ĐIỂM BÁO KHỐI 9 NĂM HỌC 2013-2014 Kính thưa quí vị Đại biểu, Kính thưa quí thầy giáo, cô giáo và các em học sinh ! Đã từ lâu ngày 20/11 đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học trò. Ngày 20 - 11 hàng năm, ngày lễ và cũng là ngày vui của các thầy cô giáo, ngày để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến những người cha người mẹ thứ hai đã dạy dỗ chúng ta nên người. Đối với những học trò ở nông thôn như chúng ta, một bó hoa dâng tặng cho thầy cô giáo trong ngày này chắc có lẽ là còn xa xôi, nhưng những món quà tinh thần bằng một bài thơ, một đoản văn mà các em tự viết để dâng tặng, thể hiện tình cảm với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Đó là quí thầy cô giáo kính yêu của mình thì chắc có lẽ là không khó lắm đối với mỗi học sinh chúng ta ! “Nét bút tri ân”của tất cả học sinh trường trường ta, được khởi động từ rất sớm. Nhà trường đã phát động các lớp làm báo tường chào mừng ngày nhà giáo VN - 20/11 trong thời điểm các hoạt động của nhà trường bộn bề. Thời gian hơn một tháng cũng đủ và điều kiện để các em hoàn thành tờ báo của lớp. Thế là 14 tờ báo đồng loạt ra mắt đúng hạn. Tờ nào hình thức, trang trí cũng đẹp, đúng qui cách. Thay mặt quí thầy giáo, cô giáo trong toàn trường tôi chúc mừng các ban biên tập và những sáng tác quí giá đã góp mặt vào trang báo của các lớp. Các em hs thân mến ! Một bài làm văn trên lớp, dù em chỉ đạt điểm 5 hay thấp hơn, thậm chí chỉ đạt điểm 2 thôi. Kết quả đó cũng là thường tình vì các em chưa chăm học, thiếu rèn luyện … viết báo thì hoàn toàn khác. Bởi lẽ, văn hay thơ chỉ là phương tiện để ghi lại cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ …. Không có cảm xúc chân thành khó mà có được một bài văn hay, một bài thơ hay. Văn-thơ có biểu đạt được tâm hồn, tình yêu thương của người viết thì mới là văn hay, thơ hay. Tâm hồn và tình yêu thương thì em hs nào mà không có. Tâm hồn hồn nhiên, tình yêu thương hẵn có trong mỗi con người. Các em ngày một lớn thêm, thì tâm hồn và tình cảm cũng được vun đắp dồi dào, phong phú hơn theo dòng đời. Các em đếu biết.Thực tại em có một thì ước mơ và khát vọng em có đến trăm vạn lần. Ước gì mà chẳng có, miễn là ta đừng nghĩ đến những điều mà người đời cười chê là được. Chữ “văn” là đẹp, viết văn là viết về cái đẹp, đẹp trong cách nghĩ, đẹp trong cách sống, đẹp trong mắt bè bạn… rộng ra là đẹp cả con người và cuộc sống. Tấm lòng chân thật, tình cảm chân thành chính là gốc rễ của mọi cái đẹp trên đời này. Các bài viết của các em trên báo đã thể hiện được tiếng nói nồng thắm chấn thật của tình thầy trò, của tình bạn bè, và trường lớp. Với tôi, tấm lòng biết ơn của các em trên những trang viết này, có lẽ đó là điều lớn lao nhất mà các em nên làm. Trong ngày 20/11 này, Thầy, cô giáo đón nhận những bài viết của các em như đón nhận món quà vô giá đó. Bởi lẽ, mỗi bài viết là một tấm lòng yêu kính. Một tấm lòng luôn nhớ đến người thầy người cô, một tấm lòng luôn khắc ghi những điều thầy cô dạy…để làm hành trang mang theo suốt cuộc đời. Thầy mong rằng : Tấm lòng biết ơn ấy sẽ là động lực phấn đấu để mỗi em tự vươn mình lớn dậy trên đường đời mai sau. Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn sự hối hận đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Bài “Kĩ niệm về thầy” của em Nguyễn Thị Kim Linh lớp 9/1 là một ; Em Đặng Thị Thu Thảo Lớp 9/3 là hai; Em Thanh Thúy lớp 9/3 là ba, bài “Chiếc cúc áo” của em La Quốc Dũng lớp 9/2 là bốn, bài của em Hồ Thị Diệu Linh lớp 9/2 và còn nhiều bài viết nữa. Đó là từ những sự việc nhỏ thôi như lỡ tay, vung nước làm ướt áo thầy, … đến hình ảnh hai dòng nước mắt hạnh phúc nóng bỏng trào dâng lăn dài trên má của một học sinh nam, chỉ từ việc làm của cô giáo đơm lại chiếc cúc áo đã rơi cho mình. đã làm em xúc động … Em khóc đã làm cô giáo sững sờ, cô mới hiểu ra : nỗi niềm khát khao của một hs sống trong hoàn cảnh thiếu bàn tay chăm chút của mẹ - không có mẹ không ai đơm lại cúc áo cho em … Vậy đó, từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nếu mỗi người học sinh chúng ta biết quan tâm đến nó, ghi lại với những dằn vặt, đắn đo, suy nghĩ bằng một cảm xúc chân thật thành văn, thành thơ. Bài văn, những dòng thơ ấy đã mang cái hồn của người viết rồi. Vì nó đã chứa cái tình, chứa niềm tin và khát vọng của cuộc sống tốt đẹp Trong ba tờ báo của khối 9, “Suối nguồn” của 9/1, xuất sắc nhất, nét bút tên báo nổi bật hẵn lên trong màu mực đen lánh, sắc nét kiểu chữ thư pháp chân phương. Bố cục cân đối. Các thư mục, đồng nhất một nét bút, trang trí hình ảnh hài hòa toát lên một phong cách rất riêng. Ban biên tập chọn hình thức báo líp rất phù hợp với lượng bài phong phú, ẩn trong trang bìa của từng thư mục. Văn có đến 10 bài. Thơ có đến 16 bài. Các thư mục khác gồm : Lời hay ý đẹp, Vui cười, Sưu tầm Tờ “Nét bút tri ân” lớp 9/3 là một tờ báo líp nữa, có đủ các thư mục. Văn có 5 bài, thơ có 7 bài. Các thư mục khác gồm vui cười, sưu tầm và chép nhạc … nhưng bài viết ngắn, số lượng bài khiêm tốn, nét chữ tên báo chưa mạnh, nhìn toàn cục chưa được cân đối hài hòa lắm. Tờ “Vươn mình” lớp 9/2 : cách bố cục các bài viết chưa phân bố rõ từng hình khối, khung chữ và mãng hình minh họa chưa hài hòa, chữ dày đặc không có khoảng trống chừa lề. Nhìn vào tờ báo như đi vào khu vườn tạp chưa được qui hoạch. Số lượng bài, tờ báo lớp 9/2 là khiêm tốn nhất. Về nội dung : Lời ngỏ là một phần không thể thiếu trong tờ báo tường. Để có một tờ báo tường ấn tượng thì trước hết, cần phải có một lời ngỏ hay. Lời bày tỏ ý nghĩ, tình cảm của chủ bút – ban biên tập báo đến bạn đọc. Lời ngỏ có sức hấp dẫn, bởi nó gợi được nội dung của bài viết và những đặc sắc của tờ báo. Đặc biệt hơn nữa là sự mời chào, lời tự bạch thể hiện thái độ mời đón bạn đọc như thế nào ? Chưa có lời ngỏ tạo được ấn tượng trong 3 tờ báo của khối 9. Người đọc báo đi tìm cảm xúc, hướng tìm về cái đẹp trong mỗi sáng tác của người viết. Cảm xúc sâu sắc nhất thể hiện trong những bài viết của các em là : hình ảnh người thầy giáo, cô giáo ngày ngày trên bục giảng. Ngay trong lời ngỏ của tờ “Suối nguồn” : Thầy cô là người ươm mầm, gieo hạt cho đời, là dòng suối nguồn, tưới mát cho những chồi non đâm hoa, kết trái. Nhận thức của các em về vai trò người thầy, người cô thật chín chắn. Em Nguyễn Linh - 9/1 : sẽ không có người học trò nào có thể thành công trong cuộc sống và bước tới tương lai tốt đẹp mà không có sự dìu dắt, dạy bảo của thầy cô cả. Em Trương Hữu Vinh – 9/1 : những gì thầy cô đã tạo cho chúng em rất thiêng liêng cao quí, chẳng khác gì cha mẹ của chúng em. “rồi từng ngày, từng ngày chúng em bước lên những bậc cao hơn của nấc thang kiến thức đã có thầy cô giáo dõi theo, Sẽ mãi theo chúng ta trên bước đường đời.” Ngày 20/11 đã trở thành dịp đặc biệt để những cô cậu học trò thể hiện tình cảm với những người đã luôn tận tình dìu dắt mình lớn lên. Đó là thời gian để các em nhìn lại, suy ngẫm về mỗi bước chân trưởng thành của chính mình, để nhớ về người thầy, người cô giáo tận tụy. Em Nguyễn Linh - 9/1 viết : có đôi lúc, chúng em thấy những ánh mắt mệt mỏi nhưng vẫn không thiếu đi lòng nhiệt huyết của thầy cô. Em ước mong : ước thời gian ngừng trôi để những mái tóc của thầy cô yêu quí không bạc đi.” Đọc trên Face book của cựu hs của trường, tôi đọc được dòng cảm thức của một hs cũ : trên dòng đời hối hả, giữa nhịp sống bon chen của thành phố trẻ này, ta giật mình ngỡ ngàng … ủa ! ta đã lớn … mà quí thầy cô mến thương của ta, giờ - tóc đã bạc thêm. Liệu ta có về thăm lại trường xưa trong dịp 20/11 năm này không nữa ? Đọc những dòng này, thầy vẫn nghĩ cuộc đời như dòng suối chảy mãi, chảy mãi … hòa ra biển lớn, rồi tan vào hư vô, có lúc nào dừng đâu. Mới ngày nào đây bước vào trường THCS /TQK là hs lớp 6 đầy bỡ ngỡ mà nay đã lớp 9 rồi ư ! Em Nguyễn Thị Cẩn -9/1 đã liên tưởng đến buổi học cuối cùng tại mái trường này : nhìn các bạn thấy ai cũng tâm trạng : một nỗi niềm, một nỗi buồn hiện lên trong ánh mắt … bảng đen, phấn trắng, ghế bàn với giọng giảng bài đầm ấm của thầy cô sẽ còn lại với trường, với lớp … còn chúng tôi cùng bạn bè yêu dấu phải chia xa. Chúng tôi nghẹn ngào xót xa ghi lại tất cả … vào trong kí ức không quên. Học sinh của trường luôn nhớ về những kỉ niệm với thầy cô đáng kính và những hình ảnh thân thương không thể nào quên của lớp. Em Võ Thị Thu Ngân -9/1 sử dụng cặp quan hệ từ “ Nếu thì…” để diễn đạt suy nghĩ, nhận thức của mình về con đường học tập và người thầy rất hay, rất ấn tượng “ nếu kiến thức là thế giới mênh mông rộng lớn thì thầy cô giáo là người mở cánh cửa đưa chúng em vào khám phá chân trời bao la ấy. Nếu mỗi cuộc đời là một cánh diều thì thầy cô giáo là ngọn gió nâng cánh diều bay cao xa. Thầy cô là nắng ấm, là phù sa vun bồi cho cây xanh tốt, cho trái ngọt quả lành. Em Nguyễn Thị Kim Liên -9/1 lại nghĩ : thầy cô giáo giống như con ong thầm lặng giữa ngàn hoa đề chắt chiu cho đời những giọt mật tinh túy và thơm ngọt nhất. Là thầy giáo dạy Ngữ văn, là giám khảo chấm báo tường, thầy cảm ơn các em rất nhiều. Các bài viết của các em mượn những hình ảnh đẹp nhất, ý nghĩa nhất để khắc họa những chân dung, hình ảnh đẹp về người thầy,cô giáo ; đã khơi dậy lòng yêu người, yêu nghề, động viên những tấm gương thầm lặng của các thầy, cô đã phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người. Và chính dòng chữ này của các em có thể là những trăn trở, lo âu của thầy cô giáo, bởi trách nhiệm nặng nề, còn nhiều thử thách, cam go trong những thời gian tới. Về diễn đạt : văn viết của các em khá mạch lạc, khúc chiết. Xét trên phương diên thể loại chưa có bài viết nào thể hiện chủ ý của tác giả là viết tản văn tùy bút, cảm nghĩ …. truyện ngắn thì càng không có. Thầy xin chúc mừng các em. Về tác phẩm thơ : 3 tờ báo có đến 26 bài thơ. Trong đó lớp 9/1 đã 16 bài thơ rồi. Lớp 9/2 có cả vè nữa. Nhưng chưa có bài nào là thơ hay cả. Thầy nhớ báo những năm học trước thơ nhiều hơn văn. Ý thơ có nhiều nhưng vốn liếng ngôn ngữ thơ của những tác giả thơ năm nay ít quá. Ý thơ thì giàu nhưng lời thơ thì nghèo quá không đủ sức diễn đạt hồn thơ. Thơ nào cũng có lề luật, có vần. Thơ tự do : vần thơ được gieo vút theo cảm xúc của hồn thơ. Thơ lục bát : thể thơ thuần túy của dân tộc Việt quá quen thuộc, số chữ trong câu, cách gieo vần theo luật, không thể khác được. Vậy mà các nhà thơ cứ cố phá cách thì làm sao đạt được. Thì cố đi tìm những câu thơ ý vị đâu đó … Một bài thơ tiêu đề đã làm tôi chú ý : Một ngày vắng thầy tác giả em Võ Trần Thị Phúc 9/2 “ Một ngày thầy không đến / Bục vắng thầy buồn tủi/ Gió đợi thầy ngoài hiên … Lớp học vắng thầy rồi / Ngoài trời mưa cứ rơi.” còn bài thơ Mái trường yêu của em Nguyễn Quyết Tiến 9/2, Bài Mái trường yêu “ 12 năm rồi đấy/ ngôi trường giờ khác xưa / Khoát lên mình áo mới “. Thơ không phải chỉ có âm vần nghe êm êm, mà phải có hồn, có ý mới là thơ. Thầy rất tâm đắc 2 câu thơ trong bài thơ “Giờ học cuối” của em Nguyễn Thị Kim Liên 9/1: “Tan trường giờ học cuối Nỗi buồn trong niềm vui” Giờ học cuối khép lại bậc học THCS, chia tay trường lớp bạn bè, chia tay thầy cô giáo, chia tay mái trường quê hương của mình sao mà không buồn được. Nhưng điều lớn hơn, bao hết tất cả những cái buồn trong 4 năm học là niềm vui, câu thơ rạng rỡ hẵn lên mở ra bao niềm vui : sự trưởng thành, thành tích học tập, hy vọng, kì vọng trên bước đường tương lai. Ý thơ này chính là cái hồn của bài thơ, bởi nó biểu hiện cái đẹp nhất trong sự lớn lên, trưởng thành của một học sinh cuối cấp. Thầy rất mong em nào cũng lớn lên từ câu thơ “nỗi buồn trong niềm vui”. Thầy xin được lấy ý thơ này để kết thúc bài điểm báo tường khối 9 năm nay. xin chúc các em học giỏi, sáng tác văn thơ giỏi hơn nữa. Thầy xin cảm ơn những tấm lòng tri ân, biết ơn của các em với các thầy giáo cô giáo của trường. Mỗi em hãy khắc ghi câu danh ngôn : "Ngọc không mài không sáng, người không học không tài” . vào tờ báo như đi vào khu vườn tạp chưa được qui hoạch. Số lượng bài, tờ báo lớp 9/2 là khiêm tốn nhất. Về nội dung : Lời ngỏ là một phần không thể thiếu trong tờ báo tường. Để có một tờ báo. sáng tác quí giá đã góp mặt vào trang báo của các lớp. Các em hs thân mến ! Một bài làm văn trên lớp, dù em chỉ đạt điểm 5 hay thấp hơn, thậm chí chỉ đạt điểm 2 thôi. Kết quả đó cũng là thường. các lớp làm báo tường chào mừng ngày nhà giáo VN - 20/11 trong thời điểm các hoạt động của nhà trường bộn bề. Thời gian hơn một tháng cũng đủ và điều kiện để các em hoàn thành tờ báo của lớp.