loạn của những con người không có mặt mũi. Người với nhau đã vậy. Từng người với mình cũng chẳng hơn. Tình cảm, suy nghĩ, hành động, cứ bộc phát như những sự kiện của thế giới tự nhiên, như cây như cỏ, tản mát, vụn lẻ, không đầu không đuôi, chẳng khác gì : con cóc trong hang, con cóc nhẩy ra, con cóc ngồi đó . Về mặt này, "nhân vật" ông Bổng điển hình nhất : khóc, cười, chửi, mắng, ăn, nói . chẳng khác gì con nít đái, ỉa. Tóm lại, thế giới Tướng về hưu là một thế giới trong đó con người không có hoài bão, xã hội không có tương lai [7] . Vì thế Tướng về hưu là một truyện không cần cốt, không có cốt truyện. Tính chất nghệ thuật của Tướng về hưu ở chỗ khơi được thế giới đó, cảm giác đó, qua lối hành văn. Chẳng giải thích dài dòng, chẳng dùng những tính từ dao búa, chỉ viết những lời ai ai cũng hiểu được, mà tạo nên cả một bầu không khí điên đầu, cả một thế giới trong đó không ai có thể hiểu ai. Thế giới điên đầu ấy không phải, không thể là thế giới thực. Là thế giới của nghệ thuật. Cho rằng văn Tướng về hưu là văn "hiện thực" thì thật tôi nghiệp cho văn [8] . Nghệ thuật là giả dối. Giả dối trong lối hành văn này ở chỗ lấy một ống kính máy ảnh thay mắt một con người, chụp loạn xạ cuộc sống, ráp hình thành "truyện", truyện về một thế giới người trong đó con người đã tan rã. Vì ống kính máy ảnh khác mắt con người ở một điểm : nó chỉ có những hiện tại riêng lẻ, nó không có kỷ niệm, không có tương lai, không có sợi dây nối liền hành động hôm nay với tình cảm ngày xưa, với niềm mong ước ở ngày mai, gắn quãng đời này với quãng đời trước qua tia hy vọng về quãng đời sau, để tạo dựng một vóc người. Thế giới Tướng về hưu là một thế giới trong đó một đời người có thể thu gọn vào một bản kê khai lý lịch hoàn toàn khách quan [9] . Ðây là tột đỉnh của lối hành văn này. Ði thêm bước nữa, chỉ còn . im lặng. Vì lối hành văn này cũng có giới hạn của nó. Muốn "có" cây mọc cạnh tường phải có một con mắt người sắp xếp không gian theo một trật tự hay một sự hỗn loạn . rất người [10] . Tình cảm, suy nghĩ, hành động của nhân vật, dù rời rạc tới đâu, cũng phải có trước có sau vì người viết phải viết . tuần tự, và cuối cùng, cũng phải gắn với một con người, một cái tên [11] . Chính vì thế trong văn học tây âu đã từng có phái chủ trương vượt giới hạn đó bằng cách . đả phá ngôn ngữ, viết loạn theo dòng . âm ! Tôi thích Tướng về hưu vì nó biết đưa ta tới đỉnh đó, và cũng biết ngừng ở đó. Muốn thưởng thức Tướng về hưu chẳng cần chẻ tóc làm tư, chẳng cần suy từng câu, ngẫm từng chữ. Cứ nghe theo người kể, tự nhiên sẽ tới bờ sự im lặng. Trong sự im lặng đó, chẳng còn cốt truyện, nhân vật, văn chương. Chỉ còn một con người vừa thoáng nghe thấy một giọng người. Người ấy là ai ? đọc làm gì ? sống làm gì ? Có lẽ Tướng về hưu lôi cuốn và khó chịu ở chỗ này. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, truyện ngắn Tướng về hưu gây xôn xao, người ưa người ghét kịch liệt, dễ hiểu. Dùng tiếng nói để bịt miệng con người, hành văn để hành hạ văn chưong, dùng ngôn ngữ để tra tấn ngôn ngữ như vậy, đương nhiên là chất vấn cái xã hội đã sản sinh ngôn ngữ đó, tra hỏi con người dùng hay chấp nhận nó, đòi hỏi nói thật, viết thật, làm thật [12] . Nhưng tại sao Tướng về hưu lại có thể xúc động được lòng một người đang sống và có lẽ sẽ chết ở Pháp ? Và sau này còn sức xúc động lòng người chăng ? Tôi nghĩ có. Vì chó chết, còn truyện. Người cũng như ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội, của lịch sử. Ngôn ngữ sẽ tồn tại và thay đổi với xã hội. Làm người, ai cũng phải chết, như một áng văn luôn luôn phải chấm dứt, dù phải chấm dứt ngang dòng. Cái chết ấy đúc kết giá trị của một cuộc đời. Không ai nói hết được giá trị ấy. Và ai cũng phải chết một mình, trả lại đời sự im lặng. Nỗi cô đơn thầm lặng toát ra từ giọng văn ấy còn là thân phận lâu dài của con người, nếu không phải là mãi mãi. Giá trị ấy, cô đơn ấy lắng đọng trong sự im lặng hình thành khi dòng văn chấm dứt. Ðọc đến đó, có thể quên tất cả [13] , nhưng không sao quên được sự im lặng này. Dĩ nhiên, sự im lặng của tác giả khác sự im lặng của từng cuộc đời. Nhưng nó cũng là sự im lặng của từng thân phận, ngấm ngầm trong năm, tháng, cho tới ngày mỗi đời người có thể ngả xuống trong sự toại nguyện ? Ðược thế thì văn chương, nghệ thuật đã thành thừa. Tướng về hưu quả là một tác phẩm có tính chất nghệ thuật. Trần Ðạo 1988 [1] Tướng về hưu, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. [2] Ít ai ưa nói chuyện với cột đá, và ngay khi nói với cột đá, ít nhất cũng có một người nghe. [3] Con người cũng là sự vật, như bàn, ghế. Nuôi chó, nuôi heo, cười, khóc, ăn, ỉa, sống, chết đều là những sự kiện được kê khai như trong một bản thông báo thời tiết. [4] TÐ nhấn mạnh. [5] Viết : cho tao bộ ván đồng nhất hơn. Viết : cho chú bộ ván Việt Nam hơn và do đó cay đắng hơn. Chữ chú ở đây gợi những tình cảm ngược hẳn tình cảm bình thường của người dùng nó. Mất cha còn chú . Chà đạp ngôn ngữ là như vậy. Tác giả còn vận dụng khéo nhiều kỹ thuật khác. Thí dụ trong hai câu : Bây giờ tôi mới hiểu khóc như cha chết là khóc thế nào. Hình như đấy là cái khóc lớn nhất đời một con người. Câu đầu đưa ta vào tận cùng của nội tâm, một sự khổ đau tuyệt đối, không chữ nào tả nổi, đành phải khơi một cách gián tiếp : như cha chết. Câu sau đột ngột đuổi ta về thế giới tự nhiên, không có khổ đau. Trong câu trước, khóc thể hiện tình cảm. Trong câu sau, cái khóc là một sự kiện. Hai chữ hình như là sợi dây mong manh, hư hư thực thực, nhắc nhở một cách ngờ ngợ rằng hai cái khóc ấy là một, hai thế giới ấy là một. Bỏ hai chữ ấy, toi mạng văn. [6] Dos Passos ưa dùng kỹ thuật này. Albert Camus dùng nó trong quyển L'étranger. Khi dùng nó với tiếng Việt, kết quả càng khủng khiếp. Tiếng Việt gồm từ độc âm. Văn phạm cho phép viết ngắn gọn. Trong Tướng về hưu có đoạn văn trên dưới năm mươi từ mà có tới sáu người độc thoại với nhau theo kiểu này, khiến cảm giác rã rời tăng thêm trong sự lúc nhúc, ồn ào. [7] Người duy nhất biết Cả tin chính là sức mạnh để sống cũng là người đi tìm cái chết trong niềm tin đã lỗi thời. [8] Truyện của Kafka rất hiện thực. Ngược lại, có những tác phẩm, bài diễn văn, báo cáo, phóng sự "hiện thực" còn "siêu" hơn cả thơ của Breton. [9] Tôi tên là . sinh ngày . tháng . năm Thành phần . Ngày . tháng . năm . đã làm . Ngày . tháng . năm . đã nói . Ngày . tháng . năm . đã nghĩ . Nếu bạn có thể chấp nhận bạn là hay cơ bản là bản kê khai đó thì bạn là một nhân vật lý tưởng trong thế giới Tướng về hưu. Hoặc nếu bạn có thể nghĩ người khác là, hay cơ bản là . [10] Thế giới tự nhiên không có trật tự, và cũng chẳng có hỗn loạn. Nó tồn tại một cách . tự nhiên ! [11] Bản thân Tướng về hưu thể hiện khéo mâu thuẫn đó. Truyện gồm mười lăm chương, mỗi chưong có đề tài rõ rệt (rất trật tự). Trong từng chương, mỗi câu đầy đủ ý nghĩa (rất trật tự), nhưng lại tồn tại độc lập với câu bên cạnh (rất hỗn loạn, đặc biệt trong đối thoại). Gom mười lăm chương lại, không còn biết là chuyện gì, ý gì, không hình thành một "nhân vật" nào cả. [12] Không làm thật ắt nói dối, viết gian. Nối dối, viết gian là triệu chứng của bạo quyền. Bản thân ngôn ngữ cũng có thể biến thành công cụ của bạo lực : ếch ơ, ếch ơ . [13] Thực sự ít người nhớ đã đọc những gì. Ðó cũng là thành tựu của lối hành văn.

Ngày đăng: 15/09/2013, 17:10

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w