Chim rừng ở đây là những loại chim hót hoang như Họa Mi, Sơn Ca, Chích Chòe Than, Chích Chòe Lửa, Khướu, Két, Khoen, vv... được bắt về nuôi dưới hai dạng: dạng chim bổi và dạng chim non.
Kĩ thuật nuôi và thuần hóa chim Rừng Nguồn: hoind.tayninh.gov.vn Chim rừng ở đây là những loại chim hót hoang như Họa Mi, Sơn Ca, Chích Chòe Than, Chích Chòe Lửa, Khướu, Két, Khoen, vv . được bắt về nuôi dưới hai dạng: dạng chim bổi và dạng chim non. Chim bổi thì người ta bắt bằng lục, bằng lưới, bằng nhựa dính . Còn chim non thì bắt tại ổ. Chim non rất nhát. Có nhiều con nhát đến độ về không chịu ăn uống, hễ thoáng thấy bóng người, thậm chí chỉ nghe tiếng động, kể cả tiếng mèo kêu chó sủa, nó cũng bay loạn xạ trong lồng đến nỗi vỡ đầu, gãy mỏ, xệ cánh, rồi dần dần kiệt sức mà chết. Những con sống được là những con tương đối dạn dĩ, gan lì. Nhưng nếu không biết cách thuần hóa thì chúng cũng dễ chết, mà sống cũng không ra gì. A. Nghệ thuật thuần dưỡng chim rừng Giai đoạn 1: chim bổi là chim đã lớn tuổi, có con đã sống đến năm, bảy tuổi đời, nên "tre già khó uốn", rất khó khăn trong việc thuần dưỡng. Trước hết, người ta phải chọn những con chim có vóc dáng vừa ý mới nuôi. Chim phải đầy đủ móng, mỏ, không thương tật mới được chọn nuôi. Trước hết nghệ nhân phải chọn một chiếc lồng chắc chắn, bên trong ràng thật chắc một cóng đựng sâu, một cóng đồ ăn thích hợp với chim, một cóng nước. Và nếu cẩn thận ta nên để vào một trái chuối. Bên ngoài, ta trùm áo lồng phủ kín rồi mới thả chim bổi vào. Xong, ta tìm chỗ vắng lặng nhất trong nhà để treo chim lên. Trong giai đoạn đầu độ một tuần lễ này, điều mong ước của ta là mong cho chim sống yên lành trong khung cảnh gò bó chật chội để nó thích nghi dần với cuộc sống mới. Chỉ thỉnh thoảng một đôi ngày, ta mới đến hé áo lồng để xem tình trạng sức khỏe của chim ra sao, và thức ăn nước uống còn hay hết. Giai đoạn này qua đi, nếu chim sống mạnh khỏe, lại bớt nhát thì ta tiếp tục thuần dưỡng sang giai đoạn hai. Giai đoạn 2: Trước hết, ta quan sát ở cóng thức ăn, cóng sâu và quả chuối, để biết trong giai đoạn đầu, chim thích nghi với thức ăn gì. Nếu nó chỉ có ăn chuối, thì ta đánh giá con chim này thuộc loại khó thuần dưỡng, vì nó chỉ muốn sống đời sống của rừng. Nếu nó ăn sâu thì công việc của ta sắp tới sẽ bớt khó khăn hơn. Nếu nó ăn thực phẩm pha chế của ta, thì coi như "chú chàng" đã chịu ăn đời ở kiếp với mình. Nếu trong giai đoạn đầu, ta thấy chim chỉ ăn chuối, ăn sâu, thì ta cứ thêm sâu thêm chuối vào lồng rồi trùm kín áo lồng như cũ, nhưng có thể treo lồng đến một chỗ tương đối ồn ào hơn, để bắt chim quen dần với tiếng động xã hội loài người. Nếu thấy chim biết ăn thực phẩm chế biến, thì dứt khoát ta bỏ hẳn sâu và chuối ra ngoài, để nó tập ăn thức ăn mới cho quen. Đồng thời, ta có thể hé áo lông ra, rồi treo chim vào chỗ có người qua lại để chim dạn dĩ lần hồi. Giai đoạn 3: Khi ta thấy chim ăn được thực phẩm chế biến, thì từ nay ta chỉ cho ăn một loại thực phẩm này. Áo lồng được vén rộng hơn để chim đưa tầm nhìn của mình rộng hơn, hầu dạn dĩ hơn . B. Nghệ thuật chọn chim Chim bổi được thuần hóa là một chuyện, mà muốn có một con chim hay để nuôi là một chuyên khác. Ta nên nhớ rằng: con chim nào cũng biết hót, nhưng hót hay hoặc dở là đặc tính riêng của mỗi con chim. Cũng như con người, có người lúc nào cũng nói như tép lặn, tép lội, nói như khướu bắt thanh, nhưng cũng có người lại mở miệng không ra, khi nói lúng búng như người ngậm hột thị. Chim bổi nếu khéo nuôi thì chỉ độ vài tháng là biết hót. Đây là lúc ta cần theo dõi xem nó siêng hót hay không, giọng như thế nào. Dĩ nhiên, nếu sau một thời gian dài theo dõi mà thấy con chim hót quá tầm thì thường ta nên thả ra, không nên nuôi tiếp, để khỏi tốn tiền nuôi ăn, tốn công chăm sóc. Việc chọn được một con chim hót hay, lại siêng hót, thường thì nuôi năm ba con mới chọn được một, nhất là đối với những người bỏ tiền ra chợ mua chim bổi về. Chỉ những người cất công vào rừng đi bẫy chim thì mới có thể tìm ngay cho mình những con chim bổi vừa ý. Vì rằng, với con chim hoang dã mà họ đã được nghe tiếng hót véo von từ trước, xách lục vào bẫy được, thì con chim đó hy vọng sẽ không làm thất vọng người nuôi. Khi đã chọn cho mình được một con chim vừa ý rồi, thì từ đó có quản ngại gì đến công chăm sóc, đến sự tốn kém về sâu bọ, về thức ăn. C. Nghệ thuật nuôi chim non Chim non mà người ta bắt tại ổ ở rừng về, thì cũng là chim rừng, nhưng loại này rất dễ thuần hóa. Nếu chịu khó chăm chút, tập luyện, chim non lớn lên sẽ thành một thứ gia cầm như gà vịt nuôi trong nhà. Nghĩa là có thể nuôi thả tự do, loanh quanh luẩn quẩn ở trong nhà, ở cạnh người nuôi. Miễn là đừng để cho chó mèo săn bắt, hoặc trẻ con hàng xóm dọa nạt làm hoảng hốt mất dần sự dạn dĩ. Đã là chim non bắt trong ổ thì phần nhiều chưa biết ăn, hoặc ăn chưa rành. Ta là người nuôi phải đóng vai trò người vú. Công việc này thật là vất vả, nhưng cũng chỉ một tháng là cùng. Vì theo bản năng thiên phú, chim ra ràng thì tự động biết ăn, không cần ai đút mớm. Trước hết, ta phải tạo cho chim non một cái tổ nhân tạo thật ấm áp, lót bằng rơm hay cỏ khô. Lớp rơm này vài ngày nên thay đổi một lần, vì chim non phóng uế liền liền, chứ không như chim lớn, có lẽ do chim non ăn nhiều. Người nuôi phải biết rõ điều này để siêng năng cần mẫn đút mồi cho chim. Cứ cách nửa giờ ta cho chim non ăn một lần. Khi đói, chúng tự động há mỏ ra đòi ăn, và khi no, dù cậy miệng, chúng cũng không há mỏ. Chim non được hai tháng tuổi đã bắt đầu tập hót, nếu là chim trống. Tiếng hót của chúng chỉ là tiếng rè rè, đôi khi nghe không được. Nhưng, con chim nào siêng hót, ta có thể dự đoán được ngay. Thường thì phần đông nghệ nhân không muốn nuôi chim non, vì theo họ chim non khi khôn lớn sẽ hót không "bài bản" bằng chim bổi và có giọng rừng. Điều đó thì đúng, nhưng từ chối việc nuôi chim non thì e rằng sai. Con chim non sống với mình từ nhỏ nên dễ nuôi, lại dạn dĩ. Nó có thể sống với mình suốt một thời gian dài, vì tuổi đời một con chim có thể đến mười lăm năm. Mười lăm năm đâu phải là ngắn ngủi, đó là một phần tư, một phần năm của đời người. Như vậy, không uổng công ta chăm nuôi, săn sóc. Còn con chim có giọng hay (giọng rừng) hay không còn là do ở mình. Nếu mình cứ cho nó thường xuyên tập luyện, như trẻ nhỏ ngày ngày cắp sách tới trường, dần dần rồi cũng đọc thông viết thạo. Chim cũng thế, phải có phương pháp tập luyện cho chim hót thì chim hót mới hay. Nói một cách khác, ta cần tìm cho mình con chim siêng hót, còn hót hay chính là chuyện mà ta phải lo. D. Nghệ thuật tập chim hót hay Người mình nuôi chim hót, phần đông chỉ đòi hỏi ở chất giọng rừng. Điều đó không có nghĩa là sai, nhưng với một nghệ nhân cấp tiến, chưa nên coi đó làm điều thỏa mãn. Ta phải tìm những phương cách hiệu nghiệm giúp cho chim hót hay hơn, nhiều giọng lạ hơn, như vậy mới gây được thích thú trong cuộc chơi. Và điều này, thật là quá dễ . Nhưng trước khi đề cập đến vấn đề này, ta nên thử tìm hiểu xem tại sao con chim trống cứ gân cổ lên hót? Tiếng hót mang lại thiết thực gì cho nó? 1. Tại sao chim hót? Nghe chim hót, ta thích thú vì tai được nghe những âm thanh trầm bổng như sóng biển rì rầm, như thác đổ ào ào, như thông reo vi vút, nhưng nếu như con chim đang gân cổ lên hót, ta không tránh được sự thương hại cho nó. Chim phải đúng ngã mình về phía trước, phồng to lồng ngực để có nhiều hơi, trong khi cổ rung lên như một sợi dây đàn ngân tiếng, miệng há to ra mặc sức cho những âm điệu tuôn trào . Đó là niềm say mê chăng? Đó là niềm hứng khởi chăng? Xin thưa, không hẳn, không phải thế. Đó chính là một lợi khí sắc bén của chim, không có không được. Không biểu tỏ không xong. Chim không hót, hoặc có giọng hót không hay thì đời chim coi như tàn héo. Giọng hót đó trước tiên là để thách thức những con trống cùng loại trong vùng hay biết: ta đã là chúa tể của lãnh địa này, ai lọt vào lãnh địa này sẽ bị trừng phạt đích đáng. Và dĩ nhiên, không phải chỉ dọa suông đâu: nó đánh đuổi thật sự. Được biết, những giống chim cũng như các loài muông thú khác, con nào cũng có lãnh địa riêng của mình. Đó là vùng chúng cho mình độc quyền săn mồi và làm tổ. Con nào không phục thì cứ xâm lăng. Thế nào cũng có cuộc thư hùng quyết liệt, bên thua sẽ đi bên thắng ở lại. Chính vì vậy con chim trống mới ráng sức hót to lên với những âm điệu hào hùng, thay thế cho muôn binh ngàn tướng, hầu dằn mặt cho kẻ thù khiếp sợ. Những con chim sợ là những con chim "sức lực mồm miệng không bằng ai" nên đành chịu "rét". Tiếng hót hùng dũng của con chim trống cũng còn mang một ý nghĩa khác, đó là tiếng hót để gợi tình quyến rũ chim mái trong mùa sinh sản. Cũng xin nói thêm, loài chim, trừ Phượng Hoàng ra (theo truyền thuyết) thì sau mùa sinh sản, chim không còn đi đôi với nhau, không còn sống cặp với nhau, trống mái mỗi con đi một ngã. Đến mùa sinh sản năm sau, tức đầu mùa xuân, chúng lại gọi bầy. Các chị chim mái thường thích "cặp bồ" với anh trống hào hoa, có giọng hót mê ly truyền cảm nhất. Thực tế là những con hót hay là những con sung sức (tiếng nhà nghề gọi là sung hay có lửa, chỉ chim trong thời kỳ sung sức). Chim đã sung sức thì đủ lửa nên hung hăng, và tất nhiên có bộ mã đẹp. Khi đã có đôi có đũa thì mái trống lúc nào cũng có mặt bên nhau. Chúng bắt đầu chuẩn bị cho mùa sinh đẻ. 2. Cách tập luyện chim hót hay: Như trên chúng tôi đã trình bày, giọng hót của chim được dùng làm lợi khí sắc bén để biểu tỏ sức mạnh của mình trước kẻ thù và để o mái, cho nên suốt đời, con chim trống nào cũng gắng sức học tập giọng hót hay. Chúng học tập bằng cách lắng nghe những âm thanh vừa hay vừa lạ để bắt chước hót theo, hầu làm giàu cho âm điệu sẵn có của mình. Đó là điều chúng ta có thể kiểm chứng được. Một con khướu nuôi cạnh một con két, chỉ trong một thời gian ngắn, ta nghe được tiếng hót của con khướu có giọng két kêu. Một con Họa Mi nuôi cạnh một trại gà, nó bắt chước rõ ràng được tiếng gà cục tác, y như tiếng gà thật. Một con Chính Chòe Lửa khi nuôi gần Họa Mi, dần già cũng nhiễm giọng Họa Mi . Và điều đó cũng cho ta thấy rằng khí quản của chim có một cấu trúc đặc biệt. Những con có cấu trúc tốt hơn thì bắt chước tiếng người (như Nhồng, Két, Sáo, Sậu, Cưỡng), còn các loài khác chỉ bắt chước được những tiếng động thông thường. Vì chim có khả năng bắt chước được những âm thanh xung quanh, nên từ lâu các nhà nuôi chim ở Châu Âu đã khôn khéo dùng những nhạc cụ như đàn, sáo, kèn đồng thổi cho chim bắt chước. Sau này, người ta tiến đến việc phát hành những cuốn băng (như băng nhạc) ghi lại giọng hót tiêu biểu của những chim bậc thầy (maitre de chante). Ai cần thì mua để về tập chim hót. Người nuôi chim chỉ cần mở cassette ra để chim lắng nghe và . học hót. Những nhà thu băng nhạc của ta, có thể sản xuất ra những loại băng này, chắc chắn sẽ không ế khách. Trở lại thực trạng luyện chim hót của nghệ nhân mình. Nghệ nhân mình cũng biết giống chim hót thích bắt chước những âm thanh lạ ở chung quanh, nên họ thường tụ họp năm ba anh em lại một nơi nào đó, treo lồng chim cạnh nhau để chúng bắt chước giọng hót của nhau mà làm giàu cho âm điệu. Những thành phố nào, quận huyện nào có mở câu lạc bộ dành cho những người nuôi chim, thì những nghệ nhân đến đó làm nơi sinh hoạt. Ngoài việc đem lồng chim của mình đến treo chung cho chim hót bắt chước giọng nhau, nghệ nhân còn tạo dịp trao đổi cho nhau những kinh nghiệm trong nghề nghiệp, hoặc tổ chức thi hót, thi đá để việc nuôi chim thêm phần hào hứng. Đây cũng là điều hay, nhưng trong tương lai, ta nên nghĩ đến việc dạy chim qua băng nhạc, vừa đỡ tốn công đi lại mà kết quả lại mỹ mãn hơn. Việc này đối với ta tuy quá chậm, nhưng dù chậm cũng còn hơn không. 3. Công dụng của việc nuôi chim mái: Chim mái không biết hót chỉ kêu "sè sè". Tiếng kêu đó tuy không lớn, nhưng vẫn kích thích được con trống, giúp con chim trống hăng lên và mở miệng hót liền. Tiếng kêu của con chim mái, người trong nghề gọi là "xùy". Biết được điều này nên các nghệ nhân thường nuôi kèm chim mái. Nếu nhà nuôi trống Họa Mi thì nuôi thêm con cái Họa Mi. Nhà nuôi Chích Chòe Lửa thì nuôi thêm một con mái lửa. Điều cần biết, bao giờ lồng trống mái cũng treo cách xa nhau, và không cho thấy mặt nhau. Nếu thấy mặt nhau thì hai con chỉ múa cả ngày và không hót tiếng nào cả. Xin nói thêm một mái có thể kích thích được vài ba con trống. Tóm lại, chim mái chỉ có "nhiệm vụ" kích thích chim trống hăng say hơn "bốc lửa" hơn, chứ không phải để hót hay hơn. E. Cách chăm sóc chim: Nói đến nuôi chim hót thì phải nói đến công phu và sự tốn kém mà nghệ nhân phải bỏ ra. Công sức tuy nhiêu khê, bề bộn, nhưng sự ham thích cao độ có thể lấn lướt mà dễ dàng quên đi. Còn số vốn bỏ ra để mua chim, tậu lồng đâu phải là ít? Cái lồng hạng trung cũng một chỉ vàng, còn con chim khá cũng tương đương với số tiền ấy. Bỏ ra một số tiền như vậy, mà không để tâm chăm sóc mà cho chim bay hoặc chết, để cho lồng hư hỏng, chẳng phải là phí của hay sao? Đó là nuôi một con, nếu nhà nuôi năm bảy con thì số tiền bỏ ra đâu phải là không đáng kể? 1. Tìm địa điểm treo lồng: Với nhà rộng rãi lại có sân trước, sân sau thì chuyện treo lồng thì không đáng phải thắc mắc. Nhưng, với nhà phố chật chội, ban ngày tìm một chỗ thoáng đãng để treo lồng chim là một chuyện khó khăn. Nuôi một hai con thì chuyện dễ dàng, nhưng nuôi năm mười con thì phải có phương pháp hẳn hoi thì mới có lợi. Nếu chim khác loài thì lồng treo gần nhau không ảnh hưởng đến tâm lý của chim. Chẳng hạn, Họa Mi treo cạnh Khướu hoặc Chích Chòe đều được. Nếu chim cùng loài, thì lồng chim nên treo cách xa nhau, thậm chí không cho chúng thấy mặt nhau càng tốt. Nếu nhà rộng thì treo một con sân trước, một con sân sau; hoặc một con treo ngoài sân, một con treo trong nhà, hay treo một con ở hàng ba trên lầu và một con dưới lầu. Trong trường hợp nhà chật mà nuôi nhiều chim lại có số chim cùng loài thì phải treo lồng xen kẽ nhau, hay trùm áo lồng kín mít những con cùng loại. Tóm lại là cố gắng đừng để chim cùng một loài đứng gần nhau. Cái hại của chim cùng loài đứng gần nhau là con "dư lửa" sẽ "chụp" con "yếu lửa". Con chim một khi đã bị con kia "chụp" thì suốt đời nó sẽ chạy mặt con đó luôn, y như gà nòi "rót" vậy. Khi đã tìm được địa điểm treo lồng thích hợp rồi, ta phải chú ý đến việc an toàn cho chim. Đó là việc canh chừng mèo và kiến. Mèo thích chụp chim. Con chim mà bị mèo chụp thì không chết nhưng cũng hoảng hốt mất vía, dù dạn cách mấy cũng nhát như chim bổi mà thôi. Do đó, việc trừ mèo hại chim là điều đáng lo nhất. Kiến thì không làm chim chết hay hoảng sợ, nhưng với loài chim nhỏ như Yến hót, chim Khoen, nếu bị kiến cắn vào chân, có thể nổi mụn sinh ra cụt ngón, Chim đã cụt ngón, ngay cả mất móng không thôi, cũng mất hết giá trị. Ngoài ra, sự hiện diện của kiến còn làm cho thức ăn của chim bị mất mát, hư hao. Chọn địa điểm treo lồng còn nhắm vào việc làm sao cho chim tắm nắng ban mai. Việc tắm nắng này chỉ cần nửa giờ là đủ. Để chim đứng ngoài nắng lâu, chim sẽ bị hốc, có thể cảm nắng mà chết. Trưa ta treo lồng chim vào chỗ mát mẻ, yên tĩnh. Tối lại, ta trùm kỹ áo lồng chim để cho chim khỏi bị cảm lạnh. Chim bị bệnh thì xù lông, biếng ăn, ít hót. 2. Cách cho ăn uống: Ở rừng thì loài chim nào cũng biết ăn trái cây, kế đó là sâu bọ, côn trùng. Nói một cách rõ ràng hơn, sống trong thiên nhiên thì chim ăn tạp. Những gì có thể ăn được như kiến, mối, châu chấu, cào cào, cóc nhái . hễ vớ được là chúng tọng vào bao tử hết. Ở rừng, là nơi "mạnh được yếu thua" nếu cứ "kén cá chọn canh" thì chỉ có chết đói. Tuy nhiên, khi được nuôi trong lồng, thì chim được ăn những thức ăn riêng biệt. Điều này có thể làm cho chúng lạ miệng trong những ngày đầu, nhưng rồi cũng quen dần, thích hợp dần. Thức ăn của từng loại chim được các nghệ nhân nghiên cứu chế biến riêng sao cho thích hợp với khẩu vị của chúng, và giúp chúng tăng trọng nhanh hơn. Người nuôi chim phải tự tay chế biến thức ăn cho từng loại chim nuôi trong nhà. Điều cần là công thức chế biến không được thay đổi. Nếu một lon tấm trộn bốn hột gà hay năm hột gà, thì lần sau cũng cứ thế mà làm, không được thêm bớt. Vì rằng sự thay đổi thức ăn sẽ làm cho chim " đổ lông trái mùa". Đó là điều cấm kỵ. Chim ở nhà người ta vừa thay lông xong, mình mua về cho ăn thức ăn khác, chim lại thay lông lần nữa. Một mùa, (tiếng chuyên môn trong nghề chính là một năm) mà chim thay lông hai ba bận thì làm sao "sung" được. Thức ăn đổ vào cóng ta nên cho ăn đủ trong ngày, sáng mai "châm" thêm để tránh thức ăn bị hư hao do mưa nắng tạt vào, hoặc do chim ỉa vào làm bẩn. Nước uống thì nên dùng nước trong, thật sạch (như nước mưa, nước máy, nước giếng) và chỉ đổ nửa cóng cho chim uống trong ngày mà thôi. Nếu đổ đầy thì chim sẽ nhúng đầu vào tắm, làm dơ lồng, ướt bố, và hư hỏng thức ăn kế cận. Ngoài ra, mỗi ngày ta phải rửa cóng nước cho sạch sẽ trước khi thay nước mới để giữ sự tinh khiết cho nước uống của chim. . Kĩ thuật nuôi và thuần hóa chim Rừng Nguồn: hoind.tayninh.gov.vn Chim rừng ở đây là những loại chim hót hoang như Họa Mi, Sơn. thuật nuôi chim non Chim non mà người ta bắt tại ổ ở rừng về, thì cũng là chim rừng, nhưng loại này rất dễ thuần hóa. Nếu chịu khó chăm chút, tập luyện, chim