Biết đau để biết yêu thương nhiều hơn Cơn mưa cuối đông cuốn theo gió, cuốn theo cái se lạnh phả vào kí túc xá chút buồn chênh vênh. Ngày mai đã là cuối tuần, đèn học thôi đỏ hoe nơi góc bàn mỗi đứa. Cả bọn nằm quấn chăn nhưng không ngó đầu ra trò chuyện, tâm sự mà mỗi đứa trôi về một miền thương nhớ. Miền thương nhớ nơi tôi có cô, có lời cô dạy mà đi suốt cuộc đời này không bao giờ tôi quên: “ Em hãy biết đau để biết yêu thương nhiều hơn!” Cô Hẹn - Cô giáo chủ nhiệm lớp 9C chúng tôi ngày ấy. Học kỳ II lớp 9 nhà trường thông báo cô Hẹn sẽ thay cô Thắng (về nghỉ hưu) chủ nhiệm lớp, chúng tôi không quá bất ngờ. Bởi vì khi bước chân vào cổng trường THCS Xuân Sơn, chúng tôi đã được học môn Ngữ văn do cô dạy. Cô dành tình cảm đặc biệt đối với lớp, quan tâm tới lớp chẳng khác gì cô giáo chủ nhiệm. Các anh chị khoá trên thường nói nhỏ với chúng tôi rằng: Cô Hẹn “ hắc xì dầu” lắm đấy! Cô nổi tiếng là một “ Bao Công xử án”. Có vụ nghịch ngợm, trốn học đánh điện tử nào cô cũng ra tay khiến bọn Tuấn “ếch”, Lộc “chúa” khiếp vía. Cô rất nghiêm khắc nhưng cũng cực kỳ tâm lý. Những giờ ra chơi ngồi bên cô trò chuyện hay những lần cả lớp tụ tập ở nhà cô nấu nướng, luộc khoai, luộc sắn cô đều nhẹ nhàng khéo léo động viên cổ vũ chúng tôi cố gắng học tập, biết suy nghĩ cho tương lai của mình. Qua những lần như vậy, cô hiểu rõ về hoàn cảnh, cuộc sống của mỗi đứa. Tôi được cô ưu ái quan tâm nhiều nhất. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố tuyệt vọng đắm chìm trong hơi men còn mẹ phải đi tha phương lao động trên đất khách với hi vọng kiếm được chút tiền cho anh em tôi ăn học. Mười hai tuổi xa mẹ, thiểu thốn tình cảm của mẹ, tôi cô đơn và nhớ mẹ vô cùng. Trong kỳ thì chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường năm lớp 6 với đề bài: Viết về người mà em yêu thương nhất. Tôi đã viết về mẹ với một cảm xúc chân thành, chất chứa bao nỗi nhớ nhung cùng tình yêu giản đơn mà cũng thật lớn lao đối với mẹ. Bài văn của tôi được cô khen ngợi rất nhiều. Cô nói: “con có năng khiếu học văn, hãy gửi bài văn này sang nước ngoài cho mẹ chắc mẹ sẽ vui và tự hào lắm đấy”. Tôi sung sướng vô cùng. Rồi cô chú ý bồi dưỡng, khuyến khích động viên tôi phát huy năng lực sẵn có cuả mình. Từ đó, học văn đã trở thành niềm đam mê trong tôi. Tôi mong đến giờ Văn để được nghe giọng truyền cảm lạ lùng của cô, để được nghe chất bình văn thơ sắc sảo của cô.Tôi không còn thấy tủi thân nữa, xa mẹ tôi có cô bên cạnh. Cuộc sống trong tôi tràn ngập những ước mơ xinh đẹp ghim lên nhịp thời gian những nốt nhạc tươi sáng. Nhưng nốt nhạc tươi sáng vỡ tan, ước mơ xinh đẹp vụn vỡ khi mẹ phải nghỉ việc làm khi chưa hết hợp đồng. Những khoản nợ đè lên đôi vai gầy của cha mẹ. Và tôi biết cuộc sống đã không yên bình, vui vẻ như bài ca tôi vẫn hát ngày bé nữa: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”. Tôi buồn lắm! Nỗi buồn luôn ngự trị trong tôi. Tôi dần thu mình lại, xa cách với tất cả mọi người. Càng ngày tôi càng lặng lẽ, thản nhiên, mặc kệ mọi chuyện xảy ra xung quanh. Tôi chỉ biết có tôi thôi, sự lạnh lùng của tôi đã nhiều lần làm mẹ tôi bật khóc. Có lần mẹ còn bảo tôi ác. Chứng kiến những đau khổ bất hạnh của bao người mà tôi không bày tỏ chút cảm xúc nào. Tôi không còn là cô bé nhiều nước mắt giận hờn kia nữa. Tôi nhớ, một sáng mùa hè đạp xe xuống nhà cô để mượn tác phẩm ‘Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh. Cô nói tôi nên đọc. Hai cô trò ngồi nói chuyện trong căn phòng nhỏ với những giá sách đã cũ mà sách thì đủ loại được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Cô nói “ Thời gian này em thay đổi nhiều quá! Những bài văn viết thiếu cảm xúc trở nên nhạt nhẽo vô hồn. Cô không còn muốn đọc nữa.” Ánh mắt cô thoáng nét buồn. Tôi không dám nhìn lâu vào ánh mắt ấy, nó làm tôi xấu hổ và cảm giác có lỗi nhiều lắm. Tôi biết: Cô đã đặt niềm tin vào tôi nhiều mà tôi lại làm cô thất vọng. Tôi bất lực với bản thân. Cuộc sống gia đình với những khổ đau của người mẹ khiến tôi chán ngán, khiến tôi ích kỉ chỉ biết có mình để rồi không viết nổi một bài văn. Tôi cúi mặt. Cô với tay lên giá sách lấy cuốn ‘ Chân trời cũ’ và nói: - Cậu bé Hồ Dzếnh nhiều yêu thương lắm, dù cuộc sống gia đình không yên ả. Cậu bé ấy đã vơ vào lòng những gì là đau khổ nhất, khóc cho ngày xưa không bao giờ trở lại. Em hãy học tập cậu bé ấy. Hãy biết đau để biết yêu thương nhiều hơn! Cố lên em nhé! Tôi bật khóc, đã lâu rồi tôi không khóc được. Cô nói đúng, tôi phải biết đau với nỗi đau của mọi người không thể vì lý do gì mà biến mình thành người vô cảm, thờ ơ trước cuộc sống. Yêu thương vẫn luôn quanh tôi. Lại một lần nữa, cô cho tôi niềm tin, cô cho tôi niềm xúc động dâng trào. Giờ đây khi đã trở thành sinh viên khoa Văn của trường Sư phạm, tôi vẫn luôn nhớ về cô, về lời nói của cô hôm nào. Tôi đã lớn lên bằng tình yêu thương của cô, lớn lên bằng lời dạy của cô. Mỗi lần đi học xa về tôi luôn đến thăm cô trong cảm giác bình yên ấm áp như trở về bên mẹ yêu thương. Vẫn là cô của ngày xưa, vẫn là những lời ân cần, quan tâm và cả lo lắng cô dành cho tôi. Cũng vẫn là những trang tài liệu cần thiết cho tôi, những quyển sổ những tập giấy mà cô đã chuẩn bị từ lâu đợi tôi về. Và lần nào cũng vậy, tiễn tôi ra ngoài đường phố đón xe lên trường cô đều dúi vào tay tôi mấy đồng, tuy không nhiều nhưng tôi biết đó là tấm lòng, là tình cảm mà cô dành cho tôi động viên tôi: hãy cố lên! Cô ơi! Ân tình của cô biết đến bao giờ con mới báo đền được. Con đã được nhận từ nơi cô trái tim của một người mẹ. Ngàn lần con muốn nói: “ Con cám ơn cô thật nhiều!” . đứa trôi về một miền thương nhớ. Miền thương nhớ nơi tôi có cô, có lời cô dạy mà đi suốt cuộc đời này không bao giờ tôi quên: “ Em hãy biết đau để biết yêu thương nhiều hơn! ” Cô Hẹn - Cô giáo. Cậu bé ấy đã vơ vào lòng những gì là đau khổ nhất, khóc cho ngày xưa không bao giờ trở lại. Em hãy học tập cậu bé ấy. Hãy biết đau để biết yêu thương nhiều hơn! Cố lên em nhé! Tôi bật khóc,. Biết đau để biết yêu thương nhiều hơn Cơn mưa cuối đông cuốn theo gió, cuốn theo cái se lạnh phả vào kí túc xá chút