1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Đánh giá tính khả thi của phương án sử dụng khí so với sử dụng than cho dự án nhà máy nhiệt điện dung quất

138 778 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 138
Dung lượng 2,96 MB

Nội dung

Tác giả đã thực hiện đánh giá hai phương án về mặt kinh tế và tài chính, đưa ra các kết luận như sau: Thứ nhất, khi sử dụng than làm nhiên liệu cho dự án NMNĐ Dung Quất, dự án có hiệu qu

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT

-

NGUYỄN THỊ PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ TÍNH KHẢ THI CỦA PHƯƠNG ÁN

SỬ DỤNG KHÍ SO VỚI SỬ DỤNG THAN

CHO DỰ ÁN NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN DUNG QUẤT

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

GS.TS DAVID O DAPICE ThS NGUYỄN XUÂN THÀNH

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2016

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi cam đoan luận văn này hoàn toàn do tôi thực hiện Các trích dẫn và số liệu sử dụng trong luận văn đều được dẫn nguồn và có độ chính xác cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi Luận văn này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trường Đại học Kinh tế Thành phố

Hồ Chí Minh hay Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 8 năm 2016

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Phượng

Trang 4

Tôi xin được bày tỏ lòng tri ân đến tất cả các Quý Thầy Cô, các cán bộ nhân viên trong Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi được thụ hưởng môi trường học thuật nghiêm túc

Tiếp theo tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến gia đình, bạn bè, tập thể học viên MPP7 đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi hoàn thành được chương trình học và đề tài nghiên cứu này

Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Vụ Văn Hóa và Giáo dục trực thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tài trợ học bổng cho tôi trong suốt quá trình theo học tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 8 năm 2016

Nguyễn Thị Phượng

Trang 5

TÓM TẮT

Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Dung Quất là một trong số những dự án nhiệt điện được đề xuất tại khu vực miền Trung với quy mô 1.200MW Năm 2013, dự án được đưa vào quy hoạch điện VII và công ty Sembcorp Utilities Pte làm chủ đầu tư Theo kế hoạch ban đầu thì đến năm 2016, Sembcorp sẽ triển khai dự án và sử dụng than làm nhiên liệu Tuy nhiên, đến năm 2015, chính phủ yêu cầu chủ đầu tư thay đổi công nghệ từ sử dụng than sang khí, dự án lùi lại đến năm 2020 và dựa vào nguồn khí được cung cấp từ mỏ khí Cá Voi Xanh Tác giả

đã thực hiện đánh giá hai phương án về mặt kinh tế và tài chính, đưa ra các kết luận như sau: Thứ nhất, khi sử dụng than làm nhiên liệu cho dự án NMNĐ Dung Quất, dự án có hiệu quả

về mặt tài chính nhưng không hiệu quả về mặt kinh tế Cụ thể, dự án có NPV tài chính bằng

129 triệu USD và NPV kinh tế bằng -1,9 tỷ USD, trong đó chi phí ngoại tác từ ô nhiễm không khí chiếm tỷ trọng cao Vì vậy, nhà nước không nên phê duyệt dự án theo phương án dùng than làm nhiên liệu

Thứ hai, nếu sử dụng khí, dự án khả thi cả về mặt tài chính lẫn mặt kinh tế với NPV tài chính bằng 861 triệu USD và NPV kinh tế bằng 512 triệu USD Do đó, nhà nước nên quyết định cho phép đầu tư dự án sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu cho NMNĐ

Thứ ba, khi nhà nước lựa chọn sử dụng khí cho dự án, các đối tượng được hưởng lợi từ dự

án bao gồm người sử dụng điện, lao động tại dự án và ngân sách nhà nước Nhóm đối tượng chịu thiệt bao gồm người dân bị giải tỏa đất sinh sống chuyển nhượng cho dự án, người dân

bị ảnh hưởng về sức khỏe do ô nhiễm không khí từ bụi của nhà máy; phần còn lại của nền kinh tế cũng chịu thiệt xuất phát từ vấn đề chi phí vốn và tỷ giá hối đoái

Việc quyết định đầu tư dự án theo phương án than được đưa ra dựa vào quy hoạch và đề xuất của chủ đầu tư mà không có thẩm định kinh tế Theo kết quả thẩm định trong đề tài cho thấy dự án theo phương án than không khả thi về mặt kinh tế, do đó nhà nước không được cho phép đầu tư, thậm chí đưa dự án ra khỏi quy hoạch Việc dự án chưa được triển khai là nhờ tìm được nguồn khí ngoài khơi và chủ đầu tư thấy rằng tính khả thi tài chính của phương

án khí là cao hơn phương án than Tuy nhiên, đối với tổng thể nền kinh tế thì đây không phải

là cơ sở đúng đắn để nhà nước ra quyết định cho phép đầu tư hay không Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu đó là việc ra quyết định cho phép đầu tư phải được căn cứ vào tính khả thi

Trang 6

kinh tế của dự án Từ đó, tác giả khuyến nghị chính phủ nên chọn sử dụng khí tự nhiên cho

dự án NMNĐ Dung Quất, đồng thời có các chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại từ dự án

Dự án NMNĐ sử dụng than ở Quảng Ngãi cũng là tình huống điển hình cho các dự án điện than ở Duyên hải miền Trung, trong đó nguyên nhân chính khiến dự án không khả thi kinh

tế là do ngoại tác tiêu cực của ô nhiễm không khí Qua đó nhấn mạnh đến vai trò của việc đánh giá tác động môi trường khi phê duyệt nhằm đảm bảo lợi ích của cả nền kinh tế và tính bền vững của dự án Trên cơ sở này, tác giả đưa ra khuyến nghị với các dự án khác như sau: Một là, nâng cao chất lượng công tác thẩm định thông qua nâng cao nguồn nhân lực và thống nhất tiêu chuẩn thẩm định; Hai là, cần đảm bảo công tác thẩm định môi trường để đảm bảo sàng lọc các dự án có độ rủi ro cao về môi trường; Cuối cùng, tăng các khoản thuế về tài nguyên, thuế môi trường đối với các dự án có khả năng gây tác động môi trường lớn, một mặt bù đắp những thiệt hại mà nhà máy có phát thải lớn gây ra đối với nền kinh tế, một mặt khuyến khích các chủ đầu tư tăng cường sử dụng các công nghệ mới giảm thiểu phát thải

Trang 7

MỤC LỤC

Lời cam đoan i

Lời cảm ơn ……….ii

Tóm tắt……… iii

Danh mục từ viết tắt vii

Danh mục biểu đồ, hình ix

Danh mục bảng x

Danh mục phụ lục xi

Chương 1 Giới thiệu 1

1.1 Bối cảnh nghiên cứu 1

1.2 Lý do hình thành đề tài 2

1.3 Mục tiêu nghiên cứu 3

1.4 Câu hỏi nghiên cứu 3

1.5 Phạm vi nghiên cứu 4

1.6 Cấu trúc của luận văn 4

Chương 2 Mô tả dự án và khung phân tích 5

2.1 Mô tả dự án 5

2.1.1 Phương án thực hiện bằng than 6

2.1.2 Phương án thực hiện bằng khí 9

2.2 Khung phân tích 11

2.2.1 Phân tích kinh tế 12

2.2.2 Phân tích tài chính 14

2.2.3 Cơ sở lý thuyết ước tính tổn thất sức khỏe 14

Chương 3 Phân tích kinh tế 19

3.1 Lợi ích kinh tế 19

3.2 Chi phí kinh tế 21

3.2.1 Hệ số chuyển đổi 21

3.2.2 Chi phí đầu tư 22

3.2.3 Phí thưởng ngoại hối 23

3.2.4 Chi phí vốn kinh tế 23

3.2.5 Ngoại tác của dự án nhà máy nhiệt điện 24

Trang 8

3.3 Thiết lập ngân lưu kinh tế của dự án 29

3.3.1 Phương án thực hiện bằng than 29

3.3.2 Phương án thực hiện bằng khí 33

Chương 4 Phân tích tài chính 38

4.1 Thông số tài chính 38

4.2 Thông số vĩ mô 38

4.3 Lợi ích tài chính 39

4.4 Chi phí tài chính 39

4.4.1 Chi phí đầu tư 39

4.4.2 Chi phí hoạt động 40

4.5 Thiết lập ngân lưu tài chính của dự án 43

4.5.1 Phương án thực hiện bằng than 43

4.5.2 Phương án thực hiện bằng khí 46

4.5.3 So sánh với phương án than trên phương diện tài chính 49

4.5.4 Phân tích phân phối 50

Chương 5 Kết luận và khuyến nghị chính sách 52

5.1 Kết luận nghiên cứu 52

5.2 Khuyến nghị chính sách 53

5.3 Hạn chế của đề tài 54

Tài liệu tham khảo 55

Phụ lục…….……….62

Trang 9

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BOT Build, Operate, Transfer Xây dựng, vận hành, chuyển giao

CAPM Capital Asset Pricing Model Mô hình định giá tài sản vốn

CHA Cardiovascular Hospital Admissions Chi phí điều trị bệnh về hô hấp

ECOC Economic Cost Opportunity of

Capital

Chi phí cơ hội kinh tế của vốn

EIRR Economic Internal Rate Of Return Suất sinh lợi nội tại kinh tế

ENPV Economic Net Present Value Giá trị hiện tại ròng kinh tế

ERF Exposure response function Hàm phản ứng phơi nhiễm

EVN Vietnam Electricity Tập đoàn Điện lực Việt Nam

FIRR Financial Internal Rate Of Return Suất sinh lợi nội tại tài chính

FNPV Financial Net Present Value Giá trị hiện tại ròng tài chính

IPA Impact path approach Tiếp cận đánh giá tác động

IRR Internal Rate Of Return Suất sinh lợi nội tại hoàn

LRI Lower respiratory tract infections Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới

NPV Net present value Giá trị hiện tại ròng

O&M Operation and Maintenance Vận hành và bảo dưỡng

RAD Restricted Activity Day Số ngày hoạt động bị hạn chế

Trang 10

RHA Respiratory Hospital Admissions Chi phí điều trị bệnh về tim mạch

WACC Weighted Average Cost Of Capital Chi phí vốn bình quân gia quyền

Trang 11

DANH MỤC BIỂU ĐỒ, HÌNH

Biểu đồ 3 - 1: Tỷ lệ tổn thất điện năng Việt Nam qua các năm 21

Biểu đồ 3 - 2: Ngân lưu kinh tế của dự án theo phương án than 29

Biểu đồ 3 - 3: Chi phí kinh tế của dự án theo phương án than (triệu USD) 29

Biểu đồ 3 - 4: Chi phí kinh tế của phương án than khi tính và không tính ngoại tác 31

Biểu đồ 3 - 5: Ngân lưu kinh tế của dự án theo phương án khí 34

Biểu đồ 3 - 6: Chi phí kinh tế của dự án theo phương án khí (triệu USD) 34

Biểu đồ 3 - 7: Kết quả thẩm định kinh tế theo hai phương án 36

Biểu đồ 4 - 1: Ngân lưu tài chính của dự án theo phương án than 43

Biểu đồ 4 - 2: Chi phí tài chính của dự án theo phương án than (triệu USD) 44

Biểu đồ 4 - 3: Ngân lưu tài chính của dự án theo phương án khí 46

Biểu đồ 4 - 4: Chi phí tài chính của dự án theo phương án khí (triệu USD) 47

Biểu đồ 4 - 5: Kết quả thẩm định tài chính của dự án theo hai phương án 49

Biểu đồ 4 - 6: Kết quả phân tích phân phối theo phương án khí 50

Hình 2 - 1: Vị trí ranh giới xây dựng NMNĐ Dung Quất 5

Hình 2 - 2: Sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất theo phương án than 6

Hình 2 - 3: Vị trí mỏ khí Cá Voi Xanh 9

Hình 2 - 4: Sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất theo phương án khí 10

Hình 2 - 5: Các bước thực hiện đánh giá theo hướng tiếp cận từ dưới lên 16

Hình 2 - 6: Mô hình vệt khói Gauss 17

Hình 3 - 1: Kết quả mô phỏng Monte-Carlo NPV kinh tế phương án than 33

Hình 3 - 2: Kết quả mô phỏng Monte-Carlo NPV kinh tế phương án khí 37

Hình 4 - 1: Kết quả mô phỏng Monte-Carlo NPV tài chính phương án than 46

Hình 4 - 2: Kết quả mô phỏng Monte-Carlo NPV tài chính phương án khí 48

Trang 12

DANH MỤC BẢNG

Bảng 1 - 1: Dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện ở Việt Nam đến năm 2035 1

Bảng 2 - 1: Thông số cơ bản của dự án sử dụng than làm nhiên liệu……… 8

Bảng 2 - 2: Chi phí đầu tư dự án theo phương án than 8

Bảng 2 - 3: Tiến độ đầu tư dự án theo phương án than 8

Bảng 2 - 4: Thông số cơ bản của dự án sử dụng khí làm nhiên liệu 10

Bảng 2 - 5: Chi phí đầu tư dự án theo phương án khí 11

Bảng 2 - 6: Tiến độ đầu tư dự án theo phương án khí 11

Bảng 2 - 7: Các bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh cao trong phạm vi toàn quốc năm 2011 15

Bảng 3 - 1: Cơ cấu tiêu dùng điện năm 2014 ……… 20

Bảng 3 - 2: Chi phí truyền tải, phân phối và quản lý điện năm 2014 20

Bảng 3 - 3: Tổng hợp hệ số chuyển đổi theo hai phương án 22

Bảng 3 - 4: SERF sử dụng trong thẩm định kinh tế của WB và ADB 23

Bảng 3 - 5: Chi phí tổn thất sức khỏe của phương án than từ Riskpoll 26

Bảng 3 - 6: Chi phí tổn thất sức khỏe của phương án khí từ Riskpoll 28

Bảng 3 - 7: Kết quả phân tích kinh tế dự án theo phương án than 30

Bảng 3 - 8: Kết quả phân tích kinh tế dự án theo phương án khí 35

Bảng 4 - 1: Dự báo lạm phát của VNĐ qua các năm ……… 38

Bảng 4 - 2: Dự báo lạm phát của USD qua các năm 39

Bảng 4 - 3: Chi phí sử dụng vốn hai phương án 41

Bảng 4 - 4: Kết quả phân tích tài chính dự án theo phương án than 44

Bảng 4 - 5: Kết quả phân tích tài chính dự án theo phương án khí 47

Trang 13

DANH MỤC PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Hoạt động của nhà máy nhiệt điện 62

Phụ lục 2: Chi phí đầu tư của dự án (Năm 2016) 63

Phụ lục 3: Danh sách nhà cung cấp than cho dự án theo phương án than 65

Phụ lục 4: Công thức tổng mức tác động trong mô hình SUWM 66

Phụ lục 5: Tính giá khí tự nhiên thế giới 67

Phụ lục 6: Tính toán hệ số chuyển đổi 68

Phụ lục 7: Tác động của NO2, Bụi PM, SO2 đến sức khỏe con người 74

Phụ lục 8: Tốc độ tăng trưởng dân số 75

Phụ lục 9: Đánh giá những tác động lên sức khỏe con người 76

Phụ lục 10: Giá trị chi phí tổn thất sức khỏe do ô nhiễm 86

Phụ lục 11: Bảng tính chi phí vốn của phương án than 88

Phụ lục 12: Bảng tính chi phí vốn của phương án khí 89

Phụ lục 13: Bảng tỷ lệ lạm phát, lãi vay, khấu hao và báo cáo thu nhập 90

Phụ lục 14: Ngân lưu tài chính danh nghĩa của dự án theo phương án than 96

Phụ lục 15: Ngân lưu kinh tế của dự án theo phương án than 97

Phụ lục 16: Ngân lưu tài chính danh nghĩa của dự án theo phương án khí 98

Phụ lục 17: Ngân lưu kinh tế của dự án theo phương án khí 99

Phụ lục 18: Phân tích rủi ro kinh tế của dự án theo phương án than 100

Phụ lục 19: Phân tích rủi ro tài chính của dự án theo phương án than 105

Phụ lục 20: Phân tích rủi ro kinh tế của dự án theo phương án khí 109

Phụ lục 21: Phân tích rủi ro tài chính của dự án theo phương án khí 114

Phụ lục 22: Kết quả phân tích phân phối phương án than (Đơn vị: Triệu USD) 118

Phụ lục 23: Kết quả phân tích phân phối phương án khí (Đơn vị: Triệu USD) 119

Phụ lục 24: Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam 120

Trang 14

CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU

1.1 Bối cảnh nghiên cứu

Ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, sự phát triển kinh tế luôn đi kèm sự tăng trưởng trong nhu cầu về điện năng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam có sự gia tăng liên tục nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội Nhu cầu tiêu thụ điện năng ở Việt Nam tăng nhanh, vượt trên cả tốc độ tăng GDP, trong khoảng một thập niên từ 1995 đến 2005, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam là 7,2%, trong khi đó lượng tiêu thụ điện tăng lên với tốc độ bình quân là 14,9% (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015) Trong Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhu cầu tiêu thụ điện theo phương án phụ tải cơ sở tới năm 2035 được trình bày trong Bảng 1 - 1

Bảng 1 - 1: Dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện ở Việt Nam đến năm 2035

Điện thương phẩm (GWh) 140.000 230.924 346.312 495.853 671.890 Điện sản xuất (GWh) 158.471 262.414 393.537 560.285 758.341

Tăng trưởng điện thương

phẩm (%/năm)

2011-15 10,0

2016-20 10,5

2021-25 8,4

2026-30 7,4

2031-35 6,3

NMNĐ Dung Quất nằm trong số những dự án nhiệt điện được đề xuất tại khu vực miền Trung Dự án có quy mô 1.200MW sẽ cung cấp điện năng cho khu kinh tế Dung Quất, đáp ứng nhu cầu phụ tải tại chỗ, giảm tổn thất điện năng, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy thủy điện, đồng thời tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện cho khu vực (UBND tỉnh Quảng Ngãi, 2015) và một phần phát lên hệ thống điện quốc gia (PECC1, 2014)

1 Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, Bộ Công Thương

Trang 15

Ngày 12/01/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi và công ty Sembcorp đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ về thực hiện đầu tư xây dựng dự án NMNĐ Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi Đây là một dự án lớn với công suất lên đến 1.200MW với tổng đầu

tư hơn 2 tỷ USD (UBND Quảng Ngãi, 2015) Đến ngày 04/05/2013, Thủ tướng Chính phủ nhất trí bổ sung dự án NMNĐ Dung Quất vào Quy hoạch điện VII và giao công ty Sembcorp Utilities Pte làm chủ đầu tư, thực hiện đầu tư theo hình thức BOT Tháng 6 năm 2014, Sembcorp cùng với đơn vị tư vấn dự án trình cho Bộ Công Thương báo cáo nghiên cứu khả thi trong đó nhiên liệu được sử dụng là than Theo như kế hoạch đề ra ban đầu thì đến năm

2016, chủ đầu tư sẽ được bàn giao quỹ đất sạch để tiến hành triển khai giai đoạn xây dựng NMNĐ, dự kiến tổ máy số 1 vận hành thương mại vào tháng 9 năm 2020 và đến tháng 3 năm 2021 sẽ vận hành toàn bộ nhà máy

Tuy nhiên, đến tháng 5 năm 2015, Thủ tướng đã ra yêu cầu nhà đầu tư Sembcorp thay đổi thiết kế, công nghệ từ nhiệt điện chạy than sang sử dụng khí tự nhiên nên tiến độ dự án phải lùi lại đến năm 2020 với công suất 1.200MW (Văn Huy, 2016), dựa vào nguồn khí được cung cấp từ mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện ở ngoài khơi cách bờ 80 km (tại lô 117,

118, 119), có trữ lượng khí rất lớn và có thể đưa vào khai thác thương mại Với quyết định như thế thì trong vòng 5 năm đến, dự án sẽ không được triển khai và phải chờ đến 2020 mới được tái khởi động

1.2 Lý do hình thành đề tài

Trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến môi trường của các hoạt động sản xuất đang trở nên nóng hổi, NMNĐ sử dụng than gây ra một loạt các tác động đến môi trường Dư luận,

các phương tiện truyền thông và nhiều tổ chức thường cho rằng than như nguồn “năng lượng

bẩn”, “giết người hàng loạt”… (Bùi Huy Phùng, 2016) Chuyển đổi các nhà máy điện từ sử

dụng than sang sử dụng khí hay các nhiên liệu sạch khác đang được xem là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới Tuy nhiên, việc đưa ra một quyết định chính sách cần được đưa ra trên cơ sở khoa học và công tác thẩm định khách quan hơn là các nhận định cảm tính Từ thực trạng đó, việc đánh giá tính khả thi của việc sử dụng khí tự nhiên, cụ thể hơn là so sánh với phương án than trên góc độ kỹ thuật có xét đến các ngoại tác của dự án sẽ là cơ sở cho việc đưa ra quyết định phê duyệt đầu tư Đây cũng là cơ sở để thực hiện kêu gọi các nhà đầu

tư mới trong trường hợp công ty Sembcorp Utilities Pte không tiếp tục tham gia thực hiện

dự án vào năm 2020

Trang 16

1.3 Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu thứ nhất, tác giả thực hiện đánh giá tính khả thi của dự án theo hai phương án sử dụng than và khí làm nhiên liệu, so sánh hai phương án này về mặt kinh tế và tài chính để xem xét quyết định tạm dừng triển khai và chuyển đổi công nghệ của nhà nước đối với dự

án NMNĐ Dung Quất là hợp lý hay không Đồng thời, trên cơ sở kết quả phân tích kinh tế

và tài chính, tác giả cũng thực hiện phân tích phân phối để xem xét các đối tượng nào bị thiệt hại lợi ích một khi dự án được triển khai, qua đó làm cơ sở cho những khuyến nghị những chính sách của nhà nước đối với quá trình phê duyệt cũng như giám soát hoạt động của NMNĐ một khi dự án đi vào giai đoạn xây dựng và vận hành thương mại sau này

Mục tiêu thứ hai, tác giả thực hiện đánh giá lại tính khả thi kinh tế của phương án than để xem xét liệu quyết định ban đầu của nhà nước khi phê duyệt dự án NMNĐ Dung Quất theo phương án than có hợp lý hay không và cơ sở nào nhà nước đưa ra các quyết định cho phép đầu tư? Qua đó, toàn bộ bối cảnh của dự án NMNĐ Dung Quất có thể được sử dụng như một tình huống điển hình phản ánh một thực trạng hiện nay là các quyết định của nhà nước được đưa ra trên cơ sở đề xuất của các chủ đầu tư mà không xem xét đến tính khả thi kinh

tế, đặc biệt là các tác động tiêu cực đến môi trường do phát thải của các NMNĐ Hậu quả là khi các dự án đi vào giai đoạn triển khai xây dựng và vận hành gây ra hàng loạt thiệt hại về môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây tổn thất cho cả nền kinh tế

1.4 Câu hỏi nghiên cứu

Với ý nghĩa và mục tiêu nêu ra như trên, tác giả đặt ra trong luận văn bốn câu hỏi nghiên cứu như sau:

- Dự án NMNĐ Dung Quất sử dụng than và khí làm nhiên liệu có khả thi kinh tế không?

- Dự án NMNĐ Dung Quất sử dụng than và khí làm nhiên liệu có khả thi tài chính không?

- Đối với phương án được chính phủ lựa chọn, những đối tượng nào được hưởng lợi và đối

tượng nào bị thiệt hại từ dự án NMNĐ Dung Quất?

- Đâu là bài học và ý nghĩa chính sách có thể rút ra từ việc phân tích tính khả thi kinh tế,

tài chính và phân phối của dự án?

Trang 17

1.5 Phạm vi nghiên cứu

Luận văn sử dụng Báo cáo đầu tư của phương án sử dụng than do Công ty tư vấn điện lực 1 (PECC1) thực hiện và tư vấn của Công ty tư vấn điện lực 2 (PECC2) đối với phương án sử dụng khí để làm cơ sở cho việc thiết lập mô hình, đánh giá tính khả thi và so sánh mức độ hiệu quả của cả hai phương án công nghệ

Luận văn tập trung phân tích về mặt tài chính, kinh tế của dự án NMNĐ cả phương án than

và phương án khí; đồng thời lượng hóa những tổn thất về mặt sức khỏe của người dân do ô nhiễm không khí do bụi thoát ra từ hoạt động của NMNĐ

Dữ liệu thông số của dự án dựa trên báo cáo đầu tư, số liệu từ Quy hoạch ngành điện đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2035, các số liệu từ các sở ban ngành và nghiên cứu liên quan

1.6 Cấu trúc của luận văn

Luận văn bao gồm 5 chương Chương 1 trình bày bối cảnh và lý do hình thành đề tài nghiên cứu, câu hỏi và phạm vi nghiên cứu của Luận văn Thông tin cụ thể về dự án sử dụng than

và khí sẽ được trình bày trong chương 2 Trong chương 2, tác giả cũng trình bày phần cơ sở

lý thuyết và khung phân tích tác giả dùng làm nền tảng để thực hiện phân tích các số liệu của dự án nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu đặt ra trong chương 1 Chương 3 sẽ tập trung đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của dự án theo từng loại nhiên liệu đầu vào Đến chương

4, tính khả thi về mặt tài chính của dự án sẽ được đánh giá Cuối cùng, các kết luận chính cho bốn câu hỏi nghiên cứu làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách cụ thể của Luận văn

sẽ được trình bày trong chương 5

Trang 18

CHƯƠNG 2 MÔ TẢ DỰ ÁN VÀ KHUNG PHÂN TÍCH

2.1 Mô tả dự án

Dự án NMNĐ Dung Quất có công suất 1.200MW được xây dựng trong Khu kinh tế Dung Quất, địa điểm nằm ở thôn Tân Hy, thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi Địa điểm này cách thành phố Quảng Ngãi 40 km về phía Bắc, cách sân bay Chu Lai khoảng 8

km về phía Đông Nam và cách Quốc Lộ 1A 6 km về phía Đông

Hình 2 - 1: Vị trí ranh giới xây dựng NMNĐ Dung Quất

Nguồn: (Hải Vân, 2014)

Dự án nằm trong khu kinh tế Dung Quất và đặc biệt là gần với cảng Dung Quất nên có những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng như giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống nước,…

Dự án có nguồn cung cấp nước ngọt và nước biển phong phú đảm bảo cho việc làm mát hệ thống bình ngưng cạnh nhà máy Với phương án sử dụng than làm nhiên liệu, dự án có sự thuận lợi để phát triển đường thủy nhập khẩu hay vận chuyển than, dầu và công tác thiết kế khu vực thải tro xỉ từ nhà máy Với phương án sử dụng khí làm nhiên liệu, dự án được đặt gần nguồn nhiên liệu là mỏ khí Cá Voi Xanh ngoài khơi giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi

Trang 19

2.1.1 Phương án thực hiện bằng than

Dự án NMNĐ bằng than có tổng mức đầu tư 2,16 tỷ USD, dự kiến bao gồm 3 khu vực là khu vực nhà máy chính rộng 68 ha ở phía đông, đặt ở thôn Sơn Trà và Tân Hy; khu vực bãi thải xỉ rộng 43 ha nằm ở phía đông so với khu vực nhà máy chính, đặt ở thôn Tân Hy và khu vực cảng nhập than nằm ở phía bắc nhà máy Dự án này bao gồm 2 tổ máy có công suất 600MW theo công nghệ nhiệt điện ngưng hơi và sử dụng thông số siêu tới hạn

2.1.1.1 Cấu trúc dự án

Dự án được thực hiện đầu tư theo hình thức BOT với sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất như hình 2 – 2 bên dưới:

Hình 2 - 2: Sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất theo phương án than

Nguồn: Tác giả vẽ lại từ báo cáo đầu tư

Trong đó, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd, một đơn vị thuộc 100% sở hữu của Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd (SCI) có số vốn hoá niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore khoảng 8,6 tỷ đô la và chuyên hoạt động trên lĩnh vực cung cấp năng lượng, nước, dịch vụ tại chỗ cho các khách hàng trong các cụm công nghiệp chuyên ngành năng lượng Sembcorp Utilities có 12 năm kinh nghiệm làm nhà đầu tư, nhà khai thác các nhà máy sản xuất điện Tại Việt Nam, công ty sở hữu 33,33% cổ phần của Công ty Điện lực BOT Phú Mỹ 3 với tổng vốn đầu tư 412 triệu đô la (PECC1, 2013)

Trang 20

2.1.1.2 Nhiên liệu và các thông số của dự án theo phương án than

Dự án NMNĐ Dung Quất dự kiến sử dụng công nghệ nhiệt điện truyền thống là lò hơi đốt than phun Theo công nghệ này, than được nghiền mịn và sau đó được đốt cháy trong buồng lửa lò hơi, nhiệt từ quá trình đốt cháy làm nóng nước và hơi trong các thiết bị và dàn ống trong lò (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015) (Tham khảo tại Phụ lục 1) Trong đó, công nghệ lò hơi được chọn là lò hơi trực lưu có áp suất siêu tới hạn Nhiên liệu chính là than nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia (than Úc được xem xét làm phương án dự phòng nhiên liệu than đầu vào cho dự án) Ngoài ra, dự án còn sử dụng dầu LDO để đốt khởi động

a Nhiên liệu than

Trong nhiều năm liên tục, Việt Nam có mặt trong danh sách những nước khai thác, sản xuất

và xuất khẩu than nhiều nhất thế giới Nhưng sau một thời gian dài xuất khẩu ồ ạt, nguồn than bị suy giảm Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung than và có xu hướng nhập khẩu Sản lượng khai thác trong nước chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước đến hết năm 2015, từ 2016 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than trong đó chủ yếu nhập từ hai nước Australia và Indonesia (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015) Với dự án NMNĐ Dung Quất, chủ đầu tư có kế hoạch ký hợp đồng dài hạn với hai đơn vị cung cấp than sơ

cấp, hai nhà cung cấp thứ cấp và hai nhà cung cấp dự phòng theo Phụ lục 3 Giá than được

sử dụng theo báo cáo đầu tư là 67,65 USD/tấn cũng gần với mức giá tác giả tham khảo trên thị trường Indonesia nhập về đến Việt Nam Do đó, trong nghiên cứu tác giả sử dụng mức

giá 67,65 USD/tấn làm giá tài chính của than

b Dầu LDO

Dầu LDO được sử dụng để khởi động lò hơi, ước tính sử dụng 5.800 tấn/năm Dự án dự kiến

sử dụng dầu nhập khẩu từ Singapore Mức giá CIF của dầu LDO được dự kiến trong báo cáo đầu tư là 1.091 USD/tấn

c Thông số dự án

Dưới đây là một số thông số cơ bản của dự án NMNĐ sử dụng than làm nhiên liệu chính

Trang 21

Bảng 2 - 1: Thông số cơ bản của dự án sử dụng than làm nhiên liệu

Nguồn: Tư vấn của PECC1

Dự án bao gồm hai giai đoạn Giai đoạn đầu tư kéo dài trong 4 năm (26 tháng) bắt đầu từ

năm 2016 đến 2019 Theo như kế hoạch thì đến đầu năm 2016, Sembcorp sẽ được bàn giao

quỹ đất sạch và tiến hành triển khai xây dựng NMNĐ Giai đoạn vận hành được dự kiến bắt đầu vào tháng 9/2020 và đến tháng 3/2021 sẽ vận hành toàn bộ nhà máy

Bảng 2 - 2: Chi phí đầu tư dự án theo phương án than

Nguồn: Tư vấn của PECC1

Tiến độ phân bổ vốn đầu tư trong thời gian xây dựng phân bổ với các tỷ lệ như bảng sau:

Bảng 2 - 3: Tiến độ đầu tư dự án theo phương án than

Nguồn: Tư vấn của PECC1

Trang 22

2.1.2 Phương án thực hiện bằng khí

Tháng 5/2015, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư thay đổi thiết kế, công nghệ của NMNĐ Dung Quất sang sử dụng khí, lùi tiến độ dự án phải lại đến năm 2020, có công suất thiết kế là 1.200MW, sử dụng nguồn khí từ dự án mỏ Cá Voi Xanh với tổng mức đầu tư là 1,1 tỷ USD

2.1.2.1 Thông tin về mỏ khí Cá Voi Xanh

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm ở ngoài khơi giữa Quảng Nam và Quảng Ngãi Nếu tính từ trung tâm mỏ thì nó cách đất liền khoảng 80 - 85 km, sâu trong thềm lục địa của Việt Nam Mỏ

Cá Voi Xanh được tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ thăm dò và phát hiện, được đánh giá là có trữ lượng lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam với khoảng 6.000 - 8.000 tỷ m3

Hình 2 - 3: Vị trí mỏ khí Cá Voi Xanh

Nguồn: (Văn Huy, 2016)

Theo dự kiến, dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ điều hành Tập đoàn sẽ đầu tư một giàn đào giếng thực hiện xử lý tách nước ngoài khơi, có hai cụm khai thác ngầm với 4 giếng khai thác ở mỗi cụm và đường ống dài khoảng 88 km nối từ giếng vào bờ biển Chu Lai; phía Việt Nam Tập đoàn dầu khí PVN sẽ đầu tư nhà máy

xử lý khí trên bờ dự kiến đặt ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Nhà máy này dự kiến vận hành vào năm 2023 Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 – 10

tỷ m3 (Văn Huy, 2016) Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này vào khoảng 150 tỷ m3, lớn gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ thuộc dự án khí Nam Côn Sơn Dự án NMNĐ Dung Quất

sử dụng khí có kế hoạch hoàn thành vào năm 2023, được thực hiện đầu tư theo hình thức BOT với sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất như hình 2 - 4

Mỏ khí Cá Voi Xanh

Trang 23

Hình 2 - 4: Sơ đồ cấu trúc dự án NMNĐ Dung Quất theo phương án khí

2.1.2.2 Thông số dự án theo phương án sử dụng khí

Với quyết định ngừng thực hiện dự án theo phương án than, chuyển đổi sang sử dụng khí vào khoảng năm 2020, tác giả thực hiện thiết lập mô hình dự án khí có công suất 1.200MW với các thông số được đưa ra theo tham khảo ý kiến tư vấn của PECC2 và được điều chỉnh

Bảng 2 - 4: Thông số cơ bản của dự án sử dụng khí làm nhiên liệu

Nguồn: Tư vấn của PECC2

Dự án cũng bao gồm hai giai đoạn là giai đoạn đầu tư kéo dài trong gần 3 năm (26 tháng) bắt đầu từ năm 2020 đến 2022 và giai đoạn vận hành thương mại bắt đầu từ năm 2023 Chi phí đầu tư như bảng 2 - 5

2 Giả định Sembcorp vẫn tiếp tục làm chủ đầu tư cho dự án NMNĐ Dung Quất sử dụng khí

Trang 24

Bảng 2 - 5: Chi phí đầu tư dự án theo phương án khí

Dự phòng tăng khối lượng và chi phí thực nội tệ % 10

Nguồn: Tư vấn của PECC2

Tiến độ phân bổ vốn đầu tư trong thời gian xây dựng phân bổ với các tỷ lệ như bảng dưới

Bảng 2 - 6: Tiến độ đầu tư dự án theo phương án khí

Nguồn: Tư vấn của PECC2

Khi dự án đi vào hoạt động theo phương án sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu đầu vào, khí

sẽ được mua từ dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh dự kiến do Tập đoàn Exxon Mobil của

Mỹ điều hành Và cũng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 04/2014, giá khí

ở nước ta sẽ được điều chỉnh theo cơ chế giá thị trường Do đó, tác giả giả định giá khí đầu

vào của dự án sẽ được mua theo giá thế giới Mức giá khí được tính ở Phụ lục 5 là 6,24

USD/triệu BTU, thay vì sử dụng mức 8,2 USD theo tư vấn của PECC2

Như vậy, khi đánh giá so sánh tính khả thi của hai phương án, tác giả giả định trong hai mô hình có cùng độ dài vòng đời dự án là 30 năm với mức giá bán điện của các hai dự án đều là 7,6 cent/KWh (vào năm 2016), giá điện tính theo USD và được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát của USD

2.2 Khung phân tích

Tác giả thực hiện phân tích tính khả thi trên cả hai phương diện kinh tế và tài chính Nếu dự

án có khả thi về mặt tài chính và kinh tế thì chủ đầu tư được khuyến khích thực hiện dự án

Trang 25

Nếu dự án chỉ có khả thi về mặt kinh tế nhưng không khả thi về khía cạnh tài chính, chủ đầu

tư không có động lực thực hiện dự án, khi đó, nhà nước nên can thiệp bằng các chính sách

hỗ trợ cho dự án Với trường hợp dự án không khả thi về phương diện kinh tế, tức dự án có thể tạo ra tổn thất trên tổng thể nền kinh tế, nhà nước không nên phê duyệt cho dự án

Có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá tính khả thi của một dự án: tiêu chuẩn giá trị hiện tại ròng NPV, suất sinh lời nội tại IRR,… Trong đó, tiêu chí giá trị hiện tại ròng được xem

là tiêu chuẩn thỏa đáng nhất (Glenn Jenkins và Arnold Harberger, 1995) Giá trị hiện tại ròng của các ngân lưu lợi ích và chi phí của dự án là đại lượng thu được khi chiết khấu giá trị của các dòng tiền theo một tỷ suất chiết khấu thể hiện được chi phí cơ hội của vốn Với tình huống phải lựa chọn giữa những dự án có tính thay thế nhau, không thể thực hiện các dự án đồng thời được, phải lựa chọn một dự án để thực hiện thì tiêu chuẩn giá trị hiện tại ròng vẫn

còn giá trị Theo Glenn Jenkins và Arnold Harberger (1995) thì “khi lựa chọn những dự án

thay thế nhau, ta phải luôn chọn dự án tạo ra hiện giá ròng lớn nhất” Điều này vẫn có ý

nghĩa trong trường hợp các dự án loại trừ nhau và có quy mô khác nhau

Trang 26

Chi phí kinh tế của dự án được xác định trên cơ sở chi phí tài chính chuyển từ giá danh nghĩa sang giá thực và nhân với hệ số chuyển đổi giữa chi phí tài chính và chi phí kinh tế ứng với từng loại chi phí (CF =PPef ) Giá kinh tế được xác định bằng công thức tổng quát:

Pe = Giá kinh tế chưa điều chỉnh + Phí bù ngoại hối = (Giá tài chính * Hệ số chuyển đổi CF) + [Giá tài chính * Hàm lượng ngoại thương * (Hệ số tỷ giá hối đoái kinh tế - 1)]

Với phương án sử dụng khí, chi phí kinh tế của dự án chủ yếu đến từ chi phí nhiên liệu khí được chuyển từ mỏ khí Cá Voi Xanh Chi phí kinh tế của khí bằng lượng khí tiêu thụ nhân với giá kinh tế của khí Giá kinh tế khí tự nhiên bằng bình quân trọng số của giá cung (tác động tăng thêm) và giá cầu (tác động thay thế) (Glenn Jenkins và Harberger, 1995) Khi không có NMNĐ Dung Quất thì lượng khí đó được cung cấp cho các dự án khác trong nước

ở mức giá khí thế giới Khi có NMNĐ Dung Quất, toàn bộ lượng khí tiêu thụ cho NMNĐ Dung Quất này sẽ sử dụng lượng khí mà dự kiến bán cho các dự án tiêu thụ khí khác trong nước khi không có dự án này Do đó, dự án hoàn toàn chỉ có tác động thay thế, và không có tác động tăng thêm Vì thế, giá kinh tế khí sẽ bằng với giá cầu, cũng là mức giá khí thế giới vào năm 2023 Giá khí cung cấp cho dự án NMNĐ Dung Quất được căn cứ theo giá thị trường thế giới Hiện tại, giá khí được định giá bằng 46% giá dầu HSFO Singapore năm

2015 cộng với chi phí vận chuyển khí tự nhiên (Hồ Thị Mỹ Hạnh, 2013) Giá dầu HSFO Singapore trung bình năm 2015 là 9,21 USD/mmBTU Chi phí vận chuyển khí năm 2015 là

2 USD/mmBTU (Howard Rogers, 2015) Giá khí thế giới năm 2015 là 6,24 USD/mmBTU

Tính toán chi tiết thể hiện trong Phụ lục 5 Giá khí thế giới năm 2016 sẽ được trượt giá so

với năm 2015 (6,24 USD/mmBTU) và mức giá này được sử dụng làm giá kinh tế của khí năm 2015, tác giả dùng để phân tích kinh tế dự án sử dụng khí

Ngoài ra, trong chi phí kinh tế của dự án, tác giả còn thực hiện lượng hóa ngoại tác tiêu cực của ô nhiễm không khí do bụi từ nhà máy thải ra bằng cách ước tính số người dân có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do bụi, nhân với chi phí tương ứng với các tổn thất sức khỏe người dân có thể mắc phải khi bị phơi nhiễm bụi

Trên cơ sở lợi ích kinh tế và chi phí kinh tế của dự án, ngân lưu kinh tế được thiết lập cho toàn

bộ vòng đời của dự án, trong đó ngân lưu ròng kinh tế được xác định như sau:

Ngân lưu kinh tế = Lợi ích tính theo giá kinh tế - Chi phí tính theo giá kinh tế

Trang 27

Chiết khấu ngân lưu kinh tế theo suất chiết khấu kinh tế ECOC, tính được giá trị hiện tại ròng kinh tế ENPV và suất sinh lợi nội tại của dự án Nếu ENPV của dự án lớn hơn hoặc bằng 0 thì

dự án khả thi về mặt kinh tế Ngược lại, nếu ENPV của dự án nhỏ hơn 0 thì dự án không khả thi trên phương diện kinh tế, nhà nước không nên phê duyệt dự án đầu tư này

- Bước thứ nhất là thiết lập ngân lưu ròng của dự án dựa vào các dòng ngân lưu chi phí và doanh thu tài chính của dự án Trong đó, lợi ích tài chính của dự án đến từ doanh thu bán điện và xỉ than Chi phí tài chính của dự án bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí nhiên liệu, chi phí O&M, thuế TNDN, chi phí vốn lưu động

- Bước thứ hai là chiết khấu ngân lưu ròng theo một suất chiết khấu phản ánh được chi phí cơ hội của vốn để xác định giá trị hiện tại ròng tài chính FNPV Nếu FNPV lớn hơn hoặc bằng 0 thì dự án khả thi về mặt tài chính Ngược lại, nếu FNPV nhỏ hơn 0 thì dự án không khả thi trên phương diện tài chính

Trên đây là cơ sở tác giả sử dụng để làm căn cứ phân tích tính khả thi của hai phương án

2.2.3 Cơ sở lý thuyết ước tính tổn thất sức khỏe

Cả than và khí đều là những nhiên liệu hóa thạch được hình thành từ xác của động thực vật sống cách đây hàng trăm triệu năm, không thể tái sinh Các nhiên liệu này ngày càng trở thành nguồn năng lượng sơ cấp quan trọng, đặc biệt là ngành sản xuất điện Nhiên liệu hóa thạch được cho là một trong những nguyên nhân của một loạt vấn đề môi trường hiện nay như ô nhiễm không khí, sự nóng lên toàn cầu, mưa axit… (Báo Tia sáng, 2007) Theo đó, NMNĐ với đầu vào là các nhiên liệu hóa thạch như than hay khí,… được xem là những nguồn gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Trần Hoàng Nguyên 2001) như biến đổi khí hậu (Turpie và đ.t.g, 2002), ô nhiễm không khí do những thành phần có trong khói thoát

ra từ các NMNĐ thải vào không khí (Van Horen, 1996)

Trang 28

Ô nhiễm không khí từ quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch gây ra các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là đường hô hấp Khi không khí bị ô nhiễm, sức khỏe

bị suy giảm, đẩy nhanh quá trình lão hóa, các chức năng về phổi bị giảm mạnh, con người

có nguy cơ cao mắc phải các bệnh như hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản, suy giảm tuổi thọ Trong Báo Cáo Môi Trường (2014), tổng kết từ số liệu thống kê của Bộ Y tế, các bệnh

liên quan đường hô hấp ở Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất

Bảng 2 - 7: Các bệnh có tỷ lệ người mắc bệnh cao trong phạm vi toàn quốc năm 2011

Năm 2011

Số người mắc bệnh (trên 100.000 người)

Tỷ lệ (%)

3 Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản 272,98 0,27%

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Báo cáo Môi Trường (2014)

Mỗi loại hình sản xuất của NMNĐ phát sinh các loại chất thải khác nhau Chất thải gây ô nhiễm không khí bao gồm chất thải sơ cấp và chất thải thứ cấp Lượng phát thải mỗi chất còn phụ thuộc vào loại nhiên liệu, công nghệ sử dụng; trong đó phổ biến là các chất như

NOx, CO, SO2, PM10,… Trong đề tài, tác giả chỉ giới hạn ở việc đánh giá tác động của ô nhiễm không khí từ các chất thải sơ cấp phát ra từ NMNĐ đến sức khỏe của con người và chỉ hạn chế trong ảnh hưởng do PM10 vì tác động của nó đến sức khỏe cũng như các nghiên cứu dịch tễ được thực hiện phổ biến, có thể ước lượng một cách tổng quan (WHO, 2013) Trong nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng phương pháp tiếp cận đánh giá tác động IPA để đánh giá tác động của mức ô nhiễm PM10 gia tăng do dự án gây ra đến khu vực lân cận Việc tính toán mức phát thải để xác định phạm vi tác động của nguồn thải có thể thực hiện theo bốn bước của cách tiếp cận từ dưới lên (Bottom up) (Blignaut và đ.t.g, 2011) như sau:

Trang 29

Hình 2 - 5: Các bước thực hiện đánh giá theo hướng tiếp cận từ dưới lên

Nguồn: Vẽ lại từ nghiên cứu của Blignaut và đ.t.g (2011)

2.2.3.1 Xác định nguồn phát thải

Quy trình đánh giá tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe con người bắt đầu bằng xác định nguồn ô nhiễm, tác nhân phát thải Thông tin dữ liệu về nhà máy điện đang khảo sát như loại nhiên liệu nhà máy sử dụng, chất lượng nhiên liệu, quy cách đốt, thành phần hóa học, thời gian vận hành, được sử dụng để đánh giá mức tập trung phát thải ở gần nhà máy

2.2.3.2 Mô hình hóa phát thải

Các chất gây ô nhiễm từ nhà máy được thải vào không khí và gây ra những thay đổi trong mức ô nhiễm ở khu vực lân cận Thông tin phát thải ở bước trên kết hợp với đặc điểm địa lý

để ước đoán mức ô nhiễm trong bước thứ hai này Sử dụng mô hình để tính toán mức độ tập trung các chất ô nhiễm đang xem xét, trong khu vực địa phương và khu vực bị ảnh hưởng (Gunatilake và đ.t.g, 2014) Các mô hình này là sự biểu diễn toán học quá trình tạp chất phát tán trong không khí, các phản ứng hóa học kết hợp với các thông tin về đặc trưng của nguồn phát thải cùng thông tin về đặc điểm khí tượng tại khu vực nguồn phát thải Có rất nhiều mô hình tính toán sự phát tán ô nhiễm trong môi trường không khí được sử dụng hiện nay trên thế giới Trong đó, mô hình vệt khói Gauss là một trong số những mô hình được sử dụng rộng rãi Cơ sở của mô hình này là biểu thức phân bố chuẩn hay còn gọi là phân bố Gauss các chất ô nhiễm trong khí quyển (Bùi Tá Long, 2008)

Trang 30

Hình 2 - 6: Mô hình vệt khói Gauss

Nguồn: Tác giả vẽ lại từ Bùi Tá Long (2008)

Theo mô hình Gauss, các chất thải phát tán ra ngoài không khí sẽ được chia ra làm 2 vùng ảnh hưởng: vùng 1 trong phạm vi bán kính 56 km với đặc điểm phát tán chất thải chịu tác động lớn bởi đặc điểm khí tượng, vùng 2 là vùng có bán kính ngoài 56 km, có thể lên đến 1.000 km, gồm các chất thải sơ cấp sẽ tách ra khỏi không khí do tác động của trọng lực hay

do các phản ứng hóa học hình thành chất kết tủa như NOx và SO2 thoát ra ngoài không khí kết hợp với O2 và hơi nước tạo nên những cơn mưa axit H2SO4 và HNO3 (Joseph V Sapadaro, 2002)

2.2.3.3 Đánh giá những tác động lên sức khỏe con người

Bước thứ ba là xác định các tác động đến sức khỏe con người do sự gia tăng lượng chất ô nhiễm trong không khí khu vực lân cận nhà máy thông qua ước tính số người chịu ảnh hưởng

do phơi nhiễm dưới chất thải Có nhiều mô hình nghiên cứu thể hiện mối tương quan giữa

số người bị ảnh hưởng do phơi nhiễm với mức gia tăng nồng độ chất thải Trong nghiên cứu này, do hạn chế về khả năng cũng như thông tin khí tượng thủy văn, tác giả sử dụng Mô hình quốc tế đồng nhất đơn giản SUWM (Simple uniform world model), tổng mức tác động I (ca bệnh (trường hợp)/năm) được thể hiện theo công thức như sau:

I = ∫ ρ(r)ERF (r, C(r, Q))dA

Chi tiết về các yếu tố và giả định của mô hình này được thể hiện rõ trong Phụ lục 4

Trang 31

2.2.3.4 Lượng hóa ngoại tác tổn thất sức khoẻ thành giá trị kinh tế

Chi phí ngoại tác của xã hội gây ra bởi các chất ô nhiễm là: D = I x UV Trong đó: UV được tính bằng USD/căn bệnh, là chi phí đơn vị điều trị cho một căn bệnh Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, tổn thất mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm,… Có nhiều cách thức để chuyển thành tiền khi lượng hóa thiệt hại sức khỏe con người, trong đó phổ biến là các phương pháp sau: Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contigent Valuation Method); Phương pháp tiếp cận chi phí sức khoẻ (Cost of Illness - COI) (Van Hor, và đ.t.g, 1996); Phương pháp chuyển giao lợi ích (Benefits Transfer);…

Trong đề tài, tác giả sử dụng phương pháp chuyển giao lợi ích bằng cách dựa vào những chi phí đã được tính trước ở Mỹ và quy đổi giá trị sang Việt Nam thông qua Tổng thu nhập quốc dân của quốc gia có điều chỉnh theo ngang bằng sức mua - PPP GNP của Mỹ và Việt Nam

Để áp dụng phương pháp này đòi hỏi phải có sự đánh giá sự phù hợp giữa hai nơi nghiên cứu, giữa nơi có nghiên cứu gốc được sử dụng và nơi chuyển đến Tính toán được thực hiện theo cách tính như sau:

UV (Việt Nam) = UV(US) ∗ (PPP GNP (Việt Nam)PPP GNP (US) )γ

Trong đó:

UV (Việt Nam) là chi phí điều trị bệnh ở Việt Nam;

UV(US) là chi phí điều trị bệnh ở Mỹ;

PPP GNP: tổng thu nhập quốc dân của quốc gia, điều chỉnh theo ngang bằng sức mua;

γ là hệ số co giãn WTP theo thu nhập

Bản thân phương pháp này có ưu điểm là sự thuận tiện và ít tốn kém chi phí thực hiện nghiên cứu Tuy nhiên nhược điểm là kết quả tính toán có thể không được đảm bảo khi các nơi nghiên cứu không có sự phù hợp

Trang 32

CHƯƠNG 3 PHÂN TÍCH KINH TẾ

Như đã trình bày ở trên, dự án đi vào hoạt động có thể mang lại những tác động tích cực như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng đang có xu hướng tăng lên; thu hút một lực lượng lớn lao động từ khu vực khác chuyển sang, qua đó góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân, cải thiện đời sống kinh tế Ngoài ra, NMNĐ đi vào hoạt động còn sẽ gây ra rất nhiều ngoại tác tiêu cực, điển hình và rõ ràng nhất chính là ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân vùng lân cận Do đó, việc đánh giá tính khả thi kinh tế của dự án có vai trò rất quan trọng Theo khung phân tích đã thiết lập trong chương

2, chương này sẽ tính toán các lợi ích và chi phí kinh tế của dự án như sau:

3.1 Lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế của dự án bao gồm giá trị kinh tế của điện bán ra tại của nhà máy và giá trị kinh tế của bán xỉ than Trong đó lợi ích kinh tế của bán điện được xác định bằng cách lấy mức giá điện kinh tế áp dụng cho dự án này nhân với sản lượng điện thương phẩm của dự

án sau khi loại trừ lượng tổn thất điện trong quá trình truyền tải và phân phối điện năng:

Giá trị kinh tế của điện

bán ra tại của nhà máy =

(Giá điện kinh tế tới người tiêu dùng – Chi phí truyền tải và phân phối) x

Sản lượng điện

 Tính mức giá điện kinh tế của dự án áp dụng cho cả hai phương án than và khí

Giá điện kinh tế áp dụng cho dự án được tính bằng cách lấy mức sẵn lòng chi trả WTP trừ

đi chi phí truyền tải – phân phối và quản lý Theo nghiên cứu của NHTG năm 2002, mức giá điện kinh tế áp dụng cho dự án NMNĐ Phú Mỹ là 7,5 cent/KWh Trong nghiên cứu của

Lê Bảo Bình với dự án NMNĐ Vân Phong vào năm 2012, giá điện kinh tế là 7,17 cent/KWh Với dự án NMNĐ Dung Quất, tác giả tính toán lại mức sẵn lòng chi trả cho 1 KWh thông qua mức sẵn lòng chi trả (WTP) của các khu vực tiêu dùng điện khác nhau Mặc dù giá điện

do nhà nước điều tiết, nhưng trong những năm gần đây, người tiêu dùng (hộ gia đình và doanh nghiệp) không phải hạn chế tiêu dùng vì thiếu điện, tình trạng cắt điện cũng ít xảy ra Trên cơ sở này, mức sẵn lòng chi trả này của mỗi khu vực sử dụng điện được tính dựa trên mức trung bình giá điện lúc cao điểm và thấp điểm được áp dụng cho từng khu vực tiêu thụ khác nhau theo quy định tại Thông tư 16/2014/TT-BCT (Bộ Công Thương, 2014)

Trang 33

Bảng 3 - 1: Cơ cấu tiêu dùng điện năm 2014

Khu vực Công nghiệp Nông nghiệp Dịch vụ Sinh hoạt Khác

Giá điện bình quân 2.126,50 2.060,00 3.155,50 2.060,00 1.671,00

Nguồn: Tác giả tính dựa theo Báo cáo ngành điện (2015) và Bộ Công Thương (2014a)

Chi phí truyền tải – phân phối và quản lý được tính toán theo bảng 3 – 2

Bảng 3 - 2: Chi phí truyền tải, phân phối và quản lý điện năm 2014

3 Chi phí điều hành - quản lý, dịch vụ kỹ

5 Chi phí truyền tải, phân phối, quản lý VNĐ/KWh 5=(1+2+3)/4 338,3

6 Chi phí truyền tải, phân phối, quản lý USD/KWh 6=5/21.036 0,016

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào Bộ Công Thương (2014)

Qua đó, mức giá điện kinh tế áp dụng cho dự án NMNĐ Dung Quất là 8,5 cent/KWh và được giả định không đổi đến năm 2016

Xác định mức tổn thất trong truyền tải, phân phối và quản lý

Tổn thất điện năng là lượng điện năng bị tiêu hao trong quá trình truyền tải và phân phối điện khi điện năng được tải từ điểm giao nhận với đơn vị sản xuất điện đến khách hàng tiêu thụ điện sau khi chuyển qua lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối Trong những năm qua, tỷ lệ tổn thất điện ở Việt Nam có xu hướng cải thiện khi giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,6% năm 2014 (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015) Chính phủ đặt ra cho ngành điện chỉ tiêu mức tổn thất điện năng là 8,00% vào năm 2015 và giảm xuống còn 6,5% vào năm

Trang 34

2020 Do đó, tác giả áp dụng mức tỷ lệ tổn thất điện năng của EVN năm 2015 là 8,00% và giảm dần đều đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 6,5% theo mục tiêu chính phủ đặt ra.

Biểu đồ 3 - 1: Tỷ lệ tổn thất điện năng Việt Nam qua các năm

Nguồn: Báo cáo ngành điện (Nguyễn Ngọc Hoàng, 2015)

Với mức giá điện kinh tế đã tính, sản lượng điện thương mại và tỷ lệ tổn thất điện năng được giả định trên, tác giả tính được lợi ích kinh tế của dự án NMNĐ Dung Quất Kết quả thể hiện

trong Phụ lục 15 và Phụ lục 17

3.2 Chi phí kinh tế

Chi phí kinh tế của NMNĐ Dung Quất bao gồm giá trị kinh tế của chi phí đầu tư ban đầu và chi phí hoạt động trong giai đoạn vận hành thương mại Chi phí kinh tế được xác định dựa trên theo công thức xác định hệ số chuyển đổi giữa giá kinh tế và giá tài chính của dự án là

CF =PPef

Ngoài ra, trong chi phí kinh tế của dự án, tác giả còn nội hóa chi phí ngoại tác tiêu cực của

ô nhiễm không khí do bụi của nhà máy tác động đến của người dân đến sức khỏe người dân

3.2.1 Hệ số chuyển đổi

Hệ số chuyển đổi CF là tỷ lệ giữa chi phí tài chính và chi phí kinh tế Chi tiết tính toán CF

từng hạng mục ở Phụ lục 6 Ta có bảng tổng hợp các hệ số chuyển đổi CF cho từng khoản

mục của hai phương án như bảng sau

Trang 35

Bảng 3 - 3: Tổng hợp hệ số chuyển đổi theo hai phương án

III Doanh thu

Nguồn: Tính toán và giả định của tác giả.

3.2.2 Chi phí đầu tư

Chi phí đầu tư kinh tế được tính bằng cách lấy hệ số chuyển đổi ứng với từng hạng mục chi phí nhân với chi phí tài chính của khoản mục đó Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực nên số liệu chi phí đầu tư tài chính được tác giả thu thập từ Thuyết minh báo cáo đầu tư, đơn vị tư vấn dự án và điều chỉnh theo lạm phát thay vì xác định chi tiết thành phần thiết bị và giá trị thực tế của các khoản chi phí trên thị trường hiện nay

Trang 36

3.2.3 Phí thưởng ngoại hối

Tỷ giá hối đoái kinh tế phản ánh chi phí cơ hội của ngoại tệ mà dự án sử dụng Dựa theo kết quả nghiên cứu của Lê Thế Sơn (2011) trong xác định hệ số tỷ giá hối đoái kinh tế của Việt Nam, ta có tỷ lệ giữa tỷ giá hối đoái kinh tế và tỷ giá hối đoái chính thức trong giai đoạn từ

2007 đến 2010 thay đổi từ 1,08 đến 1,16, và mức trung bình chênh lệch trong giai đoạn này

là 12% Trong luận văn này, tác giả sử dụng mức tỷ lệ trung bình 1,12 tương ứng với mức chênh lệch trung bình 12% cho thẩm định dự án NMNĐ Dung Quất Tỷ lệ trung 1,12 cũng gần với mức tỷ lệ được WB sử dụng để thẩm định một số dự án thời gian gần đây

Bảng 3 - 4: SERF sử dụng trong thẩm định kinh tế của WB và ADB

Dự án cải tạo hệ thống cấp nước và vệ sinh tại

Dự án đường dây cao tốc Bến Lức – Long

Dự án vững mạnh khí hậu tích hợp sinh kế bền

Nguồn: Nguyễn Xuân Thành, 2016

3.2.4 Chi phí vốn kinh tế

Chi phí cơ hội của vốn về mặt kinh tế được xác định bởi cung và cầu vốn trong nền kinh tế sau khi điều chỉnh những tác động bóp méo thị trường Chi phí vốn ảnh hưởng đến kết quả tính khả thi của dự án được thẩm định Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến việc lựa chọn công nghệ cho dự án (Nguyễn Phi Hùng, 2010) Khi thẩm định các dự án ở Việt Nam, người ta thường sử dụng các mức chi phí cơ hội của vốn bằng với mức chi phí cơ hội kinh tế của vốn được các tổ chức viện trợ áp dụng cho các quốc gia đang phát triển tùy theo ngành (Zhuang

và đ.t.g, 2007 trích trong Nguyễn Phi Hùng, 2010) Suất chiết khấu kinh tế được áp dụng cho các, dự án giao thông là là 12% (ADB, 2015), dự án điện là 10% (Bộ Công Nghiệp, 2007) Trong nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng chi phí cơ hội kinh tế của vốn ở Việt Nam

Trang 37

theo nghiên cứu của Nguyễn Phi Hùng (2010) là 8,00% và có phân tích độ nhạy của kết quả

thẩm định khi sử dụng các mức chi phí vốn khác nhau

3.2.5 Ngoại tác của dự án Nhà máy nhiệt điện

Dự án NMNĐ tạo ra những ngoại tác đến nền kinh tế, trong giai đoạn xây dựng lẫn thời gian vận hành thương mại, gồm cả ngoại tác tích cực lẫn tiêu cực Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch – loại nhiên liệu không an toàn cho sự phát triển bền vững – làm đầu vào của dự

án, NMNĐ gây ra một loạt các ngoại tác tiêu cực liên quan đến môi trường như sự nóng lên toàn cầu, ô nhiễm nước, mưa axit, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn,…

3.2.5.1 Nóng lên toàn cầu

Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch khiến cho lượng CO2 tăng lên nhanh, CO2 là nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu vì CO2 hấp thụ tốt tia hồng ngoại Ngoài ra, NMNĐ còn thải ra NO2 vốn hấp thụ nhiều nhiệt hơn cả CO2 Sự tăng lượng khí CO2 và NO2 làm tăng nhiệt lượng bị hấp thụ, tăng nhiệt độ trung bình của trái đất (Genk, 2012), nhiệt độ trên

bề mặt trái đất nóng dần lên, nguyên nhân sâu xa của vấn đề biến đổi khí hậu, dẫn đến các hiện tượng nước biển dâng lên, các hiện tượng khí hậu cực đoan và sự gia tăng thiên tai cả

về số lượng lẫn cường độ (Báo Cáo Môi Trường 2014)

3.2.5.2 Ô nhiễm tiếng ồn

Mặc dù khó đo lường nhưng cũng có một số nghiên cứu còn cho thấy NMNĐ cũng là nguồn gây ra ô nhiễm tiếng ồn Nguồn gây ra tiếng ồn đến từ hoạt động của tuabin phát điện, nồi hơi, các động cơ diesel, quạt, thiết bị bơm, hệ thống làm mát,…(IFC, 2008)

3.2.5.3 Tác động đến nguồn nước

Nếu như nước là một tài nguyên vô cùng quý giá và đang trở nên dần cạn kiệt thì NMNĐ lại

được coi là “quái vật uống hết nước của nhân loại” (Lê Thành Ý, 2015) Dù sử dụng bằng

bất kỳ loại nhiên liệu nào thì một NMNĐ đều tiêu thụ một lượng nước rất lớn cho việc làm nguội bộ ngưng, làm mát hệ thống máy Quá trình hút lượng lớn nước cho nhà máy sẽ ảnh hưởng đến những đối tượng sử dụng nước khác như canh tác nông nghiệp, nguồn nước dành cho sinh hoạt Hơn nữa, sau quá trình sử dụng, lượng nước thải ra từ nhà máy còn chứa các hóa chất có tác động tiêu cực đến hệ thống thủy sinh (IFC, 2008)

Trang 38

3.2.5.4 Ô nhiễm nhiệt

Quá trình đốt cháy các nhiên liệu tạo ra nhiệt năng Lượng nhiệt này được chia ra làm hai phần, một phần để sản xuất điện năng, phần còn lại giải phóng vào môi trường xung quanh Theo báo cáo đầu tư, 37,18% lượng nhiệt từ NMNĐ Dung Quất chuyển thành điện năng, hơn 60% còn lại trở thành nguồn gây ô nhiễm nhiệt cho khu vực xung quanh Nhiệt độ cao tác động đến con người thông qua tác động của nhiệt vào môi trường không khí như các biến đổi về sinh lý như cơ tim hoạt động mạnh, mất lượng muối khoáng lớn, rối loạn sinh lý,…

và tác động vào hệ thủy sinh khi thông qua tác động vào môi trường nước (IFC, 2008)

3.2.5.5 Nguy cơ từ bãi thải xỉ

Trong nghiên cứu của mình, tác giả giả định tro xỉ của dự án tìm được đầu ra và sử dụng làm vật liệu xây dựng Tuy nhiên, một nguy cơ tiềm tàng cho môi trường không thể không nhắc với các NMNĐ đốt than là tác động môi trường của bãi thải xỉ Quá trình đốt cháy than để sản xuất điện bao giờ cũng có một lượng than chưa cháy hết, tồn lại ở dạng tro đáy và tro bay phát tán vào không khí hàng triệu tấn mỗi năm Tro bay thường được thu hồi bởi màng lọc tĩnh điện, tro đáy được chuyển đến các bãi thải xỉ hoặc các bãi chôn lấp Các bãi này có thể làm ô nhiễm nước ngầm và cả nước mặt, trong trường hợp có gió sẽ phát tán theo gió vào không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sức khỏe của con người (Phan Thị Minh Thu, 2011) Hơn thế nữa, một nguy cơ tiềm tàng nghiêm trọng khác của các bãi thải xỉ này phải kể đến là “nguy cơ bùn xám” (Hoàng Sơn, 2015)

3.2.5.6 Ô nhiễm không khí

Quá trình đốt than ở các nhà máy nhiệt điện tạo ra một lượng lớn các chất khí như CO2, CO,

NOx, SO2,các hạt bụi bay nhỏ PM, thủy ngân và các kim loại nặng khác

Bụi gây tác động kích thích cơ học đến phổi, có thể gây ra các bệnh lý liên quan đến đường

hô hấp của con người như bệnh hen suyễn, viêm cuống phổi, viêm cơ phổi,

NO 2 là loại khí có kích thích mạnh đến đường hô hấp, tác động mạnh lên hệ thần kinh và

phá hủy các tế bào phổi: Ở nồng độ 5 ppm, NO2 có thể gây ảnh hưởng đường hô hấp Khi nồng độ của khí này lên đến 100 ppm có thể gây tử vong cho con người cũng như động vật trong ít phút Nếu tiếp xúc lâu với khí này có thể gây ra các bệnh trầm trọng về phổi

SO 2 là khí độc đối với sức khỏe con người Khi nồng độ tăng lên có thể gây ra triệu chứng

co giật trơn của khí quản, hay nặng hơn là tăng tiết dịch niêm mạc đường khí quản Theo

Trang 39

đường hô hấp, đường tiêu hóa, hay qua da, khí này đi vào cơ thể, tác động lên sức khỏe con người

Tác động đến sức khỏe con người do những chất thải trên được trình bày trong Phụ lục 7

Ngoài ra, NOx và SO2 chứa trong khí thải thoát ra từ nhà máy sẽ kết hợp với O2 và nước có sẵn tạo nên những cơn mưa chứa đầy chất axit (Joseph V Sapadaro., 2002) Theo nghiên cứu của Viện khoa học khí tượng thủy văn và môi trường trong Báo cáo môi trường (2014), mưa axit gây ra nhiều tác hại tiêu cực lên đất đai, mùa màng, hệ thủy sinh và sức khỏe con người Với hệ thủy sinh, mưa axit làm tăng lượng axit trong nước ao hồ, làm cho sinh vật dưới nước bị chết Ngoài ra, độ chua trong mưa axit làm hòa tan bụi kim loại và oxit kim loại… thành thứ nước cực kỳ độc hại với cây trồng, vật nuôi và con người, phá hủy các công trình xây dựng,… Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi mưa axit làm tan và rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất, đặc biệt phóng thích các hợp chất chứa nhôm ra các ion nhôm mà

rễ cây có thể hấp thụ và bị phá hoại, gây độc cho cây, ức chế sinh trưởng và phát triển của cây, giảm năng suất

3.2.5.7 Lượng hóa tổn thất sức khỏe từ ô nhiễm không khí

Trong giới hạn nghiên cứu của luận văn cũng như giới hạn về số liệu thiết kế của NMNĐ phương án bằng khí, tác giả không thực hiện bước mô hình hóa phát thải ra không khí của NMNĐ mà sử dụng kết quả từ những nghiên cứu trước và tập trung vào lượng hóa tác động của phát thải lên sức khỏe con người thông qua sử dụng phần mềm Riskpoll phiên bản 1.052 được phát triển bởi Sapadaro cùng với những kết quả trong nghiên cứu của Lê Bảo Bình

(2013) với dự án NMNĐ Vân Phong Chi tiết thực hiện được thể hiện ở Phụ lục 9 Dưới tác

động của ô nhiễm không khí, sức khỏe của con người có thể bị các tổn thất như bảng sau:

 CM - Chronic Mortality - Tử vong mạn tính: Số người tử vong, được xác định thông qua

số năm bị mất Một số nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa tỷ vong mãn tính và ô nhiễm không khí có liên quan đến các đặc điểm nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi theo Abbey

và đ.t.g (1999) trích trong (Leksell và Rabl (2001)

 RHA - Respiratory Hospital Admissions - Các trường hợp phải đến các cơ sở y tế để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp

 CHA - Cardiovascular Hospital Admissions - Các trường hợp phải đến các cơ sở y tế để điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch

Trang 40

 RAD - Restricted activity days - Những ngày làm việc bị hạn chế: Những ngày làm việc

bị hạn chế, bao gồm những ngày vì mắc bệnh mà bệnh nhân nằm trên giường, không làm việc và những ngày người bệnh không thể làm việc hết năng suất cho công việc

 LRI - Low Respiratory Systoms - Các triệu chứng về hô hấp, bệnh nhỏ lẻ hay gặp hàng ngày: Một số triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi, đau họng xuất phát từ nguyên nhân ô nhiễm không khí Các triệu chứng này để để lâu ngày không chữa trị sẽ làm tình hình bệnh nặng hơn như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn mãn tính,

 ASA - Asthma - Bệnh hen suyễn: Hen suyễn đi kèm với sự nhạy cảm của đường dẫn khí đến các cơn suyễn tái đi tái lại của các triệu chừng khò khè, khó thở, nặng ngực và họ, đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm Đây là một bệnh lý mãn tính trên đường dẫn khí ở phổi, nó không bao giờ mất đi cả, và có thể làm cho người bệnh tử vong đột ngột nếu không

có thuốc đúng thời điểm, nếu điều trị không đúng cách có thể gây suy giảm dài hạn chức năng phổi (suy hô hấp mãn tính)

 CB - Chronic Bronchitis - Bệnh viêm phế quản mạn tính: Nguyên nhân trực tiếp là khói bụi trong không khí Viêm phế quản mãn tính không chữa khỏi được, mỗi khi đến thời điểm lại bị lại, gây khó chịu dai dẳng và mệt mỏi cho người mặc bệnh với những triệu chứng như

sổ mũi, ho khạc đờm

Kết quả tính toán tổn thất sức khỏe của hai phương án được thể hiện trong bảng sau

Bảng 3 - 5: Chi phí tổn thất sức khỏe của phương án than từ Riskpoll

Hậu quả

sức khỏe Đơn vị tính động Tác Chi phí trên một trường

hợp ở Việt Nam (USD)

Tổng chi phí ngoại tác PA than (USD)

Ngày đăng: 13/03/2017, 13:40

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
13. Genk (2012), “Những sự thật khủng khiếp về sự nóng lên toàn cầu”, Genk, truy cập vào 05/04/2016 tại địa chỉ:http://genk.vn/kham-pha/nhung-su-that-khung-khiep-ve-su-nong-len-toan-cau--20120217093832510.chn Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những sự thật khủng khiếp về sự nóng lên toàn cầu”, "Genk
Tác giả: Genk
Năm: 2012
14. Hải Vân (2014), “Công bố vị trí ranh giới xây dựng nhà máy nhiệt điện Dung Quất”, Kinh tế nông thôn, truy cập ngày 3/4/2016 tại địa chỉ:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Cong-bo-vi-tri-ranh-gioi-xay-dung-Nha-may-Nhiet-dien-Dung-Quat-108-47633.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: Công bố vị trí ranh giới xây dựng nhà máy nhiệt điện Dung Quất”, "Kinh tế nông thôn
Tác giả: Hải Vân
Năm: 2014
15. Hoàng Sơn (2015), “Nhiệt điện chạy than, hiểm hoạ bùn xám và giải pháp”, Thời báo kinh tế Sài Gòn, truy cập tại địa chỉ:http://www.thesaigontimes.vn/129298/Nhiet-dien-chay-than-hiem-hoa-bun-xam-va-giai-phap.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhiệt điện chạy than, hiểm hoạ bùn xám và giải pháp”, "Thời báo kinh tế Sài Gòn
Tác giả: Hoàng Sơn
Năm: 2015
16. Hồ Thị Mỹ Hạnh (2013), Thẩm định Kinh Tế và Tài Chính Dự án Amoniac Phú Mỹ, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thẩm định Kinh Tế và Tài Chính Dự án Amoniac Phú Mỹ
Tác giả: Hồ Thị Mỹ Hạnh
Năm: 2013
17. Lê Bảo Bình (2013), Thẩm định Dự án Nhà Máy Nhiệt điện Vân Phong, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thẩm định Dự án Nhà Máy Nhiệt điện Vân Phong
Tác giả: Lê Bảo Bình
Năm: 2013
18. Lê Phúc Yên (2014), Thẩm định tính khả thi của nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thẩm định tính khả thi của nhà máy nhiệt điện Long Phú 1
Tác giả: Lê Phúc Yên
Năm: 2014
19. Lê Thành Ý (2015), “Nhiệt điện than. Vấn đề trao đổi”, Green ID, truy cập ngày 4/3/2016 tại địa chỉ:http://greenidvietnam.org.vn/notices/nhiet-dien-than-van-de-trao-doi-ky-2.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nhiệt điện than. Vấn đề trao đổi”, "Green ID
Tác giả: Lê Thành Ý
Năm: 2015
20. Lê Thế Sơn (2011), Ước tính tỷ giá hối đoái kinh tế của Việt Nam, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ước tính tỷ giá hối đoái kinh tế của Việt Nam
Tác giả: Lê Thế Sơn
Năm: 2011
22. Nguyễn Minh Đức (2016),“Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, truy cập vào ngày 01/06/2016 tại địa chỉ:http://www.thesaigontimes.vn/146248/Lo-hong-moi-truong-khi-quyet-dinh-cac-du-an-kinh-te.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lỗ hổng môi trường khi quyết định các dự án kinh tế”, "Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Tác giả: Nguyễn Minh Đức
Năm: 2016
23. Nguyễn Ngọc Hoàng (2015), Báo Cáo Ngành điện 07/2015, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT Sách, tạp chí
Tiêu đề: Báo Cáo Ngành điện 07/2015
Tác giả: Nguyễn Ngọc Hoàng
Năm: 2015
24. Nguyễn Phi Hùng (2010), Ước tính chi phí cơ hội kinh tế của vốn ở Việt Nam, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ước tính chi phí cơ hội kinh tế của vốn ở Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Phi Hùng
Năm: 2010
25. Nguyễn Thị Thanh Thảo, “Nghiên cứu xác định hệ số phát thải một số chất ô nhiễm không khí của nhà máy nhiệt điện đốt than Quảng Ninh”, Khoa học & Công nghệ Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghiên cứu xác định hệ số phát thải một số chất ô nhiễm không khí của nhà máy nhiệt điện đốt than Quảng Ninh”
26. Nguyễn Xuân Thành (2014), Nghiên cứu tình huống dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghiên cứu tình huống dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Tác giả: Nguyễn Xuân Thành
Năm: 2014
27. Nguyễn Xuân Thành (2016), Bài giảng Phân tích lợi ích và chi phí kinh tế hàng ngoại thương, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phân tích lợi ích và chi phí kinh tế hàng ngoại thương
Tác giả: Nguyễn Xuân Thành
Năm: 2016
30. PECC1 – Công ty tư vấn điện lực 1 (2013), “Lễ ký hợp đồng dịch vụ tư vấn dự án NMNĐ Dung Quất”, Công ty tư vấn điện lực 1, truy cập vào 02/12/2015 tại địa chỉ:http://www.pecc1.com.vn/San-xuat-kinh-doanh_23/Le-ky-hop-dong-dich-vu-tu-van-lap-du-an-dau-tu-NMND-Dung-Quat-2x600MW_756.aspx Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lễ ký hợp đồng dịch vụ tư vấn dự án NMNĐ Dung Quất"”, Công ty tư vấn điện lực 1
Tác giả: PECC1 – Công ty tư vấn điện lực 1
Năm: 2013
31. Phạm Văn Đạt (2011), Thẩm định kinh tế - tài chính nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thẩm định kinh tế - tài chính nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1
Tác giả: Phạm Văn Đạt
Năm: 2011
32. Phan Thị Minh Thu (2011), Đánh giá môi trường khu vực công ty nhiệt điện Cao Ngạn, Đại học Thái Nguyên Sách, tạp chí
Tiêu đề: Đánh giá môi trường khu vực công ty nhiệt điện Cao Ngạn
Tác giả: Phan Thị Minh Thu
Năm: 2011
34. Tổng cục thống kê, Dự Báo Dân Số Việt Nam Từ 2009 đến 2049, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Dự Báo Dân Số Việt Nam Từ 2009 đến 2049
36. UBND Tỉnh Quảng Ngãi (2015), Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch, tiến độ chi tiết thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và GPMB Dự án NMNĐ Sembcorp, Quảng Ngãi Sách, tạp chí
Tiêu đề: Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch, tiến độ chi tiết thực hiện công tác bồi thường, tái định cư và GPMB Dự án NMNĐ Sembcorp
Tác giả: UBND Tỉnh Quảng Ngãi
Năm: 2015
38. Văn Huy (2016), “PetroVietnam đầu Tư Dự án Mỏ Khí 4,6 Tỷ USD ở Quảng Nam”, Thanh niên Quảng Nam, truy cập ngày 4/5/2016 tại địa chỉ:http://www.thanhnienquangnam.com/petrovietnam-dau-tu-du-mo-khi-46-ty-usd-o-quang-nam.html Sách, tạp chí
Tiêu đề: PetroVietnam đầu Tư Dự án Mỏ Khí 4,6 Tỷ USD ở Quảng Nam”, "Thanh niên Quảng Nam
Tác giả: Văn Huy
Năm: 2016

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w