ĐẶT VẤN ĐỀ Trong phẫu thuật tạo hình nói chung và tạo hình di chứng bỏng nói riêng, chất liệu tạo hình góp phần quyết định sự thành công của việc tạo hình về mặt chức năng và thẩm mỹ. Việc cắt bỏ sẹo di chứng bỏng sẽ tạo ra những tổn khuyết lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc vào diện tích của sẹo di chứng. Với những tổn khuyết nhỏ, việc tạo hình thường đơn giản, tuy nhiên đối với các tổn khuyết lớn, việc tìm chất liệu tạo hình phù hợp là vấn đề phức tạp. Sử dụng vạt giãn tổ chức thường mất thời gian và tốn kém, sử dụng vạt da tự do có nối mạch nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao. Sử dụng vạt tại chỗ trì hoãn có thể đáp ứng nhu cầu che phủ diện khuyết lớn và có tính thẩm mỹ cao. Hiện tượng trì hoãn đã được nghiên cứu và áp dụng, tuy nhiên trì hoãn tuần hoàn vạt chẩm cổ lưng trên lâm sàng để điều trị sẹo di chứng bỏng vùng cằm cổ vẫn chưa được nghiên cứu. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: ‘‘Nghiên cứu hiện tượng trì hoãn tuần hoàn trên thực nghiệm và ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình bỏng’’ nhằm mục tiêu: 1. Khảo sát hiện tượng trì hoãn tuần hoàn vạt da trên thỏ thực nghiệm. 2. Đánh giá hiệu quả ứng dụng kỹ thuật trì hoãn tuần hoàn vạt chẩm cổ lưng trong phẫu thuật điều trị di chứng bỏng vùng cằm cổ. Những điểm mới về khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài Với 2 mục tiêu, nghiên cứu đã cho thấy hiện tượng trì hoãn tuần hoàn có tác dụng rõ rệt qua thực nghiệm trên thỏ, hiện tượng trì hoãn làm mở thông các mạch thông nối (choke vessels), tăng thông nối giữa các mạch máu lân cận. Chúng tôi tiến hành ứng dụng trì hoãn tuần hoàn vạt da cân chẩm cổ lưng (CCL) trên bệnh nhân được phẫu thuật điều trị di chứng bỏng vùng cằm cổ cho thấy vạt da có trì hoãn thích hợp và hiệu quả cao để điều trị các trường hợp sẹo co kéo vùng cổ cằm có kích thước vừa và rộng. Qua kết quả nghiên cứu này, sử dụng vạt trì hoãn tuần hoàn nên được phổ biến và khuyến khích ứng dụng rộng rãi ở các khoa phẫu thuật tạo hình của các bệnh viện tuyến cơ sở, kể cả bệnh viện tuyến trên khi điều kiện vi phẫu chưa phát triển tốt. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN Luận án gồm 138 trang không kể tài liệu tham khảo và phụ lục, có 29 bảng, 25 hình, 23 ảnh và 3 biểu đồ. Đặt vấn đề 2 trang. Tổng quan 33 trang; đối tượng và phương pháp nghiên cứu 32 trang; kết quả nghiên cứu 35 trang; bàn luận 33 trang; kết luận 2 trang và kiến nghị 1 trang. Luận án có 88 tài liệu tham khảo, trong đó có 11 tài liệu tiếng Việt và 77 tài liệu tiếng Anh.