. Nhớ những ngày xuân 1975 Sau tết ất mão (1975) . Tôi, Kì, Hạnh từ Trung Hải, Gio Linh nhảy trộm lên thùng xe tải ở nam cầu Hiền Lương vào Đông Hà, đến cầu Đông Hà lại phải rón rén nhảy xuống (đây là cách đi về của cánh học sinh trung học đệ nhị Quảng Trị quê Gio Linh thời bấy giờ) rồi từ đây chúng tôi cuốc bộ về nơi trọ học. Chúng tôi ở trọ nhà Mệ Thí, thôn Trung Chỉ xã Triệu Lương. Nhà Mệ, ngôi nhà bánh ít 3 gian lợp tôn, nhà rộng chỉ một mình mệ ở. Khi chúng đến ở mệ nói : - Mấy đứa bay như thằng Bòn tao, ưng chi thì cứ nói. Tôi chỉ biết cúi đầu dạ, dạ. Chúng tôi tự nấu ăn, gạo chính phủ cấp (15 kg mỗi tháng), thức ăn chủ yếu là các loại muối do các mạ Gio Linh chế biến cho chúng tôi mang vô. Mệ Thí thường bổ sung cho chúng tôi bằng món: cá sơn, cá liệt kho khô với đường, ném và ớt cay xè, rồi thì mắm tép, canh chua mỗi bữa . Đến khi ra học đại học ở Vinh, chiều chiều ngồi học trên lớp, bụng đối lã, ngưởi mùi nước nắm chiên mỡ từ nhà bếp sinh viên tôi lại nhớ về mệ, nhớ quê miềng da diết. Mùa xuân năm ấy, Đông Hà như nóng hơn. Sức nóng từ những cơn gió lào đầu mùa mang hơi nóng từ bên kia dãy trường sơn cuốn theo bụi đỏ của những ngọn đồi bị bom đạn cày xới quất vào mặt người khô rát. Sức nóng của cổ máy chiến tranh đang vận hành tốc lực - Những đoàn xe hối hả vào chiến trường, những đoàn quân rầm rịt ngày đêm Sức nóng của nỗi khiếp sợ chiến sự đang hiện hữu trên từng nét mặt của người dân. Lũ học sinh chúng tôi thì phấn khích ra mặt, khoái chí bảo nhau mỗi khi thấy xe phaó ầm ầm đi qua : - Miềng sắp đánh to rồi, miềng sâp oánh to rồi. Những lúc như thế, Mệ Thí đứng lặng, thở dài rồi buông một câu : - Ai đi giết ai hè. Tôi nghe mà tức tối lắm, nhưng đang ở nhờ nhà Mệ nên không dám nói chi. Nhà Mệ Thí thường có các anh bộ đội vào ở nhờ, lúc vài ngày, có khi chỉ nghỉ lại vài tiếng trong đêm rồi vội vàng ra đi trước lúc trời sáng. Một lần có năm chiến sĩ đơn vị công binh ở lại đến 7 ngày, các anh trẻ lắm, xấp xỉ tuổi tôi họ sống hồn nhiên, vui vẻ, yêu đời. Tôi nhớ mãi anh Hải quê Hà Nội gốc, trắng trẻo, thư sinh, anh đang học lớp 10 thì viết đơn bằng máu, bỏ thêm đá vào túi quần cho đủ cân để được đi bộ đội. Đêm đêm, Hải thích thú cùng tôi ngồi làm toán, anh làm rất nhanh, khi không còn bài tập, anh lại kêu: - Dũng ơi, có bài toán nào đem ra cho tớ làm với. Anh khát học thật sự. Tôi quý anh - Chàng trai Hà thành tài hoa lịch lãm. Chiều chiều chúng tôi kéo ghế ra ngoài sân ngồi hóng mát. Có lần nhìn lên bầu trời, trời cuối xuân trong xanh, cao vời vợi, hứng lên tôi đọc câu thơ : " Trời vẫn xanh, một màu xanh Quảng Trị " - Quảng Trị chúng mày có màu xanh riêng à, thế Quảng Bình, Huế xanh màu gì. Hải nói, rồi cười chúm chím. Tôi lớ ngớ rồi cũng cười hì hì, chưa chịu thua tôi trả đũa: - Đố anh Hải, có câu "hòn đá nặng, hòn đá bền", để xác định độ nặng thì chỉ cần nhấc lên, còn để xác định độ bền thì phải làm sao?. - Qúa đơn giản, dùng bộc phá. Tôi bái phục anh chàng công binh thông minh hóm hĩnh. Sáng hôm sau các anh chia tay chúng tôi để đi vào chiến trường. Tuần sau lại có một anh bộ đôi đến ngủ nhờ qua đêm . Tôi hỏi anh có biết anh Hải không, anh bảo Hải đã hi sinh ngay tối cái ngày chúng tôi chia tay, bị phục kích khi vượt sông Thạch Hãn. Tôi bùi ngùi nhớ về anh, nhớ lại câu có lần Hải nói với tôi: "Chiến tranh, là sự chết của những người con ưu tú" Năm 1975 , là năm học cuối cùng của cấp 3, chúng tôi phải ôn thi tốt nghiệp, rồi thi vô đại học nhưng tình hình chiến sự đã cuốn hút hết thời gian và tâm trí chúng tôi. Dạo ấy mọi người say mê theo dõi tình hình chiến sự qua đài BBC . Cứ 6 giờ là thầy trò tập trung bên bàn, cạnh chiếc Nationan của thầy Lượng ngóng chờ tin tức. Gần đến 6 gời 30 là mọi người đều nín lặng, vẻ căng thẳng, rồi thay nhau liếc nhìn đồng hồ. Đúng 6 giờ 30 phút: "Đây là đài BBC phát thanh từ Luân Đôn " Tất thảy chăm chú ngồi nghe. Nghe xong, mọi người tranh nhau bình luận, phân tích, nhận định, hệt như tư lệnh cấp quân đoàn đang thảo luận chiến dịch.Tôi chăm chú ngồi nghe, mắt chữ o, mồm chữ i, phấn chấn. Sau Tây nguyên, đến Quảng Trị, Huế được giải phóng. Bà con từ vùng địch, lũ lượt gòong gánh, bồng bế nhau trở về làng cũ. Ở bãi đất nằm giữa sông Hiếu gần cầu Đông Hà, bà con vạn chài từ Thừa Thiên chạy ra tạm trú đông lắm, cờ giải phóng nửa đỏ, nửa xanh tung bay trên các thuyền chài. Một hôm, khoảng 6 giờ tối Linh và Niên hai thằng bạn cùng học đến nhà tôi bảo: - Dũng, đội mũ tai bèo vô rồi đi với tao, có chuyện hay lắm đó. Tôi biết hai thằng ni (Đào Công Linh và Nguyễn Thanh Niên, bạn thân của tôi) vào loại ba lém có hạng, nhưng thấy vui vui nên cũng đi theo . Chúng tôi đến bờ sông, Niên đã mượn được chiếc ghe ở đâu từ chiều, 3 chúng tôi lên ghe, tôi chèo ghe ra bãi cát . Chúng tôi bước lên bờ, dáng vẻ trịnh trọng lắm. - Xin chào bà con, bà con ra vùng giải phóng thấy thế nào. . Linh xổ cái giọng cán bộ cách mạng ra (chúng tôi ăn bận giống hệt du kích). - Vui, vui lắm mấy chú giải phóng ạ. Bà con chạy ra bãi đất này đã nhiều ngày, nay thấy mấy chú giải phóng ra thăm phấn khởi vây lấy chúng tôi ngắm nghía, hỏi han đủ chuyện. Không muốn phỉnh bà con lâu hơn, tôi nói nhỏ vào tai Niên: - Rút. Niên đằng hắng rồi lên giọng: - Thưa bà con, cách mạng tấn công thần tốc, như vũ bão, vùng giải phóng đang mở rông từng ngày, từng giờ, các anh chỉ huy bận đi tiếp quản Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn tôi thay mặt chỉ huy ra thăm bà con, bà con có nguyện vọng chi thì cứ nói. - Khôông có yêu cầu chi mô chú ơi, quê miềng được giải phóng là lão mờng rồi. Chúng tôi chào bà con rồi vào bờ. Vào bờ, tôi nói : - Bọn bay ba láp, ai lại lừa bà con. - Ba láp thế nào được, nhờ tao mà bà con an tâm phấn khởi , cảm ơn cách mạng, mày thấy khuôn mặt rạng ngời của ông lão không, đêm nay lão sẽ ngủ ngon, có thể lại nằm mơ nước Nga nữa chứ. Nghe thằng Linh nói cũng hay hay, tôi lặng thinh, thầm nghĩ : Thằng này học giỏi , bao biện tài chắc sau ni làm to đây. Chiến tranh đâu phải trò đùa Đông Hà 1972 Sau tết năm 1980, khi đã về dạy học tại trường cấp 3 Gio Linh, tôi mới có dịp vào thăm laị Mệ. . Vẫn ngôi nhà tôn thấp lè tè tôi buớc vào phải cúi, cửa mở rộng, vào nhà không thấy ai. Tôi nhìn lên bàn thờ thấy có thêm 3 bát hương. Ảnh Mệ ở giữa, bên trái là ảnh anh bộ đội, bên phải là ảnh người đàn ông mặt áo trắng. Tôi đến bên bàn thờ thắp hưong rồi đứng lặng hồi lâu. Thấy khách lạ, có một chị từ nhà bên chạy sang, chị nói là cháu gọi Mệ bằng dì. Chị kể. Sau giải phóng Mệ nhận một lúc hai tin dữ . Anh Bòn là cán bộ giảng dạy đại học , đi bộ đội hy sinh năm 1972 tại Thành Cổ ; Người mang áo trắng là anh Quyết con đầu của Mệ, đi lính cộng hoà chết trận ở Buôn Mê Thuột năm 1975. Tuổi già, không chịu nỗi cái đau quá lớn Mệ đã ra đi sau đó một năm. Đến lúc này tôi mới hiểu hết câu nói và tấm lòng của Mệ cách đây 5 năm " ai giết ai hè" nước mắt tôi tự nhiên rơi lã chã. Tôi thắp hương lần nữa, vái chào mệ rồi ra về. . Trên đường trở ra Gio Linh, tôi cặm cụi đạp xe, đầu cúi xuống để tránh cái lạnh tê tái cuối mùa, lòng trĩu nặng, từ quán cà phê vọng ra lời hát " bởi chiến tranh, chiến tranh đâu phải trò đùa " Nghe mà buồn đến não ruột. Miền cát chay 29 tháng 4 năm 2010. . . Nhớ những ngày xuân 1975 Sau tết ất mão (1975) . Tôi, Kì, Hạnh từ Trung Hải, Gio Linh nhảy trộm lên thùng xe tải ở. tôi lại nhớ về mệ, nhớ quê miềng da diết. Mùa xuân năm ấy, Đông Hà như nóng hơn. Sức nóng từ những cơn gió lào đầu mùa mang hơi nóng từ bên kia dãy trường sơn cuốn theo bụi đỏ của những ngọn. sinh ngay tối cái ngày chúng tôi chia tay, bị phục kích khi vượt sông Thạch Hãn. Tôi bùi ngùi nhớ về anh, nhớ lại câu có lần Hải nói với tôi: "Chiến tranh, là sự chết của những người con