ĐẶT VẤN ĐỀ Khớp thái dương hàm (TDH) được hợp thành bởi hõm khớp hàm dưới của xương thái dương thuộc nền sọ, lồi cầu xương hàm dưới và những cấu trúc mô mềm khác; các thành phần này liên kết tinh tế trong các vận động phức tạp của khớp để đảm bảo hàm dưới vận động một cách hài hòa, gồm: quay, xoay, trượt. Như vậy, khớp TDH là một khớp tinh vi về hình thái, phức tạp về chức năng. Hai khớp TDH ở vị trí khá nhạy cảm hai bên vùng hàm mặt, tương đối độc lập về cấu trúc nhưng “liên thuộc” nhau khi vận động. Nghiên cứu tìm hiểu về khớp TDH - một trong những khớp phức tạp nhất cơ thể, vẫn được nhiều quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong nhiều bệnh của khớp TDH, rối loạn TDH là thuật ngữ chỉ các tình trạng không bình thường liên quan xương, đĩa khớp và/hoặc cơ của khớp TDH, và được xếp vào phân nhóm rối loạn cơ-xương-thần kinh (thuộc phân loại đau miệng - mặt của Bell) . Kết quả một số nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam ghi nhận rối loạn TDH khá phổ biến ở người trẻ, Hoa kỳ: 20 – 40 tuổi (Lueeuw, 2008); Việt Nam: 12 tuổi – 22,8% [1] và 18-54 tuổi chiếm 64,9% [4],[6]. Tình trạng không bình thường của khớp không chỉ mất sự thoải mái về thể chất mà người bệnh phải chịu nhiều tác động tinh thần, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc và chất lượng cuộc sống. Tình trạng khớp TDH được đánh giá qua khám lâm sàng và khảo sát hình ảnh chẩn đoán. Tuy nhiên hiện nay việc đánh giá khớp TDH vẫn chủ yếu dựa vào các dấu chứng lâm sàng, có rất ít thông tin từ hình ảnh khớp. Khảo sát hình ảnh khớp TDH bao gồm đánh giá toàn bộ các cấu trúc thuộc mô xương và mô mềm, xác định mức độ bệnh hoặc đánh giá tiến triển bệnh và hiệu quả của việc điều trị. Kỹ thuật hình ảnh khớp TDH đã liên tục phát triển trong các thập niên qua; tuy nhiên, phân tích hình ảnh khớp TDH là lĩnh vực khó, phức tạp và các nhà nghiên cứu xem là lĩnh vực riêng của chẩn đoán hình ảnh. Với sự ra đời của các kỹ thuật hình ảnh mới, khớp TDH được đánh giá tốt hơn về giải phẫu và chức năng. Nhiều kỹ thuật được dùng để khảo sát khớp TDH, các kỹ thuật X quang kinh điển như chiều thế xuyên sọ, xuyên hốc mắt, cắt lớp, chụp khớp có thuốc cản quang và kỹ thuật mới là toàn cảnh, cắt lớp điện toán (CT), cộng hưởng từ (MR) và hiện nay là cắt lớp điện toán chùm tia hình nón (Cone Beam Computed Tomography - CBCT). Các kỹ thuật hình ảnh kinh điển không vượt qua hạn chế cố hữu - trùng chập hình ảnh hay che khuất cấu trúc lẫn nhau trên hình ảnh 2 chiều/ hình phẳng, đặc biệt là vùng đá xương thái dương, mõm chủm và lồi khớp. Những hạn chế này làm cho giá trị sử dụng của hình ảnh rất giới hạn. CBCT có nhiều ưu điểm so với kỹ thuật hình ảnh thường quy của khớp TDH. CBCT hiển thị hình ảnh lồi cầu và các cấu trúc xung quanh theo mặt phẳng bất kỳ với độ phân giải cao, cho phép phân tích hình thái, tương quan vị trí các thành phần khớp TDH. Hình ảnh các cấu trúc xương được tạo dựng đạt kích thước thật và không bị biến dạng (tỉ lệ 1:1) [14], [16] có thể sử dụng để đo đạc, xác định các thay đổi của mô xương. Tương quan giữa lồi cầu - hõm khớp và biên độ di chuyển của lồi cầu được nhiều tác giả nghiên cứu bằng các phép đo và công cụ riêng lẻ khác nhau đến nay cũng thực hiện được trên CBCT qua hình ảnh ghi được khi hàm dưới ở tư thế lồng múi tối đa và tư thế miệng há tối đa. Kết quả đo đạc được đánh giá là tin cậy, chính xác so với đo đạc trực tiếp. Hình ảnh chẩn đoán tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng để có hiểu biết tốt, phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và điều trị hiệu quả hơn nữa các bệnh về khớp mà triệu chứng, dấu chứng lâm sàng chưa thể hiện đầy đủ. CBCT là kỹ thuật hình ảnh mới, đáng tin cậy để khảo sát các thành phần xương của khớp TDH với ưu điểm chính là hình ảnh chính xác, rõ với nhiều chi tiết và liều bức xạ thấp so với kỹ thuật CT thường gặp [7], [17], [19], [20], [21] . Trên thế giới, CBCT đã được sử dụng thường quy trong chẩn đoán và nghiên cứu về khớp TDH. Tại Việt Nam, CBCT bước đầu được sử dụng trong chẩn đoán và nghiên cứu một số bệnh vùng hàm mặt, Năm 2016, V.T.L. Nguyên & N.T.K. Anh [5] đã khảo sát tình trạng khớp TDH của bệnh nhân rối loạn TDH tại Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh qua hình ảnh CBCT trên mặt phẳng đứng dọc. Cho tới nay, chưa có khảo sát nào về đặc điểm khớp TDH không triệu chứng trên người Việt trưởng thành. Bên cạnh những ưu điểm vốn có của CBCT và thực tế chẩn đoán, điều trị khớp TDH, chúng tôi thực hiện nghiên cứu khảo sát ‘Đặc điểm hình thái khớp thái dương hàm không triệu chứng, người Việt trưởng thành qua hình ảnh cắt lớp điện toán chùm tia hình nón với mục tiêu cụ thể sau: 1. Xác định đặc điểm hình thái lồi cầu xương hàm dưới người Việt trưởng thành có khớp TDH không triệu chứng trên hình ảnh CBCT. 2. Xác định đặc điểm hình thái hõm khớp và lồi khớp của khớp TDH không triệu chứng người Việt trưởng thành trên hình ảnh CBCT 3. Xác định vị trí lồi cầu xương hàm dưới người Việt trưởng thành có khớp TDH không triệu chứng ở tư thế lồng múi tối đa và tư thế há tối đa.