Những năm trở lại đây, tiến trình toàn cầu hoá diễn ra khá mạnh mẽ, các nền kinh tế của các quốc gia tuy có mức độ mở cửa khác nhau nhưng đều thuộc nền kinh tế thị trường mở. Điều này nói lên rằng các quốc gia không thể tự thoả mãn nhu cầu của chính mình, mà phải tiến hành chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng và dịch vụ có lợi thế so sánh, đồng thời nhập khẩu những hàng hoá và dịch vụ không có lợi thế so sánh. Việc trao đổi hàng hoá giữa các quốc gia với nhau là không giới hạn về biên giới, lãnh thổ, tuy nhiên đồng tiền dùng để thanh toán lại có giới hạn. Điều này phát sinh nhu cầu sử dụng và trao đổi các đồng tiền của các quốc gia khác nhau. Người ta gọi tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai quốc gia với nhau là tỷ giá hối đoái. Đối với chính phủ của các nước, tỷ giá hối đoái là một trong những công cụ quan trọng nhất của chính sách tiền tệ quốc gia. Trên thế giới đã có một số nước sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái để tạo ra “bước nhảy vọt” trong phát triển kinh tế - xã hội như Mỹ mà hiện nay là họ những nước công nghiệp hàng đầu, nhưng cũng có một số nước do việc điều hành chính sách tỷ giá chưa đúng hướng đã khiến cho nền kinh tế của nước mình rơi vào khủng hoảng như Thái Lan năm 1997 là một ví dụ điển hình. Do nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này cũng như mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé kiến thức tích cóp được từ những bài học của thầy cô, từ sách báo cũng như từ các phương tiện thông tin đại chúng, em xin chọn đề tài : “Hoàn thiện chính sách tỷ giá của Việt Nam”. Do trình độ và kiến thức có hạn, bài nghiên cứu sẽ không tránh khỏi thiếu sót, em kính mong nhận được sự hướng dẫn và góp ý của thầy giáo Đặng Anh Tuấn cũng như các bạn. Em xin trân trọng cám ơn!