1. Trang chủ
  2. » Trung học cơ sở - phổ thông

Bố cục bài văn hay ( Phần 2)

3 528 0

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 3
Dung lượng 24,23 KB

Nội dung

<- Quay lại 3. Kết luận  Đối với mỗi bài văn, tôi bao giờ cũng chú ý gia công vào lời kết luận sao cho có dư ba. Như âm hưởng ngân nga của tiếng chuông, lời kết luận phải gây được cảm xúc bồi hồi và gợi được những cảm nghĩ mông lung không dứt trong tâm trí độc gỉa khi đọc xong câu cuối cùng của bài văn. Lời hết ý mà ý cũng hết là kết luận không hay. Lời hết mà ý không cùng mới là lời kết có nghệ thuật.   Kết thúc bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng tôi nói đến cái cá tính dễ xúc động, dễ khóc của nhà văn: "Nguyên Hồng là con người rất dễ xúc động, rất dễ khóc. Ai từng tiếp xúc với Nguyên Hồng đều thấy như thế. Khóc khi nhắc đến nỗi khổ của con người trong xã hội cũ. Khóc khi nghĩ đến công ơn của cách mạng. Khóc khi ôn lại những kỷ niệm thắm thiết của mình với bạn bè, đồng chí. Khóc cả khi kể lại nỗi bất hạnh của những nhân vật do chính mình sáng tạo ra (…)" Nguyên Hồng đã sống hơn 60 năm, đã viết hơn 40 năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời và cho nghệ thuật?  Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy có bao giờ khô cạn được chăng?" Lời kết luận một mặt phải thực hiện chức năng thâu tóm lại nội dung cơ bản của thân bài, mặt khác phải tạo được dư ba trong lòng người đọc. Thâu tóm nội dung không  phải là lặp lại đúng lời văn trong nội dung mà phải dùng một hình thức khác. Còn tạo dư ba thì phải phù hợp với nội dung của bài viết. ở bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng thì dư ba phải là gợi tình xót thương, nhớ tiếc bồi hồi đối với nhà văn yêu quý vừa vĩnh biệt chúng ta. Chọn vào cái cá tính "dễ khóc" của Nguyên Hồng, tôi cho là rất đích đáng.   Trong bài Lại đọc "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân, nhân phân tích vẻ đẹp của nhân vật quản ngục thể hiện ở thái độ ngưỡng mộ đến mức sùng kính đối với Huấn Cao, tôi chọn một lối kết luận gợi ở người đọc những suy ngẫm rộng ra về cái sang, cái hèn, cái cao cả đê tiện của con người ta trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương ở trên đời: "Cái cử chỉ đẹp nhất, cảm động nhất của nhân vật này (tức viên quản ngục) lại chính là cái cử chỉ khúm núm trước người tử tù cái đêm Huấn Cao cho chữ trong nhà ngục (…) Có những cái cúi đầu làm cho con người ta trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.   Chính Cao Chu Thần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao trong "Chữ người tử tù", có một câu thơ thật đẹp, thật sang: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy mai hoa) Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy"[1]. Cái gọi là dư ba của lời kết ở đây chính là gợi mở những ngẫm nghĩ về nhân cách con ngưòi như nói ở trên, cùng một lúc với sự thâu tóm lại – thâu tóm không phải bằng sự lặp lại mà bằng một hình ảnh mới mẻ hấp dẫn: Vẻ đẹp của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục vốn là nội dung cơ bản của bài viết.   Nói chung đối với những cây bút lớn vừa qua đời thì để tỏ lòng yêu quý ông ta, không gì hơn là nói đến sự bất tử của sự nghiệp ông ta. Trong bài viết về Xuân Diệu tôi đã kết thúc bằng cái ý ấy, tất nhiên phải tìm một cách diễn đạt mới mẻ và cảm động, lại có ý nghĩa tổng kết cuộc đời của nhà thơ – vì đây là lời kết luận: "Thế Lữ đã đánh giá cao tài năng nghệ thuật của Xuân Diệu (…) Nhưng thực ra, điểm xuất phát của Xuân Diệu đâu phải là chuyện tài. Cũng chẳng phải là chuyện thơ văn. Cao hơn nhà thơ, cao hơn nhà nghệ sĩ là một trái tim hồng muốn đập mãi với cuộc đời này, một linh hồn chân thành và rộng mở muốn sống mãi với cõi đời bất diệt này. Vì thế mà Xuân Diệu đã tìm đến với thơ văn như tìm thấy một lẽ sống.   Cuối tập "Gửi hương cho gió", ông có một bài thơ lấy tên Tình mai sau bắt nguồn từ một ý thơ trong Truyện Kiều: Mai sau dù có bao giờ  Đốt lò hương ấy so tơ phím này. Xưa kia Thúy Kiều, nghĩ đến lúc quyên sinh, đã để lại cho em và chàng Kim những vật thiêng để gọi hồn mình: "Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa". Ngày nay những vật thiêng Xuân Diệu để lại cho chúng ta là những vần thơ, những áng văn sôi nổi tình yêu, chan chứa tình đời: Nếu trang sách có động mình tuyết bạch ấy là tôi dào dạt với âm thanh (…) Thơ tôi đó gió lùa đem tỏa khắp  Và lòng tôi mời mọc bạn chia nhau… Như vậy là trong cuộc quyết đấu với cái chết, cuối cùng nhà thơ đã chiến thắng"[2].   Trong nhiều trường hợp tôi kết luận bằng một câu hỏi, khêu gợi sự suy nghĩ cho độc giả khi đọc hết câu cuối cùng: Bài về Tô Hoài: "Được sống với mọi người bình thường, được sống như một người bình thường, đó là hạnh phúc thiết thực nhất. Được viết về những người bình thường, được tìm tòi khám phá con người ở phương diện người thường, trong sinh hoạt đời thường; đó là, văn chương nhân tình, nhân bản nhất. Triết lý sống của Tô Hoài, quan niệm nghệ thuật của Tô Hoài là như thế chăng?"[3]. Bài viết về cái "Sướng" của Nguyễn Tuân "Đúng, Nguyễn Tuân là người sướng nhất.   Sướng vì chẳng cần chiều ai, chỉ chiều mình, tính khí kiêu ngạo, nhiều khi rất khoảnh, vậy mà vẫn được quý trọng. Có lẽ liên tài là một đặc điểm của nhân tính chăng?"   Bài về Quang Dũng: "Có lẽ cái gốc lớn nhất của tài năng Quang Dũng là ở đó chăng: Chân thật rất mực với lòng mình. Chân thật té ra là cả một bản lĩnh lớn lắm. Cho nên thơ cứ trong suốt mà gợi bao cảm nghĩ bồi hồi: Mẹ đã chiều em như gái nhỏ Thềm cao em bước mắt tươi cười … Có những vợ chồng  Không là trăm năm … Bỏ em, anh đi Đường hai mươi năm Dài bao chia ly…   Quang Dũng bây giờ anh đang ở đâu? Hồn thi nhân đang lang thang nơi đâu? Hẳn anh đang du ngoạn thảnh thơi giữa trời mây non nước xứ Đoài yêu dấu của anh. Bởi vì xưa kia anh từng ao ước như thế: Bao giờ trở lại đồngBuông Cấn Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc Sáo chiều khuya khuắt thổi đêm trăng…"   Trong bài Nguyễn Tuân viết yêu ngôn, tôi muốn trong lời kết luận, khẳng định cái tài đặc biệt viết về ma quỷ của Nguyễn Tuân. Nhưng tôi không muốn ca tụng một cách lộ liễu, nên mượn một câu chuyện của Kim Lân kể về Nguyễn Tuân. Và cũng kết thúc bằng một câu hỏi: "Gần đây nhà văn Kim Lân có cho tôi biết hiện tượng đặc biệt này ở Nguyễn Tuân: có một lần Kim Lân và Nguyễn Tuân cùng đi một chuyến công tác ở nước ngoài. Đến một nước bạn kia thuộc vùng Đông Âu, hai ông được xếp ở cùng khách sạn, mỗi người một buồng riêng rất đàng hoàng. Nhưng Nguyễn Tuân lại mang hành lý sang phòng Kim Lân đề nghị ở chung. Và đêm nào cũng vậy, Kim Lân bị đánh thức dậy vì Nguyễn Tuân bật đèn sáng, ăn mặc chỉnh tề, xếp quần áo đồ đạc vào va li, uống cạn một ly rượu rồi đi lại lộp cộp trong phòng y như sắp sửa lên đường vậy. Nhưng thực ra ông chẳng đi đâu cả. Vì sau đó lại cởi quần áo, thu dọn mọi thứ và đi ngủ. Kim Lân rất bực vì bị quấy nhiễu không sao ngủ được. Và ông không hiểu tại sao Nguyễn Tuân lại như thế. Giá một đêm như thế thì bảo là khó ngủ. Nhưng đêm nào cũng thế. Vả lại khó ngủ tại sao phải ăn mặc cẩn thận và sửa soạn hành lý làm gì? Cho đến nay, Kim Lân vẫn chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi ấy của mình. Ông hạ giọng nói với tôi: "Này Nguyễn Tuân thế mà lại là tay sợ ma nhé! Hay ông ta cũng là ma! Ma nên mới sợ ma. Ma nên mới viết về ma giỏi như thế chứ?" Chả lẽ lại đúng như vậy sao?"[4]   Tôi rất lấy làm đắc ý về cái kết luận này. Vừa vui, vừa đạt được ý khen, mà kín đáo, không nịnh bợ, vừa tạo được một cái gì bâng khuâng trước một hiện tượng hư hư thực thực… Nói về chuyện kết luận thì có trăm nghìn sách. Nhưng cách nào thì cách, đều phải cố thực hiện được hai chức năng: – Thâu tóm nội dung bài bằng một hình thức mới mẻ, ngắn gọn, hấp dẫn. – Tạo được dư ba trong tâm tư tình cảm của người đọc. Nhưng xét cho cùng, muốn đạt được hiệu quả đó phải chân thật, chân thật, chân thật. Tài khéo đến đâu mà không chân thật cũng vất đi, có khi lại gây "phản cảm" nữa là khác. Muốn gợi suy nghĩ cho người đọc thì bản thân mình cũng phải suy nghĩ thật sự. Muốn gây cảm xúc bồi hồi thì mình cũng phải dạt dào cảm xúc. Có một anh bạn dạy cổ văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nói với tôi: đọc lời kết bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng của anh đăng trên báo Nhân dân, tôi chảy nước mắt. Vâng, đúng là khi viết những dòng ấy tôi cũng đã chảy nước mắt.   Bố cục bài văn giống như bộ xương con người vậy. Không có bộ xương, con người đứng lên sao được! Nhưng con người mà chỉ có xương thì ghê sợ quá! Phải đắp da đắp thịt cho kín và phải cho máu chảy trong huyết quản mới thành con người sống động và đẹp. Vì thế nếu con người không được lộ xương cốt, thì bố cục bài văn cũng không được lộ liễu. Bài văn hay là từ đầu đến cuối có vẻ tự nhiên phóng túng. Mạch văn chuyển tự nhiên như không có sắp xếp bố trí gì cả. Vào đề cứ như lạc đề. Chuyển đoạn cứ như là không hề định trước. Kết luận dường như là hết ý thì phải chấm dứt thôi.   [1] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật… (Sách đã dẫn) [2] Con đường đi vào thế giới nghệ thuật… (Sách đã dẫn) [3] Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách – Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh. [4] Nhà văn Việt nam hiện đại, chân dung và phong cách (Sách đã dẫn) Hết

Ngày đăng: 21/10/2015, 00:07

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w