MỞ ĐẦU Việt Nam có nguồn tài nguyên quặng titan với trữ lượng lớn, chủ yếu dưới dạng inmenit sa khoáng. Do tầm quan trọng của titan đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1546/QĐ-TTG ngày 03/09/2013 “Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030” [101]. Theo quy hoạch, vào năm 2020 sản lượng rutin tổng hợp của nước ta dự kiến đạt 120 nghìn tấn/năm. Sản phẩm từ quá trình làm giàu tinh quặng inmenit bao gồm xỉ titan và rutin tổng hợp chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất bột màu titan đioxit (TiO 2 ). Do có tính chống ăn mòn cao, bền hoá học, bền cơ học, bền nhiệt, nhẹ, … nên bột màu TiO 2 được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: sơn, giấy, chất dẻo, gốm sứ, mực in, dược liệu,... Xỉ titan là sản phẩm của phương pháp hỏa luyện (luyện xỉ titan) và rutin tổng hợp là chế phẩm từ các phương pháp thủy luyện (Becher, Benelite, Austpact, Murso, …). Luyện xỉ titan không chỉ được sử dụng phổ biến trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, do tiêu hao điện năng lớn nên phương pháp này chỉ thực sự phù hợp với những quốc gia có nguồn điện năng dồi dào và giá điện rẻ. Từ thực tế này, trong những năm gần đây các phương pháp thủy luyện đang được chú trọng phát triển trên thế giới. Trong số các phương pháp thủy luyện, phương pháp Becher có ưu điểm nhờ công nghệ đơn giản, thân thiện với môi trường và tiêu hao điện năng thấp. Hiện nay, phương pháp này đang được sử dụng để sản xuất rutin tổng hợp ở quy mô công nghiệp tại một số nước như Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, ... từ inmenit có hàm lượng TiO 2 trên 55%. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của phương pháp này là thời gian thực hiện quá trình ăn mòn sắt kéo dài. Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - kĩ thuật của công nghệ Becher, đề tài nghiên cứu của luận án được chọn là “Khả năng cường hóa quá trình ăn mòn sắt khỏi inmenit sa khoáng Hà Tĩnh hoàn nguyên”. Mục tiêu của luận án: Mục tiêu trước hết của quá trình cường hóa công nghệ Becher là rút ngắn thời gian ăn mòn sắt từ inmenit hoàn nguyên bằng việc kết hợp NH 4 Cl với các axit hữu cơ hoặc thay thế NH 4 Cl bằng hỗn hợp xúc tác khác. Thành công của Luận án sẽ góp phần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ Becher theo