Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng nâng lên
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số
04 của Tỉnh ủy về nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm
2020, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên về nhiều mặt và trên nhiều lĩnh vực.
Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận, kỹ năng
làm việc, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, nhất là đội ngũ CBCC cấp xã có tiến bộ rõ nét. Việc
đào tạo, bồi dưỡng CBCC được quan tâm, từng bước gắn với quy hoạch của từng cơ quan, đơn vị, khắc
phục dần tình trạng đào tạo tràn lan, kém hiệu quả.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các
đoàn thể và tổ chức xã hội đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch để tổ chức học tập, quán triệt và
triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Để góp phần đưa nghị quyết
vào cuộc sống, UBND tỉnh xây dựng các đề án, kế hoạch như: Đề án Nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre
giai đoạn 2011-2015; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã thuộc tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định
hướng đến năm 2020; Kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 20112015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, còn tiếp tục triển khai thực hiện một số đề án, chương trình
như: Đề án Đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2010-2015; Đề án Đào
tạo 50 cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học của tỉnh Bến Tre; Kế hoạch nâng cao
chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2015… Để góp phần nâng cao nguồn
nhân lực của tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 07 quy định về chính sách trợ cấp kinh phí đào
tạo và thu hút người có năng lực, trình độ về công tác trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Xác định công tác kiểm tra, giám sát một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần
phát huy hiệu quả Nghị quyết, Tỉnh ủy và Hội đồng Đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 20132020 đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị. Qua kết quả kiểm tra
cho thấy, hầu hết Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Đảng ủy cơ sở, ngành tỉnh đều có xây
dựng chương trình hành động, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện
nghị quyết sát với điều kiện thực tế tại các cơ quan, đơn vị.
Nhiều kết quả nổi bật
Kết quả qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 04 thể hiện rõ nhất là việc thực hiện các đề án,
dự án, chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển nguồn nhân lực một cách kịp thời và phát huy hiệu quả
tích cực. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện và thành phố đã phối hợp các cơ sở đào tạo mở
nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng là người lao động, CBCC, viên chức. Từ năm 2011 đến nay,
tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 121.858 người (đào tạo mới 110.132 người; đào tạo lại, bồi dưỡng
11.726 người), qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 44% (năm 2010) lên 48,72%
(năm 2014), ước đến cuối năm 2015 là 50%.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông
thôn tham gia học nghề và có việc làm ổn định. Chương trình đào tạo nghề ở các bậc cao đẳng và trung cấp
từng bước thu hút học viên tham gia. Giai đoạn 2011-2015, tổng số lao động được đào tạo nghề ước đạt
58.643 người, trong đó ngắn hạn và sơ cấp 54.258 người, trung cấp nghề 2.790 người, cao đẳng nghề 1.595
người. Đến cuối năm 2015, lao động được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 15.831
người, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 11.645 người, lĩnh vực dịch vụ ước đạt 31.167 người. Qua
khảo sát về việc làm sau đào tạo, số học viên có việc làm sau đào tạo chiếm khoảng 70%, trong đó có 30%
làm việc đúng với chuyên ngành đào tạo, chủ yếu là nhóm ngành kỹ thuật.
Việc thực hiện tốt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã thuộc tỉnh Bến Tre giai đoạn 20112015 và định hướng đến 2020 đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý cho đội ngũ
CBCC cấp xã. Tỉnh đã đào tạo được 213 CBCC và dự nguồn cấp xã; bồi dưỡng 1.778 CBCC xã, nội dung chủ
yếu về quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nghiệp vụ về môi trường, kỹ năng giao tiếp ứng xử và
văn hóa công sở, kỹ năng quản lý cũng như điều hành cho chủ tịch và phó chủ tịch HĐND và UBND xã; bồi
dưỡng tin học cho 377 CBCC. Tính đến nay, về chuyên môn có 69,75% cán bộ xã đạt trình độ từ trung cấp
trở lên, vượt 9,75% mục tiêu đề án; 95,56% công chức xã có trình độ từ trung cấp trở lên, vượt 10,56%
mục tiêu đề án; về lý luận chính trị có 71,2% cán bộ xã đạt trình độ từ trung cấp trở lên, công chức xã có
trình độ từ trung cấp trở lên 33,7%; về bồi dưỡng quản lý nhà nước có 30,24% cán bộ và 36,93% công chức
xã được bồi dưỡng.
Đối với Đề án Đào tạo 50 cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài có trình độ sau đại học, đến
nay, tỉnh chọn được 35 ứng viên đủ điều kiện về tiêu chuẩn chính trị, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để
đưa đi đào tạo ở một số nước, với một số chuyên ngành như: chính sách công, công nghiệp, nông nghiệp
và phát triển nông thôn, xây dựng, môi trường, khoa học công nghệ… Còn 4 ứng viên đang được bồi dưỡng
ngoại ngữ tại Trường Đại học Cần Thơ. Một số học viên sau khi tốt nghiệp đã trở về nước, được bố trí công
tác và hầu hết phát huy tốt năng lực chuyên môn. Tuy nhiên việc chọn ngành nghề đào tạo còn phụ thuộc
lớn vào nguồn ứng viên dự tuyển nên chưa đặt trọng tâm vào ngành nghề phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh thật sự cần.
Từ những kết quả trên có thể khẳng định được tính đúng đắn và phù hợp của Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy
về nâng cao nguồn nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, nhất là trong
xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy ban hành kết luận tiếp
tục thực hiện Nghị quyết số 04 trong thời gian tới.