Trong lòng mẹ

7 1.4K 0
Trong lòng mẹ

Đang tải... (xem toàn văn)

Thông tin tài liệu

Trong lòng mẹ (Trích hồi kí Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng) I - Gợi ý 1. Tác giả: - Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. - [ .] Nguyên Hồng viết văn sớm. Những tác phẩm đầu tiên của ông hướng về những con người cùng khổ nhất trong xã hội thành thị Việt Nam đương thời: đám lưu manh sống lẩn lút ngoài vòng pháp luật, những em bé đầu đường xó chợ, những kẻ buôn thúng bán mẹt, phu phen bến tàu bến xe, ăn mày ăn xin, tù nhân trong nhà lao, thanh niên tiểu tư sản thất nghiệp, gái điếm, me tây . Nguyên Hồng đã dõng dạc bênh vực và khẳng định phẩm chất tinh thần của họ. Tiểu thuyết Bỉ vỏ (1938) tiêu biểu cho thời kì sáng tác ban đầu (1936-1939) của ông. Nhân vật chính - Bính - là cô gái lao động ngây thơ, trong trắng, dào dạt yêu thương, muốn sống bằng tình nghĩa, thuỷ chung, nhưng đã bị xã hội đẩy vào cuộc sống nhơ nhớp, tội lỗi. Những ngày thơ ấu (viết 1938) là tập hồi kí trung thực, cảm động về tuổi thơ cay đắng của tác giả. Đó là những kỉ niệm đau xót, buồn tủi của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình phá sản, phải sống bơ vơ, đói rách, bị họ hàng giàu có và cái xã hội đồng tiền ấy hắt hủi. Trong thế giới nhân vật của Nguyên Hồng, nổi bật lên hai hình ảnh đứa bé con nhà nghèo và người phụ nữ. Nguyên Hồng là nhà văn cảm thông sâu xa và có quan điểm tiến bộ trong việc thể hiện nỗi đau khổ và những khát vọng tình cảm của người phụ nữ lao động. Từ 1939, ngòi bút Nguyên Hồng còn có những chuyển biến tích cực. Ông là nhà văn sớm nhất trong dòng văn học hiện thực phê phán, nhận thức được chân lí cách mạng vô sản và đã thể hiện được phần nào trong tác phẩm. Nhà văn hướng ngòi bút vào giai cấp công nhân với những truyện ngắn: Những mầm sống, Vào nghề thợ cưa (1939), Thanh niên trong bụi đen; và kí: Cuộc sống (1942) và đặc biệt đã bước đầu thể hiện những con người tích cực của thời đại: Người đàn bà Tàu (1) (1939), Cuộc sống, . Trong những năm đen tối thời kì Pháp Nhật, không thể trực diện đề cập đến công nhân, cách mạng, . ông thường viết về người tư sản nghèo, dân nghèo thành thị, đặt ra vấn đề lí tưởng thanh niên và nói lên niềm tin vào tương lai (Miếng bánh, 1943; Cuộc sống, Vực thẳm, 1942, Hơi thở tàn, 1944). Bút pháp của ông thời kì này giản dị, gần đời sống hơn, không còn sự tưởng tượng có phần dễ dãi với những câu chuyện li kì, nhiều tính chất lãng mạn chủ quan của thời kì đầu. Đồng thời, ánh sáng lí tưởng cách mạng và nhiệt tình lạc quan đem đến cho những trang viết của nhà văn một yếu tố lãng mạn mới khiến cho nhiều tác phẩm như muốn vượt ra ngoài khuôn khổ của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Tác phẩm của Nguyên Hồng trước cách mạng tháng Tám: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938), Bảy Hựu (tập truyện ngắn, 1941), Những ngày thơ ấu (hồi kí, 1938), Qua những màn tối (truyện, 1942), 1 () Truyện ngắn Người đ n b T u à à à in trên báo, sau n y in th nh sách à à đổi th nh à Một người mẹ Trung Quốc. Cuộc sống (tập thư, 1942), Quán Nải (tiểu thuyết, 1943), Hơi thở tàn (tiểu thuyết, 1943), Vực thẳm (truyện, 1944), Ngọn lửa (truyện, 1944), Miếng bánh (tập truyện ngắn, 1945). Thời kì tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám, Nguyên Hồng viết Địa ngục và Lò lửa, hai tập truyện ngắn, phản ánh nạn đói rùng rợn, thê thảm 1945 và cao trào Việt Minh. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Nguyên Hồng viết ít: Đất nước yêu dấu (bút kí, 1949), Đêm giải phóng (bút kí, 1951), Giữ thóc (truyện ngắn, 1955). Sau khi hoà bình lập lại (1954) nhà văn tiếp tục thâm nhập thực tế và bước vào thời kì sáng tác mới. Tập thơ Trời xanh (1960) có những tứ thơ khoẻ, tràn đầy tình yêu đất nước. Bộ tiểu thuyết trường thiên Cửa biển gồm 4 tập: Sóng gầm (1961), Cơn bão đã đến (1967), Thời kì đen tối (1973), Khi đứa con ra đời (1976), là một bức tranh toàn cảnh rộng lớn của xã hội Việt Nam những năm 1939 - 1945 đau thương đen tối, nhưng phong trào cách mạng dâng lên mãnh liệt, cuối cùng đã cuốn phăng đi cái trật tự thực dân phong kiến thối nát. Tập hồi kí Bước đường viết văn (1970) kể lại những kỉ niệm trong cuộc đời sáng tác của tác giả và đời sống văn học trước cách mạng. Cuốn tiểu thuyết lịch sử Núi rừng Yên Thế, 3 tập, viết về cuộc nổi dậy của người anh hùng Đề thám hoàn thành 1978, mới ra mắt tập I (1981). Với gần năm chục năm lao động nghệ thuật bền bỉ dẻo dai, Nguyên Hồng có một vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông xứng đáng được coi là nhà văn chân chính của "những người khốn khổ". Một tình cảm nhân đạo thiết tha đối với quần chúng lao động nghèo thấm đượm trong toàn bộ sáng tác của nhà văn. Là cây bút hiện thực phê phán đã bước đầu vươn tới lí tưởng cách mạng, ông đã đem đến cho trào lưu văn học này những yếu tố mới mẻ, tích cực. Bộ tiểu thuyết Cửa biển với quy mô khá đồ sộ, chứa đựng một nội dung xã hội lịch sử rộng lớn, là sự tổng hợp, cả bề rộng và bề sâu những hiểu biết, suy nghĩ, cảm xúc, tâm huyết của nhà văn về con người, cuộc sống và cách mạng, đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của loại tiểu thuyết dài trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nguyễn Hoành Khung (Từ điển văn học, tập hai, Sđd) - Với những cống hiến xuất sắc của mình, Nhà văn Nguyên Hồng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996). 2. Thể loại: Hồi kí còn gọi là hồi ức; một thể thuộc loại kí, nhằm ghi những sự việc thuộc quá khứ, qua sự nhớ lại. Hồi kí đòi hỏi phải hết sức tôn trọng tính chân thực của câu chuyện; sự việc, số liệu, thời gian phải chính xác. Hồi kí gần với truyện, và nếu viết về những sự kiện tiêu biểu, những nhân vật tiêu biểu, hồi kí lại gần với sử. Hồi kí có thể là một câu chuyện mà tác giả là người được chứng kiến, hoặc vừa chứng kiến vừa tham dự, hoặc chính tác giả là nhân vật trung tâm. Người viết hồi kí lấy bản thân mình làm địa bàn chính để nhớ lại sự việc đã qua (có thể kể lại cho một người khác ghi). Lời văn của hồi kí cốt chính xác, trung thực, giàu suy nghĩ và cảm tưởng cá nhân. Nguyễn Xuân Nam (Từ điển văn học, tập một, NXB Khoa học xã hội, 1983) 3. Tác phẩm: Văn bản Trong lòng mẹ được trích từ tập hồi kí Những ngày thơ ấu, kể về tuổi thơ cay đắng của chính tác giả. Cả một quãng đời cơ cực (mồ côi cha, không được sống với mẹ mà phải sống với người cô độc ác) được tái hiện lại sinh động. Tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu tha thiết đối với mẹ đã giúp chú bé vượt qua giọng lưỡi xúc xiểm độc ác của người cô cùng với những dư luận không mấy tốt đẹp về người mẹ tội nghiệp. Đoạn tả cảnh đoàn tụ giữa hai mẹ con là một đoạn văn thấm đẫm tình cảm và thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo. 4. Tóm tắt: Đoạn trích được bố cục theo mạch tự truyện của nhân vật "tôi". Gần đến ngày giỗ cha, người mẹ đi tha phương cầu thực ở Thanh Hoá vẫn chưa về. Người cô cứ xoáy vào cậu bé Hồng những lời cay độc. Rồi mẹ cậu bé cũng về thật. Cậu nghẹn ngào sung sướng lăn vào lòng mẹ và cảm nhận hạnh phúc của tình mẫu tử. II - Giá trị tác phẩm Trước khi trở thành một người cầm bút, trở thành một nhà văn nổi tiếng - Nguyên Hồng đã từng trải qua thời kì thơ ấu cơ cực đầy sóng gió: người cha thất nghiệp, sống u uất thầm lặng rồi chết trong nghèo túng và nghiện ngập. Khi ấy Nguyên Hồng mười hai tuổi. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương sau khi chôn vùi tuổi xuân trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc - khi chồng chết, vì quá cùng quẫn đã bỏ con đi kiếm ăn ở phương xa. Chú bé Hồng đã mồ côi cha lại vắng mẹ, sống thui thủi cô đơn giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của những người họ hàng giàu có, trở thành đứa bé đói rách, bơ vơ, luôn thèm khát tình thương yêu mà không có. Kể lại tâm sự của đứa bé "côi cút cùng khổ" mà chú bé Hồng là nhân vật chính - Tập hồi kí Những ngày thơ ấu (gồm chín chương, đăng báo năm 1938, in thành sách năm 1940) của Nguyên Hồng còn cho thấy bộ mặt lạnh lùng ghê rợn của xã hội đồng tiền - cái xã hội mà cánh cửa nhà thờ đêm Nô-en cũng chỉ mở rộng đón những người giàu sang "khệnh khạng bệ vệ" và khép chặt cửa trước những đứa trẻ nghèo khổ "trơ trọi hèn hạ"; cái xã hội của đám thị dân tiểu tư sản sống nhỏ nhen giả dối, độc ác khiến cho tình máu mủ ruột thịt cũng thành khô héo và lạnh nhạt; cái xã hội đầy rẫy những thành kiến cổ hủ bủa vây và bóp nghẹt quyền sống của phụ nữ . Trong lòng mẹ là đoạn trích từ chương 4 của tập hồi kí Những ngày thơ ấu. Bằng giọng văn giản dị và tự nhiên, Nguyên Hồng lôi cuốn người đọc vào một câu chuyện cảm động và hết sức thương tâm về cảnh ngộ éo le của mình: "Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen. Gần đến ngày giỗ thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hoá vẫn chưa về" . Cứ thế sau lời dẫn - dòng tự sự như được khơi nguồn, mở ra nội dung chính khi nhân vật bà cô xuất hiện: "Một hôm, cô gọi tôi đến bên cười hỏi: - Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?". Thông thường, câu hỏi đó có thể đã được trả lời - nhất là đối với chú bé vốn dĩ "thiếu thốn một tình thương ủ ấp từng phen làm tôi rớt nước mắt" nhưng trong hoàn cảnh cụ thể - Nguyên Hồng chợt động lòng trắc ẩn và trở nên ngẫm ngợi. Nên hay không nên trả lời, mà nếu có sẽ trả lời theo hướng nào - nếu không thì sẽ ra sao?. "Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực". Vậy đã rõ − nhận ra ý nghĩa của biểu hiện không bình thường trong thái độ "cười hỏi" của bà cô − trái tim nhạy cảm cùng "tình yêu và lòng kính mến mẹ" đã giúp chú bé thông minh lựa chọn. Điều đáng chú ý ở đây là bà cô "cười hỏi" chứ không phải "lo lắng" hỏi, hay "nghiêm nghị" hỏi. Chính vì vậy, quá trình từ "toan trả lời có" đến "cúi đầu không đáp" là cả một thử thách phức tạp của tâm lí tình cảm và lí trí. Như một sự thường trực, chỉ một khoảng thời gian im lặng ngắn sau câu hỏi của cô, kí ức của chú bé đã đầy ắp hình ảnh mẹ - với đầy đủ đường nét đặc tả và tâm tư nặng trĩu: "vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ", cùng tình cảm sâu kín thiêng liêng . tất cả những yếu tố đó trở thành một đối trọng với ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô và trở thành động lực ứng đối bật ra: "Tôi cũng cười đáp lại cô tôi: − Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về". Câu trả lời là kết quả của tình yêu sâu nặng và niềm cảm thông bao la của chú bé Hồng với mẹ. Cuộc đối thoại tưởng chừng chấm dứt sau câu trả lời có vẻ "bất cần" mà thực ra là đầy suy nghĩ ấy. Nhưng không! Đấy mới chỉ là khúc dạo đầu của một trò chơi thâm hiểm và ma quái, bởi tiếp đó là: "Cô tôi hỏi luôn, giọng vẫn ngọt: − Sao lại không vào? Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!". Có phải do choáng váng trước hai con mắt long lanh của cô chằm chặp đưa nhìn hay dường như nhận ra mình đã bị cuốn vào thảm kịch có tính toán của cô - Nguyên Hồng đã "im lặng cúi đầu xuống đất" và lòng thắt lại, khoé mắt cay cay? Trớ trêu thay, cái giọng ngọt của cô cứ bình thản đến điếng người! Thiếu thốn tình cảm đã nhiều, đắng cay cơ cực cũng từng không ít . Nhưng giọng nói, nét mặt, ánh mắt của cô sau hai câu hỏi càng khiến chú bé Hồng ngập tràn đau đớn. Ngỡ chỉ có thế, chỉ đến thế là cùng - lời lẽ và những gì bà cô cố tình gợi ra đã đủ (thậm chí quá đủ) để nhấn chìm và xé nát một tâm hồn thơ dại vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi và bất hạnh. Và dẫu chú bé đã im lặng cúi đầu, bà cô vẫn chưa buông tha: "Cô liền vỗ vai tôi cười mà nói rằng: − Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ". Đến câu này, người hỏi không chỉ bộc lộ sự ác ý mà còn chuyển sang chiều hướng nhục mạ. Mới nghe trả lời, lần trước thì cô "hỏi luôn" lần này thì . "liền vỗ vai tôi mà nói " . lời lẽ càng thâm độc của cô càng dồn dập có ý không nương. Nếu như câu hỏi thứ nhất chỉ mang tính chất gợi ý sự tò mò: "vào chơi"; câu hỏi thứ hai khích lệ sự ham muốn đắp bù thiếu hụt (rất thường tình) − thì ở câu thứ ba, tâm địa người hỏi đã mồn một phơi bày khiến người nghe dường như không thể kìm nén tình cảm của mình nữa! Chú bé không thể "cười đáp lại", không chỉ "lặng im cúi đầu" mà lòng quặn thắt phẫn uất duềnh lên: "Nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ" - trái tim rung lên nức nở, có cảm giác tác giả vừa viết vừa nén lòng nuốt hận, vừa bàng hoàng thấm thía dư âm cay đắng, trạng thái trầm uất nghẹn ngào lan toả tới toàn cơ thể. Thêm một lần nữa chú bé Hồng nhận ra sự cay độc trong câu hỏi mà hai tiếng "em bé" cô cố tình "ngân dài ra thật ngọt thật rõ, quả nhiên đã xoắn lấy tâm can tôi như ý cô tôi muốn". Còn gì cay đắng hơn - cứ xăm xoi hành hạ "ngân dài ra thật ngọt thật rõ"? Đòn đã điểm đúng huyệt! Nếu điều cô nói là sự thật thì sự thật phũ phàng quá! Trong cuộc đối thoại này, người hỏi và người đáp rõ ràng không hề cân sức. Một bên là người lớn trải đời chủ động và có sẵn tâm địa độc ác cùng lời lẽ cười cợt xúc xiểm phụ hoạ, một bên là chú bé đáng thương và bị động chỉ có vốn liếng duy nhất là tình thương yêu mẹ. Mỗi câu hỏi như một lần cào gai xát muối vào tâm hồn non nớt, đau khổ. Mỗi lần hỏi, người cô như mỗi lần đẩy cháu mình vào tận cùng bế tắc. Nhưng rồi như tựa chính vào ngõ cụt ấy để lấy hơi, để nhận diện . cái phản ứng "bật tường" vì thế đã xảy ra. "Tôi cười dài trong tiếng khóc, hỏi cô tôi: − Sao cô biết mợ con có con?". Không còn là tiếng cười tự cân bằng lí trí (có màu sắc thách thức) ban đầu - tiếng cười dài trong tiếng khóc thể hiện sự hoá thân cao trào của bi kịch, trong khi đó đối lập với trạng thái tâm hồn u ám thê lương của người cháu là sự vô cảm sắc lạnh đến ghê rợn của người cô: "Cô tôi vẫn cứ tươi cười kể các chuyện cho tôi nghe" - câu chuyện mô tả khá tỉ mỉ tình trạng bi quẫn của người mẹ Nguyên Hồng ở một phương trời xa lạ, khiến "cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng". Đến đây, cao trào của bi kịch, cao trào của sự uất ức khổ đau đã lên đỉnh điểm. Chi tiết trong lời kể càng tường minh bao nhiêu, người nghe càng xót xa đứt ruột bấy nhiêu; và khi khóc đã không ra tiếng, chú bé Hồng càng đối diện âm ỉ, nỗi đau của chính mình và vẩn vơ giả thiết: "Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi". Tiết tấu câu văn đến đây bỗng mạnh mẽ, hình ảnh bỗng dồn dập như hô như ứng - tưởng chừng như chú bé Hồng sau những căng thẳng suy nghĩ đã tìm được chỗ dựa, thở dốc và lặng đi .khiến hai câu sau của cô dẫu "đổi giọng", "vỗ vai" (thực ra là thay đổi đấu pháp tấn công) cũng vẫn bị rơi vào trống vắng, hoàn toàn trống vắng, chẳng có nghĩa lí gì nữa. Chú bé Hồng đang duy nhất nung nấu những giả tưởng mạnh mẽ, hình ảnh dồn dập . cho hả giận mà thôi! Hai câu hỏi sau có vẻ như chú bé Hồng không nghe thấy, hay nghe thấy mà không trả lời - khiến bà cô rơi vào tình thế "độc diễn" lạc lõng không lời đáp. Giữa hai cô cháu là khoảng im lặng và tẻ nhạt vô hình. Sự trở về đột ngột của người mẹ đúng ngày giỗ thật bất ngờ. Cái nút của câu chuyện bật mở. Bóng tối những ngày qua vụt tắt, tâm hồn chú bé tràn ngập ánh ngày, bắt đầu từ phút giây linh diệu "chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ tôi" . Một thế giới của cử chỉ vội vã, lập cập. Một thế giới của động tác vồ vập, líu ríu. Đó cũng là thế giới của sự sẻ chia an ủi, giàn giụa nước mắt và rỡ ràng sức sống. Xúc cảm lan nhanh như ánh chớp, rực lên những tình cảm choáng ngợp nao lòng: "Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt" . Đoạn văn miêu tả kết hợp với tự bạch một cách tài tình, thể hiện tinh tế trạng huống và sự phát triển tâm lí trong cái thế giới tưng bừng mãnh liệt của sự hồi sinh. Những từ "mẹ tôi" như sáng lên tràn ngập âm vang và đầy kiêu hãnh! Mùi quần áo, cảm giác ấm áp, hơi thở gần gụi toả từ nơi mẹ như thắp lên sức sống khôn cùng, thức dậy và bừng lên từ tâm khảm những tình cảm ruột thịt thiêng liêng. Trong trạng thái vui sướng đến đê tột độ ấy, Nguyên Hồng đã viết những câu văn thấm đẫm tình mẫu tử: "Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng". Không hạnh phúc nào sánh nổi hạnh phúc được "lăn vào", "áp mặt" . đón nhận sự yêu chiều của mẹ, có lẽ vậy - suốt đoạn đường từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, chú bé Hồng không thể nhớ mẹ đã hỏi và trả lời mẹ những câu gì, mà chỉ bồng bềnh trôi trong vui sướng, vì thế những câu nói xúc xiểm của người cô ác nghiệt cũng chỉ là thoáng qua, và "bên tai ù ù của tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa". Câu văn sáng bừng lên nét hồn nhiên thơ dại và lấp lánh nhân văn. Những tủi cực dồn nén bấy lâu nay dường như tức khắc bị xua tan, nhường chỗ cho ăm ắp tình cảm mẹ con đậm đà ấm áp. Trong lòng mẹ đem đến cho người đọc một hứng thú đặc biệt. Mỗi trạng huống, sắc thái khổ đau và hạnh phúc của nhân vật chính (chú bé Hồng) trong truyện vừa gây xúc động mạnh mẽ vừa có ý nghĩa lay thức những tình cảm nhân văn. Người đọc dường như hồi hộp cùng mạch văn và con chữ, cùng ghê rợn hình ảnh người cô thâm độc, cùng đau xót một người cháu đáng thương, và như cũng chia sẻ hạnh phúc bàng hoàng trong tiếng khóc nức nở của chú bé khi gặp mẹ. Giọng văn của Nguyên Hồng khi thong thả lạnh lùng, khi thiết tha rạo rực, giản dị mà lôi cuốn bởi cách kể lớp lang và ngôn ngữ giàu hình ảnh, tạo nên những chi tiết sống động đặc sắc và thấm đẫm tình người. Đoạn trích Trong lòng mẹ là lời khẳng định chân thành và cảm động niềm khao khát bất diệt về tình mẫu tử. Có ý kiến cho rằng: Nguyên Hồng là nhà văn của phụ nữ và nhi đồng, ông luôn luôn yêu thương, bênh vực, đứng về những số phận yếu đuối, đau khổ, lầm than, bị vùi dập và bất hạnh. Điều đó thể hiện rõ nét qua việc xây dựng và lí giải thế giới nhân vật trong tác phẩm của ông. Chẳng hạn: Tám Bính - nhân vật chính trong tiểu thuyết Bỉ vỏ (viết năm 1938) là một cô gái lao động ngây thơ, trong trắng, dạt dào yêu thương, muốn sống bằng tình nghĩa thuỷ chung nhưng đã bị xã hội cũ đẩy vào cuộc sống nhơ nhớp và tội lỗi; nhân vật Hồng trong Những ngày thơ ấu và nhân vật trong nhiều tác phẩm khác, ông luôn dành cho phụ nữ và tuổi thơ những rung cảm sâu sắc nhất, với quan điểm thực sự tiến bộ trong việc phản ánh nỗi đau khổ và những khát vọng cuộc đời cao đẹp. . vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ. dường như tức khắc bị xua tan, nhường chỗ cho ăm ắp tình cảm mẹ con đậm đà ấm áp. Trong lòng mẹ đem đến cho người đọc một hứng thú đặc biệt. Mỗi trạng huống,

Ngày đăng: 13/09/2013, 19:10

Từ khóa liên quan

Tài liệu cùng người dùng

Tài liệu liên quan