Mộtchuyệntìnhhiếmthấygiữađời nay17:07' 30/11/2008 (GMT+7) - Tháng 7 vừa rồi, khi đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) sinh con đầu lòng, tôi gặp một cặp vợ chồng có chuyệntình vô cùng đặc biệt mà nếu ai biết chắc chắn cũng sẽ coi đây là một “thiên tình”. Duyên phận oan nghiệt Trương Văn Chín quê ở xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cuối năm 1999, khi đang là chiến sĩ của Binh đoàn Cửu Long, anh bị bệnh rô-na thần kinh, phải vào điều trị ở Bệnh viện 4. Tại đây, Chín gặp Nguyễn Thị Phương, người con gái xứ Nghệ, đang chữa bệnh cùng khoa. Bệnh tật và sự xếp đặt của duyên phận đã đưa họ đến với nhau. Họ yêu nhau như bao cặp tình nhân khác. Năm 2001, Chín hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Anh đến khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) đón Phương về ra mắt gia đình. Hai người định sau khi Chín tìm được việc làm sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng điều vô cùng bất hạnh bất ngờ ập đến. Trong lúc Chín đang ở nhà lo tìm việc thì bệnh khớp của Phương tái phát. Cô đi khám, tất cả các bệnh viện đều có chung kết luận: U tủy sống! Một căn bệnh quái ác mà đến nay ngành y vẫn “bó tay”! Đau đớn vì bệnh tật, thất vọng về tinh thần, Phương xuống sức rất nhanh. Đang là thiếu nữ khỏe khoắn có nước da trắng hồng, sau 2 tháng, người Phương chỉ còn da bọc xương, đôi chân teo như hai que sậy, cân nặng chỉ còn 28 kg và cô phải nằm liệt giường. Trước khi trở về nhà ở xứ núi Nghệ An, Phương viết cho Chín lá thư nhòe nước mắt: “Đừng tìm em nữa. Xin anh hãy đi tìm hạnh phúc mới! Em mắc bệnh quá hiểm nghèo…”. Trái tim vàng vượt ngàn gian khó Biết tin người yêu bị bạo bệnh không thể chữa khỏi, Chín bàng hoàng như vừa từ trên trời rơi xuống đất. Anh nói dối gia đình là đi xin việc rồi dò hỏi địa chỉ, lặn lội hơn một nghìn cây số tìm đến tận nhà Phương ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Đang nằm bất động, Phương không tin vào mắt mình khi thấy Chín xuất hiện. Họ ôm nhau khóc như chưa bao giờ được khóc. Ở Nghệ An chăm sóc Phương một thời gian, Chín không đành lòng nhìn người yêu ngày càng tàn tạ. Anh đưa Phương vào TP.HCM tiếp tục chạy chữa với hi vọng “còn nước còn tát”. Suốt 6 tháng trời, ban ngày Chín quần quật đi làm thuê ở các quán cơm để thêm tiền cho Phương chữa bệnh; tối anh vào bệnh viện túc trực, chăm sóc người yêu. Khi nghe tin có đoàn bác sĩ giỏi người Pháp sang công tác ở Bệnh viện Hòa Hảo, Chín lại đưa Phương đến xin được khám, chữa . Nhưng một lần nữa, các bác sĩ lại kết luận bệnh u tủy của Phương không thể nào chữa được. Chín gội đầu cho Phương. (Ảnh Minh Nguyệt) Không chỉ hết lòng chăm sóc người yêu, thương gia đình Phương quá nghèo khó, gạo cũng không đủ ăn, Chín lao vào làm đủ thứ việc. Đất vùng núi Tân Kỳ toàn sỏi đá khô cằn, hầu hết các gia đình đều bỏ vườn hoang. Thế nhưng chàng trai xứ miệt vườn không chịu “bó tay”. Trong 2 năm ở nhà Phương, Chín lao động cật lực, biến mảnh đồi gần 2 nghìn mét vuông của gia đình Phương thành một vườn cây ăn quả và hệ thống giàn trồng đủ các loại bí, bầu, su su, thiên lý… Để có vườn cây ấy, Chín đã phải đào hết sỏi đá lên, dùng xe trâu đi 2 cây số chở đất bãi về thay thế. Không có tiền mua cây giống, Chín đi khắp các xã lân cận tìm những gia đình có cây ăn quả xin chiết cành với thoả thuận “chủ một nửa, mình một nửa”. Nhìn khu vườn nhà Phương thành trang trại, bà con xóm Gia Đề phục lăn tài trồng cây và đức tính cần cù của Chín. Nhiều gia đình đến học Chín cách làm vườn và được anh tận tình hướng dẫn. Chăm sóc người yêu nằm liệt giường và gánh vác công việc vất vả là thế, nhưng Chín vẫn không quên dành cho Phương những tình cảm lãng mạn với mong muốn người mình yêu được sống những ngày cuối đời hạnh phúc. Đêm canh Phương ngủ, Chín tranh thủ trang trí căn phòng cô nằm đẹp như buồng cô dâu. Anh còn tỷ mẩn làm tặng Phương mô hình ngôi nhà bằng những mảnh tre ghép. Ngôi nhà xinh xắn ấy có mảnh sân nhỏ, giàn hoa tím và cái xích đu. Chín bảo: “Đó là ngôi nhà mơ ước mà bọn em hằng mơ ước”. Tình yêu chiến thắng nỗi đau Hôm tôi đến Bệnh viện Bảo Long tìm gặp “đôi tình nhân đặc biệt”, ông Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long, đưa tôi sang phòng ở của vợ chồng Chín – Phương giữa lúc Chín đang giúp Phương vệ sinh thân thể. Ngồi chờ ngoài hành lang, vị bác sĩ kể: “Năm 2006, chúng tôi đón bệnh nhân Phương về điều trị miễn phí, cậu Chính nằng nặc xin đi theo để phục vụ. Ai biết chuyện cũng nghĩ chắc Chín “có vấn đề về thần kinh” nên mới yêu cô gái này. Nhưng đã gần ba năm ở đây, càng ngày mọi người càng mến phục Chín. Cậu ấy làm công tác tư tưởng và chăm sóc bệnh nhân còn tốt hơn bác sĩ. Chị không tưởng tượng được đâu! Phương bị liệt nửa thân dưới, hệ thống bài tiết hỏng cả. Ngày nào Chín cũng vài lần làm vệ sinh cho cô ấy, rồi tắm giặt, gội đầu… Không những thế, chàng trai này còn thường xuyên hát vọng cổ cho người yêu nghe. Tôi nghĩ, dù thầy thuốc tài giỏi đến mấy mà không có tình yêu của Chín thì Phương cũng khó lòng đỡ bệnh.” Nói đến vợ chồng Chín – Phương, hàng nghìn cán bộ, nhân viên và bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Bảo Long đều bày tỏ sự xúc động, thán phục. Ai cũng bảo: “Họ đúng là một cặp “thiên tình” và Chín là người đàn ông tốt bụng có một không hai. Gần 3 năm chăm sóc người yêu ở bệnh viện, bệnh của Phương có phần thuyên giảm nhưng cô vẫn bị liệt nửa người, nằm liệt giường. Thế mà Chín vẫn quyết định cưới Phương. Hôm tổ chức đám cưới, nhìn chú rể bế cô dâu chụp ảnh kỷ niệm, cả hội trường lặng đi. Dù rất muốn cười nhưng ai cũng giàn giụa nước mắt…”. Ngày cưới, cô dâu trên xe lăn. (Ảnh Minh Nguyệt) Từ ngày vợ có bầu, rồi sinh con, Chín càng vất vả bội phần. Vừa chăm vợ, chăm con, vừa trực bảo vệ bệnh viện, mỗi ngày Chín chỉ được ngủ 1- 2 tiếng đồng hồ. Nhưng chưa ai thấy chàng trai này kêu ca một lời. Nụ cười lúc nào cũng nở trên môi Chín và nét mặt Phương cũng luôn rạng ngời hạnh phúc dù trọng bệnh luôn làm cô đau đớn. Ngồi trong phòng bệnh cũng là ngôi nhà hạnh phúc của Chín và Phương cả buổi sáng, tôi được chứng kiến tất cả những điều mọi người kể về “cặp tình nhân đặc biệt”. Phương nằm suốt ngày, không làm được việc gì khác ngoài… cho con bú (ngay cả khi đó Chín cũng phải giúp đỡ thì con mới bú được). Khi con ngủ, Chín vội vàng giặt giũ, nấu cơm, sắc thuốc, làm vệ sinh cá nhân cho vợ…Dường như không một phút nào chàng trai này được an nhàn, nghỉ ngơi. Nằm tiếp chuyện tôi, Phương nức nở nhưng ánh mắt rạng ngời, mãn nguyện: “Em sống được đến bây giờ là nhờ anh Chín. Nếu không có anh ấy, em đã chết từ lâu vì tuyệt vọng . Từ ngày em sinh con, anh Chín vừa phải làm chồng, làm cha, làm mẹ, làm thầy thuốc. Em thương anh ấy vô chừng mà đành bất lực…”. Trời có phép màu Hơn 5 năm kể từ khi đưa Phương từ TP.HCM về Nghệ An rồi đến Bệnh viện Bảo Long điều trị, Chín không dám về thăm nhà vì sợ trong lúc mình đi vắng, nhỡ Phương có mệnh hệ gì thì anh sẽ ân hận suốt đời. Tâm sự riêng với tôi, giọng Chín trầm buồn, day dứt: “Từ khi biết bệnh của Phương không chữa được, em buồn ghê lắm nhưng em không thể bỏ rơi Phương. Người xưa dạy rằng sống với nhau một ngày cũng là nghĩa, huống chi chúng em yêu nhau thực lòng, bỏ nhau lúc hoạn nạn sao đành lòng được. Gia đình em rất nhiều người khuyên ngăn, phản đối, thậm chí bố em vì buồn lo cho em mà sớm về dưới suối vàng. Nhưng em đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Mình có ở vào hoàn cảnh của Phương thì mới hiểu. Em chỉ cầu mong ông trời cho Phương được sống để con chúng em có mẹ. Dù có phải làm lụng vất vả suốt đời nuôi Phương, em cũng sẵn sàng…”. Nghe Chín nói với ánh mắt đỏ hoe, trên tay anh, đứa con vừa tròn 4 tháng tuổi vẫn đang say sưa ngủ, cả tôi và vị bác sĩ già đều không thể kìm lòng. Thực tâm, tôi không dám nghĩ tiếp điều gì sẽ đến với họ, đến với bố con chàng trai xứ miệt vườn mà chỉ thầm ước rằng: Trời luôn có mắt! Tôi tin là ông Trời có mắt thật. Bởi nếu không thì cặp “thiên tình” Chín – Phương đã chẳng thể vượt qua muôn vàn khó khăn. Và đặc biệt, bây giờ họ đã có một thiên thần 4 tháng tuổi đẹp như là ước mơ. • Minh Nguyệt Vợ chồng Chín – Phương và đứa con đầu lòng 4 tháng tuổi.(Ảnh Minh Nguyệt) . Một chuyện tình hiếm thấy giữa đời nay17: 07' 30/11/2008 (GMT+7) - Tháng 7 vừa rồi, khi đến. sinh con đầu lòng, tôi gặp một cặp vợ chồng có chuyện tình vô cùng đặc biệt mà nếu ai biết chắc chắn cũng sẽ coi đây là một “thiên tình . Duyên phận oan nghiệt