LÝ THUYẾT TÀI CHÍNH VÀ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP 1. Tổng quan về quản trị doanh nghiệp Thuật ngữ quản trị doanh nghiệp lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1983 trên Tạp chí Luật và Kinh tế. Sau đó, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trong giai đoạn 1997 đến nay như khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, khủng hoảng toàn cầu năm 2001 và gần đây nhất là 2008, vấn đề quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp niêm yết đang trở thành vấn đề cấp thiết của các quốc gia trên thế giới bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, trên thế giới hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về quản trị doanh nghiệp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (2004), quản trị doanh nghiệp là một hệ thống các biện pháp nội bộ để quản lý, kiểm soát công ty, trong đó, tập trung vào mối quan hệ giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc, cổ đông và các bên có liên quan khác. Quản trị doanh nghiệp theo Ngân hàng Thế giới là hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của doanh nghiệp, cho phép thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, trên cơ sở đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho cá cổ đông, quyền lợi của các bên liên quan và xã hội. Nói cách khác, quản trị doanh nghiệp là cơ chế đảm bảo tính công bằng, minh bạch để giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và người quản lý thông qua quá trình cụ thể hóa việc phân phối quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban giám đốc, cổ đông và những người có liên quan, trong đó, chỉ rõ quy định, quy trình ra quyết định về các vấn đề công ty để xây dựng mục tiêu, cách thức đạt được mục tiêu, kiểm soát thành quả, đồng thời khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả. Như vậy, ở góc độ doanh nghiệp, nếu quản trị doanh nghiệp tốt sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh doanh, sử dụng tốt nguồn tài nguyên khan hiếm, dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn dài hạn, đồng thời đảm bảo được quyền lợi và sự đối xử bình đẳng với các cổ đông, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khác. Ở góc độ vĩ mô, quản trị doanh nghiệp tốt sẽ giúp quốc gia củng cố quyền sở hữu, giảm chi phí giao dịch và chi phí vốn, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển và giảm thiểu khả năng tổn thương trước các biến động không mong muốn, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. quả của hội động quản trị. 2. Thực trạng về quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam: Tại Việt Nam, các bước tiến bộ trong khuôn khổ pháp lý quản trị công ty được đi cùng sự ra đời Luật doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2006, Quy chế quản trị công ty do Bộ Tài chính ban hành năm 2007 và một số thông tư hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những yếu kém như sự thiếu thống nhất trong các văn bản pháp luật, thiếu những hướng dẫn thực hành cụ thể công tác quản trị công ty. Năm 2008, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) hợp tác cùng một số nước phát triển và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã thực hiện Dự án quản trị công ty tại Việt Nam. Cho đến nay, thực trạng quản trị công ty tại Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều nhờ những nỗ lực của Chính phủ, của cộng đồng DN và sự trợ giúp đắc lực của IFC nhưng đồng thời cũng vẫn còn tồn tại những yếu kém rất cần được khắc phục. Số liệu trong bảng dưới đây cho thấy điểm số quản trị công ty của Việt Nam từ năm 2009 – 2011 ở mức rất thấp (điểm trung bình các năm 2009, 2010, và 2011 lần lượt là 43,9%; 44,7% và 42,5%), trong khi theo tiêu chuẩn về thực tiễn quản trị công ty tốt thì điểm số chung phải đạt 65% 74% trở lên (IFC, 2012a). Báo cáo chất lượng thực hành quản trị công ty ở một số quốc gia châu Á cho thấy, kết quả khả quan hơn rất nhiều so với Việt Nam, ví dụ Singapore và Hong Kong được coi là quốc gia dẫn đầu về chất lượng quản trị công ty; Hong Kong đạt 74% năm 2009, Thái Lan đạt 77% năm 2011, Malaysia đạt 57,2% năm 2011, Philippines đạt 72% năm 2008 (IFC, 2012b). Một vấn đề nữa đặt ra là hiệu quả của các nỗ lực triển khai thực hiện quản trị công ty tốt đã sụt giảm. Điều này đi ngược với áp lực và kỳ vọng trên phạm vi toàn cầu là đẩy nhanh tốc độ cải cách về quản trị công ty.