Hệ thống pháp luật thuế bao gồm hệ thống chính sách thuế và hệ thống quản lý thuế. Hệ thống pháp luật kế toán bao gồm các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Hệ thống chính sách thuế bao gồm các luật về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt… Hệ thống quản lý thuế bao gồm luật quản lý thuế. Ngoài ra, còn có các văn bản dưới luật thuế để qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật như các nghị định, thông tư, quyết định của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán được qui định trong Luật Kế toán, các nghị định và thông tư, quyết định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Mỗi hệ thống có những mục tiêu khác nhau, dẫn đến sự phát sinh nhiều khác biệt giữa hai hệ thống, đặc biệt là trong công tác quản lý thu thuế. Do đó, việc xây dựng pháp luật kế toán tài chính và kế toán thuế (KTTC & KTT) trong mối quan hệ liên kết, bổ sung và phụ thuộc nhau để hạn chế các khác biệt giữa hai hệ thống, giúp giải quyết mức độ khác nhau ( khác biệt) trong thuế và kế toán là bài toán cần lời giải của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cùng các cơ quan soạn thảo, các nhà hoạch định, ban hành hệ thống pháp luật thuế và hệ thống pháp luật kế toán, nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu của thuế và kế toán. Khác biệt giữa KTTC & KTT tạo ra chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán trước thuế và thu nhập chịu thuế (LNKTTT & TNCT), ảnh hướng đến số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, mặt khác, nó cũng làm gia tăng chi phí tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, khác biệt này làm gia tăng gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp. Đối với cơ quan thuế, khác biệt này cũng làm gia tăng chi phí hành thu do phải tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ (TTHT) và công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với người nộp thuế. Các nội dung này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu thuế. Hiện nay chưa có giải pháp thiết thực và lộ trình phù hợp để thu hẹp khác biệt này theo hướng phân tích lý thuyết và thực tiễn. Mục tiêu của đề tài là xác định các yếu tố tạo ra sự chênh lệch giữa LNKTTT & TNCT xuất phát từ mức độ khác nhau giữa KTTC & KTT gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu thuế, để từ đó khuyến nghị các chính sách, giải pháp để giảm gánh nặng thuế và ngăn ngừa các hành vi điều chỉnh lợi nhuận với mục đích gây thất thu hoặc thất thoát thuế đối với doanh nghiệp, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với cơ quan thuế từ mối quan hệ giữa KTTC & KTT, nhưng vẫn đảm bảo được các mục tiêu riêng có của kế toán và thuế. Đã có các công trình, bài viết đã được công bố, các luận án tiến sĩ (trong và ngoài nước) liên quan đến đề tài nghiên cứu, trong đó đã có những quan điểm, luận điểm được thừa nhận rộng rãi, đồng thời, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong những công trình nghiên cứu này cùng những giải pháp thực hiện đã được đề cập. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá thì vẫn còn những vấn đề tồn tại chưa được giải quyết một cách triệt để hoặc đang có ý kiến khác nhau hoặc đang bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu về khác biệt về KTTC & KTT cùng những rủi ro do khác biệt này mang lại. Những khe hở của các nghiên cứu trước đây: (i) Các lý thuyết và nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến tình hình quan hệ giữa KTTC & KTT cùng các giải pháp liên kết chúng phù hợp với thực tiễn của các nước đang phát triển và có điều kiện kinh tế tương đồng như ở Việt Nam; (ii) Việc liên kết giữa KTTC & KTT là vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều. Các giải pháp để thực hiện đồng thời các mục tiêu giữa KTTC & KTT vẫn đang bỏ ngõ và tùy thuộc vào tình hình phát triển của mỗi quốc gia, thậm chí tại các quốc gia cùng khối như EU; (iii) Việc sử dụng giá trị hợp lý (GTHL) để hướng đến việc liên kết giữa KTTC & KTT chưa được đề cập, xem như là một giải pháp để thu hẹp chênh lệch giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế. Đây là lý do tác giả chọn đề tài nghiên cứu: “Quản lý thu thuế thông qua mối quan hệ giữa kế toán tài chính & kế toán thuế”.